Trung quốc, Hoa kỳ và kinh tế thế giới

Vietsciences-Nguyễn Trường              01/08/2010

 

Những bài cùng tác giả

                           

QUAN HỆ KINH TẾ ĐAN XEN

Một trong những nguyên nhân đưa đến tình trạng căng thẳng trong các quan hệ quốc tế gần đây, đặc biệt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (TQ) là hối suất đồng nhân dân tệ (renminbi - RMB). Được duy trì ở một mức thấp và cố định đối với đồng USD, hối suất đồng RMB đã gây trở ngại không ít cho quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Lãnh đạo một số quốc gia trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích TQ nhào nặn hối suất đồng RMB. Từ năm 2003, TQ luôn bán đồng RMB và mua các ngoại tệ, đặc biệt là đồng USD, với mục đích hạ thấp giá trị đồng RMB nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Vào thời điểm đó, TQ đã gặt hái được 10 tỉ USD thặng dư mỗi tháng, và cân thương mãi hữu hình đã tích lũy một số thặng dư 46 tỉ.

Ngày nay, số thặng dư hàng tháng đã lên đến 30 tỉ và tổng số ngoại tệ dự trữ cũng đã trên dưới 2,400 tỉ USD. Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), chương mục vãng lai của TQ sẽ thặng dư trên 450 tỉ riêng trong năm 2010 - gấp 10 lần con số năm 2003. Đây là chính sách hối suất bất cân xứng nhất một siêu cường đã và đang theo đuổi.

Đã hẳn, chính sách kinh tế vừa nói của TQ đã gây tai hại nghiêm trọng cho phần còn lại của thế giới. Hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới hiện đang kẹt trong tình trạng thiếu thanh khoản và suy thoái trầm trọng, nhưng không thể hồi phục qua biện pháp cắt giảm lãi suất vì lãi suất hiện cũng đã xuống gần số không. Qua việc theo đuổi một chính sách ngoại thương nhằm thành đạt một ngạch số thặng dư không mấy chính đáng, TQ, trong thực tế, đã áp đặt một phương cách chống kích cầu lên phần còn lại của thế giới, một lỗ hổng lãnh đạo các đại cường  khó thể bù đắp.

Trước thực trạng nầy, cấp lãnh đạo nhiều nước đang chờ phản ứng của Mỹ.

Theo luật, Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ phải phúc trình hai lần mỗi năm nêu danh tính những nước "đã nhào nặn hối suất đơn vị tiền tệ của mình đối với đồng USD với mục đích ngăn trở các điều chỉnh hữu hiệu trong cân chi phí hay giành lợi thế để cạnh tranh bất chính trong mậu dịch quốc tế"[1]. Chủ đích của đạo luật rất rõ ràng: phúc trình là một văn kiện xác định tình hình thực tế, không phải chỉ là một xác định chính sách. Tuy nhiên, trong thực tế, Bộ Ngân Khố vừa không muốn có hành động cụ thể đối với đồng RMB cũng như không muốn làm những gì luật pháp đòi hỏi: giải thích trước Quốc Hội lý do tại sao không hành đông. Thay vào đó, Bộ Ngân Khố, trong 6, 7 năm qua, đã giữ thái độ làm ngơ như chẳng thấy gì.

Lý do không nói ra: Bộ Ngân Khố muốn tránh phản ứng của TQ, nói một cách khác, không dám khiêu khích, e ngại TQ có thể sẽ tung ra thị trường phần lớn khối lượng tích sản USD dự trữ.

Câu hỏi cần được đặt ra: Điều gì sẽ xẩy đến nếu TQ tung ra bán phần lớn tích sản USD của họ? Lãi suất sẽ tăng vọt? Chắc là không. Lãi suất ngắn hạn của Mỹ sẽ không thay đổi vì Cục Dự Trữ đang duy trì lãi suât ngắn hạn ở mức gần số không, và sẽ không nâng cao cho đến lúc nào tỉ lệ thất nghiệp sụt giảm. Lãi suất dài hạn có thể tăng lên đôi chút, nhưng  phần lớn còn tùy thuộc ở sự chờ đợi của thị trường về lãi suất ngắn hạn trong tương lai. Và Cục dự trữ luôn có thể bù đắp bất cứ tác động nào trên lãi suất bằng cách mua vào các trái phiếu dài hạn.

Đã hẳn, nếu TQ bán ra các tích sản USD, đồng Mỹ kim sẽ mất giá đối với các ngoại tệ mạnh khác, như đồng euro chẳng hạn. Nhưng điều nầy sẽ có lợi cho Hoa Kỳ, bởi lẽ hàng Mỹ sẽ hạ giá và tăng tính cạnh tranh, nhờ đó, sẽ giúp giảm thiểu khuy khiếm trong cân thương mãi. Mặt khác, điều nầy sẽ bất lợi cho TQ, vì TQ sẽ thua thiệt khi số mỹ kim dự trữ kếch sù mất giá.

