Khi từ bỏ chiến lược hai cuộc chiến cùng lúc, T T Obama đang đảo ngược một chủ thuyết trước đây đã được nhiều tổng thống, Cộng Hòa và Dân Chủ, kể cả Obama, chấp thuận.

Sự duyệt lại chiến lược quốc phòng mỗi bốn năm một lần vào năm 2010 của Obama, một tài liệu đòi hỏi bởi Quốc Hội liệt kê những sứ mệnh chính của quân lực và những lực lượng cần thiết để thực thi, đã xác nhận chiến lược Hoa Kỳ “đang duy trì khả năng khống chế hai quốc gia cùng lúc gây chiến.”[1]  

Nhưng chiến lược được tái duyệt với dấu ấn của T T Obama, qua việc chính thức loan báo tại Ngũ Giác Đài vào hôm thứ năm 05-01-2012, đã loại bỏ khả năng đồng thời giữ ưu thế trong hai cuộc chiến cùng lúc.

Trong thực tế, chiến lược mới, với những cắt giảm trong lực lượng Bộ Binh và Thủy Quân Lục Chiến, có nghĩa quân lực sẽ chỉ có thể tiến hành một cuộc chiến nhỏ trong một thời gian hạn định. Nói một cách khác, Ngũ Giác Đài có thể phải động viên các lực lượng trừ bị cần thiết cho một cuộc chiến dài lâu, như cuộc chiến Afghanistan hiện nay.

Theo kế hoạch mới, quân lực không còn được duy trì với tầm cỡ có thể tiến hành những chiến dịch lớn lao với mục tiêu đem lại ổn định bền lâu. Nếu phải đối diện với một cuộc chiến lâu dài, quân lực có thể ngăn chặn hay áp đặt những tổn phí lớn lao  ngoài sức chịu đựng của một quốc gia gây chiến thứ hai , nhưng chiến lược mới không sử dụng những từ “đánh bại” hay “thủ thắng.”[2]  

T T Obama và Bộ Trưởng Quốc phòng Leon E. Panetta cho biết: từ bỏ sự tái duyệt mỗi bốn năm một lần là cần thiết vì khủng hoảng tài chánh và chỉ có thể thực hiện nhờ cuộc chiến Iraq trong thực tế đã chấm dứt và cuộc chiến Afghanistan cũng đang trên đường tiến dần đến hồi chung cuộc.

Chủ Tịch Ủy Ban Quân Lực Hạ Viện, Howard P. Buck McKeon thuộc bang California, và các thành viên diều hâu Cộng Hòa, đã tuyên bố: “tiên đoán các cuộc chiến trên bộ sẽ không tái diễn là điều quá nguy hiểm.”[3]

Theo McKeon, “mười năm chinh chiến mới đây đã dạy chúng ta bài học: sau mỗi cuộc xung đột lớn trong thế kỷ vừa qua, Hoa Kỳ đã cắt giảm quân số, chỉ để phải gầy dựng trở lại một cách khó khăn khi an ninh bị đe dọa trong lần kế tiếp. Thật đáng buồn, chiến lược mới đã lặp lại lỗi lầm của quá khứ… Lịch sử đã dạy chúng ta đây là con đường nguy hiểm, tốn kém cả về sinh mạng lẫn tài sản.”[4]

ƯU TIÊN NGÂN SÁCH

Tướng hưu trí Carl E. Mundy Jr. đã nói với báo The Washington Times, chiến lược của Obama không cơ sở trên nhu cầu quân sự mà chính là hậu quả của khủng hoảng tài chánh.

Theo Mundy, từng giữ chức Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến từ 1991 đến 1995, “chiến lược mới đã được rút tỉa không phải từ sự phân tích các bất trắc nguy cơ, mà chính  là do những giới hạn tài chánh. Chúng ta chỉ cần hỏi, ‘Có thể nào chúng ta đã lựa chọn chiến  lược nầy nếu không phải đã bị thúc đẩy bởi các lý do tài chánh ? Tôi nghi ngờ bất cứ ai trong giới quốc phòng có thể trả lời: ‘vâng, đúng như vậy’.

