Những bài học đầu tiên từ Fukushima

Vietsciences-  RFI        25/03/2011

 

Những bài cùng đề tài

 

Xe chữa lửa chạy về phía lò phản ứng số 3 tại Trung tâm hạt nhân Fukushima ngày 23/03/2011.REUTERS/Nuclear and Industrial Safety Agency via Kyodo
 

Thanh Hà

 Thảm họa Fukushima càng làm lộ rõ tính chất bất ổn định trên thị trường năng lượng quốc tế. Tai nạn nhà máy Fukushima khiến dư luận thế giới tỏ ra nghi ngờ với cả ngành công nghiệp điện hạt nhân. Sự hoài nghi đó phải chăng là thái quá ? Câu trả lời có lẽ là không.

Trong một bài phân tích được đăng trên báo kinh tế Les Echos, hai chuyên gia kinh tế Pháp nêu lên những « Bài học đầu tiên rút tỉa từ Fukushima ». Theo giáo sư Jean Marie Chevalier, giám đốc Trung tâm Địa lý chính trị về Năng lượng và Nguyên liệu và giáo sư kinh tế tại đại học Paris Dauphine, Patrice Geoffron thì hãy còn quá sớm để cộng đồng quốc tế có thể rút ra những bài học về phương diện an toàn hạt nhân từ kinh nghiệm đau thương của nhà máy điện Nhật Bản.

 

Bất cẩn quá đáng của Tepco

 

Song, Fukushima cho thấy một thực tế : đó là cộng đồng quốc tế luôn đi tìm những nguồn năng lượng mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn, để bảo đảm nguồn cung cấp bất chấp những bất ổn và đe dọa đến từ các yếu tố « bên ngoài », như chiến tranh, hay bất ổn tại vùng Vịnh …

Bên cạnh đó, trong thế giới toàn cầu hóa của ngày hôm nay, chỉ cần một tai nạn như là trường hợp của Fukushima cũng đủ để dư luận thế giới xôn xao và đòi xét lại toàn bộ chính sách năng lượng hạt nhân. Đòi hỏi đó phải chăng là quá đáng ?

Hai tác giả bài viết nhấn mạnh đến những thiếu sót nghiêm trọng của Tepco, công ty khai thác nhà máy Fukushima. Tại sao ai cũng biết Nhật Bản là nơi bị đe dọa động đất vậy mà con đê chống sóng thần lại không được xây dựng đúng kích thước để đề phòng tai họa ? Để đến nỗi toàn bộ hệ thống bơm nước làm nguội lò phản ứng bị hư hại. Kèm theo đó là những hậu quả dây chuyền mà tới nay chưa một ai có thể đo lường được mức độ nghiêm trọng sẽ đi tới đâu.

Do quá lớn, Tepco có thể coi thường các quy định an toàn ?

Phải chăng, một trong những bài học đầu tiên rút ra được từ tai nạn Fukushima là Nhật Bản đã lơ là trong việc quản lý, thanh tra hoạt động của các đại tập đoàn ? hay nói một cách khác, do là một công ty quá lớn Tepco - cũng như các tập đoàn ngân hàng Mỹ trong trận sóng thần tài chính 2008- đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của một quốc gia ?

Phải chăng đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải hợp lực để củng cố các phương tiện giám sát những hoạt động của các tập đoàn năng lượng hạt nhân ?

 

Fukushima và trách nhiệm dân sự

 Cũng liên quan đến Fukushima, Le Monde nhìn vấn đề dưới góc độ thực tế hơn khi đưa ra câu hỏi ai phải chịu trách nhiệm về thảm họa nguyên tử Nhật Bản ? Ai sẽ phải bồi thường và bồi thường bao nhiêu cho các nạn nhân ?

Trên nguyên tắc trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, luật pháp Nhật Bản quy định : "trong trường hợp xảy ra thảm họa, tập đoàn khai thác nhà máy điện nguyên tử có thể được miễn phần trách nhiệm về phương diện dân sự ». Tokyo đã xác định rõ là sẽ bảo đảm để các nạn nhân được bồi thường thỏa đáng. Tuy nhiên, theo Le Monde tập đoàn Tepco khó có thể « phủi tay ».

Điều đó có nghĩa là hãng bảo hiểm cho Tepco phải hứng lấy một phần các phí tổn. Vấn đề đặt ra là cách nay không lâu tập đoàn điện lực Tokyo, Tepco vừa điều chỉnh hợp đồng bảo hiểm theo hướng nhằm « giảm bớt chi phí cho tập đoàn » và theo quy định của hợp đồng, thì Tepco không được bảo hiểm trong trường hợp xảy ra thiên tai.

Tin còn chưa được kiểm chứng là Tepco không có khả năng tài chính để bồi thường nạn nhân bị nhiễm phóng xạ càng làm sứt mẻ uy tín của tập đoàn điện lực Tokyo.

Trong những ngày gần đây Tepco đã liên tục bị tấn công sau khi báo chí loan tin tập đoàn này giấu nhẹm thông tin về việc bảo trì nhà máy cũng như đã phớt lờ trước những lời cảnh cáo của cơ quan an toàn năng lượng nguyên tử Nhật Bản đòi Tepco phải củng cố vòm bảo vệ lò phản ứng.

Vấn đề nghiêm trọng hơn hết đang đặt ra theo tác giả bài báo là Tepco được lobby chủ trương phát triển năng lượng hạt nhân hậu thuẫn. Bằng chức là bất chấp những thiếu sót đã được nêu lên, chính phủ Nhật vẫn đồng ý cho tập đoàn này tiếp tục khai thác thêm 10 năm lò phản ứng số 1 tại khu nhà máy điện Fukushima.

Có một vài tiếng nói nêu lên khả năng Tepco bị giải thể sau tai họa sóng thần ngày 11/03/11. Nhưng theo Le Monde kịch bản này ít có thể xảy ra. Kinh nghiệm cho thấy một tập đoàn khổng lồ như Tepco vẫn đứng vững sau một thảm họa đối với môi trường và mạng sống của hàng ngàn con người.

Le Figaro không phân tích nhiều, chỉ tóm gọn tình hình Nhật Bản trong hai bài báo ngắn mang tựa đề : « Fukushima, giới chuyên gia thiếu thông tin », « Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế bất lực ».

Về phần mình, tờ báo công giáo La Croix lưu ý độc giả : trận động đất tại Nhật Bản cách nay hai tuần là « thiên tai » gây thiệt hại vật chất nghiêm tròng nhất trong lịch sử nhân loại. Chính quyền Nhật dự báo trận động đất và sóng thần vừa qua đã cuốn đi 200 tỷ euro, đó là chưa kể đến những thiệt hại do tai nạn nhà máy điện nguyên tử Fukushima gây ra. Để so sánh, xin nhắc lại là trận động đất Kobe, năm 1995 gây thiệt hại 70 tỷ đô la cho kinh tế Nhật Bản

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20110324-nhung-bai-hoc-dau-tien-tu-fukushima

 

                http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org