Vì vậy, Hoa Kỳ không có lý do phải sợ TQ.

 Một câu hỏi khác cần được trả lời: Hoa Kỳ nên làm gì ?

Nhiều nhà phân tích nghĩ, Hoa Kỳ nên thương thảo với TQ thay vì đối đầu.

Nhưng điều đó Hoa Kỳ đã từng làm trong nhiều năm và chẳng đi đến đâu, trong khi số thặng dư trong cân thương mãi TQ ngày một tăng vọt.  Vào đầu tháng 3-2010, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo đã tuyên bố một cách sống sượng: đồng RMB không hề bị định giá thấp, trong khi Viện Kinh Tế Quốc Tế Peterson ước tính đồng RMB đã được định giá thấp khoảng từ 20 đến 40%. Và họ Ôn đã tố cáo các quốc gia khác đang làm những gì TQ thực sự đang làm: tìm cách làm suy yếu đơn vị tiền tệ của chính mình "chỉ để tăng xuất khẩu".

Dù sao, nếu thương thảo dịu ngọt không thành công, liệu Hoa Kỳ có thể làm gì khác?

Năm 1971, Hoa Kỳ đã phải đối diện một sự kiện tương tự, nhưng ít nghiêm trọng hơn, liên quan đến việc đánh giá thấp đơn vị tiền tệ của một số quốc gia, và đã áp đặt một thuế quan phụ thu tạm thời 10% lên hàng nhập khẩu trong vài tháng, cho đến khi Đức, Nhật, và một số các quốc gia khác, chịu nâng giá đơn vị tiền tệ của mình đối với đồng USD. Cho đến nay, người ta thấy khó lòng thuyết phục TQ thay đổi chính sách trừ phi phải đối diện với một đe dọa tương tự - nhưng lần nầy thuế suất phụ thu có lẽ phải cao hơn nhiều, 25% chẳng hạn.

LẬP TRƯỜNG CỦA TRUNG QUỐC VÀ HOA KỲ

Chiều ngày 19-6-2010, TQ loan báo sẽ cho phép hối suất đồng RMB tự do lên xuống, một động thái nhằm giảm thiểu sự chỉ trích các chính sách kinh tế TQ ở trên thế giới và tháo ngòi một trong những nguyên nhân gây căng thẳng lớn lao nhất giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn.

Bản tuyên bố của ngân hàng trung ương TQ là dấu hiệu rõ ràng Bắc Kinh sẽ cho phép đơn vị tiền tệ của mình dần dà tăng giá đối với đồng USD. Lãnh đạo thế giới sẽ họp mặt một tuần sau đó để thảo luận các vấn đề kinh tế, và chính sách tiền tệ của TQ sẽ có thể là nguyên nhân đưa đến xung đột.

Hoa Kỳ cùng với một số quốc gia thúc đẩy TQ chấp nhận thả nổi đồng RMB. Nhiều dân biểu nghị sĩ trong Quốc Hội Mỹ tin: chính sách hối suất của TQ đã đem lại cho Bắc Kinh lợi thế không chính đáng trong mậu dịch quốc tế, và hiện đang có một phong trào ngày một lớn mạnh đòi hỏi phải hành động trả đũa nếu TQ không chịu điều chỉnh.

Tuy nhiên, T T Obama và bộ trưởng ngân khố, Timothy F. Geithner, đã nhanh nhẩu khen ngợi hành động của TQ. Obama tuyên bố: "Quyết định tăng tính uyển chuyển của hối suất là một bước xây dựng có thể giúp bảo đảm tiến trình phục hồi và đóng góp vào một nền kinh tế toàn cầu quân bình hơn"[2]. Ủy Hội Âu Châu cũng đồng tình ủng hộ động thái vừa nói.

Dù sao, người ta cũng phải đợi xem: liệu động thái đó sẽ giúp tái lập quân bình mậu dịch quốc tế đến mức nào. Ngân Hàng Nhân Dân TQ, thận trọng trong chừng mức đồng RMB có thể dao động, đã minh thị cảnh báo: "hiện không có cơ sở cho một sự tăng giá quan trọng trong hối suất đồng RMB"[3]. Các quan chức TQ nói rõ, đồng RMB sẽ thay đổi tương đối với một giỏ ngoại tệ không được liệt kê, chứ không chỉ với đồng USD.Theo nhiều chuyên gia, tùy theo hệ thống được thiết kế như thế nào, TQ có thể tránh các điều chỉnh chóng vánh. Bộ trưởng Ngân Khố Geithner cũng ám chỉ như vậy khi nói: "Đây là một bước tiến quan trọng, nhưng sự thử thách sẽ ở biên độ và nhịp độ cho phép đơn vị tiền tệ lên giá"[4].

Dấu hiệu đầu tiên - đồng RMB lên giá bao nhiêu - sẽ diễn ra vào sáng thứ hai kế tiếp, khi chính quyền TQ ấn định biên độ điều chỉnh hối suất lần đầu của đồng RMB trong phiên giao dịch trên thị trường ngoại hối Thượng Hải.

