Hy Lạp : Thêm một kế hoạch khắc khổ nhưng vẫn bế tắc

Vietsciences-RFI              15/02/2012

 

Những bài cùng đề tài

 

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos ( trái ) và thủ tướng Lucas Papademos ( phải ) trong cuộc biểu quyết ngày 12/02 ở Quốc hội. 2 février 2012 à l'Assemblée.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos ( trái ) và thủ tướng Lucas Papademos ( phải ) trong cuộc biểu quyết ngày 12/02 ở Quốc hội. 2 février 2012 à l'Assemblée.

Reuters

 

Thanh Hà

« Một bước tiến để lao thẳng vào tường. Cả Hy Lạp lẫn khối euro cùng trong bế tắc ». Đó là bình luận của các chuyên gia kinh tế sau khi Quốc hội Hy Lạp, trong khói lửa, một lần nữa đã thông qua kế hoạch khắc khổ, bất chấp phẫn nộ của 100 000 người trên đường phố Athènes và Salonique.

Trong đêm ngày 12/02/2012, 278 đại biểu Quốc hội Hy Lạp trên tổng số 300 đã tham gia cuộc biểu quyết về một kế hoạch khắc khổ mới. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để Liên Hiệp Châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đồng ý cấp cho Athènes thêm một gói viện trợ thứ nhì trị giá 130 tỷ euro.

Sau nhiều giờ thảo luận gay go, cuối cùng, Quốc hội Hy Lạp với 199 phiếu thuận, 74 phiếu chống và 3 người không biểu quyết, bật đèn xanh cho chính phủ của thủ tướng Lucas Papademos thi hành thêm một loạt các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Trước cuộc biểu quyết ở Hạ viện, thủ tướng Hy Lạp cảnh báo rằng lá phiếu của mỗi dân biểu đều mang tính quyết định đối với tương lai quốc gia này, vì nó sẽ cho phép « Hy Lạp xích lại gần châu Âu hay lâm vào cảnh hỗn loạn ».

Vào lúc các đại biểu Quốc hội đang bỏ phiếu, thì trên đường phố Athènes đã có tới 80 000 người biểu tình để phản đối luật chơi mà châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đang áp đặt đối với chính quyền nước này. Hơn 40 địa điểm của thủ đô bị phóng hỏa. Trụ sở Quốc hội Hy Lạp được 3000 lính bảo vệ để cho 300 dân biểu thảo luận về tương lai đất nước một cách an toàn.

Các biện pháp cắt giảm chi tiêu vừa được Quốc hội thông qua nằm trong khuôn khổ kế hoạch khắc khổ lần thứ sáu mà Hy Lạp đã liên tục thông qua từ tháng 5/2010. Như 5 kế hoạch trước đó, kế hoạch thứ 6 cũng chỉ nhằm mục đích : Giảm bội chi ngân sách của Nhà nước, thu hẹp tỷ lệ nợ công so với tổng sản phẩm nội địa (GDP) và đổi lại thì Hy Lạp nhận được các khoản trợ giúp của cộng đồng quốc tế để tránh bị vỡ nợ.

Vấn đề đặt ra là Hy Lạp càng thắt lưng buộc bụng, thì kinh tế càng đi xuống. 2011 là năm thứ tư liên tiếp Hy Lạp bị suy thoái. GDP trong năm 2011 giảm 6 % so với 2010 và theo dự báo của IMF thì kinh tế nước này tiếp tục rơi thêm 4 % nữa vào năm 2012.

Đây là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy liều thuốc mà ba ông bác sĩ là Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu, và Liên Hiệp Châu Âu kê toa cho con bệnh Hy Lạp vô hiệu quả. Chẳng những thế mà cả Hy Lạp và châu Âu cùng đang bị dồn vào chân tường.

Kế hoạch thứ 6 đòi người dân tiếp tục hy sinh

Sau khi đã cho ra đời 5 kế hoạch khắc khổ, chính phủ liên minh do ông Lucas Papademos đứng đầu đã đề ra thêm một kế hoạch thứ 6 với các biện pháp như giảm hơn 1 tỷ euro ngân sách y tế, tiết kiệm thêm 300 triệu từ ngân sách quốc phòng, giảm nhân sự trong guồng máy hành chính, giảm lương công nhân viên chức Nhà nước. Đồng thời tăng cường đội ngũ nhân viên thuế vụ, siết chặt mạng lưới kiểm thuế.

Hàng năm, Hy Lạp hiện bị thất thoát khoảng 13 tỷ euro do các vụ trốn thuế. Cuối cùng chính phủ Hy Lạp đang kỳ vọng rất nhiều vào chương trình tư hữu hóa bốn tập đoàn nhà nước trong các lĩnh vực dầu khí, nước và xổ số quốc gia.

