Những bài cùng tác giả
Ghét cụm bèo trôi che bóng nước,
Giận chùm mây nối khuất vành trăng.trăng.
Ưng Bình Thúc Giạ Thị

Azolla pinnata
Tục truyền vào thế kỷ 12, thời nhà Lý, sư ông Khổng Minh
Không một hôm gánh bèo dâu đi ngang qua sông Hồng vô ý đánh rơi mấy bó.
Những dân quanh vùng, ở các làng Búng, Bích Du, La Vân, tỉnh Thái Bình, ngày
nay được xem như là "quê hương" bèo dâu, lượm về đem trồng làm phân bón
ruộng, kết quả vô cùng mỹ mãn. Nhớ ơn nhà sư, từ thế kỷ 17 họ lập đền thờ
phụng, ngày nay ở làng La Vân vẫn còn (7). Họ còn bán bèo qua các
làng lân cận. Thấy vậy nhiều làng khác cũng muốn sản xuất nhưng không làm
được. Có người nông dân cuốc bộ hơn trăm cây số để mua cho được một bó. Chủ
nhân một nguồn lợi tức đem lại khá nhiều tiền, dân các làng may mắn nầy kiếm
đủ mọi cách để giữ độc quyền. Các cô gái làng khác về làm dâu phải thề không
tiết lộ cho bất cứ ai biết bí mật nuôi trồng. Còn các cô gái trong làng, nay
mai sẽ đi làm dâu làng khác, thì không được phép biết một chút gì về kỹ
thuật sản xuất. Hơn nữa, để tránh mọi hớ hên, hỡ chuyện, họ còn đặt bày ra
một thần bèo rất nghiêm khắc, có quyền lực vật chết bất cứ ai tiết lộ bí mật
nuôi trồng bèo (5).
Tuy nhiên, bí mật có giữ kín bao nhiêu rồi cũng có ngày bị
phát giác. Câu chuyện bắt đầu với một sinh viên nông học trẻ tuổi, anh
Nguyễn Công Tiễu, quê người Hưng Yên, cạnh Thái Bình. Năm 1921, anh lấy bèo
dâu làm đề tài khảo cứu. Mất nhiều công của, thì giờ, cuối cùng anh biết
được nguyên tắc phân bón của bèo dâu và qua năm 1929, đem trình bày kết quả
ở Hội nghị Khoa học lần thứ 4 vùng Thái Bình Dương ở Java. Hơn nữa, như là
phần thưởng dành cho người có chí, một nông dân làng La Vân, nơi có tiếng
giữ gìn kín đáo bí mật nhất, lại kể cho anh nghe những chi tiết kỹ thuật
nuôi trồng bèo dâu. Anh liền cho đăng ngay trên báo Khoa học (số
32,1932). Sách báo của nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu
(1) trên
những đề tài dân dụng như dầu cà cuống, bèo hoa dâu ngày nay đã được phổ
biến (5).

Nhìn từ trên
(5)
Phóng đại 4 lần
(5)
Cộng sinh bèo dâu-rong lam
Qua Nguyễn Công Tiễu, người ta biết được bèo dâu làm phân
bón ruộng tốt nhờ khả năng cố định chất đạm N2 mà tính chất nầy
lại do một vi khuẩn sống cộng sinh với nó thực hiện. Cộng sinh (symbiose,
ghép hai danh từ Hy Lạp sun : với, bios : sống) là trạng thái
hai sinh vật khác loại sống kết hợp chặt chẽ và thăng bằng với nhau để đôi
bên đều có lợi. Trong trường hợp nầy, rong đem lại chất đạm cho bèo, trái
lại bèo cung cấp chất dinh dưỡng như glucid cho rong. Nhỏ li ti, trông giống
hoa cây dâu, lá kết với nhau trên mặt nước thành hình tam giác, bèo hoa dâu
hay bèo dâu Azolla pinnata R. Brown gồm có hai chi A. pinnata
imbricata và A. pinnata pinnata. Thuộc họ Bèo tai chuột
Salviniaceae (Tự điển Larousse) hay họ Bèo dâu Azollaceae (theo
Giáo sư Phạm Hoàng Hộ), nó là loại bèo được dùng nhiều nhất cùng với A.
