Trung Đông: Bức tường Bá Linh của Mỹ?

Vietsciences-Nguyễn Trường              23/02/2011

 

Những bài cùng tác giả

Pax Americana - Pox Americana

 

DÂN CHỦ VÀ SIÊU CƯỜNG

Trong khi người dân Ai Cập đang vui mừng trước sự thành công của dân chủ nhân dân chân chính, các nhà quan sát không thể không tự hỏi điều gì đang xẩy đến với nền dân chủ Hoa Kỳ. Hình như dân chủ nơi đây đang ngày một rỗng ruột và héo mòn. Nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ dân chủ chỉ còn lớp vỏ bên ngoài.

Trong khi nhiều triệu người Mỹ thất nghiệp và mực sống tuột dốc, quyền lực đã hoàn toàn lọt vào tay giới lãnh đạo tài chánh, ngân hàng, và tập đoàn quân sự-kỹ nghệ. Không mấy ai quan tâm đến số phận giới bình dân nghèo khổ. Thiểu số giàu có giàn dựng giai điệu và các chính trị gia, Dân Chủ cũng như Cộng Hòa, luôn nhịp nhàng bước theo tiết tấu.

Những gì gặt hái được từ dân chủ Mỹ là các lần cắt giảm thuế suất lố bịch, và những mối lợi bất ngờ, dành cho giới nhà giàu; cùng lúc,  các chính trị gia đã bị mua chuộc và được thù đáp hậu hĩ luôn sẵn sàng cắt xén các dịch vụ công và mạng lưới an sinh xã hội, với lý do ngân sách khiếm hụt. Tiểu bang nầy rồi đến tiểu bang khác nối tiếp loan báo không đủ khả năng thanh toán nợ nần. Hàng trăm nghìn công nhân viên nhà nước lũ lượt mất việc. Camden, một thành phố nhiều tội phạm ở tiểu bang New Jersey, đã phải sa thải gần phân nửa số cảnh sát.  Dịch vụ y tế (Medicaid), và an sinh xã hội (Social Security), dành cho người nghèo, đang bị tấn công từ mọi phía.

Ít ai lưu tâm đến tình cảnh người nghèo đang gặp quá nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế, và cũng chẳng có khả năng vận động hành lang. Tay chân TT Obama đang cần huy động hàng tỉ USD để tài trợ vận động bầu cử nhiệm kỳ hai. Các chính trị gia không còn tài nguyên và thì giờ để lo cho giới nghèo. Họ còn phải lo o bế chiều chuộng giới giàu có.

Trong một bài đăng trên báo The Times vào cuối tháng 1-2011, nghị sĩ John Kerry đã ghi nhận, người Ai Cập "đã nói rõ họ sẽ tranh đấu đến cùng để tăng cường dân chủ và có thêm nhiều cơ hội thăng tiến kinh tế"[1]. Người Mỹ ngược lại đang được yêu cầu phải chịu đựng và hy sinh nhiều hơn.Trong nhiều thập kỷ vừa qua, với đà hăng say tư hữu hóa của các chính quyền kế tiếp ở Mỹ, dân chủ đã được đem rao bán, và chỉ người giàu mới có đủ sức mua.

Giới thương lưu và tập đoàn các đại công ty đã tung nhiều khoản tiền khổng lồ  vào quỹ vận động tuyển cử, vận động hành lang cao cấp, tài trợ các định chế nghiên cứu, mua chuộc giới truyền thông, và bất cứ thứ gì họ còn có thể nghĩ đến. Họ chiêu đãi các lãnh tụ quyền hành lưỡng đảng:  trả phí tổn thuê phi cơ phản lực tư, tiền chơi golf, tiền nghỉ hè, tiền dành mướn các quan chức cao cấp hưu trí cần thiết cho công tác vận động hành lang...Tất cả những khoản đầu tư đó đều đem lại lợi nhuận gấp nhiều lần.

Như Jacob Hacker và Paul Pierson đã viết trong tác phẩm "Chính-Trị-Được-Ăn-Cả" -Winner-Take-All Politics: "Từng bước một và từng đợt thảo luận, các quan chức chính quyền đã viết lại quy luật chính trị Hoa Kỳ và kinh tế Mỹ theo những phương cách có lợi cho một thiểu số và phương hại cho tuyệt đại đa số"[2].