Trong tháng 1/2012, vào lúc mọi người chờ đợi mức thuế mà Nhà nước thu vào phải tăng 9 % so với tháng cuối cùng của năm 2011, thực tế cho thấy là khoản thuế thu vào công quỹ của Athènes đã giảm đi 7 %. Không những thế, thuế trị giá gia tăng trong tháng Giêng cũng giảm 18 %. Đơn giản là tiêu thụ của người dân Hy Lạp đã giảm đi.

Trên đường phố Athènes, người ta trông thấy nhiều nông dân bán rau quả với giá gần như là cho không, vì nhiều người dân thành phố không còn điều kiện để mua. Học sinh mặc nguyên lớp áo ấm dầy cộm vì trong lớp học không có lò sưởi, khi ngân sách giáo dục bị cắt giảm 55 %, thuế xăng dầu thì lại tăng 30 %. Một triệu người trên tổng số 11 triệu dân không có việc làm. Chính phủ Hy Lạp trong kế hoạch khắc khổ mới đã quyết định sa thải thêm 15 000 công nhân viên chức Nhà nước và giảm 22 % mức lương tối thiểu của người dân.

Thắt lưng buộc bụng để nuôi nhà giàu

Những hy sinh đó chỉ vì Hy Lạp đang cần khoản tín dụng 130 tỷ euro mà quốc tế hứa cho vay. Có điều, theo nhiều công trình nghiên cứu, có từ một nửa đến 2/3 gói hỗ trợ cho Hy Lạp trị giá 130 tỷ euro nói trên sẽ được dùng để trả tiền lãi cho các nhà chủ nợ của Hy Lạp. Nói cách khác, khoản tiền bạc tỷ đó không giúp ích gì cho Hy Lạp để vực dậy kinh tế hay thoát khỏi khủng hoảng. Trả lời đài RFI, Vicky Scoumbi, tổng biên tập tạp chí Aleteia tại Athènes cho biết vì sao bà phẫn nộ trước những người tự xung là các vị cứu tinh của Hy Lạp :

« Tôi hết sức công phẫn trước kế hoạch vừa được thông qua. Đây hoàn toàn không phải là một kế hoạch có thể giúp ích cho bản thân kinh tế Hy Lạp hay cho người dân Hy Lạp. Tất cả các khoản tiền tiết kiệm được đều được dành để trả cho các chủ nợ. Tiền tiết kiệm của dân là để rót vào túi các ngân hàng. Như vậy có nghĩa là một lần nữa người ta lại muốn ‘rút ruột’ của Hy Lạp để làm giàu thêm cho các ông chủ nợ.

Người dân Athènes nói riêng và dân chúng Hy Lạp nói chung ngày càng nghèo đi. Họ nghèo đến mức không tưởng tượng nổi. Tất cả chỉ là để trả nợ ! Liên Hiệp Châu Âu liên tục bắt Athènes phải thắt lưng buộc bụng. Các kế hoạch khắc khổ nối đuôi nhau ra đời. Vấn đề là Hy Lạp càng thắt lưng buộc bụng chừng nào, kinh tế càng đi xuống và nợ lại càng lớn chừng nấy. Điều mà Bruxelles không trông thấy là đời sống của người dân Hy Lạp đang vô cùng cơ cực. Có những người đi làm, có lương mà cũng không đủ sống. Toàn bộ chính sách kinh tế mà khối euro đang áp đặt với Athènes sẽ đẩy Hy Lạp vào cảnh khánh tận. Tôi kêu gọi mọi người vùng lên chống lại các vị tự xưng là ‘cứu tinh của Hy Lạp’, vì chính họ đang tàn phá toàn bộ nền kinh tế, toàn bộ đất nước tôi ».

Hy Lạp chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm

Thêm một trở ngại khác đang đặt ra cho chính phủ Hy Lạp : Sau khi được Quốc hội bật đèn xanh để tiếp tục áp dụng thêm nhiều biện pháp cắt giảm chi tiêu, nội các của thủ tướng Papademos vẫn chưa làm vừa lòng bộ ba các nhà tài trợ. Athènes còn phải vượt qua một vài thử thách khác trước khi nhận được những đồng xu đầu tiên của 130 tỷ euro mà châu Âu và IMF đã hứa.

Một trong những trở ngại đó là phải đợi đến ngày 17/02/2012, các bộ trưởng tài chính khối euro mới họp lại để xem Hy Lạp có đáp ứng tất cả những điều kiện mà bộ ba đã đề ra hay không. Cụ thể là IMF và châu Âu đang đòi Athènes phải giảm thêm 325 triệu euro chi tiêu trong ngân sách 2012.