Từ giữa năm 2008, TQ luôn giữ giá trị đồng RMB ở mức thấp, gắn liền với giá trị đồng USD, và không cho dao động. Vì vậy, giá trị đồng RMB lẽ ra đã phải cao hơn nhiều nếu được thả nổi, và hàng hóa của TQ cũng đã đắt hơn đối với giới tiêu thụ nước ngoài, và rất có thể đã làm chậm tỉ suất tăng trưởng của nền kinh tế cơ sở trên xuất khẩu của TQ.

Trong tuyên bố ngày 19-6 vừa qua, ngân hàng trung ương nói rõ kinh tế TQ đã được tăng cường sau cuộc khủng hoảng và hiện nên xúc tiến cải cách chính sách tiền tệ. Điều nên lưu ý là bản công bố lần nầy đã đồng thời bằng tiếng Hoa và Anh ngữ, một điều hiếm khi xảy ra, và theo một viên chức Mỹ, các quan chức TQ đã thông báo trước cho các chính phủ nước ngoài là họ sắp đưa ra lập trường mới trong chính sách tiền tệ.

Mặc dù TQ cho biết hành động nầy  cơ sở trên quyền lợi kinh tế của chính TQ, trong thực tế, TQ đang bị sức ép từ Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu châu, Brazil và Ấn Độ. Riêng T T Obama, trong suốt một năm qua, cũng đã nhiều lần nêu vấn đề với Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào, lần mới nhất vào đầu tháng 6-2010; và bộ trưởng Ngân Khố Geithner cũng đã  qua TQ thương thảo trong tháng 5-2010.

TQ đã tiến hành chính sách mới một cách rất dè dặt, âu lo người dân TQ có thể xem đây là  động thái nhượng bộ trước sức ép của nước ngoài, không phù hợp với quyền lợi quốc gia.

Riêng đối với T T Obama, hối suất đơn vị tiền tệ TQ từ lâu đã là một vấn đề khó xử lý. Obama cũng rất cần Bắc Kinh giúp chế ngự các chương trình nguyên tử của Iran và Bắc Hàn, hành động như một trong những đầu tàu trong kinh tế thế giới, cũng như kiềm chế trong nổ lực độc quyền tiếp cận các tài nguyên và nguyên liệu trên khắp thế giới cần thiết cho tốc độ và tầm vóc tăng trưởng của TQ.

Tuy nhiên, thế đòn bẫy của Obama không đáng kể; và rút cuộc, hình như chỉ có sự đe dọa qua  các biện pháp bảo hộ mậu dịch trong dự luật đã đệ trình trước Quốc Hội, bất lợi đối với hàng xuất khẩu của TQ, mới mong có thể thuyết phục được Bắc Kinh thả nổi đồng RMB.

Biện pháp đe dọa lần nầy được nhiều dân biểu, nghị sĩ trong Quốc Hội hậu thuẫn. Các nhà lập pháp tin, TQ đang duy trì đơn vị tiền tệ của họ ở một mức thấp giả tạo, phương hại cho kinh tế Hoa Kỳ. Max Baucus, nghị sĩ Dân chủ bang Montana và chủ tịch Ủy Ban Tài Chánh Thượng Viện, đã phát biểu: "Sự loan báo ngày hôm nay [19-6] là một bước đầu đáng hoan nghênh, giúp các doanh nghiệp Mỹ tăng tính cạnh tranh và tạo thêm công ăn việc làm cho dân Mỹ"[5].

Trong khi đó, Charles E. Schumer, nghị sĩ Dân chủ bang New York, lại cảnh cáo: trừ phi TQ nói rõ thêm chi tiết của kế hoạch, "chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác hơn là xúc tiến dự luật  của chúng tôi"[6].

Nếu đồng RMB tăng giá đáng kể, hàng hóa từ Hoa Kỳ và nhiều xứ khác cuối cùng cũng có thể bắt đầu thay thế hàng xuất khẩu của TQ. Điều nầy có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nhiều nước đối tác của TQ, cùng lúc kiềm hãm tốc độ tăng trưởng của TQ cho đến nay đã bành trướng nhanh đến độ lạm phát giờ đây đã lúc một gia tăng.

Công xá ngày một tăng cao sau những bất ổn lao động gần đây, cùng với một đồng RMB mạnh, cũng có thể biến TQ thành một thị trường tiêu thụ hấp dẫn hơn đối với các công ty trên thế giới. Điều nầy sẽ có thể có lợi cho Âu châu nhiều hơn là Mỹ. Xuất khẩu từ Mỹ đến TQ lâu nay rất yếu ớt và chỉ tập trung vào một vài loại hàng hóa như phi cơ, các máy turbines, và đậu nành, trong khi các công ty Âu châu đã rất thành công với các tiêu thụ phẩm xuất khẩu cao cấp.

