Độc tố siêu vi lượng gây rối loạn nội tiết - Dị biến sinh lý ở các nước công nghiệp phát triển -

Vietsciences-Hồng Lê Thọ     29/01/2008

 

Những bài cùng tác giả

Những bài cùng đề tài

Bản báo cáo của TS. Deplat Davis thuộc Viện nghiên cứu Tiềm năng và Tài nguyên thế giới (Washington - Mỹ) vào tháng 4/98 đăng trên tạp chí của Hội Bác sĩ Y khoa Hoa Kỳ, đã đưa ra nội dung cảnh báo rằng "tỷ lệ sinh trai - gái ở các nước công nghiệp phát triển đang có những biến động lạ, vì số bé trai sinh ra ngày càng ít hoặc mất biến", điều mà ông gọi là hiện tượng " Thiếu trẻ sơ sinh trai" (Missing baby boys). Theo thống kê thì tỷ lệ sinh sản giữa bé trai - gái bình thường là 1,06 trai/1 gái, nhưng tại làng Seveso (Bắc - Italia) nơi nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu bị nổ tung do sự cố vào năm 1976, số bé gái tăng gấp 2 lần bé trai sơ sinh do nhiễm độc dioxin theo kết quả điều tra vào năm 1996 (**). Mặt khác trong vòng 20 năm nay, từ thập kỷ 70 đến 90, tỷ lệ sinh trai giảm 0,1% tại Mỹ và 0,22% tại Canada. Ở Đan Mạch giảm 0,2%, Hà Lan 0,3% trong vòng 40 năm qua tương đương với tốc độ sụt giảm tương tự ở Đức hay các nước châu Âu khác. Điều này đã khẳng định thêm nguy cơ tụt giảm về số lượng và suy yếu tinh trùng của nam giới trong xã hội công nghiệp phát triển (1), đồng thời đặt ra một vấn đề mới, liệu đó có phải là dị biến sinh lý do ô nhiễm độc tố đi từ môi trường và cuộc sống văn minh vật chất. TS Davis khẳng định, yếu tố suy giảm này phát xuất từ hiện tượng rối loạn nội tiết do hormone nữ tính nhân tạo (DES - Diethylstil BestrolDE" ) xâm thực, lấn chiếm cản trở và phá hoại quy trình sản sinh hormone nam tính (Androgen) bình thường trong tế bào ở các tuyến bài tiết hormone.

Người ta nghi ngờ trong 90.000 loại hóa chất được sử dụng phổ biến hiện nay có khoảng 60-70 loại độc tố vi lượng có tác hại như dioxin (2) (đi từ rác công nghiệp, thuốc trừ sâu...), PCB ( Polychlorobiphenyl<)(đi từ hàng điện tử) hay Bisphenol - A (từ hàng nhựa, hóa chất dẻo)... giữ vai trò hoạt động tương tự hormone nữ tính (Estrogen), đặc biệt ở các tuyến thượng thận, tuyến giáp trạng và các cơ quan bài tiết hormone nam tính (Androgen) trong cơ thể. Những độc tố vi lượng này phá hủy sự cân bằng về hormone (hormonal balance) có khả năng gây các chứng bệnh sinh quái thai, dị dạng, ung thư vú, ung thư màng tử cung (nữ), suy giảm lượng và chất của tinh trùng (nam), đồng thời làm teo lại bộ phận sinh dục một cách bất bình thường như đã xác nhận được ở loài cá, ếch, khỉ trong những cuộc thí nghiệm, bằng cách tiêm độc tố vi lượng vào cơ thể của chúng. Đây cũng là lý do giải thích tại sao TS Davis đã đưa ra một cụm từ khá cụ thể "Biến mất trẻ sơ sinh trai" hay nói cách khác đi là một nguy cơ diệt chủng của các loài sinh vật và con người trên trái đất. Bên cạnh đó, GS Đại học Y khoa Mount Sinai(N.Y Mỹ) cũng đã phát hiện dị biến ở nữ giới trong khi khảo sát sự phát triển bộ phận vú và hiện tượng mọc lông quá sớm ở bộ phận sinh dục của trẻ em gái lứa 9 tuổi. Ở lứa tuổi này, tỷ lệ của người da trắng là 15-30%, người Nam Mỹ là 40% trong khi người da đen tăng vọt lên 70-80%. GS Mary cho rằng hàm lượng thuốc trừ sâu DDT trong máu người da đen hệ châu Phi gấp 2 lần người da trắng (châu Âu) là nguyên nhân của triệu chứng này, tương ứng với tỷ lệ chênh lệch rõ rệt nêu trên, mặc dù công nhận khả năng phát triển sinh lý của người da đen có thể đến sớm hơn.