Chỉ cần Hy Lạp thiếu sót một trong số những đòi hỏi của các nhà tài trợ là cũng đủ để thủ tục duyệt hồ sơ Hy Lạp phải được xét lại từ đầu và sớm nhất là vào ngày 20/02/2012. Tiếp theo đó phải đợi đến cuối tháng (ngày 27/02/2012), Hạ viện Đức mới biểu quyết để xem có đồng ý đóng góp và hỗ trợ cho Hy Lạp 130 tỷ euro nói trên hay không.

Sau Đức thì sẽ đến lượt Phần Lan và Hà Lan cho biết ý kiến. Nói cách khác thì từ nay cho đến hết tuần lễ đầu tháng 3, Hy Lạp không hy vọng được giải ngân cho dù chỉ một đồng xu trong gói hỗ trợ 130 tỷ mà các bên đã từng đồng ý giúp Athènes từ mùa thu năm ngoái. Trong khi đó thì đến ngày 14/03/2012, Hy Lạp phải thanh toán 14,5 tỷ euro nợ đáo hạn.

Một điểm đáng nói khác là các kế hoạch thắt lưng buộc bụng của Hy Lạp chỉ nhắm tới việc cắt giảm chi tiêu, để thu hẹp bội chi ngân sách Nhà nước, để giảm bớt nợ công, mà quên rằng khi kinh tế không có tăng trưởng, thì Nhà nước không thể thu thuế. Khi tỷ lệ thất nghiệm lên tới 25 % dân số trong tuổi lao động thì tiêu thụ nội địa đương nhiên đi xuống, và khi đó thì Nhà nước không thể thu vào thuế trị giá gia tăng. Như vậy là Hy Lạp không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn của suy thoái.

Tinh thần bài châu Âu của dư luận Hy Lạp

Những khó khăn chồng chất trong đời sống đang khiến tinh thần bài châu Âu của người dân Hy Lạp ngày một lớn. Chuyên gia Dimitrios Triantaphyllou, giám đốc cơ quan nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại đại học Istanbul phân tích :

« Hy Lạp là một nước nhỏ. Chính vì thế mà quốc gia này muốn gia nhập đại gia đình châu Âu, để được đứng chung với 26 nước thành viên khác trong một cộng đồng hơn 520 triệu dân. Dù vậy, giờ đây dư luận Hy Lạp cảm thấy họ đã bị các anh em cùng một nhà bỏ rơi. Không những thế người dân Hy Lạp còn cảm thấy khó chịu khi một nước lớn như là Đức suốt ngày lên giọng dạy đời. Berlin luôn dạy cho Athènes những bài học rất chướng tai. Khi thì thủ tướng Merkel, khi thì bộ trưởng Tài chính Đức bày tỏ quan điểm về khủng hoảng Hy Lạp, nhưng thực tế họ lại chẳng hiểu một tí gì về Hy Lạp cả. Đó là điều 11 triệu dân Hy Lạp khó có thể chấp nhận được. Người dân Hy Lạp có niềm tự hào của họ. Họ cũng phải đi làm để kiếm sống, họ cũng yêu đất nước nơi họ sinh ra. Cho nên họ cảm thấy là đang bị châu Âu sỉ nhục. Tinh thần bài Đức ở Hy Lạp ngày càng rõ rệt ».

Trách nhiệm của châu Âu

Thất nghiệp gia tăng, sức mua của các hộ gia đình tuột dốc, một phần lớn thanh niên Hy Lạp không trông thấy tương lai. Đương nhiên Hy Lạp phải nhận lấy một phần trách nhiệm. Cuối thập niên 1990, Athènes đã khai man sổ sách để chứng minh với Liên Hiệp Châu Âu là mình đủ sức tham gia đồng euro, lại cũng nhiều chính phủ liên tiếp đã che giấu các khoản nợ công khổng lồ hay thâm hụt ngân sách Nhà nước.

Nhưng bên cạnh đó, công đồng quốc tế cũng phải nhìn thấy những sai sót của mình đối với Hy Lạp. Các nhà tư bản thế giới đã đồng ý cho Hy Lạp vay với lãi suất thấp, tạo cho chính quyền Athènes cảm tưởng là Hy Lạp có khả năng tiêu xài rộng rãi. Tất cả đã diễn ra êm đẹp cho đến khủng hoảng tài chính 2008, khi con tàu kinh tế của toàn thế giới bị chựng lại, thì những mắt xích yếu nhất như Hy Lạp đương nhiên bị ảnh hưởng nặng hơn cả. Thêm vào đó, Hy Lạp, cũng như nhiều nước thành viên khối euro khác, đã chấp nhận cột chặt đơn vị tiền tệ của mình vào một khối, mất đi khả năng phá giá đồng tiền để kích thích kinh tế, thương mại hay du lịch.

