Cái TÂM của nhà khoa học

Vietsciences-  Phạm Việt Hưng      25/03/2011

 

 

 

Thưa quý độc giả,

 

Báo Sàigòn Tiếp Thị vừa cho ra mắt bài báo “Nhật ký Fukushima Kỳ 3: Ma phóng xạ và hoạ hiện hữu[1] của GS Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Hạt Nhân Đà-Lạt.

Đọc bài báo đó, tôi thực sự cảm phục GS Phạm Duy Hiển vì những phân tích và giải thích khoa học rất thuyết phục về nguy cơ của thảm hoạ hạt nhân đã, đang và sẽ có thể tiếp tục xẩy ra đối với loài người.

Bài viết của GS không chỉ sâu sắc về mặt khoa học, mà còn thể hiện cái TÂM của một nhà khoa học chân chính – giống như Alfred Nobel, Pierre Curie, Albert Einstein, … trước đây đã từng lo lắng cho số phận của nhân loại, mong muốn khoa học không bao giờ làm điều gì có hại cho cuộc sống bình an của con người!

Tôi đặc biệt ngưỡng mộ ý kiến thẳng thắn của GS rằng “…thái cực thứ hai còn đáng trách hơn nhiều, bởi đây là cách hành xử của một số người dán mác hạt nhân. Họ tuyên truyền điện hạt nhân hiện nay an toàn tuyệt đối. Thuyết phục những người có học này còn khó hơn thuyết phục những người sợ ma. Nhưng hoạt động theo kiểu này đã gây phản tác dụng. Có thể số người sợ ma sẽ đông hơn sau cái họa hiện hữu ở Fukushima. Tôi đã từng nói với họ, phải nói đúng sự thật và minh bạch với dân. Bảo điện hạt nhân là an toàn tuyệt đối chẳng khác nào đi vay lòng tin của dân mà không có thế chấp. Thuyết phục những người có học này còn khó hơn thuyết phục những người sợ ma”.

Vâng, tôi được biết tại Mỹ, sau một công trình nghiên cứu gấy ghép tế bào não người vào não chuột thành công, người ta đang định làm điều ngược lại. Nhiều người thấy ghê sợ, lên tiếng phản đối chương trình nghiên cứu này, vì cho rằng những nghiên cứu đó sẽ dẫn tới chỗ xoá bỏ hết ranh giới giữa con người và con vật. Vị giáo sư X đứng đầu công trình nghiên cứu bị báo chí chất vấn, nhưng ông thản nhiên trả lời: “Chúng tôi chỉ lo nghiên cứu khoa học, còn vấn đề đạo đức thuộc phạm trù đạo đức học”.

 

 

Tôi có cảm tưởng những người “dán mác khoa học”, “dán mác hạt nhân” bây giờ không ít. Họ chỉ lo cho miếng ăn của họ, lo cho “nhãn mác” của họ, cho “bổng lộc” của họ, và có 2 nguyên nhân để họ nói sai sự thật:

-Hoặc do dốt nát.

-Hoặc do thiếu cái TÂM, cái ĐỨC, giống như vị GS X trong nghiên cứu não chuột nói trên.

Cả 2 lý do nói trên đều không thể chấp nhận được – “unacceptable!”

Làm khoa học mà thiếu cái TÂM cái ĐỨC thì nguy hiểm vô cùng!

Còn sự dốt nát thì sao? Xin lấy lời của Victor Hugo thay cho câu trả lời: “Les ignorants font plus de méchancetés que les méchants” (Kẻ dốt làm nhiều điều ác hơn kẻ ác).

Vì thế theo tôi thảm hoạ hạt nhân không còn là vấn đề thuần tuý khoa học nữa. Chỉ có thể giải quyết vấn đề này rốt ráo khi con người xem xét lại cái văn hoá ngày nay, cái thang bậc giá trị ngày nay. Nếu có gì sai trong công nghiệp điện hạt nhân thì đó không phải là cái sai về khoa học, mà là SAI LẦM LỚN VỀ VĂN HOÁ, VỀ NHẬN THỨC GIÁ TRỊ, VỀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN!

 

Tất cả những tuyên bố an toàn hạt nhân đều chỉ là tuyên bố vô trách nhiệm, bởi vì những tuyên bố này đều bỏ ngoài tai 3 nguy cơ lớn sau đây:

 

 

1* Thiên tai không thể dự đoán trước (thảm hoạ Fukushima là lời cảnh báo nhãn tiền). 

2* Những sai hỏng của hệ thống không thể dự đoán trước, bao gồm sai hỏng do chính con người gây ra. Không bao giờ tồn tại một hệ thống tuyệt đối an toàn. Bất kỳ hệ thống nào cũng có một xác suất sai hỏng. Computer là bằng chứng điển hình. Sự Cố Dừng (The Halting Problem) của Alan Turing đã khẳng định rằng không thể dự đoán trước sự cố dừng của bất kỳ một computer nào. Hệ thống điện hạt nhân là một hệ thống sử dụng rất nhiều computer, sự cố dừng lại càng không thể đoán trước, vì thế chắc chắn sẽ tồn tại những sự cố sai hỏng của hệ thống điện hạt nhân mà bất cứ một chuyện gia nào dù giỏi đến đâu cũng không thể đoán trước. Bất cứ một hệ thống điện hạt nhân nào dù tinh vi đến đâu, dù là đời thứ mấy, cũng tồn tại những sai hỏng không thể dự đoán trước. Dù hệ thống cứu chữa tinh vi đến mấy, sẽ tồn tại những tình huống mà mọi phương án dự phòng đều trở nên vô hiệu.

 

3* Nguy cơ chiến tranh. Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn ở Pháp đã từng lưu ý rằng những nhà máy điện hạt nhân sẽ trở thành mục tiêu dễ tổn thương nhất trong chiến tranh. Càng nhiều lò hạt nhân càng có nguy cơ tổn thương nặng trong chiến tranh.  

Từ khi xẩy ra đại hoạ Fukushima, người đi tiên phong trong việc cảnh tỉnh nhân loại là nhà vật lý - nữ thủ tướng Đức Angela Merkel với tuyên bố hùng hồn: “Sự cố Nhật Bản là bước ngoặt của thế giới!”.

Thưa những vị “dán mác hạt nhân”, bà Merkel là một tiến sĩ vật lý, và là một nhà khoa học có tâm hồn cao quý. Tôi vô cùng ngưỡng mộ những nhà khoa học như bà, và tôi vô cùng ghê sợ những nhà khoa học chỉ lo “dán mác”!

Sydney 24/03/2011

PVHg

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Phạm Việt Hưng