Tại Nhật Bản, các nhà nghiên cứu về độc tố học (Toxicology) gần đây cũng đã lần lượt đưa ra nhiều kết quả điều tra, trong đó xác nhận ảnh hưởng của dioxin đi từ các lò đốt rác đô thị không những đã gây ô nhiễm không khí trong môi trường, phá hoại hệ sinh thái mà còn xâm thực vào cơ thể, đặc biệt trong máu và tuyến sữa của các mẹ vừa sinh nở. Tháng 5/1998, Bộ Y tế Nhật Bản đã công bố kết quả điều tra độc tố trong sữa của 80 bà mẹ vừa sinh nở ở các khu vực bị ô nhiễm dioxin, cho biết hàm lượng độc tố này bình quân là 17,4 picogam/1mg sữa mẹ. Từ đó quy ra lượng dioxin mà các cháu bé sơ sinh đã tiếp nhận là khoảng 60 picogram/ngày trên 1kg trọng lượng cơ thể, gấp 6 lần dung lượng cho phép trên cơ thể người lớn là 10 picogram/kg trọng lượng. Các hóa chất mang độc tố cao khác (có tác dụng như dioxin) đi từ nhựa Polystyrene, ABS, PCB, thuốc trừ sâu DDT, diệt cỏ 2, 4, 5-T, Estrogen nhân tạo (DES) trong thuốc ngừa thai... mang đặc tính chung là không tan trong môi trường dầu - mỡ, và tích tụ trong các màng dịch nhờn trong tế bào ở các bộ phận bài tiết hormone, gây cản trở sự hình thành các hormone giới tính, hormone sinh trưởng và não trạng. Giáo sư Tadahito Iguchi thuộc Đại học Yokohama (NB) cảnh báo rằng các chất độc này di chuyển trực tiếp từ mẹ sang con khi cho con bú (nếu là sữa mẹ bị nhiễm độc) hay từ đồ chơi, dụng cụ ăn uống, bình sữa, núm vú... bằng nhựa, chất dẻo hoặc thức ăn chế biến đồ hộp, có thể tạo ra hiện tượng dị dạng quái thai hoặc khuyết tật như chậm trí nhớ, hở môi, hàm ếch, và những dị biến sinh lý đáng sợ khi các hàm lượng hormone đi từ môi trường (Environmental hormone) tích lũy ở cơ thể bà mẹ hay thai nhi lên cao.

Ở Việt Nam, cách đây gần 10 năm, vấn đề "chất độc màu da cam" trong chiến tranh đã được nghiên cứu bước đầu về mặt bệnh lý và có khá nhiều bằng chứng nêu rõ ảnh hưởng của dioxin (2, 3, 7, 8 TCDD) từ các hóa chất diệt cỏ 2, 4, 5-T và 2-4-D gây u Lymphoma ác tính, dị dạng và quái thai khác thường, trong đó nổi bật nhất là công trình nghiên cứu của GS Tôn Thất Tùng, người nêu lên tác hại của dioxin vào hệ di truyền và nhiễm sắc thể khi xét nghiệm những nạn nhân bị nhiễm độc. Tuy nhiên, do việc định lượng hàm lượng độc tố trong máu hay trong các tuyến bài tiết hormone rất khó khăn và tốn kém, phải đo ở mức 1 phần tỷ (nanogram hay PPB - 10-9 gram) hay 1 phần 1000 tỷ gram (picogram hay PPT - 10-12 gram), lúc bấy giờ các nhà khoa học chưa giải thích được cơ chế và cấu trúc tác hại của dioxin trong cơ thể. Nhưng về mặt thống kê thì BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (BV Từ Dũ) đã có nhiều công trình xác minh hậu quả của dioxin (sẩy thai, sinh non, dị dạng, mất khả năng sinh đẻ, trẻ con đần độn...) trên một vùng dân cư ở TPHCM, mặc dù điều đó đã bị một số nhà khoa học phương Tây (đặc biệt là Mỹ) cố tình tránh né hay phủ nhận.

