Hạt nhân đi dễ khó về

Vietsciences- Phạm Nguyên Quý            21/04/2012

 

 

       Việt Nam đang triển khai những bước đầu tiên trong dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại Ninh Thuận. Kế hoạch này không ổn về nhiều mặt, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong tương lai. Bài viết dưới đây phân tích những khía cạnh liên quan và mong mỏi sự suy xét trước khi tiếp tục dự án.

 

       Trước hết, chúng ta cần thận trọng với quảng cáo "Xác suất xảy ra sự cố thấp" từ phía đối tác.

Thiệt hại do sự cố Fukushima quá lớn và đã làm Nhật Bản điêu đứng. Rau quả, sữa bò và cả gạo từ những vùng cách nhà máy điện hàng trăm km bị cấm bán, hoặc bán rẻ mạt mà không ai mua vì sợ nhiễm xạ (1). Người dân ồ ạt mua áo chống xạ và u ám ở suốt trong nhà.

       Cả thế giới cũng chao đảo vì Fukushima. Hơn 530 nghìn người nước ngoài đã tháo chạy khỏi Nhật Bản (2). Nhiều tour bị hủy và lượng khách đến Nhật giảm đến hơn 60% (3). Nhiều nước hoang mang vì nhiễm xạ từ Nhật Bản (4, 5). Cả Việt Nam cũng lo sợ mây phóng xạ sắp đến...(6)

       Gây ô nhiễm thực phẩm, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe con người, sự cố hạt nhân còn dẫn đến nhiều hậu quả kinh tế, chính trị, xã hội và ngoại giao khác. Vì vậy, đừng xem thường một thiệt hại LỚN dù với xác suất NHỎ!

 

       Nhà máy điện nguyên tử sẽ thải ra chất phóng xạ nguy hiểm khi phân hủy nhiên liệu hạt nhân.

Chất thải được quản lý bằng NỒNG ĐỘ (như ở Đức là 3 kBq/m³) (7, 8), dẫn đến khả năng một LƯỢNG lớn chất phóng xạ thoát ra môi trường hằng ngày. Chất phóng xạ sẽ lan đi, tích lũy với trong cơ thể sinh vật và gây nên nhiều tác hại khôn lường như rối loạn di truyền, ung thư, dị tật bẩm sinh, …(9-12)

       Ở Việt Nam, rất nhiều nhà máy dệt, bột ngọt,… và cả công ty xử lý nước thải (!) đã lén lút xả thải ra môi trường (13-21). Chúng đã bị trừng trị như thế nào? Môi trường đã ô nhiễm ra sao? Phóng xạ không nhìn thấy và nguy hiểm gấp nhiều lần!

 

       Hiện nay chưa có cách xử lý triệt để rác phóng xạ.

Vì chất phóng xạ có chu kỳ bán rã (thời gian để lượng chất đó giảm đi một nửa) rất dài, từ vài chục năm (Cs-137) đến hơn mấy chục nghìn năm (Np-237, Plu-239), rác phóng xạ vẫn độc hại sau vài đến vài chục thế hệ. Cách xử lý duy nhất hiện nay là CHỜ nó phân rã, từ hàng chục đến hàng ngàn năm (25-30). Có nghĩa là không chỉ chúng ta, mà con cái, cháu chắt chúng ta sẽ vẫn phải chờ và chịu RỦI RO vì đống rác ấy. “Nhiệm vụ canh rác” của con rồng cháu tiên sẽ kéo dài thêm vài trăm năm kể từ ngày chúng ta dừng xả rác. Hãy cho tương lai Việt Nam một lựa chọn khác!

 

        “Phóng xạ” tạo bất công và bất an xã hội.

Không ai muốn con cháu gặp nguy cơ dị tật. Không ít người Nhật thành kiến và phản đối con cái kết hôn với công nhân nhà máy điện nguyên tử. Họ cần công nhân nhưng họ lại không công bằng! (31, 32) Tại Việt Nam, dự án điện nguyên tử cũng sẽ sinh thêm một loại phân biệt đối xử mới, bên cạnh nhiều loại phân biệt nghiệt ngã khác.

       Vì sự cố Fukushima, nhiều trẻ em đã không được tự do ra ngoài, nhất là không được lại gần những vũng nước và bãi cỏ. Vì đó là nơi có nồng độ phóng xạ cao, là cạm bẫy vô hình mà hậu quả chỉ xuất hiện sau vài chục năm nữa! (33-35) Người Nhật sẽ phải sống trong bất an triền miên và nhiều người không muốn người Việt Nam cũng như vậy. Nỗi sợ không có biên giới

   

       Và cuối cùng, sự thật là điện nguyên tử không hề rẻ!

