Năm nay là năm Mậu Tý, năm của con chuột,
một con vật rất đặc biệt. Chúng ta không ai không biết chuột,
nhưng cũng chẳng ai ưa con vật này vì chúng quấy phá đồng ruộng
và ở thành thị chúng được xem là con vật dơ bẩn, mang nhiều mầm
bệnh. Dù đó là những sự thật, nhưng tôi e rằng một cái nhìn như
thế về chuột có phần phiến diện. Trong thực tế, chuột đã song
hành cùng con người rất lâu, và chuột là con vật chịu những hi
sinh vô bờ bến cho sự tiến bộ và văn minh của con người. Không
có chuột, con người chắc chắn khó có tuổi thọ dài như ngày nay.
Do đó, nhân năm con chuột, chúng ta – con người – phải kính cẩn
cám ơn chuột.
Chuột và người: bà con họ hàng
Chuột là con vật đứng đầu trong danh sách 12
con giáp theo lịch Việt Nam. Không rõ tại sao trong 12 con vật
tiêu biểu đó, chuột là con vật nhỏ nhất nhưng lại đứng ở một vị
trí quan trọng như thế, nhưng xét về mặt sinh học và lịch sử
tiến hóa, có lẽ cách sắp xếp này cũng có cơ sở. Ngày nay, qua
nghiên cứu di truyền học, chúng ta biết rằng chuột và con người
là anh em họ. Hai sinh vật này xuất thân từ một tổ tiên chung có
tên là Eomaia scansoria, là loài vật cổ xưa nhất được xem
là đại diện cho dòng Eutheria, là tổ tiên của tất cả các
động vật có vú và nhau. Khoảng 75 triệu năm trước, sinh vật này
tiến hóa thành 2 chi: con người và chuột.
Dù đã trải qua 75 triệu năm tiến hóa, chuột
và người vẫn rất gần nhau về mặt sinh học, và nhất là về cấu
trúc gene. Sự gần gũi về gene giữa người và chuột đến độ ngạc
nhiên. Năm 2002, công trình giải mã toàn bộ gene của con người
và chuột được công bố cho thấy chuột và con người đều có khoảng
30.000 gene. Quan trọng hơn nữa, khoảng 99% gene của con người
cũng là những gene tìm thấy trong chuột. Con người và chuột chỉ
khác nhau có 300 gene! Có người còn ví von rằng con người là
chuột không có đuôi!
Tuy nhiên, hệ thống tổ chức gene trong tế bào
của chuột có phần khác so với trong tế bào của con người. Trong
khi con người có 23 cặp nhiễm sắc thể (chromosomes), thì chuột
nhắt (mouse) có 20 cặp, và trong chuột cống (rat) có 21 cặp.
Chẳng hạn như nhiễm sắc thể số 3 của chuột có những mảng DNA
giống như các mảng DNA trong nhiễm sắc thể số 1, 3, 4, 8 và 13
trong con người; và nhiễm sắc thể 16 trong tế bào chuột có những
mảng DNA trong nhiễm sắc thể số 3, 21, 22 và 16 trong tế bào con
người.
Cần nhắc lại rằng gene được hình thành từ
những mẫu tự DNA (A, T, G và C). Tính bằng chiều dài, bộ gene
của chuột (2.5 tỉ mẫu tự) ngắn hơn khoảng 14% so với bộ gene
trong con người 2.9 tỉ mẫu tự). Tuy bộ gene của con người lớn và
dài hơn so với chuột, nhưng điều này không có nghĩa là gene
chúng ta tốt hơn hay phức tạp hơn, bởi vì một số nhóm mẫu tự DNA
trong con người lặp lại nhiều lần, và những mảng DNA này không
có chức năng gì quan trọng. Ngoài ra, chuột có nhiều gene liên
quan đến khứu giác hơn con người. Đối với chuột, ngửi là một vũ
khí lợi hại, nhất là trong việc cưới vợ hỏi chồng. Ngoài ra,
chuột có nhiều gene liên quan đến tái sản xuất và miễn dịch hơn
con người.