Đối với TQ, một đồng RMB mạnh sẽ gia tăng mãi lực của giới tiêu thụ, và giá  năng lượng và các sản phẩm nhập khẩu có thể rẻ và ít tốn kém hơn. Đối diện với các bất ổn lao động ngày một lan tràn, nhất là trong kỹ nghệ xe hơi, nhà cầm quyền TQ đã bắt đầu các nổ lực nhằm cải thiện đời sống của công nhân viên trong các ngành công kỹ nghệ.

Nhiều kinh tế gia bên trong và bên ngoài TQ đã lập luận: sự lên giá của đồng RMB trước hết là nằm trong quyền lợi của TQ. TQ đã chi tiêu gần 10% GDP để mua trái phiếu ngân khố, chứng khoán, và các loại trái khoán có bảo đảm của nước ngoài trong khi in và bán ra đồng RMB, trong nỗ lực nhằm ngăn ngừa đồng RMB lên giá đối với đồng USD.

Đồng RMB, đồng thời với đồng USD, đã tăng giá khoảng 15%, đối với đồng euro trong hơn hai tháng qua. Điều đó đã khiến các viên chức TQ âu lo về tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu qua Âu châu, thị trường lớn nhất cho hàng xuất khẩu TQ.

Cui Tiankai, thứ trưởng ngoại giao, ngày thứ sáu 18-6-2010, cho biết: giá trị đồng RMB không phải là đề tài thảo luận toàn cầu, phát biểu mới nhất  trong chuổi nhiều lần phát biểu bởi các quan chức TQ, phản ảnh sự nhạy cảm mang tính "quốc gia chủ nghĩa" đối với chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, những người quen thuộc với quá trình làm chính sách ở TQ, trong hai tháng qua, luôn cho biết: giới lãnh đạo TQ, ngay từ đầu tháng 4-2010, đã nhất trí thay đổi chiều hướng chính sách tiền tệ. Nhưng trận động đất tàn phá miền Tây TQ vào giữa tháng 4-2010 cùng với những âu lo về tác động của suy thoái kinh tế Âu châu, đã đưa đến việc trì hoãn các hành động thể hiện quyết định vừa nói.

THAY ĐỔI HỐI SUẤT ĐỒNG NHÂN DÂN TỆ

Trong những năm tháng gần đây, các nhà làm chính sách trong thế giới giàu đã gây sức ép buộc TQ từ bỏ việc gắn chặt hối suất đồng nhân dân tệ với đồng USD. Ngày 19-6-2010, một tuần trước ngày nguyên thủ các quốc gia quy tụ về Toronto, Canada, tham dự hội nghị thượng đỉnh G20, TQ cuối cùng cũng đã nhượng bộ. Ngân Hàng Trung Ương TQ cho biết sẽ cho phép đồng nhân dân tệ tự do lên xuống đối với một gói các ngoại tệ mạnh, mặc dù loại bỏ khả năng tái định giá dứt khoát một lần. Sự loan báo đã được bộ trưởng ngân khố Hoa Kỳ Tim Geithner đón nhận một cách dè dặt. Tuy nhiên, trong chỗ riêng tư, ông đã tỏ ra nhẹ nhõm vì đã tránh được khả năng va chạm về đồng nhân dân tệ.

Động thái nầy cũng đã đến rất đúng lúc, giúp giảm thiểu nổi e ngại: TQ có thể không còn mặn nồng với việc tìm cách giúp tái lập quân bình kinh tế thế giới. Ngạch số thặng dư lớn lao trong cân thương mãi hữu hình của TQ đã sụt giảm tương đương khoảng 1/3 GDP trong năm 2009, và có thể sẽ sụt giảm nhiều hơn. Nhưng số xuất khẩu gia tăng trong tháng 5-2010 đã gây lo ngại: TQ có thể một lần nữa trông cậy vào các thị trường hải ngoại để duy trì tăng trưởng một khi thế giới giàu ra khỏi đại suy thoái.

Qua việc thả nổi đồng RMB, TQ có thể xoa dịu phe chỉ trích trong Quốc Hội Mỹ, nay không còn nhiều lý do để tin TQ đã trợ giúp giới xuất khẩu qua duy trì đơn vị tiền tệ ở một hối suất thấp. Đồng thời nó cũng giúp TQ có thêm dụng cụ để làm nguội bớt nền kinh tế đang nóng và kiềm chế lạm phát. Một RMB mạnh hơn sẽ làm giảm giá hàng nhập khẩu. Một điều lợi khác là việc từ bỏ buộc chặt hối suất đồng RMB vào đồng USD cũng giúp giải phóng chính sách lãi suất của TQ.

Sự thay đổi chiều hướng được hoan hỉ đón nhận nhưng sẽ khó lòng đem lại hiệu quả nhanh chóng. Một vấn đề khác là chính sách hối đoái của TQ sẽ được một số quan chức ở Hoa Thịnh Đốn xét đoán tùy theo tầm cỡ lên giá của đồng nhân dân tệ đối với đồng USD, không với các đơn vị tiền tệ khác. Nếu đồng euro mất giá hơn nữa, sự lên giá của đồng RMB đối với đồng USD sẽ chậm hơn, và điều nầy sẽ khiến Quốc Hội Hoa Kỳ thêm phần chống đối khi ngày bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 đến gần hơn.