filiculoides, A. mycrophylla trong những Azolla được biết : A.
africana, A. anabaena, A. caroliniana, A. imbricata, A. japonica, A.
mexicana, A. nilotica, A. rubra. Công lao của bèo là mang trong cục bướu
ở rễ một loại rong lam (algue bleu-vert) nửa vi khuẩn nửa thực vật, gọi là
Anabaena azollae Strasb., vi khuẩn vì cấu trúc, thực vật vì có khả
năng quang học tổng hợp. Trong số hơn ba chục Anabaena thường được
miêu tả, A. variabilis là loại được khảo cứu tường tận nhất.
 
Azolla
(5)
Anabaena
(5) Rong lam Anabaena có khả năng cố định đạm khí , chế
tạo protein từ khí quyển, quang hợp thán khí CO2 và nước ra
glucid. Dưới hình thức những sợi nhỏ, dài, quấn quít nhau, nó là một dãy tế
bào cá thể nằm trong một cái bao mỏng, xung quanh bao bọc một lớp chất nhầy.
Xen lẫn trong dãy nầy, ở những khoảng cách đồng đều, là những tế bào có bao
tương đối dày hơn, gọi là những dị bóng (heterocyste). Chính ở trong các dị
bóng nầy mà nhiệm vụ cố định đạm khí được thực hiện. Nhờ những dẫn xuất của
cuộc chuyển hóa các glucid như pyruvat, isocitrat, glucose-6-phosphat,… rong
lam có đủ khinh khí H2 để chợp lấy đạm khí N2 ở thể tự
do làm thành khí ammoniac NH3 qua các tác dụng của một enzym gọi
là nitrogenase. Ở ngay trong dị bóng, khí ammoniac được biến hóa thành
glutamin để chuyển qua các tế bào thực vật dưới dạng glutamat và amin acid
(6). Một điều đáng chú ý là rong lam không thể nuôi trồng ở thể
tự do. Nhiều phòng thí nghiệm đã thành công tách chiết nhiều mẫu từ bèo dâu
tán nghiền nhưng không có mẫu nào thực hiện được công cuộc cộng sinh. Giả
thuyết được nghĩ đến là mỗi khi ra khỏi môi trường đặc biệt trong lòng bèo
dâu, rong lam mất hết những tính chất cộng sinh
(9). Nói một cách
khác, rong lam chỉ đạt được những tính chất ấy một khi xâm nhập vào lòng bèo
dâu Azolla.
Hai câu hỏi làm bận lòng các nhà khảo cứu : Tại sao những vi
khuẩn chỉ cộng sinh với một loại cây nào đó thôi ? Khảo xét cặp
Rhizobium-rau đậu, họ nhận ra một tác động qua lại giữa những
glycoprotein phát tiết từ các rễ rau đậu và những polysaccharid màng vi
khuẩn. Chắc chắn những polysaccharid ở Rhizobium tự do trong chất
thừa nhận những glycoprotein ấy (gọi là lectin) tuy người ta chưa biết cơ
chế rõ ràng. Hướng khảo cứu những năm gần đây là cặp đôi những vi khuẩn và
rau đậu hay cây cối trong thiên nhiên chưa hề cộng sinh với nhau. Câu hỏi
thứ nhì là nitrogenase ở Rhizobium chẳng hạn chỉ vận dụng ở môi
trường nồng độ dưỡng khí CO2 kém, làm sao có tác động trong bướu
ấy là nơi tiêu thụ nhiều dưỡng khi ? Người ta có thể giải thích sự kiện kỳ
lạ nầy khi tìm ra được trong bướu một hóa chất có nhiệm vụ đem dưỡng khí lại
cho vi khuẩn đồng thời điều hòa dưỡng khí làm sao cho có áp lực nhỏ trong
bướu. Vì cấu trúc và nhiệm vụ gần giống huyết bào tố trong máu, người ta gọi
nó là leghemoglobin (leg như légumineuse, rau đậu). Cũng mang nguyên tố Fe
trong mình như hemoglobin, nó nhuộm bướu màu hồng đỏ, nhưng cấu trúc khác
nhau tùy loại rau đậu (8).
