Hiểm Họa Từ Sự Cố Nhà Máy Điện Nguyên Tử

Vietsciences-  Võ Ngọc Phước        16/03/2011

 

Những bài cùng tác giả

Những bài cùng đề tài

Sự cố tại nhà nhà máy điện nguyên tử Fukushima Số 1 của Công Ty Điện Lực Tokyo (TEPCO) xây dựng cách Tokyo khoảng 300 Km về phía Bắc, một lần nữa, đã chứng tỏ cho tất cả mọi người thấy được tính cách nguy hiểm của loại nhà máy này khi gặp sự cố sẽ gây ảnh hưởng rộng lớn đến sinh mạng cùng môi trường sinh sống của con người và những khó khăn để khắc phục sự cố của loại nhà máy điện này một khi gặp phải sự cố.

Tuy nguyên nhân ban đầu của tai nạn này là do những hư hại của các bộ phận cơ khí chung quanh lò nguyên tử (nhà máy có tất cả 4 lò xây cách nhau khoảng 150 m) gây bởi một trận động đất lớn có chấn động cấp 7 và tiếp theo là các đợt sóng thần cao trên dưới 10 m làm nhà máy phải ngưng hoạt động ngay sau đó. Nhưng về phương diện thiết kế căn bản, nhà máy điện nguyên tử này cho rằng được thiết kế có độ an toàn bảo quản lò nguyên tử rất cao cho dù bị phi cơ đâm vào...

Vào ngày hôm sau trận động đất, phía nhà máy điện cho biết đang khắc phục các hư hỏng (có tính cách sơ bộ) này để chờ ngày hoạt động trở lại bởi vì, qua các khảo sát bên ngoài, hình như không có hư hại đáng kể gì đến các lò nguyên tử (chỉ một vài máy bơm nước làm mát liên quan đến lò nguyên tử hiện bị hư nhưng có thể sửa chữa nhanh chóng được).. Vào thời điểm này, có thể phía nhà máy điện chưa biết những biến chuyển nguy hại trọng đại sẽ xảy ra cho lò nguyên tử mà chỉ biết theo dỏi được các số liệu (data) có phần nào biến đổi ghi nhận từ các thiết bị đo lường của lò, nên mới đã có những báo cáo vô tư cho chính phủ như vậy.

Nhưng chỉ vào chiều ngày hôm đó thì phía nhà máy bất ngờ cho biết các hư hại ở máy bơm cũng như hệ thống kết nối điện (wiring) và ống dẫn (piping) đều khó có thể khắc phục được kịp thời và hiện đang dùng các máy bơm mới đem đến thay thế để bơm nước biển và các hóa chất để làm mát và hạn chế phản ứng hạt nhân vào lò nguyên tử để tránh sự hụt nước trong lò. Các nhà máy điện nguyên tử thường được xây dựng ven sông biển là để dự trù trường hợp này (sử dụng nước sông, biển để thay thế  việc sử dụng nước làm mát).

Nhưng việc bơm nước biển vào lò (có thể đã không có những thí nghiệm đảm bảo an toàn vận hành) được tiếp tục thực hiện nhưng, không rõ vì nguyên nhân nào, mực nước trong lò vẫn cứ trồi sụt rất bất thường làm lộ ra các thanh  (pellet) nhiên liệu nguyên tử (uranium và plutonium) lên khỏi mặt nước làm mát trong lò tạo sự phát nhiệt cao độ làm mất an định và an toàn của lò. Có lúc đã làm lộ hẳn hoàn toàn các thanh nhiên liệu nguyên tử trên khỏi mặt nước làm mát nên có thể sự dung chảy nhiên liệu này (melt down) đã xảy ra và đây là một sự việc nguy hiểm rất trọng đại vì vừa tạo ra phóng xạ rất cao lại vừa tạo nhiệt độ và áp suất rất cao phía trong lò. Nhân viên nhà máy, dù đã phải cố gắng tận tình vận hành việc bơm nước biển làm mát nhưng cũng không thể khắc phục sự trạng mất an định này.. Sự việc làm bối rối toàn bộ ban chỉ huy nhà máy dù phảI tận lực cố gắng từng bước tạo an định bên trong lò.

Việc một phần các thanh nguyên liệu nguyên tử (có chiều dài khoảng 4 m) bị lộ ra trên mặt nước sẽ làm phát nhiệt ở cao độ trên dưới 2000 độ C và tăng cao áp suất trong lò nguyên tử lên một mực độ nguy hiểm cũng như làm chận đứng sự bơm nước vào lò vì áp suất trong lò quá cao (làm hư hỏng tất cả các thiết bị đo lường để có thể biết tình trạng lý hóa trong lò). Để tránh tình trạng nguy hiểm này, nhà máy phải cho xả hơi nước trong lò (hàm chứa khí Hydrogen sinh thành từ hơi nước ở cao nhiệt và phóng xạ phát sinh từ phần trên các thanh nguyên liệu nguyên tự bị lộ ra) để làm giảm áp suất cao nguy hiểm và để có thể bơm nước làm mát vào lò dù lò nguyên tử của nhà máy này được cấu trúc bởi hai lớp vỏ bằng kim loại chịu đựng được nhiệt độ và áp suất cao.