“Quốc gia chúng ta đang nhích dần đến tuyệt vọng tài chánh. Các lãnh đạo dân cử đã không đủ khả năng đối phó với hiểm họa trước mắt. Và giới quân sự đang bị thúc ép phải chấp nhận một phần bất tương xứng các chi phí cần thiết để giải quyết.”

Ông còn nói thêm: “Điều nầy không phải vô tiền khoáng hậu. Nó đã từng xẩy ra vì nhu cầu thời cuộc trong lịch sử. Tuy nhiên, trong khi văn hóa quân sự luôn đáp ứng các mệnh lệnh khó khăn với thái độ ‘có thể làm’ và hoạch định những đáp ứng tích cực, chúng ta không nên tự dối mình để tin chiến lược mới là một lựa chọn quân sự đã được thẩm định kỷ lưỡng, hơn là một lựa chọn thúc bách bởi các ưu tiên tài chánh trong những địa hạt khác của xã hội chúng ta.”[5]

GIỚI DIỀU HÂU VÀ CHIẾN LƯỢC MỚI

Đảo ngược chiến lược và cắt xén những khoản chi tương lai có thể biện minh là một việc làm quả thực khó khăn, nếu chúng ta nhớ rằng các lãnh đạo Cộng Hòa và T T  Obama năm rồi cũng đã thỏa hiệp về số cắt giảm ngân sách Ngũ Giác Đài đến 487 tỉ trong vòng 10 năm. Cách duy nhất để đạt mục tiêu đó, theo phe chủ trương chiến lược mới, là cắt giảm nhân viên và vũ khí, kế đó sẽ phải thu gọn những đòi hỏi của các chương trình còn lại.

Joe Kasper, một phát ngôn viên của dân biểu Duncan Hunter, Cộng Hòa bang California và thành viên trong Ủy Ban Quốc Phòng Hạ Viện, cho biết, các thành phần diều hâu về quốc phòng đã đệ nạp một dự luật ngăn cấm mọi cắt xén trong tài khóa bắt đầu từ tháng 10-2012. Kasper nói: “đây là cuộc tranh đấu khó khăn.”[6]

Ngân sách quốc phòng 2013 công bố vào tháng tới sẽ cắt giảm lục quân từ 569.000  xuống còn 500.000, và thủy quân lục chiến từ 203.000 xuống còn khoảng 170.000.

Ngân sách 5 năm do chính quyền Obama đệ trình trong năm 2012, trước khi có các đòi hỏi giảm chi bởi luật ngân sách, kêu gọi cắt giảm 571 tỉ trong số dự chi căn bản, không kể các phí tổn chiến tranh trực tiếp, trong năm 2013. Giờ đây, chính quyền Obama chỉ có thể đưa ra Quốc Hội một dự thảo ngân sách 50 tỉ thấp hơn.  

ẢNH HƯỞNG CỦA GATES

Chiến lược mới hình như bắt nguồn từ một người đã rời khỏi Ngũ Giác Đài.

Một năm trước đây, Robert M. Gates, bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của Obama, đã tuyên bố trước cử tọa tại West Point: “Theo tôi, bất cứ bộ trưởng quốc phòng nào trong tương lai khuyến cáo tổng thống một lần nữa gửi một số đông bộ binh đến Á châu , hay Trung Đông hay Phi châu, vị bộ trưởng đó nên đi ‘khám lại đầu óc của mình,’ như Tướng Douglas MacArthur đã từng diễn đạt một cách tế nhị.”[7]

Các cuộc tấn công của al-Qaeda ngày 11-9-2001 đã dẫn đến hai cuộc chiến lớn trên bộ ở Afghanistan và Iraq, đồng thời cũng đã đẩy Ngũ Giác Đài vào kỷ nguyên chiến tranh mới.

Ngũ Giác Đài đã mở rộng các lực lượng hành quân đặc biệt và đầu tư nhiều vào công tác thu lượm tin tức tình báo và phi cơ không người lái. Tất cả những biện pháp vừa kể đã cho phép phá tan mạng lưới khủng bố với những lực lượng hạn chế, khác với một cuộc xâm lăng toàn bộ.

Obama tin: chiến tranh chống du kích và các cuộc xung đột cỡ nhỏ, không phải là những cuộc  chiến lâu dài trên bộ, là những cuộc chiến trong tương lai.

