Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm

Vietsciences-Nguyễn Trọng Bình    14/07/2007
 

Những bài cùng tác giả

Gần đây báo chí trong nước loan tin gây chú ý cuả mọi người tiêu thụ về ngộ độc thực phẩm:

Người dân cả nước lo lắng vì thông tin nước tương có chất 3-MCPD gây ung thư.

Tìm đến thống kê của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm năm 2006, cho biết  trong các vụ ngộ độc thực phẩm, nguyên nhân chủ yếu là do thực phẩm nhiễm vi sinh vật (38,8%), hóa chất độc hại (10,9%), và thực phẩm chứa chất độc hại (25,4%).

Thực phẩm là nguồn mang lại các chất bổ dưỡng để nuôi cơ thể mà nay lại chứa cả những chất đôc hại, điều này làm mọi người lo âu: thực phẩm ăn uống hàng ngày có an toàn hay không ? Những thức ăn hàng ngày mang chất bổ dưỡng cho cơ thể hay tích tụ độc tố vào cơ thể qua  thức ăn và uống ?

Qua báo chí ta hãy nhìn qua các chất độc hại được báo lưu ý gần đây.

Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan Bảo vệ thực vật (BVTV) đã kiểm tra 865 hộ nông dân sử dụng thuốc BVTV trên rau, chè. Có 111 hộ sử dụng thuốc sai quy định, 32 hộ không đảm bảo thời gian cách ly, 17 hộ sử dụng thuốc hạn chế dùng cho rau, 8 hộ dùng thuốc cấm... Tại Tiền Giang và Cà Mau, qua kiểm tra 122 hộ trồng rau, có đến 58 hộ sử dụng thuốc cấm và ngoài danh mục dùng cho rau. Cũng trong 122 hộ này, có 31 hộ sử dụng thuốc nhiều lần, 33 hộ thu hoạch trong thời gian còn cách ly... Nhiều cơ sở buôn bán thuốc BVTV còn bán cả thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục.

Ở sản phẩm động vật, theo báo cáo của Cục Thú y, nhiều mẫu xét nghiệm tại các lò giết mổ không đạt chỉ tiêu về E.coli, S. aureus, Samonella (các loại khuẩn gây hại), trong đó có cả các lò giết mổ tập trung. Có 57/90 mẫu không đạt tiêu chuẩn về khuẩn, 21/90 mẫu không đạt các chỉ tiêu tồn dư kháng sinh, kim loại nặng và hoá chất BVTV.

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, vừa qua, Nhật Bản đã thông báo trong gạo VN xuất khẩu bị nhiễm hoá chất BVTV Acetamipri với mức tồn dư 0,03ppm, vượt ngưỡng cho phép (0,01ppm) và quyết định kiểm soát 100% hàng thủy sản nhập từ VN. Tháng tư vưà qua Mỹ từ chối một số hàng thủy sản cuả VN với lý do bao bì kém, nhiễm trùng và chứa nồng độ kháng sinh (Chloramphenicol) cao. Và  Nga đã ngừng nhập khẩu gạo VN.


Theo Bộ Y tế, hàng năm VN có 200.000 người bị ung thư, trong đó có 150.000 người chết. Khoảng 35% trong số bệnh nhân ung thư do nguyên nhân sử dụng thực phẩm độc hại.
 

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, qua kiểm tra 2.069 mẫu thì có 71 mẫu vượt mức cho phép dư lượng thuốc BVTV, chiếm 4,62% (tăng cao so với cùng kỳ năm 2006). Những tin này sẽ ảnh hưởng mạnh đến sản xuất và xuất khẩu .

Ngày nay với mậu dịch toàn cầu rộng mở, trong các mặt hàng mậu dịch mặt hàng nông lâm, thuỷ sản và thực phẩm chế biến cuả các quốc gia được trao đổi rộng rãi với nhau giữa nước nọ với nước kia . Ngoài vấn đề vệ sinh thực phẩm, thực phẩm bị nhiễm trùng; đến nay những cơ quan quản lý thực phẩm trên thế giới đã cảnh báo những chất nguy hiểm có thể hiện hữu trên bàn ăn  hàng ngày của chúng ta . Những nguồn chất độc hại đó có nguồn gốc từ đâu ?