Cuộc cộng sinh thao diễn theo chu kỳ phát triển
bèo dâu và rong lam. Khi lá bèo còn non, ở đỉnh lá đã thấy lơ thơ vài sợi
rong tí hon nằm cạnh, chưa có dị bóng. Khi lá bèo lớn dần lên, những hốc nhỏ
cũng dần dần được tạo ra trong lá để nắm giữ rong. Trong hốc, một số lông
gồm có nhiều tế bào nhỏ, gây nên một sự cọ xát liên gục giữa bèo và rong.
Những sợi rong cuốn lại thành cuộn, nhờ một màng chất dính bao bọc bên
ngoài, bám vào thành hốc. Dị bóng thành hình, tăng số và lớn lên. Khi lá bèo
đến độ trưởng thành, dị bóng đạt 30% (sau cùng có thể lên đến 45%) những tế
bào ở sợi. Vào lúc nầy, rong lam chiếm toàn diện tích hốc, nhưng cũng là lúc
nó bắt đầu chấm dứt phận sự tổng hợp quang học, không phát triển nữa và bước
vào một trạng thái im lìm, bất động cho đến ngày lá bèo vàng úa rơi xuống
đáy ruộng, thoái hoá, phân hủy để cống hiến chất đạm cho cây lúa.
Trong 30 năm gần đây, giới khoa học chú trọng nhiều đến bèo
dâu và rong lam. Về măt cấu trúc, amin acid, protein (23) đã được
xác định trong bèo, lectin trong rong, trong bèo. Trong số 18 amin acid tìm
thấy, nhiều nhất là glutamic và aspartic acid, theo sau là leucin, ít nhất
là methionin, tryptophan và cystein (19). Các amin acid giảm hạ
trong bóng tối và môi trường nitrat NO3, tăng gia với ánh sáng và
môi trường ammonium NH4. Rong chứa đựng chất sắc phycocyanin
(12), allophycocyanin, phycoerythrocyanin (17,22) tương
quan với hoạt động cố định chất đạm, caroten một nguồn provitamin A cho đồ
ăn gia súc (27). Ngoài ra, bèo biết tổng hợp gibberellin,
cytokinin như isopentenyl adenin, isopentenyl adenosine, cis- và
trans-ribosyl zeatin, polyphenol, ferredoxin. Người ta biết phân tử
ferredoxin mang thêm nguyên tố Mo là một trong hai protein cấu thành
nitrogenase.
Từ lâu, ngay cả trước lúc người ta hiểu biết cơ chế cố định
chất đạm, bèo dâu đã được dùng làm phân bón, nhưng chỉ ở một địa hạt giới
hạn là Đông Nam Á, vùng ruộng lúa nước. Bên Trung Quốc, bèo dâu được trồng
từ thế kỷ 17, đặc biệt ở các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông. Ở Việt Nam, người
ta phỏng chừng bèo dâu đã có mặt từ nhiều thế kỷ hay lâu hơn nữa nếu tin ở
huyền thoại. Thường người nông dân đi lượm bèo hoang ở ruộng, đem về trồng
trong các ao sâu không quá 1m, đã dọn sạch từ mùa xuân trước và chứa toàn
nước mưa. Các bờ ao phải được cào quét mọi rác rưới, lắm lúc có hàng rào tre
chống gió và ánh nắng gao gắt mùa hạ. Mẫu bèo được ươm trong các khuôn tre
nhỏ, nới rộng dần theo cuộc sinh trưởng của bèo. Thường bèo được nuôi với
phân heo khô, tán bột, trộn với tro rơm. Bèo lớn lên trong lúc người nông
dân sửa soạn, cày bừa ruộng. Cấy xong là bèo được thả vào ruộng. Bèo dâu là
một loại cây mảnh dẻ, phải thận trọng khi vận dụng để khỏi nát và cũng không
nên để khô héo ngoài nước. Không được vứt nó xuống ruộng bừa bãi mà phải
nghiêng rổ trong nước rồi lấy tay khẻ quậy cho bèo nhẹ nhàng rời rổ trôi vào
ruộng (5).