Những hi sinh của chuột cho con người
Sự tương đồng về gene giữa chuột và người
cũng là một điều không may mắn cho chuột. Lợi dụng sự tương đồng
này, con người đã sử dụng chuột làm vật thí nghiệm để tìm các
phương pháp điều trị bệnh tật cho con người. Đứng trên quan điểm
sinh học, chuột là sinh vật lí tưởng nhất cho phân tích gene, vì
chuột là loài vật nhỏ (chỉ cân nặng 25 đến 40g) dễ kiềm chế và
kiểm soát trong phòng thí nghiệm. Ngoài ra, một thế hệ của chuột
thường ngắn (chỉ khoảng 10 tuần từ lúc sinh), và chuột cái có
thể nuôi và sinh con rất nhiều, trung bình khoảng 5-10 con mỗi
lần sinh, nhưng chuột cha không ăn chuột con, và do đó chúng có
thể sống chung trong “hoà bình” sau khi sinh.
Hầu như bất cứ kiến thức nào về bệnh tật và
thuốc điều trị cũng đều được tiếp cận hay thu thập qua nghiên
cứu trên chuột. Muốn biết hóa chất 3-MCPD có khả năng gây ung
thư? Muốn tìm hiểu xem phơi nhiễm phóng xạ có phải là nguyên
nhân của ung thư? Làm sao để biết một dây thần kinh có ảnh hưởng
đến xương? Giải pháp đơn giản nhất và nhanh nhất để giải đáp các
câu hỏi trên là làm thí nghiệm trên chuột. Chuột được nhốt trong
chuồng nhỏ, cho uống hóa chất (nếu không chịu uống thì sẽ bị
tiêm trực tiếp vào mạch máu), chuột được cho phơi nhiễm phóng xạ
(nếu cố tránh thì nhà nghiên cứu có cách làm cho chuột không
cách nào tránh khỏi những tia độc), chuột được đem ra giải phẫu
cắt dây thần kinh, v.v… Ngoài ra, bằng các thao tác sinh học --
hoặc do nhân tạo, hoặc do tự nhiên -- một nhóm gene trong chuột
có thể được “đánh ngã gục” và thay thế vào đó một nhóm gene khác
để sản sinh ra các giống chuột với bất cứ bệnh tật nào mà con
người mắc phải. Và, sau một thời gian theo dõi chuột được cho …
hi sinh (một mĩ từ thay cho từ “giết”), cơ thể sẽ được giải phẫu
và các cơ phận sẽ được đem đi đo lường và phân tích. Dựa vào các
chuột này, các nhà khoa học tìm hiểu nguyên nhân và quá trình
phát bệnh với hi vọng tìm những liệu pháp điều trị bệnh. Theo
thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm có đến 25 triệu con chuột được hi
sinh cho các thí nghiệm y khoa như thế.
Với một sự tương đồng sinh học giữ người và
chuột, có lẽ không ngạc nhiên khi rất nhiều kết quả thí nghiệm
trên chuột có giá trị thực tiễn cho con người. Khó mà liệt kê
hết những thành tựu từ nghiên cứu chuột đã đem lại lợi ích cho
con người trong một bài ngắn, nhưng có thể nói gọn rằng nếu
không có thí nghiệm trên chuột chưa chắc con người có thể sống
thọ như ngày nay.
Luật nhân quả ?
Trong một thời gian dài, chuột được xem là
phương tiện để cho con người mưu cầu hạnh phúc và khắc phục bệnh
tật. Con người chẳng những không quan tâm đến sự an sinh của
chuột, mà còn có những hành động có thể nói là tàn nhẫn và gây
nên đau đớn rất lớn cho chuột. Và, gần như là một luật nhân quả,
con người cũng chuốc lấy nhiều thảm hại từ những hành động tày
trời nhưng có ý thức đó. Một vài “sự cố y khoa” gần đây cho thấy
sự nguy hiểm của ứng dụng kết quả nghiên cứu trên chuột cho con
người. Thuốc thay thế hormone (HRT) một thời được xem là “thần
dược” và được hàng chục triệu phụ nữ khắp thế giới sử dụng vì
kết quả thí nghiệm trên chuột và khỉ cho thấy thuốc có khả năng
giảm nguy cơ bệnh tim mạch và tai biến mạch máu não, nhưng khi
sử dụng trên con người thuốc lại làm tăng nguy cơ hai
bệnh này. Tháng 8 năm 2003 Tập san Lancet ước tính rằng
chỉ tính riêng ở Anh HRT đã gây ra khoảng 20.000 trường hợp ung
thư vú trong vòng 10 năm qua, đó là chưa tính đến hàng ngàn
trường hợp bệnh tim và tai biến.