Đã hẳn, phần lớn cũng còn tùy thuộc tốc độ lên giá của đồng nhân dân tệ. Một số nhà quan sát mong đợi sự lên giá của đồng RMB sẽ cùng tốc độ với lần tách rời khỏi đồng USD năm 2005 và tiếp diễn trong 3 năm. Sự mong đợi nầy có lẽ quá lạc quan. Sự lo ngại của TQ đối với viễn ảnh kinh tế của thế giới giàu có thể có nghĩa sự lên giá của đồng nhân dân tệ lần nầy sẽ phải chậm hơn. TQ muốn chận đứng dòng chảy "tư bản nóng" vào TQ (để đầu cơ) khiến các loại chứng khoán và giá bất động sản và nhà ở bất thần tăng vọt. Bên cạnh các biện pháp bảo vệ qua các biện pháp kiểm soát tư bản, TQ chắc sẽ dè dặt trong ý tưởng cho phép đồng RMB lên giá với một nhịp ổn định và nhanh chóng. Do đó, sự tăng giá 0,4% đối với đồng USD trong ngày đầu ngay sau khi loan báo đã sụt giảm một phần trong ngày kế tiếp.

Trong mọi trường hợp, điều chỉnh những mất quân bình trong mậu dịch không phải chỉ là vấn đề điều chỉnh hối suất đơn vị tiền tệ đơn thuần. Trên nguyên tắc, một đồng RMB mạnh hơn sẽ khiến lợi nhuận từ hàng xuất khẩu thấp hơn, và giới tiêu thụ quốc nội sẽ có nhiều mãi lực hơn. Tuy nhiên, số nhân công mất việc từ các kỹ nghệ xuất khẩu của TQ sẽ phải đi tìm việc mới ở các ngành khác. Và nhiều xáo trộn và cọ xát sẽ làm quá trình nầy thêm phần khó khăn. Cho đến khi các trở ngại được san bằng, một sự lên giá nhanh chóng của đồng RMB có thể đưa đến một sự gia tăng trong số nhân công bị mất việc, chứ không phải một sự bùng nổ tăng chi ở TQ.

Những cải cách cần thiết để giải quyết tận gốc các nguyên nhân của số tiết kiệm thái quá ở TQ, vì vậy, phải là một phần thiết yếu trong giải pháp dài lâu đối với các mất quân bình toàn cầu. Điều nầy có nghĩa nới lỏng tín dụng nhiều hơn để làm dễ dàng cho các xí nghiệp nhỏ trong các ngành dịch vụ cần nhiều nhân công dễ cạnh tranh với các xí nghiệp được nhà nước nuông chiều và yểm trợ; cũng có nghĩa cần quản lý các công ty tốt hơn nhằm giúp giải tỏa số thanh khoản, tồn trữ hay bất động hóa bởi các xí nghiệp quốc doanh, vào nền kinh tế; cũng còn cần một mạng lưới an sinh xã hội rộng lớn hơn để thuyết phục các hộ gia đình họ không còn cần phải bảo hiểm phòng ngừa mọi tai ương. Một đơn vị tiền tệ mạnh là một trợ lực cho các thay đổi. Tuy vậy, nó không thể đủ để chuyển hóa nền kinh tế TQ.

TIẾN TRÌNH ĐIỀU CHỈNH ĐỒNG NHÂN DÂN TỆ VÀ GIỚI HẠN

Hàng hóa từ TQ, dù với giá rẻ, vẫn có thể làm vẩn đục quan hệ với Hoa Kỳ. Chẳng hạn, vào đầu tháng 6-2010, các viên chức Hoa Kỳ đã tịch thu một số mật ong nhập khẩu từ TQ với lý do vi phạm các chuẩn mực an toàn thực phẩm. Mật ong TQ chứa thuốc trụ sinh dùng để ngừa "foulbrood", loại bệnh thường tấn công các nhộng ong mật. Charles Schumer, nghị sĩ Dân Chủ bang New york, đã lên án những công ty xuất khẩu mật ong TQ như "những người rửa mật ong" (honey launderers).

Tuy nhiên, mật ong không phải là vấn đề rắc rối duy nhất chia rẽ hai quốc gia. Schumer và nhiều dân biểu nghị sĩ trong Quốc Hội còn chỉ trích chính sách tiền tệ của TQ. Họ luôn thúc đẩy T T Barack Obama phải có lập trường cứng rắn đối với TQ. Ngày 16-6-2010, Schumer đã gửi thư cho lãnh đạo nhóm G20, nhấn mạnh "hối suất thị trường, do cung cầu ấn định, là thiết yếu đối với sinh hoạt kinh tế toàn cầu"[7]. Nhiều người e ngại một bầu không khí căng thẳng khi các nhà lãnh đạo quy tụ về Toronto, Canada,  trong hai ngày 26-27 tháng sáu.