Rong lam cố định chất đạm
Có nhiều cách rải bèo nhưng phương pháp chắc chắn nhất là
đặt nó ở trung tâm thửa ruộng, xung quanh dựng một cái đê nhỏ làm bằng rạ
trộn với đất để bèo khỏi phân tán trước khi bám vào nước.. Những đê nhỏ nầy,
như khuôn tre truớc đây trong ao, được nới dần theo mức bành trướng của bèo.
Ở Hải Dương, năm 1927, 120kg bèo (khoảng 6 triệu cây) phủ kín sau 46 ngày
một diện tích lớn gấp 250 lần diện tích lúc đầu là 580 m2. Cuộc
nảy nở theo chiều ngang của bèo không quấy rầy chút nào sự phát triển thẳng
đứng của cây lúa. Trái lại, khi bao trùm mặt ruộng một lớp dày, bèo ngăn cản
nước bốc hơi, đỡ mất công dẫn thủy nhập điền, đồng thời làm trở ngại việc
phát triển dòi muỗi cùng các loài tảo có hại, từ đấy đỡ mất công nhặt tảo,
diệt trùng. Cũng như ở mọi cuộc nuôi trồng khác, ngoài chuyện bảo vệ lượng
nước đầy đủ (rễ bèo phải chạm đáy ruộng nhưng đừng quá nhiều để khỏi vướng
vào bùn), nhiệt độ vừa phải (trung bình giữa 16 và 22°), còn cần phải tiêu
diệt các loài sâu bọ như muỗi đỏ (chironome), bướm ống (pyrale),… Ở Thái
Bình, vì thiếu những chất diệt trùng như DDT, sau khi rải tro lên mặt bèo,
người ta thường dùng lưới cho ngập bèo xuống nước một đêm (5,6).
Viện Sinh vật học Tp Hồ Chí Minh kiếm cách dùng vi khuẩn sanh bệnh như
Bacillus thuringensis để khử trùng (4). Suốt mùa đông, bèo
tiếp tục sinh trưởng. Qua xuân, khi nhiệt độ lớn dần, bèo đổi từ màu xanh
qua hồng, xám, đen rồi thối nát, phân tán dưới đáy ruộng thành phân, lúc
bông lúa bắt đầu chớm nở. Trung bình, năng suất lúa tăng 53% mỗi ha, 27% nhờ
phân chuồng, 26% nhờ bèo dâu. Tính trong một năm, bèo dâu cống hiến 300-350
kg chất đạm / ha (6) , hay mỗi ngày gần 1kg chất đạm / ha
(2) tương đương với số lượng chất đạm thu lượm được với các rau đậu
khác như đậu tằm, đậu răng ngựa. Một ưu điểm của bèo so với phân chuồng là
qua vụ sau, lúa còn được hưởng chất đạm còn lại của cuộc cộng sinh.
Trong những thập niên 60-70, phong trào làm bèo dâu ở Thái
Bình, phục vụ thâm canh năng suất lúa đã phát triển khá mạnh : trên 70% diện
tích lúa chiêm xuân, liên tục qua nhiều năm, đều được phủ kín một lượt bèo,
100% riêng ở hai huyện Hưng Hà và Đông Hưng, đặc biệt được phủ hai lượt bèo
ở hợp tác xã Vũ Thắng, lá cờ đầu về thâm canh tăng năng suất lúa của tỉnh
Thái Bình. Tuy nhiên, theo tác giả bài báo (2) nhận thấy, nhìn
chung phong trào sản xuất bèo dâu các tỉnh miền Bắc nước ta tiến triển còn
chậm chạp, mặc dù bèo dâu là một giải pháp cần thiết trong vụ sản xuất
đông-xuân. Một bài tính dễ chứng minh : tỉnh Thái Bình với 175.000 ha trồng
lúa nước, nếu không có bèo dâu thì hằng năm phải dùng ít nhất 2 triệu tấn
phân chuồng, tức phải có 2 triệu con lợn mà ở thời điểm nầy chỉ đếm có 4 vạn
con ! Trong nhiều chủ trương kỹ thuật đã được đề nghị để đáp ứng những đặc
tính sinh vật của bèo dâu, đáng để ý là một lực lượng lao động chuyên môn
làm bèo vì thấy rõ bèo dâu làm dễ nhưng không phải ai cũng làm được.