TIÊN ĐOÁN THIẾU CHÍNH XÁC

Tướng hưu trí George A. Joulwan, nguyên tư lệnh tối cao quân đội đồng minh ở Âu châu từ 1993 đến 1997, đã nói với báo The Times: các chiến lược quân sự mới luôn có một kỷ lục tiên đoán tồi. Ông nói: “Chúng ta đã từng trải nghiệm tất cả những điều nầy trong quá khứ. Đây là lần thứ tư chúng ta đã giảm thiểu và tái cấu trúc lực lượng quân sự của chúng ta. Không may, tất cả đều chưa hề tiên đoán những gì sẽ xẩy ra trong tương lai.”[8]

Chẳng hạn, khi tướng Joulwan đảm nhận chức vụ tư lệnh NATO năm 1993, các quan chức an ninh quốc gia cho biết chính quyền Clinton có kế hoạch tăng cường quân lực ở Á châu. Lực lượng bộ binh được cắt giảm đáng kể; không lực và hải quân được tăng cường nhiều hơn.

Sau đó không lâu, tướng Joulwan đã gửi 60.000 quân, trong số  có 20.000 quân Mỹ, đến Vùng Balkans trong chiến dịch Operation Joint Endeavor nhằm ngăn chặn các hành động tàn bạo của người Serbia ở Bosnia.

Tiếp đó, T T Clinton đã cho phép không tạc Serbia trong nhiều tuần lễ để ngăn chặn các cuộc tấn công của Serbia bên trong Kosovo. Năm năm sau, Hoa Kỳ đã gửi hàng trăm nghìn quân đội đến Afghanistan và Iraq.

CHÍNH QUYỀN VÀ KHẢ NĂNG HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ

Theo tướng Joulwan, thử thách thực sự sẽ đến khi chính quyền Obama đệ trình ngân sách năm 2013 và trình bày chi tiết chiến lược của Hoa Kỳ. Joulwan nói: “Chính quyền có thể tìm đủ tài nguyên để thỏa mãn nhu cầu chiến lược hay không? Nếu không, các lãnh đạo quân sự cao cấp cần nêu rõ các nguy cơ bất trắc.”[9]

Ông nói thêm: ” Tôi nghĩ, điều chúng ta nên tìm kiếm là một lực lượng nhanh nhẹn và quân bình, có thể ngăn chặn cũng như chiến đấu, và một sự hiện diện tiền phương đủ để đem lại sự an tâm cho các đồng minh và đối tác đang chia sẻ các giá trị và lý tưởng của chúng ta. Điều nầy rất quan trọng ở Âu châu.

Điều tôi lập luận [khi còn trong quân ngũ] là khả năng đối phó cùng lúc năm tình trạng bất ngờ cấp vùng, bởi lẽ tôi tin đó là môi trường chiến lược chúng ta đang sống. Và tôi thấy một vai trò rộng lớn dành cho các lực lượng đặc biệt và các nhân viên tình báo kiểu CIA. Nhưng chúng ta thực sự cần có đủ khả năng ngăn ngừa xung đột cũng như chiến đấu và thủ thắng. Và đó là sự thử thách đối với chiến lược an ninh quốc gia mới.”[10]

CUỘC CHIẾN 1%

Các cuộc chiến của Hoa Kỳ đều được điều khiển viễn liên. Đó là các cuộc chiến xa xôi về địa lý, về cảm xúc, và các cơ quan truyền thông. Nhưng đó cũng là các cuộc chiến do quân đội Mỹ thực hiện, “những người Mỹ anh hùng chống lại các thành phần khủng bố và bất hảo nước ngoài cũng như quốc nội.” Đây cũng là những cuộc chiến bởi các phi cơ tự động không người lái, do các phi công điều khiển từ các căn cứ  ở lục địa Hoa Kỳ, đôi khi từ mạng lưới bí mật các căn cứ cách xa mọi bất trắc của chiến trường hàng trăm, hàng nghìn dặm.

