Vì Sao Nhật Bản Không Chận Đứng Được Thảm Họa Fukushima?

Vietsciences-  Võ Ngọc Phước        10/04/2011

 


Sau hơn 3 tuần lễ dù Nhật Bản đã có cố gắng thực hiện mọi phương cách để khắc phục sự cố của nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1 xảy ra sau trận động đất và sóng thần khủng khiếp vào ngày 11/3/2011 vừa qua, nhưng việc khắc phục sự cố này vẫn không cho thấy kết quả mong muốn, trong đó mục tiêu trước hết là việc chận đứng các nguồn phóng xạ phân tán ra từ nhà máy này đang gây ra các tác hại đến môi sinh bên ngoài.

Trước tình hình ngày một thêm trầm trọng, Ban Quản Trị TEPCO ( Công Ty Điện Lực Tokyo ) đã cho biết sẽ đóng cửa nhà máy Fukushima 1 và, tiếp theo đó, vào ngày 5/4/2011 chính phủ Nhật Bản đã phải chính thức cho ra quyết định ngưng lại toàn bộ chương trình khai thác điện năng nguyên tử để cứu xét lại toàn bộ qui mô của hệ thống an toàn trong việc khai thác và quản trị loại năng lượng nguy hiểm này.

Trong lúc đó thì ở 4 lò nguyên tử bị hư hại, mà dường như ở một vài lò đã có sự nứt hở do tác hại của hiện tượng dung chảy ( melt down ) các thanh nguyên liệu Uranium hay Plutonium chứa bên trong. Người ta có thể thấy hơi nước chứa phóng xạ hiện vẫn đều đặn phun ra bầu không khí bên trên nhà máy và cùng lúc nước thải chứa phóng xạ được xả ra biển Thái Bình Dương ở mực độ hàng ngàn tấn mỗi ngày. Tình trạng này có thể sẽ phải kéo dài ít nhất là vài tháng nữa và ảnh hưởng tác hại đến môi sinh chung quanh ( không khí, đất đai, nước ngầm, biển cả…) chắc chắn sẽ phải rất lâu dài.

Trong một bối cảnh như vậy, sự cố ở nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1 giờ đây đang trở thành một thảm họa thật sự, không những cho riêng Nhật Bản mà còn cho cả toàn thế giới. Nhưng có phải thảm họa này, dù nguyên nhân ban đầu là do thiên tai, đã không thể làm chận đứng được đúng lúc ngay sau đó hay không. Qua những phân tích của diễn tiến thảm họa này, người ta nhận thấy thảm họa đã được làm cho trầm trọng bởi những hành vi không thích hợp trong đối phó với loại sự cố nghiêm trọng này của TEPCO cũng như sự lúng túng trong quản trị nguy cơ của hiểm họa nguyên tử ở phía các cơ quan trách nhiệm của chính phủ Nhật Bản.

Những diễn biến này làm người ta phải thật ngỡ ngàng vì Nhật Bản là một nước đã có những kinh nghiện đau thương của tai họa bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki trước đây, và nay đang có một nền tảng khoa học kỹ thuật và quản trị tân tiến vào bậc nhất nhì thế giới. Hơn nữa, Nhật Bản đã vận dụng biết bao công lao của các giáo sư đại học danh tiếng và chuyên gia lão luyện trong ngành này củng như một kinh phí to lớn qua mấy mươi năm để hoàn chỉnh một hệ thống an toàn để khai thác “quốc sách sử dụng điện năng nguyên tử” và đã từng tự hào về tính cách hoàn hảo của hệ thống khai thác sử dụng an toàn điện năng nguyên tử.

Trước hết người ta được biết nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1 đã hoạt động được một cách êm thắm qua 30 năm và nay vừa được Bộ Kinh Tế và Sản Nghiệp Nhật Bản cấp giấy phép cho gia hạn hoạt động thêm 10 năm nữa. Trong những năm gần đây đã có một sô nhà nghiên cứu địa chất của Nhật Bản đã cảnh báo cho TEPCO có sự chuyển động mới ở khu vực nối các thềm lục địa ( plates ) ngoài khơi miền Đông Bắc Nhật Bàn có khả năng gây ra động đất và sóng thần lớn nên cần chuẩn bị các đối phó, nhưng TEPCO đã coi thường các cảnh báo này nên đã không có các chuẩn bị đối phó với trường hợp này và cũng vì quá tự tin vào thiết kế chống động đất và sóng thần của nhà máy này như đã cho hoạt động êm thắm suốt 30 năm qua.