Các hoá chất vi phạm trong thực phẩm được nhắc đến như có:

* 3-MCPD gây ung thư cho dộng vật thí nghiệm trong phòng nghiên cứu, đã tìm thấy trong nước tương  bán trên thị trường. 3-MCPD sinh ra trong quá trì thủy phân nguyên liêu có lẫn tạp chất béo vói acíd HCl ở nhiệt độ cao .

* Semicarbazide thuốc trừ sâu, nó vào trong cơ thể sẽ làm tăng nguy cơ ung thư, hư gan, sảy thai, gây khuyết tật trong quá trình hình phát triển thai . Từ đầu năm 2003, nó đã bị đưa vào danh sách những chất tránh sử dụng liên quan đến thực phẩm .

* Trong một số gạo xuất sang Nhật đã bị từ chối vì có chứa độ Acetamipri (thuốc trừ sâu) cao gấp 3 lần . Acetapirid có trong danh sách các chất cần phải quản lý .

* Chất phẩm đỏ (Sudan Red I-IV) đã bị cấm sử dụng trong thực phẩm từ năm 2003 sau khi tìm thấy độc tính gây ung thư trên một số động vật .

* Những chất độc hại khác tìm thấy trong thủy sản do quá trình nuôi cấy và  bảo quản : urea, Clor, kháng sinh (Chloramphenicol); thậm chí trong quá trình nuôi cá thuốc thuốc trừ sâu Dipterex cũng đã được sử dụng để kháng khuẩn và các giống giáp xác trong hồ nuôi cá da trơn.

Theo bản tin của tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam, chính phủ Nhật đã quyết định kiểm tra 100% các lô hàng thủy sản nhập cảng từ Việt Nam. Nếu phẩm chất không cải thiện, chắc chắn sẽ bị cấm mà như vậy Việt Nam sẽ mất một thị trường lớn để tiêu thụ thủy sản. Nhìn một cách tổng quát, hàng VN xuất sang EU, Mỹ, Nhật và Nga thường đang gp vấn đề về bao bì, vệ sinh an toàn thực phẩm và có chứa một số hoá chất vi phạm . Theo thống kê cuả phòng thương mại; năm vừa qua mặt hàng thủy sản xuất khẩu thu được khoảng 1 tỷ 6 đô la, là một trong 6 mặt hàng xuất khẩu vượt qua ngưỡng 1 tỷ đô .

Thị trường trong nước ngoài mặt hàng thủy sản, mặt hàng thịt và  rau xanh cũng vi phạm vệ sinh an toàn, thuốc tăng trưởng "nhập lậu" bừa bãi . Chi cục Quản Lý Thị Trường Hà Nội và Chi Cục Bảo Vệ Thực Vật Hà Nội đã kiểm tra hàng loạt điểm bán rau an toàn trong thành phố. Hầu hết các điểm kinh doanh rau an toàn đều vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có cả siêu thị.

 

Nơi có trách nhiệm với An Toàn thực phẩm ?

Phải chăng trách nhiệm về an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng  nằm trong tay những cơ quan quản lý và cơ sở sản xuất ? Tại những nước thành viên cuả WTO, có liên hệ mậu dịch với nhau, họ giải quyết rất nhanh để bảo vệ giá trị hàng xuất khẩu cuả họ.

Về mặt quản lý, thông thường các cơ quan thuộc cấp Bộ như:  Y Tế,  Nông, lâm, Thuỷ sản , và  Môi trường giữ vai trò định hướng, làm luật quản lý và cấp ngân sách cho các cơ quan quản lý . Sau đó các cơ quan mang chức năng như Cơ quan quản lý Thực phẩm và dược (FDA); cơ quan Vệ sinh môi trường ( Environmental Hygiene) và cơ quan định tiêu chuẩn thực phẩm (hàng hoá) có trách nhiệm thực thi và áp dụng luật lệ đã định .