Khoảng cách không gian dĩ nhiên thường đem lại sự thờ ơ, nếu không muốn nói chẳng mấy được quan tâm, bởi đa số người Mỹ. Thực vậy, đó là  sản phẩm của hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq, những cuộc chiến lựa chọn, không phải những cuộc chiến cần thiết. Đó là sản phẩm của người Mỹ khi chọn lựa tạo ra một tầng lớp chiến sĩ biệt lập với nhân dân Mỹ, để gửi ra các nước ngoài thực thi các cuộc chiến lựa chọn bởi Hoa Thịnh Đốn với rất ít quan tâm, và ray rứt băn khoăn.

Kết quả tất yếu có thể tiên đoán đương nhiên phải xấu. Quân đội Mỹ phải đau khổ. Người dân Afghanistan và Iraq vô tội càng đau khổ gấp bội phần. Trong lúc đó, công dân Mỹ không hề đau khổ, ít  ra không đau khổ trong phương cách có thể thấy được dễ dàng, bởi lẽ chiến tranh đã diễn ra ở những nơi quá xa xôi đối với họ. Người Mỹ đã lựa chọn, hay để cấp lãnh đạo 1% của họ lựa chọn, tự tách khỏi mọi nỗi đau và ghê tởm của các cuộc chiến nhân danh họ. Đó là một lựa chọn họ phải chịu trách nhiệm, vì lẽ tình trạng chiến tranh thường trực, nhưng tách biệt và xa xôi, đã làm quân lực Mỹ suy yếu, ngân khố Hoa Kỳ cạn kiệt, dân quyền, nhân quyền và tự do của công dân Mỹ bị bào mòn.

CHIẾN TRANH CẦN THIẾT VÀ CHIẾN TRANH LỰA CHỌN

Đệ Nhị Thế Chiến là cuộc chiến cần thiết, một cuộc chiến liên quan mật thiết đến quyền lợi của người Mỹ. Adolf Hitler và chủ nghĩa Quốc Xã phải được đánh bại. Thực vậy, mục tiêu cuộc chiến khá rõ ràng và dễ hiểu. Với cuộc chiến cần thiết không có gì phải tranh luận đó, người Mỹ đã minh thị chia sẻ trách nhiệm qua luật tổng động viên.

Các cuộc chiến 1% hiện nay hoàn toàn khác. Đây là những cuộc chiến lựa chọn bởi 1% người Mỹ, không vì quyền lợi của 99% nhân dân Hoa Kỳ. Phần lớn số 1% có quyền lợi trong các cuộc chiến lựa chọn là những thành viên của một thiểu số năm 1961 Tổng Thống Eisenhower đã đặt cho tên gọi lịch sử – “Tập Đoàn Quân Sự-Kỹ Nghệ,”[11] ngày nay còn được biết dưới tên “Tập Đoàn Các Đại Công Ty của Mỹ.”[12] Trong nửa thế kỷ vừa qua, mạng lưới các công ty tay chân của tập đoàn quân-sự-kỹ-nghệ, các tổ chức vận động hành lang, các chính trị gia, và các sĩ quan cao cấp hưu trí, qua cửa quay Hoa Thịnh Đốn,[13] ngày một lớn mạnh và chồng chéo, nuốt ngốn hàng nghìn tỉ USD dành riêng cho mạng lưới an ninh quốc gia và tình báo đang khống chế Hoa Thịnh Đốn. Họ là tập thể đảm nhiệm việc triển khai “1% người Mỹ khác trong đội quân hoàn toàn tình nguyện của chúng ta”[14] qua nhiều đợt phục vụ liên tiếp ở các nước ngoài.

Không như các cuộc chiến tranh cần thiết trước đây, sứ mệnh những cuộc chiến lựa chọn rất mơ hồ, khó phân biệt, và luôn thay đổi. Phải chăng đây là những cuộc chiến chống khủng bố? Một cuộc chiến vì dầu lửa và các tài nguyên chiến lược khác? Một cuộc chiến để phát huy tự do và dân chủ? Một cuộc chiến giúp xây dựng các quốc gia? Một cuộc chiến để chứng tõ quyết tâm của chính quyền Mỹ hay để  bảo đảm an ninh cho toàn thế giới trước nguy cơ al-Qaeda? Có ai còn có thể hiểu khi ngày nay ngay chính Hoa Thịnh Đốn cũng chẳng mấy quan tâm để tự đặt câu hỏi tại sao, mà chỉ luôn đơn thuần tiếp tục chiến tranh không ngơi nghỉ?