Đằng khác, tuy tỉnh Thái Bình hồi đó đã có 9 trại chuyên môn
nhân giống bèo ở 7 huyện và 60 trại ở các vùng trong huyện, miền Bắc vẫn
thiếu một trại giống, ruộng giống chuyên, lượng lao động chuyên, vật tư - kỹ
thuật chuyên phục vụ cho sản xuất bèo nên phong trào làm bèo dâu không khả
quan. Môt số kinh nghiệm kỹ thuật cũng đã được tổng kết và nâng cao. Vụ tốt
nhất của bèo dâu là tháng giêng, ít sâu bệnh, nhưng cũng là tháng có nhiệt
độ thấp nhất, cần áp dụng hai biện pháp để khắc phục tình trạng : "đổ ải đến
đâu, thả bèo dâu đến đó", nhờ thế bèo dâu có thể lợi dụng được chất màu dễ
tiêu và một nhiệt lượng lớn do đất ải tỏa ra ; dùng tro mộc rắc phủ kín lên
mặt bèo trong những ngày có sương muối và gió bấc mạnh để tăng cường chống
rét cho bèo (2). Ngoài ra, những thời gian phơi ải, kế hoạch đổ
ải, kỹ thuật nuôi bèo cũng đã được học hỏi và áp dụng, góp phần nâng cao
diện tích bèo dâu toàn tỉnh. Sau nhiều năm, tiến bộ kỹ thuật nầy có được áp
dụng rộng rãi trong cả nước như mong muốn chưa ? Vào lúc vấn đề môi trường
sinh thái đang được đặt ra khắp nơi, phải chăng nên nghĩ lại việc dùng bèo
dâu làm phân bón thay cho hóa chất mặc dầu cách sử dụng bèo dâu có phần phức
tạp hơn.
Phân xanh thay thế hóa chất
Trên mặt đất, rong lam không phải độc nhất có khả năng cố
định đạm khí. Từ lâu, người ta đã biết hàng chục vi khuẩn, nấm tia có tính
chất ấy, sống một mình trong đất hay cộng sinh với cây cỏ. Rhizobium
là vi khuẩn thuộc loại độc bào kết hợp với các cây rau đậu. Ở đậu nành,, vi
khuẩn mang tên Rhizobium japonicum. Trong phòng thí nghiệm Sinh hóa
hữu cơ và Sinh học công nghệ ở Paris, một thời chúng tôi đã bỏ công thử tổng
hợp rhizobitoxin, một chất phytotoxin thiên nhiên hiện diện rất ít trong
bướu rẽ cây đậu nành, có khả năng ức chế enzym cystathionase, mở đường dẫn
tới những chất kháng sinh, chống nấm, trị ung thư. Bên cạnh Rhizobium,
một vi khuẩn khác cũng đã được nói đến là Frankia
(8),
hình sợi, thuộc loại nấm tia, cộng sinh với những cây có hoa, trong những
cục bướu như Rhizoboium. Cách thức xâm nhập phát triển của vi khuẩn
nầy ở cây có phần khác hơn chút ít. Bên Rhizobium, tế bào vi khuẩn
theo đường dây hình ống xâm nhập vỏ rễ cây, dính vào các mô phân sinh của
rễ, biến hoá cả về mặt hình thái lẫn sinh lý thành một hình thể gọi là
bacteroid, nơi diễn biến cuộc cố định chất đạm. Với Frankia, vi khuẩn
tiến vào vỏ rễ cây dưới hình thức những sợi, có khi cấu tạo thành bọng, túi
hình cầu hay hình trứng là hình thể tương đương với bacteroid.