Tuồng như cơ chế kiểm soát sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ của các đại công ty chưa đủ chặt chẽ, Tối Cao Pháp Viện đã phải tăng cường với các "quyết định Công Dân Nhất Trí"  - Citizens United Decisions,  những quyết định củng cố quyền lực chính trị vốn đã lấn át của đồng tiền các đại công ty. Người Mỹ bình thường không đủ khả năng  tiếp cận hành lang quyền lực. Nhưng bạn có thể đoan chắc các đại diện dân cử luôn lắng nghe khi đồng tiền các đại công ty lên tiếng.

Khi trò chơi đã an bài sẵn lợi thế cho bạn, bạn sẽ thắng. Vì vậy, dù ngay trong thời buổi suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau Đại Khủng Hoảng, các đại công ty vẫn đang ngồi trên núi tiền, thị trường chứng khoán lại lên giá và mọi việc đều thuận lợi cho giới nhà giàu đang cầm quyền. Chẳng hạn, các anh em gia đình Kock, David và Charles, có tài sản ước tính trị giá khoảng 35 tỉ USD. Tuy vậy, họ hình như vẫn cảm thấy xã hội đã không đối xử với họ đủ công bằng.

Như Jane Mayer đã nêu rõ trong bài viết đăng trên The New Yorker, "anh em nhà họ Kocks thuộc giới tự do lâu đời, luôn tin ở thuế cá nhân và công ty phải thấp hơn nhiều, các dịch vụ xã hội cho người nghèo phải ở mức tối thiểu, và giám sát kỹ nghệ , nhất là pháp chế môi trường, cần được giảm thiểu nhiều hơn "[3]. Một cái nhìn kỹ thành tích gây ô nhiễm  của họ cũng đã có thể khiến bạn phải kinh tởm.

Chúng ta đang chứng kiến một định chế dân chủ ngày một đồi trụy, khi những cá nhân như anh em họ Kochs nắm trong tay nhiều thế lực và ảnh hưởng, trong khi hàng triệu dân thường Hoa Kỳ lại hoàn toàn bất lực. Anh em họ Kochs luôn có những gì họ muốn. Cắt giảm thuế cho giới nhà giàu? Không thành vấn đề. Cắt xén dịch vụ dành cho người nghèo, người bệnh, giới trẻ và người tàn tật?  Cần ngăn chặn hoặc kiềm chế. Chúng tôi còn có thể làm được gì nữa cho quí vị?

Người Ai Cập muốn thiết kế một nền dân chủ sinh động, và đây là con đường khá dài và rất gay go. Người Mỹ đang trong quá trình tự đánh mất dân chủ thật sự.

Trong một dịp trao đổi với phóng viên Bob Herbert, báo New York Times, vài tuần trước khi mất trong tháng 1-2010, cố sử gia Howard Zinn đã tỏ ra buồn lòng trước hiện tình chính trị Mỹ. Tuy vậy, sử gia vẫn không nản lòng. Ông nói: " Nếu muốn có thay đổi, thay đổi thực sự, điều đó sẽ phải đến từ dưới lên, từ chính nhân dân"[4].

PAX AMERICANA VÀ POX AMERICANA

Cách đây gần 5 năm, tác giả  đã có dịp viết: "Hoa Kỳ đang nắm trong tay đủ quyền lực chính trị, kinh tế, quân sự. Thế giới đang ở trong thời khắc hội nhập. Bằng cách nào để hai phía có thể kết hợp hài hòa. Liệu thế giới có đủ cơ may để được hưởng một Pax Americana (hòa bình do Mỹ)? Hay không may, phải gánh chịu một Pox Americana (đại dịch do Mỹ). Cuộc hôn nhân thành công hay đổ vỡ sẽ quyết định di sản của Hoa Kỳ trong lịch sử và số kiếp của thế kỷ 21 mới bắt đầu"[5].