Đã hẳn, trong những cuộc chiến lựa chọn, sứ mệnh hay mục tiêu là bất cứ gì cấp lãnh đạo Hoa Kỳ chọn, không đem lại cho người dân bất cứ tiêu chí nào để đo lường thành công, nói gì đến quyết định một dứt điểm.

Làm thế nào để xác quyết đây là những cuộc chiến lựa chọn?  Câu trả lời khá đơn giản: Bởi lẽ phe phát động cuộc chiến luôn có thể quyết định bỏ cuộc khi muốn, hay khi quá sức chịu đựng hay không thể tiếp tục, như trường hợp cuộc chiến Iraq hiện nay, cũng như người Mỹ rất có thể sẽ làm đối với cuộc chiến Afghanistan vào một lúc nào đó trong những năm sau cuôc bầu cử tổng thống 2012. Tùy theo người Mỹ lựa chọn. Người không có sự lựa chọn đã hẳn là người Iraq và người Afghanistan, những người nay phải dọn dẹp đổ nát, hàn gắn thương vong và tái thiết.

Ngay cả cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ cũng chỉ là cuộc chiến lựa chọn. Thử hỏi: Ai kiểm soát được tâm trạng sợ hãi của người Mỹ — người Mỹ hay kẻ thù của người Mỹ?  Người Mỹ chỉ có thể bị khủng bố nếu họ lựa chọn đầu hàng sự sợ hãi.

Hãy ngẫm nghĩ về vụ dấu bom trong giày năm 2001 và vụ cài bom ngầm dưới nước năm 2009. Tại sao những hành động vớ vẩn của hai tên “khủng bố” ngớ ngẫn đó đã thu hút trọn vẹn sự quan tâm của giới truyền thông Hoa Kỳ? Như một quốc gia hùng cường nhất  địa cầu, tại sao người Mỹ đã không thể tiếp tục cuộc sống bình thường của mình?

Thay vào đó, chính quyền Mỹ lại chấp nhận phung phí tiền của vào các kỷ thuật và mạng lưới theo dõi,  kiểm soát, sàng lọc, chẳng hề giúp bắt được một tên khủng bố. Người Mỹ còn chịu đựng sự giám sát lúc một khắt khe hơn và tham khảo ý kiến ngày một ít hơn. Người Mỹ cũng đã chọn lựa xác nhận sự kinh hải của mình mỗi khi phải cởi giày, hay vui vẻ chịu khám xét, sờ soạng tại các phi trường.

Các cuộc chiến thường trực ở những nơi xa xăm, những cuộc chiến lựa chọn 1% của Mỹ, sẽ vẫn luôn xa xôi tách biệt với cảm nhận, và tư duy của người Mỹ, đòi hỏi rất ít hy sinh ngoại trừ từ chính các quân nhân, tầng lớp ngày một tách biệt khỏi trật tự dân sự và xã hội Mỹ. Điều nầy đặc biệt đúng với giới trẻ ở Mỹ, lớp tuổi từ 18 đến 29 tuổi, tầng lớp, theo một nghiên cứu gần đây của Pew Research Center, rất ít khi có anh em bà con trong quân ngũ.

Kết quả? Một tầng lớp chiến binh đang hình thành có thể ngày một xa lạ đối với khối 99%, tạo tình trạng căng thẳng và khuyến khích bất bình, rất có thể dễ bị lôi kéo nhào nặn bởi tầng lớp 1% kia: giới mua quan bán chức, chỉ biết kiếm tiền, và giật dây, đang sẵn sàng gửi cảnh sát đe dọa và bắt giữ thành viên các phong trào OWS trong các thành phố trên giải đất một thời đầy hứa hẹn.

QUÂN ĐỘI HOA KỲ HAY QUÂN ĐỘI THÙ NGHỊCH?