Thông báo gần đây của Tổng cục Môi trường Nhật Bản cho biết lượng dioxin ô nhiễm trên nước Nhật vượt mức cao nhất trong các nước công nghiệp phát triển, hằng năm đạt đến 5-7kg, phát sinh từ nhiều nguồn (nhà máy xử lý rác, chế biến nhựa, cao su, thực phẩm, xi măng, gang thép, luyện than...). Trong khi đó ở Việt Nam chỉ trong vòng 10 năm (1962-1971) tại chiến trường Miền Nam, quân đội Mỹ đã rải khoảng 170 kg (theo con số ước tính từ lượng chất độc khai quang, diệt cỏ của Mỹ) hay có thể lên đến 550kg theo báo cáo của GS Tôn Thất Tùng. Nếu so với con số của Nhật Bản thì gấp 3-10 lần hơn trong mỗi năm. Điều đó cho thấy hậu quả của chất độc màu da cam ở Việt Nam rất nghiêm trọng, còn tiếp tục kéo dài trên nhiều thập kỷ trên cơ thể con người, và chưa ai xác định được sẽ có bao nhiêu thai nhi dị dạng xuất hiện, như một em bé có hai đầu ở tỉnh Tiền Giang (3), hay đã chết ngay trong bụng mẹ, chỉ được giải thích một cách đơn giản là "sẩy thai"?

 (1) Theo nghiên cứu của GS. Neils Skakkebaek  (Đại học Copenhagen - Đan Mạch) vào năm 1992, lượng tinh trùng của nam giới ở châu Âu bình quân là 113 triệu con/1 ml tinh dịch (1940) nay chỉ còn 66 triệu con/1 ml vào năm 1990. Mặt khác, lượng tinh dịch bài tiết cũng giảm đi 25% trong vòng 50 năm qua. Báo cáo của WHO cho biết số người có chỉ số tinh trùng dưới 20 triệu con/1 ml cũng đã tăng từ 6% đến 18% (tạp chí British Medical Journal 1992).

(2) Với chất độc dioxin, chỉ cần hàm lượng 1 phần tỷ gram (PPB) là có thể gây hại cho con người và 5 PPB là có thể gây chứng viêm màng tử cung. Vào cuối tháng 5/1998, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo hàm lượng độc tố (PCB) con người có thể dung nạp tối đa trong 1 ngày là 10 picogram (1 picogram là 1/1000 tỷ gram - PPT) trên một kg trọng lượng của cơ thể.

(3) Khi bài này chưa lên báo thì chúng tôi được tin cháu bé đã qua đời!

* Chú thích riêng của tác giả:

Thuật ngữ "rối loạn nội tiết" là dựa trên luận chứng khoa học và nội dung của Tuyên ngôn Wingspread, nơi hội nghị về những tác hại của độc tố đi từ môi trường của các nhà khoa học trên thế giới được tổ chức tại tiểu bang Wisconsin  (Hoa Kỳ) vào 7/1991 công bố danh sách các hóa chất gây dị biến cho hormone trong cơ thể con người.

 **

Vào tháng Bảy, năm 1976, một hãng sản xuất thuốc diệt cỏ 2,4,5-trichlorophenol (TCP) tại vùng Seveso (Ý) bị cháy, nổ tung, và thải ra môi trường chung quanh khoảng 30 kí lô dioxin.  Chính quyền địa phương và các nhà chức trách y tế Ý nghi ngờ là dân cư sống trong vùng có thể bị nhiễm độc chất dioxin.  Do đó, kể từ năm 1977, Chính phủ Ý đã thành lập một nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học và bác sĩ chuyên nghiên cứu về tác hại của dioxin trong sức khỏe của dân cư trong vùng Seveso và phụ cận.  Có thể xem bài “Health effects of dioxin exposure: a 20-year mortality study” do Pier A. Bertazzi và đồng nghiệp công bố trên Tập san American Journal of Epidemiology, năm 2001; số 153, trang 1031-44; và bài “Paternal concentration of dixin and sex ratio of offspring”, do Giáo sư Paolo Mocarelli và đồng nghiệp công bố trên tạp chí y khoa Lancet, số 355, ra ngày 27 tháng 5, 2000, trang 1858-1863.   http://vietsciences.free.fr/timhieu/khoahoc/chatdocdacam/dioxin-mi-vn.htm

 
 

Đã đăng trên báo Sức khỏe và Đời sống

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Hồng Lê Thọ