Trong khi theo dõi những biến động bi hài ở Trung Đông, người Mỹ khó lòng ý thức  được phần trách nhiệm của chính họ trong những gì đang xẩy ra ở một vùng xa xôi phía bên kia địa cầu. Trong cuộc Chiến Chống Khủng Bố, Hoa Thịnh Đốn trong nhiều năm đã yểm trợ nhiều chính quyền nhũng lạm và vọng ngoại, luôn bị nhân dân căm hận và lên án. Những biến động ở Ai Cập lúc đầu còn được các cơ quan truyền thông dòng chính bình luận với lễ độ và đạo đức giả, nêu lý do có mâu thuẫn giữa quyền lợi và hệ thống giá trị của chính Hoa Kỳ. Do đó, người Mỹ chỉ giảm thiểu hậu thuẫn đến một mức độ nào đó đối với chế độ Mubarak. Chính quyền Obama đã phải đi dây một cách tế nhị khó khăn. Tổng thống và các quan chức thân cận cũng chỉ giữ lập trường ít nhiều trung tính, vừa thận trọng lên tiếng nhẹ nhàng chỉ trích'đồng minh lâu đời', vừa tỏ ra thông cảm với quần chúng xuống đường chống đối, tựa như Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ chưa bao giờ chọn đứng về phía nào.

Đối diện với phong trào đòi hỏi dân chủ và tự do của quần chúng Trung Đông, điều đáng lưu ý là sự thiếu vắng"nghị trình dân chủ" ồn ào của kỷ nguyên Bush. Trong một thời gian ngắn đầy tai họa, nghị trình đã được sử dụng như một vũ khí đối với các chế độ Hoa Kỳ xem như  thù nghịch và như một nệm ấm lâm thời dành cho các chế độ Hoa Kỳ cần ve vãn trong tương lai.

Tuy nhiên,  không ai không biết Hoa Thịnh Đốn hiện đang choáng váng và kinh ngạc - một chính quyền rõ ràng thiếu uy lực, đang mất phương hướng và tinh thần, trước viễn tượng mất đi Ai Cập, một đồng minh trụ cột trong chính sách Trung Đông.  Hoa Kỳ hiện đang ở trong trạng huống một siêu cường đã trải nghiệm những gì đã diễn ra vào cuối  kỷ nguyên chiến tranh lạnh cho  siêu cường nhỏ. Thực vậy, năm 1991, khi Liên Bang Xô Viết cáo chung và Hoa Kỳ vẫn  là siêu cường lớn còn đứng vững, Hoa Thịnh Đốn đã tưởng lầm đó là một chiến thắng hiếm hoi. Trong những năm kế tiếp, đang tự mãn và huênh hoang cực điểm, các lãnh đạo Hoa Kỳ đã hăng say khai sinh một Pax Americana toàn cầu.

Kết quả ngày nay đã mồn một. Hoa Kỳ không khỏi sửng sốt vì chính mình đang chứng kiến một tai họa đang đến cận kề. Chưa đầy 20 năm sau ngày tiểu siêu cường thời chiến tranh lạnh phải rời sân khấu chính trị thế giới, siêu cường đắc thắng còn lại nay cũng đang trên đường lùi vào dĩ vãng.

Nói một cách khác, chiến tranh lạnh chưa hề chấm dứt vào năm 1991 như lịch sử quy ước đã ghi nhận. Chiến tranh lạnh chỉ mới chấm dứt trong những ngày đầu của năm 2011 khi những biến động tiếp diễn ở Trung Đông như đang nói lời tiển biệt với siêu cường lớn của hành tinh.

SÂN SAU VÀ KHU VỰC ẢNH HƯỞNG

Nguyên nhân trực tiếp đưa đến thế chênh vênh của Hoa Thịnh Đốn là nguy cơ địa vị đế quốc sắp sụp đổ, trong một khu vực, kể từ khi TT Jimmy Carter tuyên bố chủ thuyết Carter năm 1980, đã được xem như cơ sở của uy lực toàn cầu, nơi ván bài lớn nhất đang tiếp diễn. Ngày nay, uy lực quần chúng (people power) đang làm lung lay vị trí của Hoa Kỳ ở Trung Đông. Thực vậy, mặc dù sức mạnh quân sự áp đảo đã được Ngũ Giác Đài giàn trải khắp nơi trong khu vực, trong hỗn loạn chính quyền Obama vẫn cảm thấy bất lực.

Như cảnh tượng một đế quốc lâm nguy, chúng ta chưa bao giờ  chứng kiến một sự kiện tương tự kể từ năm 1989 khi Bức Tường Bá Linh sụp đổ. Lúc đó, sức mạnh quần chúng cũng đã làm thế giới kinh ngạc. Chấn động của biến cố lan tràn đến các nước chư hầu Đông Âu, những trụ cột của đế quốc Xô Viết trước đây, phần lớn, cũng như Trung Đông ngày nay, đều bình lặng yên ả trong nhiều năm trước đó.