Vì người Mỹ theo đuổi những cuộc chiến lựa chọn ở những nơi xa xôi với nhiều mục tiêu luôn thay đổi, điều gì sẽ xẩy ra nếu giới quân nhân đơn thuần ngày một xa lánh Hoa Kỳ hơn?  Điều gì sẽ xẩy ra nếu lực lượng quân sự trở thành quân nhân của phe đối nghịch? Phải chăng đây mới là nỗi lo sợ thực sự đòi hỏi người Mỹ phải động viên toàn quốc để ngăn ngừa? Nỗi kinh hoàng tách giới quân nhân hầu như hoàn toàn khỏi Hoa Kỳ và nhân dân Mỹ.

Như Đề Đốc Mike Mullen, nguyên Tham Mưu Trưởng Liên Quân, gần đây đã phát biểu với báo Time: “Trong trường kỳ, nếu giới quân sự trôi dạt xa dần nhân dân của xứ sở nầy, đó là một hậu quả tai họa mà chúng ta,  như một quốc gia, không thể tha thứ.” [15]

Nghĩ đến một số phận đáng kinh hoàng: một dân tộc cho phép những cuộc chiến lựa chọn phương hại đến chính cốt lõi cơ bản tự thân của một xã hội yêu chuộng tự do, trong khi tự mình lại để trở thành xa lạ đối với toàn bộ các thanh niên nam nữ đã và đang phục vụ ở tiền phương trong các cuộc chiến lựa chọn.

Đây là một thực tế Hoa Kỳ: đa số 99% hiện quá tách biệt với các cuộc chiến lựa chọn và những binh sĩ đã và đang chiến đấu trong đó. Để giành lại hàng ngũ các binh sĩ, người Mỹ phải chấm dứt các cuộc chiến lựa chọn. Và đó chính là cuộc chiến cần thiết và cần phải thắng.

Nguyễn Trường,

Irvine, California, U.S.A.

21-01-2012


[1] …the U.S. is maintaining the ability to prevail against two capable nation-state agressors in ovrlapping time frames.
[2] …the words “defeat” or “prevail.”
[3] …predicting that land wars will not erupt is too risky.
[4] McKeon said, “the last 10 years of war have taught us this lesson: After every major conflict in the last century, The United States has cut its military, only to have to painstakingly rebuild it the next time our security is threatened. Sadly, this strategy repeats the mistakes of the past… History has taught us this is a perilous course, expensive in both lives and treasure.”
[5] The new strategy is one derived not from risk analysis, but by fiscal constraints. One has only to ask, ‘Would we have conceived this strategy had not we been driven financially to do so?’ I doubt anyone in the business of defense would answer ‘yes.’

Our country is nearing  financial desperation. Our elected leaders have been unable to deal with that threat. And the military establishment is being asked to pay a disproportionate portion of the bill to solve it.

He added: This is not without precedent. It has occurred of necessity at other times in our history. However, while the military culture is such as to respond to difficult orders with a ‘can do’ attitude and to conceive positive plans to deal with them, we should not deceive ourselves into believing that the new strategy is one of carefully assessed military choice rather than one driven by fiscal priorities elsewhere in our society.

[6] It’s an uphill fight.
[7] In my opinion, any future defense secretary who advises the president to again send a big American land army into Asia or into the Middle East or Africa should have his head examined, as Gen. [Douglas] MacArthur so delicately put it.
[8] We’ve been through this before. This is about the fourth time that we have downsized and reorganized our military forces. Unfortunately, it never is predictive of what’s going to happen.
[9] Does [the Obama administration] match requirements with resources?  If not, our senior military leaders need to lay out the risks.
[10] I think what we should be looking for is an agile, balanced force that can deter as well as fight and a forward presence that reassures our allies and partners who share our values and ideals. This is particularly important in Europe.

What I argued for [while on active duty] is the capability to conduct five simultaneous , regional contingencies because I think that’s the strategic environment we’re in. And I do see an enlarged role for special forces and CIA-type operatives. But we do need to be able to deter conflict as well as to fight and win. And that’s the challenge for the new national security strategy.

[11] The military-industrial complex.
[12] Corporate America.
[13] …Washington’s revolving door.
[14] …another 1% — the lone percent of Americans in our All-Volunteer Military…
[15] Long term, if the military drifts away from its people in this country, that is a catastrophic outcome we as a country can’t tolerate.