       Gánh nặng kinh tế từ những sự cố hạt nhân Chernobyl (Ukraine), Three Miles Islands (Mỹ) và Fukushima (Nhật) cho thấy năng lượng nguyên tử có thể cung cấp điện trong một thời gian, nhưng cũng có thể làm quốc gia khánh kiệt trong tích tắc (36, 37).

       Hiệu quả kinh tế cũng rất kém khi không có sự cố (38-43). Ở Nhật, các nhà thầu đã lừa dối bằng dự toán chi phí phát điện. Theo đó, để làm ra 1 kWh điện cần 5.7-10.7 yên cho nhiệt điện, 11.9 yên cho thủy điện và chỉ cần 5.3 yên cho điện nguyên tử! Tuy nhiên, những nhà kinh tế đã vạch ra sự láu cá trong phép tính này (40-43).

       Thứ nhất, dự toán này dựa trên giả thuyết là nhà máy điện nguyên tử sẽ chạy tốt như mới trong suốt 40 năm, với hiệu suất luôn ở mức 80%. Thật ảo tưởng vì máy móc nào cũng phải hao mòn. Một nhà máy thường được phép chạy trong 16 năm và nó phải vượt qua kỳ sát hạch để gia hạn hoạt động. Phân tích thực tế cho thấy giá thành của 1 kWh điện là 9.80 yên với nhiệt điện, 7.08 yên với thủy điện và 8.64 yên với điện nguyên tử! (40-43)

       Thứ hai, chi phí hậu kỳ (back-end cost), dùng vào việc xử lý rác phóng xạ và tháo dỡ lò phản ứng khi hết sử dụng, đã KHÔNG được tính vào dự toán. Nhà máy điện nguyên tử Tokai (công suất 166 MW) khi giải thể đã tốn 433.35 triệu USD để tháo dỡ máy móc, 718.10 triệu USD để xử lý rác thải. Có nghĩa là cần thêm 1.15 tỉ USD để xóa sổ nhà máy! (43, 44)   

       Nhật Bản vẫn đang nhờ Anh và Pháp giúp xử lý rác phóng xạ. Với 54 nhà máy điện nguyên tử, Nhật phải tốn khoảng 232.76 tỉ USD cho rác phóng xạ! (40, 41) Càng dùng điện nguyên tử, rác phóng xạ càng nhiều và tiền xử lý rác càng tăng. Đây là lý do các công ty điện lực Nhật luôn kèm thêm phụ phí vào hóa đơn hằng tháng (41, 43, 44). Hãy thử tính chi phí hậu kỳ của nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận (công suất 2000 MW) để thấy rằng nó không hề rẻ!

 

       Với tốc độ phát triển kinh tế hiện nay, chúng ta sẽ cần thêm điện nhưng điện nguyên tử có phải là giải pháp duy nhất và tốt nhất? Năng lượng sạch từ gió, sóng biển, ánh sáng mặt trời…là lựa chọn tương lai đang được phát triển tại nhiều nơi trên thế giới (45, 46). Việt Nam có nên đi ngược trào lưu, bỏ phí năng lượng xanh mà thiên nhiên ưu đãi để chạy theo điện nguyên tử hủy diệt và đắt đỏ? 

 

       Nếu hiểu rằng điện nguyên tử là nguy hiểm và lạc hậu, chúng ta sẽ chú tâm đầu tư phát triển năng lượng thay thế. Sản xuất điện sạch đi kèm tiêu thụ điện hợp lý mới chính là chìa khóa của phát triển bền vững và tự chủ (47-49). Sống hài hòa với Tự Nhiên còn giúp chúng ta bớt mưu cầu sung túc trên sự thiệt thòi của đồng loại.

       Nước Đức đã dũng cảm bỏ đi nhà máy điện nguyên tử dù đã hoàn thành (48 ).      

       Việt Nam ta có đủ dũng khí để bỏ đi nhà máy điện nguyên tử đang còn trong trứng nước không?

       Hãy xem đây là một cơ hội để Việt Nam đi tắt đón đầu về năng lượng tái tạo và nói “CÓ”!