Thuốc Vioxx trước đây được sử dụng cho việc
điều trị bệnh viêm khớp xương (nay đã rút khỏi thị trường) từng
được thử nghiệm và thấy có kết quả tốt trên chuột, nhưng khi đem
áp dụng cho con người thì gây ra nhiều sự cố nghiêm trọng. Có
người ước tính [hơi quá đáng] rằng chỉ riêng ở Mĩ Vioxx đã làm
cho 140.000 bệnh nhân bị tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ
tim. Một quan chức trong cơ quan FDA của Mĩ (cơ quan quản lí
thuốc và thực phẩm) cũng than rằng sự cố Vioxx là “một thảm họa
lớn nhất trong lịch sử về an toàn thuốc trên thế giới”.
Trong một phân tích tổng hợp gần đây, các nhà
nghiên cứu kết luận rằng nhiều nghiên cứu cơ bản trên chuột và
thú vật nói chung không thể áp dụng cho con người được vì khả
năng tiên lượng từ các nghiên cứu như thế không tốt hơn việc ném
một đồng xu! Hàng trăm thuốc dùng cho điều trị tai biến mạch máu
não (như Cerestat, MaxiPost, Zendra, Lotrafiban, gavestinel,
nimodipine, clomethiazole) từng được xem là có hiệu quả và an
toàn trên chuột, nhưng khi sử dụng cho người thì thất bại. Trong
số 22 thuốc đã được chứng minh là an toàn và có hiệu quả trị
bệnh chấn thương dây thần kinh ở chuột, nhưng tất cả đều vô dụng
cho con người.
Vấn đề đạo đức
Trước những vấn đề trên, càng ngày càng có
nhiều người đặt vấn đề khoa học và đạo đức có nên thí nghiệm y
khoa trên chuột (hay nói chung là thú vật) nữa hay không. Thật
ra, vấn đề sử dụng chuột làm thí nghiệm y khoa đã đã và đang gây
ra nhiều tranh cãi về đạo đức khoa học và đạo đức xã hội từ lâu.
Triết gia người Hi Lạp Aristotle lí giải rằng thú vật và con
người tuy giống nhau về mặt cấu trúc cơ thể, nhưng con người là
một động vật có lí trí và do đó có quyền sử dụng thú vật như là
một phương tiện. Một trong những triết gia có ảnh hưởng rất lớn
đến đạo Công giáo là thánh Thomas Aquinas (1225-1274) tuyên bố
rằng chỉ có con người là động vật có lí trí và có linh hồn. Tất
cả các động vật không phải con người chỉ đơn thuần là đối tượng,
không có cá tính, không có lí trí, và không có quyền, không có
đạo đức. Thánh Aquinas còn tuyên bố rằng các động vật không phải
con người chỉ tồn tại cho nhu cầu của con người mà thôi. Ở đây
cần mở ngoặc để nói thêm rằng một số bài viết của thánh Thomas
Aquinas được xem là đạo văn và đạo ý tưởng của Aristotle.
Những thí nghiệm y khoa trên thú vật chỉ thật
sự hợp thức hóa vào thập niên 1960s. Sau thảm nạn thalidomide
vào 1956 đến đầu thập niên1960s, mà theo đó hàng vạn trẻ em ở Âu
châu sinh ra với dị tật nghiêm trọng do các bà mẹ sử dụng thuốc
thalidomide trong khi có thai, việc thí nghiệm y khoa trên chuột
được hợp pháp hóa ở Anh. Năm 1961, chính phủ Anh ban hành đạo
luật cho phép các nhà nghiên cứu thí nghiệm các thuốc trên chuột
và động vật trước khi sử dụng cho người.
Tuy nhiên ngay từ khi đạo luật ra đời, các
nhà nghiên cứu đã lên tiếng phản đối, vì họ cho rằng chuột khác
với người, và kết quả thí nghiệm trên chuột chưa hẳn có thể áp
dụng cho con người. Tháng 9 năm 1962 tập san The Lancet
bình luận rằng y học đang đối đầu với một sự thật là ngay cả
những thử nghiệm cực kì cẩn thận về tác động của một thuốc mới
trên thú vật có thể không cho chúng ta biết gì về ảnh hưởng ở
con người. Một phân tích cách đây 2 năm cho thấy trong số 114
thuốc nghiên cứu thành công trên chuột, chỉ có 6 nghiên cứu là
có thể áp dụng thành công cho mgười. Mới đây, một giám đốc Viện
ung thư Mĩ (National Cancer Institute) chua chát than rằng “Lịch
sử của nghiên cứu ung thư là lịch sử của điều trị ung thư trên
chuột. Chúng ta đã điều trị chuột qua nhiều thập niên, và chỉ có
thể nói một cách đơn giản rằng các thuật điều trị đó không có
hiệu quả ở con người”.
