Chống năng lượng hạt nhân : Biểu tình rầm rộ khắp nơi trên thế giới

Vietsciences-  RFI           18 /03/2012

 

Những bài cùng đề tài

 

Những nhà hoạt động bảo vệ môi trường tại Pháp nám tay nhau biểu tình phản đối năng lượng hạt nhân hôm 11/03/2012.
Những nhà hoạt động bảo vệ môi trường tại Pháp nám tay nhau biểu tình phản đối năng lượng hạt nhân hôm 11/03/2012.
REUTERS/Robert Pratta

 

Trọng Thành

Đúng một năm sau thảm họa hạt nhân Fukushima, ngày hôm qua 11/03/2012, nhiều cuộc biểu tình chống điện hạt nhân đã diễn ra tại Châu Âu và tại một số nơi khác.

 
Tại Đức, nơi chính quyền quyết định từ bỏ dần dần năng lượng hạt nhân, theo ban tổ chức, có 50.000 người xuống đường tại sáu khu vực. Những người biểu tình đòi hỏi : « Thảm họa Fukushima là một cảnh báo : phải đóng hết các nhà máy hạt nhân ngay lập tức ! ». Riêng tại Braunschweig (miền bắc nước Đức), khoảng 24.000 người chống hạt nhân đã xếp thành một đoàn biểu tình kéo dài tới gần 80 cây số. Trong khi đó, 3.000 người đã bao vây xung quanh nhà máy hạt nhân Brokdorf (cũng nằm ở miền Bắc).

Tại Pháp, quốc gia có tới 75% năng lượng đến từ các nhà máy hạt nhân, khoảng 60.000 người đã tham gia vào các cuộc biểu tình theo số liệu của ban tổ chức, còn theo con số của cảnh sát, hơn 30.000 người có mặt. Đến từ Đức, Thụy Sĩ, Bỉ và khắp nơi trên đất Pháp, những người biểu tình đã tạo thành một dòng người dài đến trên 230 cây số, trải từ Lyon đến Avignon, dọc theo thung lũng sông Rhône. Đây là khu vực có nhiều lò phản ứng hạt nhân nhất ở Châu Âu, với 14 lò.

Khoảng 5.000 người biểu tình đã tuần hành xung quanh nhà máy hạt nhân Muhleberg, miền tây Thụy Sĩ để đòi hỏi chính quyền cho ngừng ngay lập tức các nhà máy tại Muhleberg và Beznau. Sau tai nạn hạt nhân Fukushima, chính quyền Thụy Sĩ đã quyết định không triển hạn 5 lò phản ứng đang vận hành, sau năm 2034.

Tại Tây Ban Nha, hàng trăm người biểu tình tập hợp quanh nhà máy Garona, để yêu cầu đóng cửa nhà máy cũ kỹ nhất tại nước này. Đây là nhà máy mà chính phủ vừa mới có quyết định cho gia hạn hoạt động thêm 5 năm nữa.

Tại Châu Á, 5.000 người Đài Loan đã tuần hành ở Đài Bắc để đòi đóng cửa ba nhà máy hạt nhân sớm nhất có thể được. Chúng ta biết Đài Loan là nước thường xuyên phải chịu các trận động đất lớn.

Tại Úc, nước không có nhiều điện hạt nhân, nhưng là nhà xuất khẩu thứ ba quặng uranium trên thế giới, sau Kazakhstan và Canadan, khoảng 500 người biểu tình tại Melbourne, trước cửa trụ sở các công ty khai khoáng BHP Billiton và Rio Tinto, để tưởng niệm ngày 11/03 và đánh động công luận nước này trước nguy cơ hạt nhân.

Nhật Bản khó tìm được nguồn thay thế cho năng lượng hạt nhân

Tại Nhật Bản, trong hiện tại, chỉ có 2 trong số 54 lò phản ứng hạt nhân đang còn hoạt động và trong hai tháng nữa, sẽ không còn một kilowat điện nào được sản xuất từ nhiên liệu hạt nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, chính phủ Nhật chưa bao giờ tuyên bố từ bỏ thực sự năng lượng hạt nhân.

Vì lý do an toàn, thủ tướng Nhật lúc đó đã buộc phải cho tạm ngưng các nhà máy hạt nhân để kiểm tra lại toàn bộ lĩnh vực này. Để bù vào phần năng lượng bị thiếu hụt, Nhật Bản phải nhập ồ ạt dầu mỏ và khí đốt. Giá điện tăng đến 18% đối với người tiêu dùng và 36% đối với các doanh nghiệp.

Một trong các lý do, có thể chỉ mang tính tạm thời, khiến Nhật Bản khó lòng từ bỏ thực sự năng lượng hạt nhân. Đó là việc những người ủng hộ điện hạt nhân dành chiến thắng trong các cuộc bầu cử địa phương mới đây. Mà việc có khởi động lại hay không các nhà máy hạt nhân sẽ được quyết định ngay tại các địa phương.

 

http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120312-chong-nang-luong-hat-nhan-bieu-tinh-ram-ro-khap-noi-tren-the-gioi

                 http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org