Đặc sắc những bướu của Frankia là có thể xuất hiện ở
rễ cũng như ở thân, ở các rau đậu như Sesbania rostrata, S. grandiflora
(cây so đủa), Pueraria phaseoloides (loại có củ lớn),
Aechynomene afraspera phần lớn bên châu Phi, cũng như trên các cây lớn
loại phi lao như Casuarina rumphiane, C. curinghaminane bên Senegal,
C. esquisetifolia, cây dương bên nước ta. Ông Hoàng Gia Diêm, nghiên
cứu sư ở cơ quan khảo cứu vi khuẩn Frankia chiết xuất từ bướu cây
C. junghuniane gốc Thái Lan. Sau nầy ông là đồng tác giả một cuốn sách
về những cây cố định đạm khí (8). Ngoài ra, các loại
Leucaena, Acacia, Prosopsis,… cũng đã được chú ý đến. Cuộc cộng sinh
Frankia - S. rostrata (9) cống hiến chất đạm chỉ kém chút
ít cặp A. pinnata - A. azollae, khoảng 50-150 kg / ha một mùa.
Bên phần những cây phi lao Casuarina, qua lá rụng thành phân, trồng
3.000 cây / ha, mỗi năm cũng thu lượm được 150-200 kg chất đạm. Chúng còn
cống hiến một lợi ích khác là làm màn chắn gió và gắn chặt cồn đồi bị xói
mòn. Ở Senegal, nhiều cồn biển đã được cây nầy bảo vệ. Còn bên Trung Quốc,
dọc một bờ biển dài 3.000 km, rộng 0,5-5 km, cây trồng đã chiếm một triệu ha
cồn cát. Nhiều phòng thí nghiệm, đặc biệt của cơ quan khảo cứu Pháp ORSTOM
bên châu Phi đang xúc tiến cuộc khảo cứu về vi khuẩn Frankia
(8).
Bên phần bèo dâu thì cuộc khảo cứu cũng đuợc mở rộng. Một
mặt, các cây Azolla khác được đem thử nghiệm : A. caroliniana, A.
filiculoides, A. mexicana,…thường được xem như rau hoang vô dụng, có
khi nguy hại, bây giờ được đem ra thử không những với lúa mà còn với nhiều
cây khác như những khoai đậu (tarot) bên đạo Hawai chẳng hạn
(6).
Mặt kia, nguời ta tìm những ứng dụng khác của bèo dâu và rong lam. Vì chứa
đựng protein trong lá, bèo dâu là một thức ăn tốt cho cá
(24), gà
con (11,26), động vật nhai lại
(23). Đem ủ kị khí, bèo
dâu cống hiến khí methan (21,14). Sinh khí có thể đạt đến 189 l /
kg và xác bèo dùng làm phân bón. Trong số kim loại có mặt trong bèo, nếu Fe
và Mn không có ảnh hưởng đáng kể, Cd và Ni tăng gia năng suất khí khi nồng
độ không quá cao, Pb có tác dụng tai hại lên bèo ủ (28). Những
nhà khảo cứu Trung Quốc còn tìm ra vàng Aụ(III) trong nhân rong lam
(26). Bèo dâu là một nguyên liệu để sản xuất quang học khinh khí,
dưỡng khí và khí ethylen (25). Khinh khí cũng có thể chế tạo từ
bèo dâu qua một vi khuẩn tách chiết từ rễ, Rhodopseudomonas, nuôi cấy
trong khoai tây (20). Bên phần rong lam, đem cố định trên
polyvinyl, polyurethan, hay alginat thì không những ổn định được tác động
nitrogenase mà còn tăng cường tốc độ cố định đạm khí, tốc độ sản xuất khinh
khí và khí ammoniac (13,15) . Rong lam tách chiết từ bèo còn có
khả năng kết dính máu nhờ các lectin nhưng tính chất nầy bị trypsin phá hủy
và cũng có thể bị fucose, rhamnose , fructose, galactose ức chế.
