Những bài cùng tác giả
Mấy tuần nay, tin sữa sản xuất ở Trung Quốc bị nhiễm melamine làm công chúng
quan tâm. Thật ra nói “nhiễm” không đúng; phải nói là pha chế giả
(adulterate) melamine thì chính xác hơn, bởi vì có bằng chứng cho thấy các
nhà sản xuất sữa Trung Quốc cố ý sử dụng hóa chất này từ nhiều năm qua. Báo
chí đã tốn nhiều giấy mực bàn về vấn đề này. Tính đến nay, có ít nhất là
53.000 trẻ em ở Trung Quốc mắc bệnh vì uống sữa chứa melamine, và trong số
này có 4 em đã không may tử vong. Trước tác hại đến con người như thế, cả
thế giới đều quan tâm, nếu không muốn nói là phẫn nộ, với một số người vì
lợi nhuận mà quên đi đạo lí và trách nhiệm xã hội. Nhưng cũng như bất cứ vấn
đề nào, nhiều thông tin có khi dẫn đến nhiễu thông tin. Trong bài này, tôi
cố gắng cung cấp vài thông tin từ y văn thế giới để hi vọng làm sáng tỏ vấn
đề hơn qua những câu hỏi và trả lời.
Melamine là gì?
Melamine là một chất hữu cơ, màu trắng pha lê, và khó hòa tan trong nước.
Tên khoa học của melamine là 1,3,5-triazine-2,4,6-triamine,
có khi còn gọi là cyanuramide hay cyanurotriamine,
với cấu trúc hóa
học gồm 3 nguyên tử carbone, 6 nguyên tử hydrogen và 6 nguyên tử nitrogen.
Trọng lượng phân tử của melamine chỉ 126; trong đó, 66% là nitrogen.
Công thức tổng quát C3H6N6.
Công thức khai
triển: .
Melamine sử dụng ra sao?
Vì giàu nitrogen, nên melamine được sử dụng làm chất dập lửa. Melamine
thường kết hợp với chất formaldehyde để sử dụng trong qui trình sản xuất
nhựa, chất keo, giấy, vải, và một số sản phẩm phục vụ cho việc tẩy rửa. Vào
thập niên 1950s và 1960s, melamine từng được sử dụng như là phân bón vì nó
hàm chứa lượng protein khá cao, nhưng khi đưa vào ứng dụng thì thất bại.
Melamine độc hại như thế nào?

Acid cyanuric
 
Melamine cyanurate
Melamine tự nó không được xem là một độc chất. Acid cyanuric mới là một độc
chất. Nhưng khi kết hợp với Acid cyanuric thì nó mới trở thành độc hại. Khi
melamine kết hợp với cyanamide sẽ cho ra melamine cyanurate, và đây chính là
hợp chất tìm thấy từ sữa sản xuất ở Trung Quốc. Trong bài này khi đề cập đến
“melamine”, tôi muốn nói đến melamine cyanurate.
Chưa ai biết mức độ độc hại của melamine ở con người ra sao, vì thiếu dữ
liệu lâm sàng. Tuy nhiên, nghiên cứu trên chuột, thỏ, và chó cho thấy mức độ
độc hại của melamine tương đối thấp. Thí nghiệm trên chuột cho thấy khi cho
uống melamine với liều lượng 3161 mg/kg thì 50% chuột chết. Khi chuột được
cho ăn thức ăn chứa 1200 mg/kg/ngày suốt 1 năm liền, các nhà nghiên cứu ghi
nhận sạn trong nước tiểu, và một số triệu chứng như biếng ăn và mất cân.
Nghiên cứu trên 75 cá hồi và cá basa, 4 con heo và 1 mèo cho thấy chỉ khi
nào melamine và Acid cyanuric thì mới gây sạn thận. Một nghiên cứu khác trên
38 con mèo bị tình cờ cho ăn thức ăn chứa melamine và Acid cyanuric cũng
thấy sạn thận.
Độ melamine an toàn?
Không có dữ liệu cụ thể ở con người để trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, theo
thông tin từ Trung Quốc thì sữa của công ti Sanlu sản xuất hàm chứa melamine
đến 2.565 mg/kg, và phần lớn các em bé bị sạn thận là do uống sữa này. Vì
thế, có thể xem >2.565 mg/kg là ngưỡng độc hại.
Sữa sản xuất ở Việt Nam có an toàn không??