Nhưng như đã đề cập ở các phần trên, vào ngày 19-6-2010, TQ đã công bố  biện pháp định giá đồng RMB uyển chuyển hơn. Động thái nầy có khả năng giảm thiểu sự chỉ trích quốc tế, nhất là Hoa Kỳ. Ngân Hàng Nhân Dân Trung Ương TQ (People's Bank of China - PBOC) sẽ ấn định mức tương đồng giữa đồng nhân dân tệ và đồng USD mỗi buổi sáng. PBOC loan báo sẽ gia tăng tính mềm dẻo của hối suất đồng nhân dân tệ, đã được ấn định bằng 6,83 USD kể từ tháng 7-2008. Từ nay, để ấn định hối suất, PBOC sẽ quan tâm đến tỉ trọng mậu dịch trong một giỏ các ngoại tệ, cũng như luật cung cầu của thị trường.

Trên thị trường ngoại tệ non trẻ của TQ, Ngân Hàng Trung Ương sẽ ấn định mức tương đồng giữa đồng RMB và đồng USD. Trong hai năm qua, ngân hàng trung ương đã cho phép đơn vị tiền tệ lên xuống không đáng kể đối với mức tương đồng 6,83 USD. Nay PBOC hình như sẵn sàng cho phép hối suất tăng tới 0,5% mỗi ngày. Vào ngày thứ hai tiếp theo sau ngày công bố chính sách mới, PBOC đã để đơn vị tiền tệ tăng giá trên 0,4%, đưa đến phản ứng khá sôi nổi trên thị trường. Với nhịp nầy, giá trị đồng nhân dân tệ sẽ tăng gấp đôi sau 174 ngày. Buổi sáng hôm sau, PBOC lại ấn định hối suất mới phản ảnh tình hình cung cầu vào cuối ngày hôm trước. Tuy nhiên, sau ngày thứ ba, PBOC quyết định cung cầu trên thị trường cần được thúc đẩy chút ít. Các ngân hàng lớn của nhà nước đã mua rất nhiều USD, có lẽ theo sự thúc đẩy của Ngân Hàng Trung Ương, do đó, PBOC đã có thể ấn định hối suất vào sáng thứ tư ở mức thấp - 6,81 USD.

Lần cuối cùng sau ba năm, hối suất đồng nhân dân tệ chỉ gia tăng 21% so với đồng USD. Nhưng rất có thể, lần nầy giá trị đơn vị tiền tệ của TQ không tăng ngay cả lên mức đó. TQ  không muốn đơn vị tiền tệ của mình tăng giá nhiều hơn đối với đơn vị tiền tệ mạnh của các nước khác (đôi khi còn sụt giảm đối với đồng USD). Theo Ngân Hàng Trung Ương, hiện nay TQ có một danh sách dài các đối tác thương mãi. Đối với giỏ các ngoại tệ căn bản, hối suất đồng nhân dân tệ trong năm nay đã tăng nhiều: 17% riêng đối với đồng euro.

Vào một ngày bất kỳ nào đó, đồng nhân dân tệ rất có thể sẽ sụt hay tăng giá đối với đồng USD. Ngân Hàng Trung Ương luôn quan tâm tránh "tiền nóng" (hot money) có thể len lỏi qua mạng lưới kiểm soát tư bản của nhà nước, để đầu cơ thủ lợi từ một ngoại tệ mạnh hơn. Theo Mark Williams thuộc Capital Economics, một tổ chức nghiên cứu, TQ đã thành công. Thị trường tiền tệ tương lai chờ đợi đồng nhân dân tệ chỉ tăng giá khoảng 2,2% trong 12 tháng tới, một bách phân nhỏ nhoi, nhất là trước các khó khăn rắc rối chuyển tiền ra vào TQ.

Ngay cả khi không có sự can thiệp của Ngân Hàng Trung Ương, theo Zhao Qingming, nguyên kinh tế gia PBOC, và David Li, một cố vấn ngân hàng trung ương, áp lực tăng giá đồng nhân dân tệ có thể cũng chẳng bao nhiêu lần nầy.Trong một cuộc phỏng vấn dành cho HSBC, họ cho biết ngạch số thặng dư trong mậu dịch sẽ giảm sụt quan trọng. Sáu tháng trước đó, William Cline và John Williamson, thuộc Viện Kinh Tế Quốc Tế ở Hoa Thịnh Đốn, đã tính: đồng nhân dân tệ có lẽ sẽ phải tăng giá khoảng 40% so với đồng USD để tái lập thăng bằng - được họ định nghĩa như ngạch số thặng dư 3% trong cân thương mãi hữu hình ở mức toàn dụng. Ngày nay, họ tính lại, chỉ cần gia tăng 24% đối với đồng USD và 14% đối với toàn gói tiền tệ của các đối tác thương mãi lựa chọn dựa trên tỉ trọng mậu dịch.