Nhiều quốc gia đã tiếp thu nhưng phương pháp thử nghiệm và phương cách quản lý an toàn thực phẩm  cuả quốc tế . Hai hệ thống tiêu chuẩn quốc tế được nhiều quốc gia  tiếp thu và dùng trong quản lý an toàn thực phẩm và dược . Đó là hai hệ thống quốc tế Thực hiện nhà sản xuất tốt (Good Manufacturing Pratice-GMP-) ;  Phân tích độc hại và điểm tới hạn (Hazard Analysis and Critical Control Point- HACCP-) . Cơ quan kiểm tra quản lý có bổn phận phải công bố ngay với nhà sản xuất và giới tiêu thụ về những lô hàng, mặt hàng sản xuất đã vi phạm những tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm để thu hồi và huỷ bỏ những sản phẩm này . 

Về phía nhà sản xuất phải tuân thủ nhiêm túc những luật lệ về sản xuất và chịu trách nhiệm về mặt hàng sản xuất ; thu hồi và chịu những xử lý theo luật .

 

Hướng về tương lai :

Ngày nay phương tiện truyền thông toàn cầu nhanh và rộng hơn trước do đó những tin vi phạm về an toàn thực phẩm được loan truyền và giới tiêu thụ chú ý trên quy mô toàn cầu . Thêm vào đó những thiết bị và phương pháp  phân tích nhanh nhạy hơn xưa do đó đã có thể tìm ra những chất độc hại trong thực phẩm nhiều hơn trước vì vậy việc quản lý, tổ chức sản xuất và các phương thức sản xuất thực phẩm cũng cần phải nâng cao, phải hiện đại hoá để quản lý chất lượng an toàn của thực phẩm, bảo đảm quyền lợi và sức khoẻ của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu .

Phải chăng tình trạng vệ sinh an toàn các sản phẩm rau quả, nông nghiệp, thủy sản hiện nay đang trong tình trạng báo động ? Đang thôi thúc việc cần có chính sách và quy hoạch lại cơ cấu quản lý và sản xuất các mặt hàng rau quả, nông sản và thuỷ sản cho cả hai thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ? Những mặt hàng thực phẩm không hợp tiêu chuẩn vệ sinh an toàn  xuất khẩu sẽ được xử lý ra sao ?

Để phát triển bền vững và tiến nhanh vào quá trình công nghiệp hoá , hiện đại hóa đất nước, sức khoẻ và năng lực người dân là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu . Hiện nay theo thống kê chất lượng con người VN đứng thứ hạng 109/177 (Lao Động số 158 Ngày 11/07/2007) . Việc nâng cao chất lượng con người, mà ăn uống dinh dưỡng để nâng cao là  một yếu tô quan trọng, tương lai con người VN  sẽ ra sao khi trong thực phẩm hàng ngày chứa những độc tố ảnh hưởng đến sức khoẻ của nguồn lao động hiện nay và nguy hiểm hơn nữa, các chất độc ấy di hại tiếp đến gen di truyền và phát triển cuả thế hệ kế tiếp ? .

BS Trần Danh Cường, Phó giám đốc Trung tâm Chẩn đoán trước sinh cho biết: “Tỉ lệ trung bình các trường hợp dị tật ở thai nhi là khoảng 3,5%. Riêng khảo sát tại Viện C, tỷ lệ này là 5,4% và phần lớn đều do chế độ dinh dưỡng không đúng hay bị nhiễm độc”.

Theo BS Cường, các yếu tối môi trường sống bị ô nhiễm, nhiều hóa chất, chất độc, yếu tố dinh dưỡng, bệnh tật của người mẹ… là những nguyên nhân khiến tình hình dị dạng thai cũng gia tăng. Trong đó, nguyên nhân gây dị dạng thai chủ yếu là do độc tố, thứ hai là dinh dưỡng. Ngoài ra, đột biến về di truyền (thường do tiếp xúc với hóa chất, thuốc trừ sâu, tia X, phóng xạ…) cũng gây dị dạng thai, nhưng ít gặp hơn so với nguy cơ độc tố và dinh dưỡng.

Vì vậy việc "cần làm ngay" là việc quyết tâm quản lý và tổ chức lại các cơ sở sản xuất nghiêm túc theo các phương pháp hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế. Quyết tâm  này  không những bảo vệ sức khoẻ cuả giới tiêu thụ, người dân  trong nước mà còn bảo vệ uy tín; phẩm chất  của các mặt hàng xuất khẩu. Kết quả là  nâng cao sức cạnh tranh hàng hoá VN cùng một mặt bằng với hàng hóa quốc tế .

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn trọng Bình