Sau khi trận động đất với chấn động mạnh và kéo dài trên 3 phút, các đợt sóng thần mãnh liệt cao 7-8 m đã phủ lên toàn bộ nhà máy xây trên thềm đất chỉ cao 5-6 m làm cuốn trôi gần như toàn bộ các thiết bị phòng hờ ( máy bơm phụ, máy phát điện phụ …) đặt ở phía gần bờ biển cũng như làm hư hại nặng nề ở các bộ phận của nhà máy, đặc biệt ở các hệ thống dẫn điện ( wiring ) và hệ thống ống dẫn ( piping ) trong các tòa nhà máy chứa lò nguyên tử và tuabin. Hệ thống bơm làm mát các lò nguyên tử, vì vậy, bị dừng hoạt động tạo ra tình trạng tăng nhiệt rất nguy hiểm trong các lò. Việc cho sửa chữa các hư hại căn bản này khó có thể thực hiện được trong một thời gian cấp bách. Nhưng trước ý muốn giúp đỡ của phía Mỹ, TEPCO , dù biết tình hình rất trầm trọng và thiếu phương tiện khắc phục vì thiếu chuẩn bị cho “trường hợp ngoài dự trù”, nhưng vì “thể diện của TEPCO” và lo sợ phía Mỹ cho tiến tới việc chôn lấp lò ( mà thiệt đi vốn đầu tư thiết lập nhà máy rất cao ) nên đã từ chối ý định giúp đỡ của phía Mỹ ở thời điểm này.

Sau đó TEPCO cũng như các giáo sư danh tiếng và chuyên gia nguyên tử lực của Nhật đã cho chọn phương án làm mát các lò bằng cách cứ cho tiếp tục phun nước biển vào bên ngoài và bên trong các lò ( dù phương cách này đã không có những thí nghiệm trước để biết chắc chắn hiệu quả ). Nhưng phương cách này, do các điều kiện thiếu chuẩn bị trước, đã trước hết không thể cho đủ lượng nước vào các lò để giữ các thanh nguyên liệu nguyên tử dưới mặt nước ( vì nước còn lại trong lò đã bốc hơi quá nhanh và quá nhiều ) và nước biển được bơm vào các lò sau khi bốc hơi đã tạo một lượng muối biển khổng lồ đóng lại trong các lò nguyên tử này. Đây là một thực hiện gây ra hậu quả tai hại không mong muốn, trong khi đó vẫn không thể làm nguội được các lò một cách hiệu quả.

Trong khi đó thì Cơ Quan Bảo Quản An Toàn Nguyên Tử Lực Nhật Bản ( NISA ) thuộc Bộ Kinh Tế và Sản Nghiệp Nhật Bản ( Bộ có nhiệm vụ cai quản hoạt động của TEPCO ), có thể vì thiếu chuyên gia để đến tận hiện trường xem xét, nên thay vì đứng ra quản lý và chỉ đạo việc khắc phục sự cố thì lại chỉ đóng một vai trò để nghe các báo cáo và bàn luận về các hoạt động khắc phục sự cố của TEPCO và các tổ chức hỗ trợ. Vì vậy cho nên khi TEPCO hoàn toàn bối rối trước các cố gắng khắc phục sự cố nhưng không cho được hiệu quả, NISA không có những hõ trợ hữu ich gì hơn. Trong lúc đó thì phía chính phủ Nhật chỉ biết tìm mọi cách để trấn an dân chúng về tai họa phóng xạ.

Cuối cùng, khi các chuyên gia quốc tế từ Mỹ và Pháp được đưa đến Tokyo để hỗ trợ việc khắc phục sự cố này thì tình hình đã quá trễ. Sau khi cả bốn tòa nhà chứa lò nguyên tử của nhà máy đã có phát nổ hydro thì sự dung chảy các thanh nguyên liệu nguyên tử trong các lò đã tiến tới một mực độ quá trầm trọng và khắp nơi trong nhà máy đều ngập tràn nước chứa phóng xạ ở một mực độ cao, có thể là do các chất phóng xạ bị tuôn ra từ các hư nứt của một số lò nguyên tử.

Tuy vậy, trong mục đích tiếp tục làm mát các lò này vì phía trong lò vẫn còn nguyên liệu gây phản ứng nguyên tử ( có thể gây phát nổ Hydro trong lò ), TEPCO hiện vẫn phải cho tiến hành phun nước thông thường ( thay vì nước biển như trước đây ) vào các lò đã hư hại này để chờ cho đến khi các hệ thống bơm làm mát được sửa chửa hoàn toàn để hoạt động được. Việc này có thể sẽ phải kéo dài trong một vài tháng.

Thảm họa này đang xảy ra là không riêng cho Nhật Bản mà còn cho cả thế giới vì hậu quả tác hại của nó có thể sẽ rất lâu dài hàng mấy mươi năm đến môi trường sinh sống của con người trên một bình diện rộng lớn của thế giới ra ngoài cả phạm vi của đất nước Nhật Bản. Thiết nghĩ những lầm lỗi và tuyệt vọng khi cứu chữa sự cố của các bộ phận trách nhiệm đã cho chúng ta một bài học có ý nghĩa làm thấy được tính cách khó khăn khi phải đối phó với loại sự cố hạt nhân một khi xảy ra mà tránh đi hoang tưởng có thể quản trị sử dụng loại năng lượng nguy hiểm này một cách êm thắm.

VNP


 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Võ Ngọc Phước