Công bằng mà nói, thí nghiệm trên chuột đã
đem lại nhiều thành công trong công cuộc chinh phục bệnh tật cho
con người, nhưng ngay cả thành công, con người cũng đã trả cái
giá khá đắt cho những thành công đó. Phần lớn, nếu không muốn
nói là tất cả, các thuốc phát triển nhờ vào thí nghiệm trên
chuột và ứng dụng thành công trên con người, hiệu quả của thuốc
cũng chỉ được ghi nhận ở khoảng 50% bệnh nhân, phần còn lại hoặc
là không có hiệu quả hoặc là xảy ra “sự cố”, kể cả biến chứng.
Trong khi thuốc cứu hàn triệu bệnh nhân mỗi ngày trên thế giới,
thì cũng có hàng vạn bệnh nhân bị thương tật vĩnh viễn thậm chí
tử vong vì các sự cố y khoa do thuốc gây ra.
Về phương diện đạo đức, vẫn còn những lấn cấn
về những thí nghiệm vô dụng trên chuột và sự tàn nhẫn của con
người đối với chuột trong phòng thí nghiệm. Ngày nay, nghiên cứu
khoa học cho thấy quan điểm trên của Aristotle và thánh Aquinas
sai, bởi vì thú vật cũng có cảm giác và tri giác (New
Scientist, 28/6/1997; Nature 3/7/1997). Do đó ở Âu
châu, người ta đã thay đổi nhận thức về thú vật và có một định
nghĩa mới về từ “animal” (kể cả chuột, dĩ nhiên) như là những
“sentient beings”, tức là những sinh vật có tri giác (chứ không
phải là định nghĩa trước đây như là những loại hàng hóa hay sản
phẩm nông nghiệp). Thật ra, phát hiện về thú vật có tri giác
chẳng phải là điều gì mới đối với triết học Đông phương. Phật
giáo từ xưa đã xem tất cả các sự sống hay tồn tại đều có tri
giác và đều tiến hóa đến một tri giác cao hơn. Phật giáo còn
quan niệm rất thực tế rằng tất cả sự sống, kể cả thú vật và thực
vật, tồn tại qua những tương tác với nhau. Do đó, Phật giáo đề
ra triết lí sống không chỉ bao dung với chính mình mà còn đối
với những sinh vật khác và thế giới quanh mình. Thể hiện cho
triết lí này là 5 giới luật, và trong đó có giới luật số 1 là
không làm đau khổ hay giết thú vật.
Nhưng con người cần mưu cầu hạnh phúc và mong
muốn chinh phục bệnh tật, nên có lẽ trong tương lai thí nghiệm
trên chuột vẫn còn tiếp tục. Có hướng nào ra? Trong cuốn sách
“Chúng ta sẽ làm gì nếu không thí nghiệm trên thú vật? Y học cho
thế kỉ 21” (What Will We Do if We Don’t Experiment on
Animals? Medical Research for the Twenty-First Century,
2006), hai tác giả Jean Swingle Greek và C. Ray Greek đề nghị
một mặt ngưng ngay những thử nghiệm không có hiệu quả trên thú
vật; mặt khác, dựa vào các phương pháp chẩn đoán mới nhất để tập
trung vào con người thay vì thú vật, kể cả nghiên cứu trong ống
nghiệm trên các tế bào và mô của con người, mô phỏng bằng máy
tính về hệ thống nội tiết của con người ở mức độ phân tử, và
phân tích gene. Ngoài ra, các phương pháp truyền thống như dịch
tễ học và giảo nghiệm tử thi cũng có thể là những cách làm có
ích.
Nói tóm lại, chuột đã hi sinh rất nhiều cho
sự tồn tại và an sinh của con người, nhưng thay vì được cám ơn,
trớ trêu thay con người đã đối xử quá tồi tệ với con vật này. Có
thể không ngoa khi nói rằng chuột là một trong những con vật hi
sinh nhiều nhất cho loài người. Hàng ngày có hàng triệu người
được cứu sống bằng những thuốc đã được phát triển và thử nghiệm
trên chuột. Nếu không có sự hi sinh của chuột, chưa chắc con
người có tuổi thọ và cuộc sống thoải mái như ngày nay. Năm nay
là năm Tý, và đây là thời gian lí tưởng để chúng ta nghiêng mình
kính cẩn cám ơn con vật từng có thời là anh em họ của chúng ta.
©
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
Nguyễn Văn Tuấn