Nhưng việc xả hơi nước chứa Hydrogen và phóng xạ có áp suất rất cao trong lò ra khỏi lò thì trước hết làm bao trùm khắp phần trên toà nhà máy và sau đó tạo phát nổ Hydrogen (vì là loại khí nhẹ và dễ phát cháy). Sự phát nổ ở tòa nhà máy và phát tán tức khắc phóng xạ ra toàn khu vực, trước hết làm cho nhân viên nhà máy và một số cư dân quanh vùng bị nhiểm phóng xạ. Chỉ trong vòng 4 ngày, 4 lò nguyên tử của nhà máy điện nguyên tử này đã lần lượt phát nổ và tăng cao dần lượng phóng xạ phát ra đang tiếp tục phát tán trên toàn vùng cho tận đến vùng thủ đô Tokyo có 15 triệu dân. lên gấp 20 lần mực độ phóng xạ bình thường.

Hiện nay, tuy chưa có sự phát nổ của các lò nguyên tử (chỉ có phát nổ do hơi nước Hydrogen được xả ra từ lò), nhưng lượng phóng xạ đo được tại khu vực nhà máy là trên dưới 400 milli Sv, trong khi lượng phóng xa an toàn cho một người trong một năm là 1 milli Sv nên sự cố này là một hiểm họa phóng xạ thật sự mà Nhật bản .phải đối phó sau thờI kỳ hai bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945. Ảnh hưởng của phóng xạ nguyên tử vào thân thể sẽ gây ra các bệnh phóng xạ tuyến như bệnh tăng bạch huyết cầu (Leukemia) gây mực độ tử vong rất cao, nên chính phủ đang phảI kêu gọi dân chúng .chú ý đốI phó khi phảI ra khỏi nhà.

Nhưng chỉ trước đó một ngày, có lẽ nhằm để trấn an dân chúng trước sự cố trọng đại này, phía nhà máy điện nguyên tử cũng như chính phủ đã phải thông báo sự trạng sự cố một cách như không có gì trọng đạị lắm (dù có thể biết là không thể khắc phục được sự cố mà chỉ chờ sự phát nổ lần lượt) và chỉ cho sơ tán dân chúng sau khi đã có phát nổ lần lượt tại 4 lò của nhà máy này, (làm một số dân chúng bị phơi nhiểm phóng xạ trong khi sơ tán) và hiện chỉ cho sơ tán cư dân trong các vùng bắt đầu từ bán kính 10 Km ra 20 Km rồi 30 Km vì là những vùng có mực độ phóng xạ cao và cũng không thể có đầy đủ nơi tiếp nhận dân sơ tán lên cả triệu người. Hiện nay số dân chúng bị sơ tán đang phải sống tạm bợ trong các nhà thi đấu vv…và không biết được ngày nào có thể trở về nhà.cũ.

Theo Bảng Xếp Hạng Quốc Tế về Sự Trạng Nguyên Tử Lực (INES) của Cơ Quan Nguyên Tử Lực Quốc Tế (IAEA) thì tất cả có 8 mực độ (level) của sự trạng liên quan như sau: Vì tính cách hiểm nguy của sự trạng nguyên tử lực, các loại sự trạng loại Sự Cố từ mực độ 4 trở lên bắt buột phải báo cáo ngay cho IAEA được biết để có phương thức đối phó nếu cần thiết. Trước đây Nhật Bản cũng đã có những sự cố ở một vài nhà máy điện nguyên tử nhưng chỉ là sự cố nhỏ ở sai lầm của nhân viên khi vận hành nên dễ dàng khắc phục nhưng vẫn phải hy sinh tính mạng của một số nhân viên nhà máy.

Độ

Phân LoạI Sự Trạng

Nội Dung Sự Trạng

7

Sự cố trọng đại

Sự cố nổ cháy lò nguyên tử Chernobyl ở Liên Sô năm 1986

6

Sự cố có tầm vóc lớn

Sự cố cò sự dung chảy nguyên liệu nguyên tử và phát tán phóng xạ ở một tầm vóc lớn và ảnh hưởng phóng xạ rộng lớn

5

Sự cố có tạo nguy hiểm rò rỉ phóng xạ ra khu vực chung quanh

Sự cố cở TMI (Three Miles Island) ở Mỹ có sự dung chảy phần nào (45%) nguyên liệu của lò nguyên tử và phát tán phóng xạ ra khu vực hạn định chung quanh vào năm 1979

4

Sự cố gây phản ứng hạt nhân ngoài vị trí nhưng không tác hại ra khu vực chung quanh

Sự cố tạo phản ứng hạt nhân khi vận chuyển nguyên liệu nguyên tử trong những vận hành nhà máy

3

Có việc dị thường lớn

Có đám cháy trong nhà máy vv.