Chúng ta đang chứng kiến một thời kỳ đầy sinh lực khác. Những thời kỳ như thế  rất hiếm khi xẩy ra, họa hoằng lắm cũng chỉ một lần trong đời người, nói gì đến hai lần trong vòng chưa tới 20 năm. Ngay đối với những ai ở bên ngoài Hoa Thịnh Đốn, những biến động ở Trung Đông hiện nay cũng không kém phần bất ngờ, không kém phần ấn tượng, so với năm 1989.

Trong thực tế, hai thời kỳ quần chúng vùng dậy đã liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong khi chúng ta đang chứng kiến đoạn kết thực sự của chiến tranh lạnh, rõ ràng 'kẻ chiến thắng' trong cuộc đấu tranh vĩ đại trước năm 1989, cũng như Liên Bang Xô Viết trước đây, đã gieo mầm tự diệt, để rồi bị buộc phải chứng kiến với "sốc và kinh hoàng", khi hồi cuối bùng phát.

Khía cạnh đáng thán phục nhất trong sự sụp đổ của Khối Xô Viết là quyết định của vị lãnh đạo xuất sắc Mikhail Gorbachev khi từ chối sử dụng Hồng Quân, như các lãnh tụ Xô Viết trước ông đã từng làm ở Đông Đức năm 1953, Hung Gia Lợi năm 1956, và Prague năm 1968. Sự lựa chọn can đảm của Gorbachev, thà để khối Xô Viết sụp đổ thay vì sử dụng bạo lực để thay đổi thời cuộc, vẫn luôn là một hành động độc nhất vô nhị trong lịch sử.

Ngày nay, sau gần hai thập kỷ thao túng với chính sách đế quốc, Hoa Thịnh Đốn đang lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Chẳng khác gì chúng ta đang xem lại đoạn phim Gorbachev chiếu chậm - chỉ thiếu bóng dáng một Gorbachev trong vai  người cầm lái.

Trong một nghĩa nào đó, chúng ta hiện đang chứng kiến câu chuyện hai loại [khu vực] "ngoại quốc". Năm 1990, tiếp theo sau cuộc chiến Afghanistan tai họa, ngay trong lòng biến động của quần chúng, người Nga đã đánh mất khu vực mệnh danh "các xứ láng giềng sân sau" (near abroad) - Liên Bang hay Đế Quốc Xô Viết - vùng lãnh thổ chạy dài từ Đông Âu đến Trung Á. Hoa Kỳ, siêu cường hùng mạnh và giàu có hơn trong hai siêu cường thời Chiến Tranh Lạnh, đang có khu vực mà người Xô Viết chưa bao giờ có - chúng ta tạm gọi một "far abroad", những "nước bạn xa" [không phải sân sau]. Ngày nay, cũng trong lòng một cuộc chiến Afghanistan tai họa khác, trước sự vùng dậy của một dân tộc khác, "một nước bạn xa thiết yếu" trong nhóm những"nước bạn xa"của Mỹ, đang bị lay động đến tận gốc rễ.

Ở Trung Đông, hai trụ cột của quyền lực đế quốc, từ lâu do Hoa Kỳ kiểm soát, là Ai Cập và Saudi Arabia - dĩ nhiên bên cạnh còn có Do Thái và Jordan. Trong những kỷ nguyên trước đó, những thành lũy "ổn định""ôn hòa" chọn lựa, những từ Hoa Thịnh Đốn thích dùng, là Shah của Iran trong thập kỷ 1960 và 1970, và Saddam Hussein trong thập kỷ 1980. Trong khu vực rộng lớn hơn [chính quyền Bush thích gọi 'Trung Đông Nới Rộng'] , Greater Middle East,  hay" vòng cung bất ổn", một trụ cột khác là Pakistan, một xứ giờ đây đang bị bất-ổn-hóa dưới áp lực của cuộc chiến Afghanistan tai họa của Mỹ.