Gần đây có thông tin cho biết một số sữa đang có mặt trên thị trường ở Việt
Nam (một số có thể xuất phát từ Trung Quốc) có nồng độ melamine cao nhất là
6000 ppb (6000 phần tỉ), tức tương đương với 6 mg/kg (tính theo đơn vị 1 ppm
= 1 mg/kg). Do đó, sữa sản xuất ở Việt Nam có lượng melamine rất thấp và an
toàn. Tuy nhiên, theo nguyên lí phòng ngừa, đáng lẽ lượng melamine không nên
có trong sữa, nhất là sữa cho trẻ em.
Theo Cục thực phẩm và thuốc của Mĩ (FDA) thì liều lượng an toàn của melamine
cho người lớn là 0,63 mg/kg/ngày, và cho trẻ em là 0,32 mg/kg/ngày. Chú ý
“kg” là trọng lượng cơ thể. Nếu lượng melamine trong sữa là 10 mg/kg (hay 10
ppm), một em bé phải uống trên 0,30 kg sữa thì có thể vượt ngưỡng an toàn
cho phép.
Tại sao pha trộn melamine vào sữa?
Câu trả lời ngắn là: tăng giá sữa. Lượng protein trong sữa càng nhiều nhà
sản xuất có lí do để nâng giá sữa.
Nhưng câu chuyện có chút lí do kĩ thuật đằng sau. Hiện nay, phương pháp phổ
biến nhất để xác định lượng protein trong thực phẩm là phương pháp Kjeldahl
và Dumas. Cả hai phương pháp này đều dựa vào giả định rằng: (a) carbohydrate
và mỡ không hàm chứa nitrogen; (b) hầu hết nitrogen trong thực phẩm hiện
diện dưới dạng Acid animo trong protein; và (c) tính trung bình lượng
nitrogen trong protein là khoảng 16%. Dựa vào các giả định này, phương
Kjeldahl và Dumas đo lượng nitrogen trong thực phẩm, và nhân lượng nitrogen
này với một hệ số 1/0.16 để cho ra hàm lượng protein.
Bởi vì 66% melamine là nitrogen, và nắm được giả định của phương pháp đo
lường như tôi vừa mô tả, nên giới sản xuất sữa cố tình pha chế melamine vào
sữa, và khi được kiểm nghiệm bằng hai phương pháp Kjeldahl và Dumas thì hàm
lượng protein trong sữa gia tăng. Lượng protein tăng cũng có nghĩa là giá
sữa tăng theo. Một cách lường gạt có khoa học. Một cách làm giàu bất chính!
Ngoài sữa ra, có thực phẩm nào khác chứa melamine?
Thật ra, melamine không chỉ phát hiện trong sữa, mà còn thấy trong cà rem,
sữa chua, kẹo, bánh biscuit, v.v… Đương nhiên, theo nguyên tắc phòng ngừa,
bất cứ thực phẩm nào cũng không nên hàm chứa melamine. Do đó, việc kiểm tra
và kiểm nghiệm các sản phẩm lưu hành trong thị trường nước ta không chỉ tập
trung vào sữa mà còn xem xét đến các thực phẩm vừa kể.
Melamine mới phát hiện?
Thật ra, thông tin về việc các nhà sản xuất sữa ở Trung Quốc pha chế
melamine đã được giới báo chí nêu ra từ những 15 năm qua, nhưng chỉ đến
tháng 9 năm 2007, khi một số thực phẩm cho chó mèo nhập cảng từ Trung Quốc
bị phát hiện có chứa chất melamine thì vấn đề mới được chú ý. Và, cao điểm
là tháng qua khi các giới chức Trung Quốc phát hiện tác hại của pha chế giả
tạo này đến trẻ em thì melamine trở thành tin tức.
Phải làm gì ?
Thực phẩm không chỉ là dinh dưỡng và mùi vị, mà còn đóng vai trò quan trọng
trong công cuộc phòng bệnh ở qui mô cộng đồng. Do đó, đã đến lúc kĩ nghệ
thực phẩm cần phát triển những tiêu chí đạo đức kinh doanh tương tự như y
đức và đạo đức khoa học trong ngành y. Một qui ước đạo đức như thế có thể
giúp cho công chúng nhận diện những cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh thiếu
đạo đức và góp phần cải tiến tình trạng an toàn thực phẩm.
Nếu giới y khoa có những tiêu chuẩn đạo đức hành nghề (y đức), thì kĩ nghệ
sản xuất thực phẩm cũng cần phải có những qui ước đạo đức (Code of Ethics)
cho ngành. Ngành y có phương châm “Trước hết, không hại người”. Kĩ nghệ thực
phẩm cũng cần phải có một phương châm tương tự như “Không sản xuất ra những
thực phẩm độc hại, những thực phẩm mà cá nhân nhà sản xuất không dám dùng
cho bữa ăn gia đình của họ”.
©
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
Nguyễn Văn Tuấn
|