 

 Phạm Nguyên Quý

Bác sĩ, nghiên cứu sinh TS Đại học Y Nha Khoa Tokyo

1-5-45 Yushima, Bunkyo-ku, Tokyo, Nhật Bản

E-mail: pnquy.phy2@tmd.ac.jp

 

Tài liệu tham khảo

1. http://www.bbc.co.uk/news/business-15786289

2. http://www.moj.go.jp/content/000073059.pdf

3. http://www.jri.co.jp/MediaLibrary/file/report/research/pdf/5493.pdf

4. http://www.asahi.com/english/TKY201103170210.html

5. http://www.nytimes.com/2011/03/16/health/16iodide.html

6. http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/15733/hom-nay-may-phong-xa-se-lan-den-viet-nam.html

7.http://www.ippnw-europe.org/en/nuclear-energy-and-security.html?expand=707&cHash=8752881e4a

8. http://www.ianfairlie.org/uncategorized/radioactive-spikes-at-nuclear-power-stations/

9. http://epa.gov/radiation/understand/health_effects.html

10. http://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMra1103676

11. http://www.bt.cdc.gov/radiation/healtheffects.asp

12. http://www.who.int/ionizing_radiation/chernobyl/who_chernobyl_report_2006.pdf

13. http://www.tinmoi.vn/doanh-nghiep-huy-hoai-moi-truong-02590177.html

14. http://danviet.vn/45463p1c36/dak-nong-nha-may-giayhuy-hoai-nguon-nuoc.htm

15. http://tinmoinhat.vn/tin-tuc-24h/tin-trong-nuoc/cong-ty-det-thai-tuan-bi-phat-250-trieu-vi-thai-ban-ra-moi-truong

16. http://www.monre.gov.vn/v35/default.aspx?tabid=428&CateID=24&ID=114264&Code=0NQP114264

17. http://diendankienthuc.net/diendan/tin-tuc-moi-truong/37465-o-nhiem-moi-truong-o-cong-ty-det-nha-trang.html

18. http://vnexpress.net/gl/topic/5379/vedan-gay-o-nhiem-moi-truong/

19.http://www.baomoi.com/Cong-ty-Sabeco-huy-hoai-moi-truong/45/4468947.epi

20.http://www.baomoi.com/Home/DauTu-QuyHoach/giadinh.net.vn/Cong-ty-moi-truong-huy-hoai-moi-truong/2236860.epi

21. http://www.tienphong.vn/Tuong-Tac/Ban-Doc/569093/Tram-xu-ly-nuoc-thai-gay-them-o-nhiem-tpp.html

22. http://www.nrc.gov/reactors.html

23. http://www.world-nuclear.org/education/wast.htm

24. http://www.phyast.pitt.edu/~blc/book/chapter11.html

25. http://www.iam-t.jp/HIRAI/pageall.html#page18

26. http://en.wikipedia.org/wiki/Radioactive_waste

27. http://www.nrc.gov/waste/high-level-waste.html

28. http://www.rwmc.or.jp/law/d2/no6.html

29. http://www.nirs.org/factsheets/hlwfcst.htm

30. http://www.tokyo-np.co.jp/article/tokuho/list/CK2012021002000052.html

31. http://japanese.joins.com/article/607/138607.html?sectcode=A00&servcode=A00

32. http://www.iam-t.jp/HIRAI/page19.html

33. http://mainichi.jp/select/weathernews/20110311/archive/news/2011/06/08/20110609k0000m040071000c.html

34. http://savechild.net/archives/8716.html

35. http://nikkan-spa.jp/69339

36. http://www.investmentpostcards.com/2011/03/16/fukushima-vs-three-mile-island-vs-chernobyl/

37. http://www.forbes.com/2011/03/16/japan-disaster-nuclear-opinions-roubini-economics.html

38. http://en.wikipedia.org/wiki/Economics_of_new_nuclear_power_plants

39. http://scitizen.com/future-energies/how-much-will-new-nuclear-power-plants-cost-_a-14-2287.html

40. http://www.foejapan.org/infomation/news/110419_o.pdf

41. http://eco.nikkeibp.co.jp/article/report/20110608/106639/?P=4

42. http://www.fepc.or.jp/library/publication/pamphlet/nuclear/zumenshu/pdf/all04.pdf

43.「脱原発の経済学」, 熊本 一規 ("Kinh tế học của việc loại bỏ điện hạt nhân", Kumamoto Kazuki)

44. http://www.nuketext.org/yasui_backend.html

45. http://devi-renewable.com/knowledge/

46. http://en.wikipedia.org/wiki/Renewable_energy

47. http://www.iea.org/textbase/nppdf/free/2008/PromotingEE2008.pdf

48. http://www.un.org/esa/dsd/dsd_aofw_ene/ene_index.shtml

49. http://www.undp.org/content/undp/en/home/ourwork/environmentandenergy/focus_areas/sustainable-energy.html

50. http://tuoitre.vn/The-gioi/440248/Duc-dong-cua-tat-ca-nha-may-hat-nhan-vao-nam-2022.html 

 

 

 

                 ©    http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org  Phạm Nguyên Quý