Tuy vậy, không một Gorbachev hiện diện, chính quyền Obama đang lúng túng tìm cách xoay xở. Trong tiến trình thương thảo gấp rút bên sau hậu trường nhằm duy trì uy quyền và ảnh hưởng ở Ai Cập, Hoa Kỳ đã không lựa chọn giải pháp can thiệp quân sự. Trong cốt lõi, biện pháp can thiệp quân sự của Hoa Kỳ là một quyết định rõ ràng không thể quan niệm. Không ai chờ đợi người Mỹ gửi quân nhảy dù xuống kênh đào Suez như Pháp và Anh, hai đế quốc trong thời mạt vận, đã thử nghiệm năm 1956. Hoa Thịnh Đốn đang kiệt quệ, sau nhiều năm chiến tranh và khủng hoảng tài chánh, nên điều đó sẽ khó thể xẩy ra.

Đối mặt với chiến dịch "sốc và kinh hoàng" của quần chúng đang xuống đường làm cách mạng, chính quyền Obama đã sửng sốt và kinh ngạc. Hoa Thịnh Đốn đã tỏ ra bất lực, choáng váng, không biết phải làm gì, và luôn đi sau các biến động vài bước. Các quan chức tòa Bạch Ốc đang âu lo về chính trị đối nội nay mai khi vấn đề được đặt ra: Ai đã để mất Trung Đông? Trong giao thời, những lời tuyên bố trang trọng, được cân nhắc đắn đo, vẫn với giọng  điệu chủ-nhân-ông mang tính đế quốc, tập trung trên những gì các xứ khách hàng ở Trung Đông phải làm. Nhưng cũng chỉ những lời lẽ khuôn sáo rỗng tuếch như trong suốt mấy thập kỷ vừa qua.

Vấn đề cần đặt ra: Bằng cách nào các biến động đã xẩy đến? Và câu trả lời, một phần, sẽ là: chỉ vì phương cách Chiến Tranh Lạnh đã chính thức chấm dứt, cũng như thái độ xấc láo, kiêu căng, và đường lối đơn phương cấp lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ đã chọn lựa sau đó.

CHỦ THUYẾT ĐƠN PHƯƠNG

Khi Liên Bang Xô Viết tan rã, Hoa Thịnh Đốn sửng sốt. Sự sụp đổ thật bất ngờ, mặc dù đã có nhiều dấu hiệu báo trước một điều gì đó lạ thường, lớn lao, đáng kinh ngạc, sắp xẩy đến. Chiến Tranh Lạnh đã chấm dứt và Hoa Kỳ chợt xúc động, vui mừng và tự nghĩ: 'Chúng ta đã thắng. Đối thủ hùng mạnh của chúng ta đã biến khỏi địa cầu'.

Không phải đợi lâu, từ ngữ "siêu cường duy nhất" xuất hiện, giấc mơ Pax Americana hình thành, và nhiều người Mỹ đã nói đến quyền lực và vinh quang chói sáng hơn cả đế quốc Anh và đế quốc La Mã. Người Mỹ đã kiêu căng tự tin chính mình đã chiến thắng, và cũng như hồi kết của đệ nhị thế chiến, có thể đã đem lại nhiều lợi thế. Thế giới thuộc về Hoa Kỳ. Và hai đợt sóng đơn phương đã đưa Hoa Kỳ đến bờ vực thẳm gần nhất,  cũng như bất thần giúp phát động sự bùng nổ của sức mạnh quần chúng ở Trung Đông.

Đợt sóng thứ hai bắt đầu với quyết định tai họa hậu 11-9 của George W. Bush, Dick Cheney, Donald Rumsfeld, và phe nhóm: "tát cạn đầm lầy toàn cầu",[6] như nhóm nầy thường nói sau biến cố New York và Hoa Thịnh Đốn. Họ muốn nói đến quyết định truy lùng al-Qaeda và bất cứ ai họ xem như thù địch, với tất cả các phương tiện quân sự khả dụng. Chiến dịch bao gồm quyết định xâm lăng Afghanistan, cảnh báo thế giới và Pakistan "theo chúng tôi hay chống lại chúng tôi"[7], kể cả hăm dọa bỏ bom xứ nầy cho đến khi "Trở Lại Thời Đại Đồ Đá"[8]. Chiến dịch cũng bao gồm quân sự hóa toàn bộ, tư nhân hóa chính sách đối ngoại, và trên hết, tiêu diệt Saddam Hussein và chiếm đóng Iraq.