Năm 1980, trong chiếc tàu vũ trụ Soyouz 37, Phạm Tuân, nhà
du hành và nghiên cứu Việt Nam đến nay độc nhất, cùng Victor Gorbako, bạn
đồng hành Liên Xô, đem ra không gian một mớ bèo hoa dâu trong số nhiều loại
thực vật khác đã được chọn lựa như chlorella, spirulin, lúa mì, bắp cải, cà
chua,…theo những tiêu chuẩn : có cường độ quang hợp cao để bảo đảm nhu cầu
khí của người, có hệ số trao đổ khí phù hợp với hô hấp của người ; có năng
suất cao, có khả năng sinh trưởng và sinh sản nhanh ; có khối lượng cơ thể
bé để tránh gây mất cân bằng sinh thái lúc bị chết đi, có bộ phận sử dụng
làm thức ăn chiếm tỷ lệ lớn ; có thành phần sinh hóa phù hợp với khẩu phần
thức ăn của người và không quá phức tạp về mức độ công nghệ chế biến thức
ăn ; và có khả năng thích nghi với điều kiện sống trong con tàu vũ trụ,
thích hợp với phương pháp trồng trong vũ trụ như trồng trong nước theo
phương pháp công nghiệp. Song song với những mục tiêu khoa học, kinh tế,
trong ấy tìm cách thực hiện một hệ thống sinh thái hoàn toàn khép kín trong
môi trường nhân tạo của con tàu vũ trụ là một điểm quan trọng, đem bèo dâu
ra không gian trong tầm mắt các nhà khoa học ta là một dịp thuận lợi để thu
lượm các dòng bèo có năng suất cao, cố định đạm tốt, chịu nhiệt độ cao,
chống chịu với sâu bệnh. Các nhà khảo cứu Việt Nam chắc đang tiếp tục nghiên
cứu về quang hợp, hô hấp, cố định đạm, thành phần sinh hóa môi trường dinh
dưỡng, hệ vi sinh vật, siêu cấu trúc dưới kính hiển vi điện tử,… của bèo dâu
(3). Sách, báo đã thấy xuất hiện
(14,18). Như vậy ta
cùng hòa mình với thế giới đang xúc tiến tìm kiếm những phân xanh thay thế
hóa chất trong một phong trào lớn mạnh được mệnh danh "cuộc cách mạng xanh".
Thông tin Khoa học và Công nghệ 4(26) (1999) 116-21, có bổ túc
Tham khảo
1- Bài viết của cụ Nguyễn Công Tiễu (theo
thư tịch của Kim Phan) (5)
- Bèo hoa dâu dùng làm
phân bón, Imp. Thần Nông Báo, Hà
Nội (1930)
- Sách làm ruộng,
Imp. Tonkinoise, Hà Nội (1928)
- Những điều bí mật về
bèo hoa dâu, một thứ cây dùng làm phân bón,
Imp. Ngô Tử Hạ, Hà Nội (1934)
- Khảo cứu về bèo hoa dâu,
Khoa Học số 9, 13, 14, 20, 85, 86, 87, 88, 89
- L’azolle cultivée comme
engrais verts, Bull.
Econ.Indochine , Série B, th.4 (1930)
- Conservation de
l’azolle en saison chaude,
Bull. Econ.Indochine
(1934) 1318-20 ; th.1-2(1936)
2- Nguyễn Xuân Tuân, Mấy
kinh nghiệm về phát triển bèo dâu, phục vụ thâm canh lúa của tỉnh Thái Bình,
Tạp chí Hoạt động Khoa học 9 (1979) 6-7,19
3- Nguyễn Hữu Thước, Thí
nghiệm bèo dâu trong vũ trụ, Đoàn Kết trích báo N.D. 8
(1980)
4- V. Labeyrie, Azolla
pinnata, Bull.Infor.Doc. AAFV th.6 38 (1981) 11
5- Kim Phan, L’Azolla pinnata, plante
miracle des rizières du Vietnam, Biofurur th.5 (1982) 11-17
6- Pernette Langley-Danysz, Recherches
sur l’azolla, Biofutur th.5 (1982) 19
7- Đào Thế Tuấn, Un engrais vert :
l’azolle, Pour la Science th.3 65 (1984) 22-3
8- Y. Dommergues, B. Dreyfus, Hoang Gia
Diem, E. Duhoux, Fixation de l’azota et agriculture tropicale, La
Recherche th.1 (16) 162 (1985) 22 ; Y. Dommergues, Hoang Gia
Diem, E. Duhoux, Les arbres fixation d’azote, Tủ sách Espace 34
(1998)
9- Catherine Allais, Sesbania rostrata,
l’africaine à la conquête du monde, La Recherche th.5 (19) 199
(1988) 672
10- Claudine Franche, Azolla, une
orientale plusieurs fois centenaire, La recherche, th.5 (19)
199 (1988) 674
11- B.P.R. Subudhi, P.K. Singh,
Nutritive value of the water fern Azolla pinnata for chicks,
Poult. Sci. (2) 57 (1978) 378-80
12- J.H. Becking, M. Donze,
Pigment distribution and nitrogen fixation in Anabaena azollae, Plant
Soil (1-2) 61 (1981) 203-26
13- M. Brouers, D.O. Hall,
Hydrogen production, ammoniac production and nitrogen fixation by free and
immobilized cyanobacteria, Comm. Eur. Communities [Pep.] EUR
10024, Energy Biomass (1985) 387-92
14- Vu Van Vu, W.F. Sang, Wong
Fong, J.W. Kijne, K. Planque, R. Kraayenhof, Effects of temperature, pH
and bound nitrogen on photosynthesis and nitrogen fixation of Azolla pinnata
(Xanh, Vietnam) and Azolla filiculoides Lam, Photosynthetica (1)
20 (1986) 67-73
15- M. Brouers, D.O. Hall,
Ammonia and hydrogen production by immobilized cyanobacteria, J.