Tuy nhiên, mặc dù thặng dư thương mãi của TQ không còn lớn lao như trước đại suy thoái, chuẩn mực mất quân bình được Mỹ chấp nhận cũng đã sụt giảm. Trong tháng 3, 2010, sau khi đưa ra dự luật đánh thuế quan đối với các quốc gia luôn can thiệp vào thị trường hối đoái, Schumer đã bắn tiếng: "sự nhào nặn đơn vị tiền tệ của TQ, ngay trong thời kinh tế bình ổn, đã không thể chấp nhận. Trong thời buổi 10% thất nghiệp, chúng tôi sẽ không thể đơn thuần chịu đựng"[8]. Paul Krugman, người đã được giải thưởng Nobel, đưa ra luận cứ, khi kinh tế thế giới đang suy thoái vì số cầu sụt giảm, các xứ thường xuyên chi tiêu ít hơn lợi tức (xuất siêu) phải chịu một phần trách nhiệm đã gây ra tình trạng thất nghiệp.

Trong thư gửi các vị lãnh đạo nhóm G20, T T Obama đã chỉ trích những xứ dựa nhiều vào xuất khẩu trong khi đã kiếm được nhiều thặng dư từ mậu dịch quốc tế. TQ không phải là quốc gia duy nhất thủ lợi . Cân thương mãi hữu h́ình của Đức cũng thặng dư - 135 tỉ USD năm 2009, tuy chưa bằng phân nửa của TQ; nhưng kích cỡ của nước Đức cũng bé nhỏ hơn nhiều và kim ngạch thặng dư của TQ cũng giảm sụt nhanh hơn. Theo dự phóng của The Economist Intelligence Unit, một công ty chị em với tạp chí The Economist, kim ngạch thặng dư  của Đức sẽ chỉ sụt giảm 20 tỉ trong năm 2010 (so với TQ: 68 tỉ). Những số sụt giảm nầy cũng sẽ là phần gia tăng số cầu hàng hóa và dịch vụ đối với phần còn lại của thế giới.

Cũng như TQ, trong hai năm qua,  Đức cũng có hối suất buộc chặt với đồng euro. Không ai lên án Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu (ECB) nhào nặn giá trị đồng euro. Tuy nhiên, sự mất giá của đồng euro cũng có nghĩa các xứ thành viên trong khu vực euro sẽ phải trông cậy vào số cầu của các nước bên ngoài khu vực để phục hồi kinh tế. Goldman Sachs dự phóng cân thương mãi hữu hình của khu vực euro sẽ thặng dư năm nầy, và năm sau số thặng dư sẽ còn gia tăng nhiều hơn. Có lẽ Schumer cũng nên đòi hỏi cấm nhập khẩu Frankfurter sausages.

VÀI NHẬN XÉT TỔNG QUAN

TQ có thể đã mong đợi một phản ứng thuận lợi hơn từ các cấp lãnh đạo thế giới. Quyết định ngưng chính sách buộc chặt hối suất đồng RMB vào đồng USD cuối cùng cũng chỉ đem lại cho TQ yên bình trong chốc lát với đối tác lớn nhất. Không để mất thì giờ, Charles Schumer, nghị sĩ Dân chủ bang New York, sau đó, vẫn không ngừng xúc tiến dự luật nhằm thuyết phục TQ nhanh chóng chấp nhận một mức điều chỉnh cao hơn.

Schumer thực ra đã thúc đẩy Quốc Hội phải hành động đối phó với chính sách thương mãi của TQ ngay từ năm 2004. Với tỉ suất thất nghiệp vẫn xấp xỉ 10% và rất ít thay đổi trong hối suất giữa RMB-USD từ 2008, chiến lược của Schumer đã thu hút được sức hậu thuẫn ngày một gia tăng. Ông còn đệ trình một biện pháp mới với sự bảo trợ lưỡng đảng trong tháng 3-2010. Nếu được thông qua, dự luật sẽ buộc Bộ Ngân Khố phải phúc trình về tình hình nhào nặn hối suất của TQ (một việc Tim Geithner đã trì hoản trong tháng 4-2010). Tùy kết quả phúc trình, hàng TQ có thể phải gánh chịu thuế quan nhập khẩu.

Chính sách hối suất mới của TQ đã không làm chùn tay vị nghị sĩ, vì theo ông, sẽ không làm hài lòng các đồng nghiệp của ông. Rất có thể ông sẽ sớm đệ trình Quốc Hội một tu chính án cho dự luật với nhiều hỗ trợ, và nhiều người nghĩ, cơ may được chấp thuận cũng khá cao.

Viễn ảnh nầy hình như đang khiến Tòa Bạch Ốc lo ngại. Barack Obama đã từng nhấn mạnh: rồi ra đồng RMB cũng sẽ được tái định giá cao hơn. Nhưng trong hội nghị thượng đỉnh của nhóm G20, Obama đã giải thích: ông không chờ đợi một sự tăng giá nhanh chóng của đồng RMB. Thay vào đó, chính quyền Obama có thể phải lưu tâm trong vài tháng sắp tới.  