Tất cả những động thái đó đều dính liền với "chủ thuyết đơn phương"(unilateralism), với ý tưởng sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ đã đạt mức: Hoa Thịnh Đốn có thể đơn phương hành động chỉ cần "bất cứ liên minh chia sẻ tổn phí nào" (coalition of the billing) có thể huy động, và vẫn thành đạt được những gì Hoa Kỳ ước muốn.

Làn sóng đơn phương thứ hai, nay đã được các kênh truyền thông dòng chính cho lùi vào lich sử, đã giúp chuẩn bị cho những biến động ở Tunisia, Ai Cập, và nhiều nơi khác. Để bắt đầu, từ Pakistan đến Bắc Phi, Cuộc Chiến Chống Khủng Bố của  Bush,  cùng với hậu thuẫn dành cho những chính quyền thổ phỉ dưới danh nghĩa chống al-Qaeda, đã đẩy toàn khu vực vào thế cực đoan quá khích. Chẳng hạn, sau khi Hoa Thịnh Đốn đã rót hàng tỉ USD tài trợ và trang bị quân đội Ai Cập, kể cả  huấn luyện các cấp tướng lãnh và sĩ quan, các quan chức chính quyền Bush đã rất thích thú trao cho chế độ Mubarak vai trò chiến binh chống khủng bố, sử dụng các nhà tù Ai Cập như những trung tâm tra tấn các thành phần nghi can bắt cóc trên đường phố từ nhiều nơi trên thế giới.

Qua việc càn quét vùng Trung Đông Nới Rộng từ Bắc Phi đến biên giới TQ trong cuộc chiến chống khủng bố, chính quyền Bush rõ ràng đã đem lại cho toàn khu vực một ý thức nhất trí - với cảm nghĩ số phận một khu vực rời rạc đã bị buộc chặt vào nhau.

Ngoài ra, các quan chức chính thống trong chính quyền Bush, vững tin vào sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ và cuồng tín trong ảo tưởng những điều giới quân sự có thể thành đạt, đang nắm trong tay một sức mạnh lớn lao: sức mạnh tàn phá. Với  khẩu hiệu "sốc và kinh hoàng", sức mạnh đó đã được sử dụng để chọc thủng tim Trung Đông khi xâm chiếm Iraq. Đồng thời, họ cũng đã nối kết toàn khu vực vào máy trợ sinh.

Họ chưa bao giờ thành công. Trong chiến tranh, nội chiến cũng như du kích, hàng trăm nghìn dân Iraq thương vong, hàng triệu đã phải bỏ nước tìm đường lánh nạn. Ngày nay, Iraq chỉ còn hấp hối, không đủ khả năng cung cấp điện cho người dân kiên cường hay bơm đủ dầu để trang trải tai họa.

Cùng lúc, chính quyền Bush chỉ ngồi nhìn trong khi Do Thái tự tung tự tác, chiếm đất của người Palestine qua các chính sách định cư, xâm chiếm miền Nam Lebanon với hậu thuẫn của Hoa Kỳ trong mùa hè 2006, và tàn phá giải Gaza năm 2009. Nói một cách khác, từ Lebanon đến Pakistan, toàn bộ khu vực Trung Đông Nới Rộng đã trở nên hoàn toàn bất ổn và cực đoan.

Hành động của các quan chức trong chính quyền Bush đã không thể nào phiêu lưu và tai họa hơn. Chẳng hạn, họ đã biến Afghanistan thành một quốc gia sản xuất nha phiến quan trọng nhất hoàn cầu, cũng như vực dậy và tiếp sức cho Taliban, một kỳ công không nhỏ đối với một phong trào, từ năm 2001, đã mất hết hậu thuẫn trong quần chúng. Quan trọng hơn hết, cùng với chính quyền Obama sau đó, họ đã mở rộng chiến tranh qua một Pakistan nguyên tử và đông dân.

Chúng ta có thể truy nguyên sự trổi dậy của Hezbollah ở Lebanon, một phần đã nhờ những kế hoạch và dự án điên rồ của họ (kết quả có ý nghĩa duy nhất của nghị trình dân chủ của Bush, kể từ các cuộc bầu cử ở Iraq trước sự chống đối của chính quyền Bush, là nhờ ở uy tín của lãnh tụ tôn giáo Ayatollah Ali Sistani).  Chính quyền Bush cũng đã có công đem lại cho Iraq một chính quyền Shiite thân Iran, đã giúp phục hồi phong trào Taliban ở Afghanistan, và sự lớn mạnh của một nhánh Taliban trong khu vực các bộ tộc Pakistan dọc biên giới. Cũng phải ghi nhận công lao của họ đã đóng góp vào tình trạng hỗn loạn và ngày một nghèo khó hơn trong toàn khu vực. Tóm lại, khi lên nắm quyền,  Bush, với chính sách đơn phương, đã nhanh chóng quân sự hóa toàn bộ nền kinh tế và lèo lái Hoa Kỳ đến bờ vực thẳm.