Cuối cùng, nhìn vào liều thuốc mà bộ ba châu Âu và IMF đang kê đơn cho Hy Lạp, điều khó hiểu là tại sao cộng đồng quốc tế lại đòi Athènes liên tục ra các kế hoạch khắc khổ vào lúc mà GDP của quốc gia này sụt điểm trong 4 năm liên tiếp. Tính từ 2008 đến 211 tổng sản phẩm nội địa của Hy Lạp giảm 15 % và mức lương trung bình cho tới đầu 2011 chỉ còn tương đương với lương của năm 1997.

Một câu hỏi khác là tại sao các biện pháp cắt giảm chi tiêu được liên tục cho ra đời mà thâm hụt ngân sách Nhà nước vẫn quá mức 10 % GDP ? Tại sao các cơ quan tài chính tư nhân đã chấp nhận xóa bớt một phần nợ cho Hy Lạp mà nợ công của quốc gia này vẫn còn là 120 % vào năm 2020 ?

Theo quan điểm của giáo sư Georges Prévélakis, chuyên gia về địa chính trị tại đại học Paris 1 Panthéon- Sorbonne thì khủng hoảng toàn diện Hy Lạp đang đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của bản thân Liên Hiệp Châu Âu :

« Tôi hết sức lo ngại về tình hình Hy Lạp. Từ một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, Hy Lạp đang lún sâu vào một cuộc khủng hoảng chính trị cũng nghiêm trọng không kém, do cả phía chính quyền Athènes lẫn Bruxelles đều đã có những sai lầm. Hay nói đúng hơn là cả hai bên đã đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Tới nay, Hy Lạp vẫn không có lối thoát.

Chúng ta thấy trong những ngày vừa qua, khi tình hình Hy Lạp sôi sục, một số các lãnh đạo châu Âu, đứng đầu là Đức hay Hà Lan vẫn dùng những lời lẽ nặng nề để nhục mạ Athènes. Thủ đô Athènes đã bị tàn phá trong đêm chủ nhật 12/02/2012 vừa qua, một phần là do lỗi của châu Âu. Khủng hoảng tài chính của Hy Lạp đã dẫn đến khủng hoảng cả về phương diện xã hội lẫn chính trị. Khủng hoảng chính trị của Hy Lạp nguy hiểm ở chỗ nó có thể trở thành một cuộc khủng hoảng về mặt địa chính trị, và làm thay đổi tương quan lực lượng của khu vực vùng Balkan và Địa Trung Hải. Vì vậy, tôi nghĩ là đã đến lúc các nước lớn trong khu vực đồng euro như Pháp hay Đức nên ý thức được rằng, ngọn lửa đang bùng lên tại Hy Lạp không chỉ là một vấn đề nội bộ của quốc gia này.

Uất ức chồng chất và cảm tưởng là đang bị sỉ nhục của 11 triệu dân Hy Lạp có thể làm thay đổi cục diện Liên Hiệp Châu Âu. Đó là những gì đi ngược lại với tình thần của đại gia đình châu Âu và có thể đe dọa đến quyền lợi của toàn khối và thậm chí làm tiêu tan ước mơ xây dựng một cộng đồng châu Âu. Tiếc là trong bối cảnh nước Pháp đang chuẩn bị bầu lại tổng thống, cho nên hồ sơ Hy Lạp không phải là ưu tiên của Paris. Do vậy, tôi e rằng Hy Lạp có thể đẩy Liên Hiệp Châu Âu vào một cuộc khủng hoảng sâu rộng ».

Giáo sư Georges Prévélakis không loại trừ khả năng bạo loạn bùng lên ở Hy Lạp, tạo nên một cuộc nổi dậy tương tự như các cuộc cách mạng ở Tunisia, Ai Cập hay Libya. Khi đó bắt buộc các siêu cường phải can thiệp :

« Tại Hy Lạp, nếu như nay mai bạo loạn bùng phát, nếu như một số các lực lượng vùng lên để lật đổ chính quyền, thì khi đó bắt buộc là châu Âu phải can thiệp. Ngoài Liên Hiệp Châu Âu thì còn phải tính đến khả năng các siêu cường khác trên thế giới cũng có thể can thiệp vào Hy Lạp. Kịch bản tối ưu là sự can thiệp của Mỹ. Khi đó người ta lại càng thấy rằng thế cân bằng chiến lược của châu Âu bị đe dọa chỉ vì các nhà kỹ trị ở Bruxelles và giới chính trị của các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã quá ích kỷ. Chính thái độ ích kỷ đó đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại và đến cả quyền lợi của toàn khối »

Trước mắt, sự phẫn nộ của quần chúng mới chỉ bùng lên và chưa đe dọa trực tiếp đến các hoạt động chính trị của Hy Lạp. Nhưng liệu sự chịu đựng của người dân còn kéo dài được bao lâu ? Như giáo sư Georges Prévélakis lo ngại, điều gì sẽ xảy ra khi suy thoái kinh tế của Hy Lạp trầm trọng hơn ?

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Trường