2

Có chút ít dị thường

Có sự hư hại ít nhiều ở hệ thống truyền dẫn, ống dẫn vv.

1

Dị thường thật nhỏ

Có sự rò rỉ ở hệ thống ống dẫn các nguyên vật liệu vv.

0

(Không kể)

Hoàn toàn không có dị thường

Ở sự cố nhà máy điện nguyên tử TMI (Three Miles Island) ở tiểu bang Pensylvania (Mỹ), chỉ vì một sự sơ xuất nhỏ khi vận hành của nhân viên mà mực nước làm mát trong lò nguyên tử đã sụt xuống làm lộ trần các hoàn toàn các thanh nhiên liệu nguyên tử tạo sự dung chảy (melt down) của nhiên liệu nguyên tử gây phát tán phóng xạ ra khu vực chung quanh làm phải cho sơ tán dân cư các vùng chung quanh. Khắc phục làm mát lò đã cấp tốc cho thực thi nhưng cũng đã phải làm dung chảy khoảng 45% nhiên liệu nguyên tử của lò, Sự cố này đã làm hồi hộp toàn bộ nước Mỹ vì lo ngại việc có thể xảy ra nổ lò nguyên tử.

Như vậy thì sự cố nhà máy phát điện nguyên tử Fukushima lần này, ở vào thời điểm này (chưa có nổ lò nguyên tử) có thể phải được xếp vào mực độ 6, trên mực độ 5 của sự cố nhà máy TMI chỉ ảnh hưởng phóng xạ ở khu vực giới hạn chung quanh, và dưới mực độ 7 của sự cố nổ cháy lò nguyên tử số 4 của nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Liên Sô vào năm 1986.

Sự cố nhà máy điện Chernobyl xảy ra từ một cuộc thí nghiệm về vận hành thuết bị hệ thống truyền dẫn mới tại lò số 4 này làm xảy ra một loạt phản ứng hạt nhân trong lò mà không chế ngự được đua tới sự nổ lò và làm cháy dữ dội các vật liệu cấu trúc lò suốt 2 ngày liền (ban đầu nhà máy tự cứu cháy, nhưng sau đó phải cầu cứu cơ quan chữa cháy địa phương, rồi các cơ sở chữa cháy từ Kiev và lân cận). 

Sự cố đã làm chết 28 người nhay khi đó và làm nhập viện trên 250 ngườI tại khu vực nhà máy cùng phát tán khói bụi phóng xạ một cách rộng lớn đến cả tận thủ đô Moscow của Liên Sô cách xa trên 500 Km. Sau đó ảnh hưởng phóng xạ đến nước Belarus, nằm phía trên nước Ukraine nhưng hứng phải hướng gió Nam Bắc vào mùa đó, thật không thể lường được vì cho đến hiện nay cả ngàn trẻ em vào thờI điểm đó đang còn phải đang điều trị ô nhiễm phóng xạ và dần dà chết ở vào tuổi còn rất trẻ.

Vào năm 1996, nghĩa là đã cách 10 năm sau sự cố ở đây, trong dịp khảo sát thực địa cho một dự án phát triển nông nghiệp cho vùng Bắc Kiev, tôi đã đến khu vực nhà máy điện nguyên tử này chỉ cách thủ đô Kiev khoảng 120 Km về phía Bắc (lúc đó nhà máy vẫn còn cho hoạt động cho đến năm 2000 thì đóng cửa), thì thấy thị trấn Pripyat, nơi trước đây đã có khoảng 15,000 dân cư phải bị sơ tán, vẫn là nơi vườn không nhà trống, không một bóng dân cư và cả một vùng đất rộng lớn hàng trăm cây số vuông bao quanh nhà máy chỉ là vùng cây cỏ trơ trụi như không còn có sự sống nữa..

Những diễn biến phức tạp của những sự cố nhà máy điện nguyên tử này đã làm nổi lên những sự trạng bất cập giữa các phía liên hệ cùng những khó khăn khi thực thi khắc phục cho kịp thờI một khi sự cố xảy ra như ở các loại sự cố nhà máy khác (không phải là nhà máy điện nguyên tử) và hiểm họa có thể giết chết hàng loạt sinh mạng con người và ảnh hưởng lâu dài huỷ diệt môi trường sống của con ngườI hàng mấy mươi năm không thể lường được.

Trước những hiểm họa không lường trên người ta nhận thấy, dù ở các nước tiên tiến đã đang sử dụng những kỹ thuật cao cấp để xây dựng lò nguyên tử và áp dụng sự vận hành chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên nhà máy lão luyện cũng như đã sửa soạn tất cả các dự phòng để khắc phục đối phó sự cố một khi xảy ra, nhưng nhà máy điện nguyên tử vẫn khó có thể khắc phục sự cố một cách kịp thời được để tránh khỏi các hiểm họa vô cùng đau thương từ hậu quả sự cố..

VNP

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org