Biotechn.(5-6) 3 (1986) 307-21
16- L.J. Querubin, P.F.
Alcantara, A.O. Princesa, Chemical composition of three Azolla species
(A. caroliniana, A. microphyllia, and A. pinnata) and feeding value of
azolla meal (A. microphyllia) in boiler ration II. Philipp. Agric.
(4A) 69 (1986) 479-90
17- O.D. Bekasova, A.A.
Mutuskin, S.V. Zore, Content and structural organization of phycobilin
pigments in the nitrogen-fixing of cyanobacterium, Anabaena azolla,
Biofizika (2) 33 (1986) 270-4
18- Nguyen Huu Thuoc,
Photosynthesis and nitrogen fixation in the Azolla-Anabaena azollae symbosis,
Nauka : Moscow, USSR (1988) 152 tr.
19- H. El-A.Weam, A. Khogali,
Protein amino acid composition in six species of Azolla, Delta J.
Sci. (4) 11 (1987) 2059-69
20- S.P. Singh, S.C.
Srivastava, K.D. Pandey, Photoproduction of hydrogen by a non-sulfur
bactarium isolated from root zones of water fern Azolla pinnata, Int.
J. Hydrogen Energy (6) 15 (1990) 40-6
21- S.A. Abbasi, P.C. Nipaney,
G.D. Schaumberg, Bioenergy potental of eight common aquatic weeds,
Biol. Wastes (4) 34 (1990) 35-66
22- L.G. Erokhina,
Composition and content of phycobiliproteins in the symbiotic
nitrogen-fixing cyanobacterium Anabaena azollae from various Azolla
fern species, Fiziol. Rast. (4) 38 (1991) 742-53
23- A. Dewanji, Amino acid
composition of leaf proteins extracted from some aquatic weeds, J.
Agric. Food Chem. (8) 41 (1993) 1232
24- D. Das, K. Sikdar, A.K.
Chatterjee, Potential of Azolla pinnata as biogaz generator and as
fish-feed, J. Environ. Health (3) 36 (1994) 186-91
25- E. Tel-Or, A. Rozen, E.
Bar, H. Arad. Hydrogen photoproduction by Azolla and Anabaena azollae,
J. Mar. Biotechnol. (1) 34 (1996) 52-6
26- J. Zhao, D. Shi, Y. Zhang,
Bioaccumulation of Au (III) by cyanobacteria Anabaena azollae,
Chin. Sci. Bull.
(13) 43 (1998) 1119-24
27- A. Lejeune, J. Peng, E. Le Boulenge, Y .
Larondelle, C. Van Hove,
Carotene content of Azolla ands its variations during drying and storage
treatments, Animal Feed Sci. Technol.(3-4) 84 (2000)
295-301
28- A. Arora, A. Pabby, P.K.
Singh, Heavy metal accumulation by Azolla spp., Contaminated Soils
8 (2003) 39-47
©
http://vietsciences.free.frr
và http://vietsciences.org
Võ Quang Yến
|