Người ta còn nhớ lời nói đùa đầy kiêu hãnh của phái Tân Bảo Thủ: "Mọi người đều muốn tới Baghdad. Các nam nhi trượng phu còn muốn đến Tehran"[9]. Dù chính quyền Bush luôn lớn tiếng ba hoa, điều cần nhớ là chính sách đơn phương luôn giữ vai trò quyết định.

THÁNH CHIẾN KINH TẾ

Trước George W. Bush và phái Tân Bảo Thủ, chính quyền đã từng nằm trong tay phe chủ trương toàn cầu hóa. Nhóm nầy, còn được biết dưới tên gọi Tân Tự Do  (Neo-liberals), đã tung hoành trong những năm hoàng đạo hậu chiến tranh lạnh.

Dưới thời Clinton, phái nầy cũng ước mơ một trật tự thế giới mới và một thứ quyền lực mới của Hoa Kỳ: quyền lực kinh tế. Họ vẫn còn được trọng dụng trong chính quyền Obama.  Trong niềm tin Hoa Kỳ là siêu cường kinh tế của mọi thời đại, họ luôn hăng say theo đuổi Pax Americana. Với quyết tâm áp đặt một thế giới đồng bộ qua một trật tự kinh tế theo khuôn mẫu Hoa Kỳ, chiến thuật gây "sốc và kinh hoàng"của họ dựa trên một số định chế như IMF, dồn ép các quốc gia đang phát triển vào một dạng thức nghèo khó cơ hàn có lợi cho giới tài phiệt Mỹ.

Cuối cùng, qua các biện pháp chia cắt, nhào nặn tín dụng bất động sản với lãi suất cực thấp - subprime mortgages, họ đã làm thế giới đảo điên. Họ là những chiến binh thánh chiến trong địa hạt tài chánh. Với chiến thuật "sốc và kinh hoàng" riêng,  họ đã thành công trong sứ mệnh gieo rắc tang tóc đau thương theo lối riêng của họ. Điều oái oăm là trong quá trình suy thoái kinh tế 2008, cuối cùng họ đã  lôi kéo kinh tế toàn cầu, chính họ đã giúp "thống nhất" trước đó, xuống vực thẳm. Tai họa đã đến đúng lúc các chiến binh đơn phương trong đợt sóng thứ hai đang đối diện với ván bài chót của giấc mơ thống trị toàn cầu. Chẳng hạn, Ai Cập, quốc gia đông dân nhất trong các xứ Á Rập, đã được tân-tự-do-hóa và bần-cùng-hóa, ngoại trừ một thiểu số tài phiệt thổ phỉ.

Đó là phương thức phá hoại sáng tạo của hai phái Tân Bảo Thủ và Tân Tự Do! Hai đợt sóng chiến binh đơn phương của Hoa Kỳ đã làm hành tinh điêu đứng. Kinh nghiệm đầu của siêu cường duy nhất đã diễn ra ngắn ngủi. Tuy nhiên, trên đống tro tàn sau đại họa giá thực phẩm và nhiên liệu tăng vọt, tình hình đã sôi bỏng vừa đúng lúc que diêm Tunisia được châm ngòi ...

Những gì đang diễn tiến trong vùng Trung Đông Nới Rộng cũng chẳng làm ai ngạc nhiên. Hỏa hoạn rất có thể sẽ không dừng ở đó. Đây có thể hay không có thể là thời cơ của Hồi Giáo. Nếu đợt sóng đơn phương thứ hai của Hoa Kỳ đã báo hiệu  khởi điểm của hiện tượng sôi động Trung Đông, những điều kiện cần cho sự bùng nổ của các phong trào quần chúng cũng đang hiện hữu trong nhiều nơi khác trên thế giới.