Tòa Bạch Ốc đang gây sức ép để Schumer chịu dành cho TQ có đủ thì giờ điều chỉnh. Một sự va chạm về mậu dịch và tiền tệ có thể gây rắc rối nghiêm trọng cho chính quyền Mỹ: Obama đang cần sự trợ giúp của TQ trong các vấn đề Iran và Bắc Hàn. Và với tiến tŕnh hồi phục toàn cầu c̣òn quá mong manh, thế giới không muốn có thêm một gánh nặng: đối đầu với một tranh chấp thương mãi nghiêm trọng.

Các nhà phê bình cho rằng, với kinh tế Hoa Kỳ đang ở trong tình trạng suy thoái trầm trọng, hối suất thấp một cách giả tạo của đồng RMB có nghĩa nước Mỹ đang nhập khẩu thất nghiệp. Họ lập luận, hối suất mềm dẻo hay uyển chuyển chỉ là "đại ngôn".

Kể từ khi TQ công bố chính sách mới, đồng RMB chỉ lên giá 0,7% đối với đồng USD, và thị trường chỉ chờ đợi đồng RMB tăng giá khoảng từ 2 đến 3% cho toàn năm 2011. Tuy nhiên, tỉ suất nầy cũng chỉ chậm hơn chút đỉnh so với tỉ suất lên giá lúc bắt đầu giai đoạn 2005-2008, và tổng cộng 20% cho toàn giai đoạn.

Theo nhận định của các nhà phân tích, một sự tái định giá vào cỡ nầy sẽ có thể đưa đồng RMB lên gần mức giá tương đồng với đồng USD. Tuy vậy, với mức thâm thủng trong cân thương mãi của Hoa Kỳ lên tầm cỡ tiền suy thoái, các nhà lập pháp Hoa Kỳ rất nôn nóng muốn thấy kết quả nhanh chóng hơn.

Sự chờ đợi của họ có thể thiếu thực tế. TQ cũng đang đối diện với nhiều khó khăn nội bộ liên quan đến đồng RMB, một sự đối đầu hay va chạm giữa các nhà ngoại giao và các nhà vận động hành lang cho giới xuất khẩu thế lực hùng mạnh. Vì vậy, Bắc kinh có thể có rất ít lựa chọn ngoài biện pháp tái định giá lần hồi. Một sự tái định giá nhanh chóng có thể gây thương tổn cho kỹ nghệ chế biến, phương hại nhiều hơn cho kinh tế toàn cầu. Cấp lãnh đạo của cả Hoa Kỳ lẫn TQ đang âu lo tác động của cuộc khủng hoảng trầm trọng trong kinh tế Âu châu đối với kinh tế Mỹ Và TQ.

T T Obama một lần nữa rất có thể sẽ thành công thuyết phục Quốc Hội dành cho TQ nhiều thời gian hơn. Nhưng cử tri Hoa Kỳ  đang hết sức bức xúc và các nhà lập pháp cũng rất âu lo. Chút ít yên bình TQ giành được với chính sách mới có thể sớm bị xói mòn.

Trong mọi trường hợp, TQ, và Hoa Kỳ, đang trải nghiệm những giờ phút nhức nhối trong việc thương thảo chính sách tiền tệ của TQ. Sau những kinh nghiệm không mấy dễ chịu của cả hai phe, thế giới bên ngoài, nhất là phần thế giới luôn là nạn nhân của những chính sách tàn bạo của chính hai siêu cường 1 và 2, tưởng cũng có quyền chờ đợi cả hai siêu cường sẽ có lập trường "mềm dẻo hay uyển chuyển" hơn mỗi khi thương thảo về các vấn đề sinh tử đối với họ -  vấn đề chủ quyền quốc gia, vấn đề toàn vẹn lãnh thổ, vấn đề bồi thường chiến tranh, hay nhỏ nhoi hơn, vấn đề bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, là những trường hợp điển hình.

GS Nguyễn Trường

Irvine, California, USA

18-7-2010.

 


[1] ...manipulate the rate of exchange between their currency  and the Unitd States dollar for purposes of preventing effective balance of payments adjustments or gaining unfair competitive advantage in international trade.

[2] China's decision to increase the flexibility of its exchange rate is a constructive step that can help safeguard  the recovery and contribute to a more balanced global economy.

[3] The basis for large-scale appreciation for  the RMB exchange rate does not exist.

[4] This is an important step, but the test will be how far and how fast they let the currency appreciate.

[5] Today's announcement is a welcome first step to help keep American businesses competitive and create more American jobs.

[6] ...We will have no choice but  to move forward with our legislation.

[7] Market-determined exchange rates are essential to global economic vitality.

[8] China's currency manipulation would be unacceptable even in good economic times. At a time of 10% unemployment, we simply will not stand for it.

 

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Trường