NGƯỠNG CỬA ĐỊA NGỤC

Ngày nay, không mấy ai nhớ lời mô tả tình hình sau ngày Hoa Kỳ xâm chiếm Iraq của Amr Musa, lãnh tụ Liên Minh A Rập. Trong tháng 9-2004, Amr Musa đã nói: "Các cánh cửa địa ngục đang rộng mở ở Iraq"[10]. Đây không phải là thứ ngôn từ chúng ta thường nghe ở Mỹ, dù đã cảm nhận ra sao về cuộc chiến. Nó đã vang vọng, và có lẽ còn vang vọng như một hình ảnh ẩn dụ từ đỉnh cao, cũng có thể dễ dàng được xem như một mô tả chính xác những gì đã diễn ra không những ở Iraq, mà cả ở Trung Đông Mở Rộng, và trong một chừng mức nào đó, trên toàn thế giới.

Giới tài phiệt đơn phương Hoa Kỳ đã hai lần vô tình vượt qua cánh cửa địa ngục, những tưởng đang đi qua cánh cửa thiên đường. Hậu quả ra sao mọi người  hiện đang chứng kiến.

Nhưng cũng đừng quên, cánh cửa địa ngục nay vẫn còn rộng mở. Chúng ta cần tỉnh táo mở lớn đôi mắt nhìn kỹ ít nhất ở hai nơi, bắt đầu với Saudi Arabia, nơi tình hình một ngày nào đó rất có thể sẽ trở nên sôi động nhiều hơn chúng ta đang tưởng. Thực vậy, những ai kiểm soát thị trường chứng khoán Saudi chắc biết rõ, trong khi tình hình đang biến động khẩn trương ở Ai Cập, chứng khoán Saudi đã sụt giảm mạnh. Với Saudi Arabia, chúng ta khó thể thấu hiểu gốc rễ chính sách của Hoa Kỳ và số phận của hành tinh, khi trữ lượng dầu hỏa vẫn còn nằm dưới mặt cát sa mạc. Và cũng đừng quên quốc gia đáng sợ nhất, Pakistan, nơi giới tài-phiệt-quân-sự-đơn-phương Hoa Kỳ đang phô diễn trong một phim dài chưa đến hồi kết thúc.

Vâng, chính quyền Obama rất có thể sẽ len lõi trở lại Trung Đông một lần nữa. Cũng rất có thể các tư lệnh và sĩ quan cao cấp trong quân đội Ai Cập, hơn phân nửa đã đi qua lò đào luyện Hoa Thịnh Đốn, rút kinh nghiệm từ Honduras ở Nam Mỹ, sẽ tìm cách chia rẽ để khống chế một quần chúng đang thiếu vắng lãnh đạo, ít ra thêm một thời gian. Thật khó lòng tiên đoán!

Nhưng một điều đã rõ ràng bên trong cánh cửa địa ngục: dù hoa hay cỏ dại còn có thể lớn mạnh trên mảnh đất cày xới vun quén kỹ càng bởi "siêu cường còn đứng vững sau năm 1991", Pax America cũng đã chứng tỏ chỉ là một Pox Americana trong toàn khu vực và trên khắp thế giới.

Trong mọi trường hợp, giới quan sát nhạy bén đã bắt đầu nói đến, không phải một thế giới win-win, G-7, G-8, G-20, mà một thế giới Zero-sum Game và G-Zero, G-Everybody, một thế giới đa cực mạnh-được-yếu-thua còn thiếu-vắng-lãnh-đạo.

 

Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

18-02-2011


 

[1] The Egyptian people "have made clear they will settle for nothing less than greater democracy and more economic opportunities.

[2] Step by step and debate by debate, America's public officials have rewritten the rules of American politics and the American economy in ways that have benefited the few at the expense of the many.

[3] The Kochs are long time libertarians who believe in drastically lower personal and corporate taxes, minimal social services for the needy, and much less oversight of industry - especially environmental regulation.

[4] If there is going to be change, real change, it will have to work its way from the bottom up, from the people themselves.

[5] Thế Giới Thời Hậu Chiến Tranh Lạnh, Nguyễn Trường, nxb Tri Thức, Hà Nội, 11-2010, tr 35.

[6] ...drain the global swamp.

[7] ...with-us-or-against-us.

[8] ...back to the Stone Age.

[9] Everyone wants to go to Baghdad. Real men want to go to Tehran.

[10] The gates of hell are open in Iraq.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Trường