Những bài cùng tác
giả
Những bài cùng đề tài
Những ngọn hải đăng phù du trong
vũ trụ
Trong hàng thế kỷ vũ trụ được coi
là bất di bất dịch, những ngôi sao dường như gắn vào
nền trời, trái đất bất động và vuông vắn như cái bàn
cờ. Quy tắc vận hành của vũ trụ bắt đầu được phát
hiện từ thế kỷ 17, khi Galilei sử dụng chiếc kính
thiên văn đầu tiên và Kepler lập ra những định luật
động học để khám phá bầu trời vùng lân cận trái đất.
Luật hấp dẫn phổ biến cuả Newton mở đầu cho sự
nghiên cứu những hiện tượng trong toàn thể vũ trụ.
Sau này, thuyết tương đối cuả Einstein cùng sự phát
hiện ra hiện tượng dãn nở vũ trụ của Hubble cũng là
những cái mốc đáng ghi nhớ trong biên niên sử của
thiên văn học. Ngày nay, các nhà thiên văn sử dụng
những thiết bị tiên tiến nhất và lập ra những mô
hình lý thuyết ngày càng phức tạp để khám phá những
vùng xa xôi trong vũ trụ, nhằm tìm hiểu bản chất cuả
vật chất và của những bức xạ. Quá trình tiến hoá và
số phận cuả vũ trụ cũng là một đề tài hấp dẫn.
Ngay sau Big Bang, vũ trụ vô cùng
nóng đặc và dãn nở rất nhanh. Trường hấp dẫn cuả vật
chất hoạt động như một cái phanh nên có xu hướng làm
vũ trụ dãn nở chậm dần. Có những mô hình vũ trụ
học cho rằng trường hấp dẫn của vật chất có khả năng
làm vũ trụ co lại đến khi trở nên cực kỳ nhỏ và cực
kỳ nóng để rút cục lại bùng nổ tuần hoàn. Trong
những năm gần đây, một số nhà thiên văn muốn nghiên
cứu quá trình tiến hoá của vũ trụ bằng những kính
thiên văn hiện đại đặt trên mặt đất và phóng lên
không gian. Họ quan sát một loại sao siêu mới
tức là loại sao đang bùng nổ nên có độ sáng rất cao.
Sao siêu mới được phân
thành hai loại chính, loại I và loại II, tùy theo
bản chất của ngôi sao trước khi nổ. Loại I xuất phát
từ những ngôi sao có khối lượng khiêm tốn tương tự
như mặt trời. Ngôi sao đốt nhiên liệu nhẹ hydro và
heli qua những phản ứng tổng hợp hạt nhân để tạo ra
những nguyên tử nặng hơn. “Tro tàn” được chất trong
cái lõi sao mà thành phần hóa học là carbon và oxy.
Sao siêu mới loại II là tàn dư cuả những ngôi
sao khổng lồ và tiêu thụ được những hạt nhân nặng.
Sau khi đã đạt tới giai đoạn cuối trong quá trình
tiến hóa, chúng bùng nổ và để lại những lõi sao chủ
yếu là sắt. Ngôi sao sản xuất ra sao siêu mới
loại Ia là sao lùn trắng cực kỳ nhỏ đặc
nên có trường hấp dẫn lớn. Nếu là thành viên cuả
một hệ sao đôi thì sao lùn trắng hút vật chất
trong khí quyển cuả ngôi sao đồng hành. Khi khối
lượng của sao lùn trắng tăng lên tới 1,4 lần khối
lượng mặt trời, gọi là “khối lượng giới hạn
Chandrasekhar”, thì ngôi sao sập sụp và bùng nổ
thành sao siêu mới loại Ia. Loại sao siêu
mới này có khối lượng đồng đều ấn định bởi khối
lượng giới hạn. Do đó, đặc trưng cuả chúng là có độ
sáng nội tại như nhau, ngôi sao nào ở xa hơn thì mờ
hơn. Cho nên các nhà thiên văn có thể căn cứ vào độ
sáng biểu kiến của sao siêu mới để đo khoảng
cách của các thiên hà. Sao siêu mới loại Ia
sáng chói bằng hàng tỷ lần mặt trời. Loại sao phù
du này xuất hiện đột ngột trong những thiên hà xa
xôi và quan sát được trong kính thiên văn lớn trong
khoảng một tháng nên được sử dụng như những ngọn hải
đăng để thăm dò thật sâu trong vũ trụ. Trung bình cứ
trong vòng 3 - 4 thế kỷ lại có một vụ nổ sao trong
mỗi thiên hà.

Quá trình hình thành
sao siêu mới loại Ia: ngôi sao lùn trắng (đốm trắng
bên trái) là lõi cuả một ngôi sao tương tự như mặt
trời sau khi tiêu thụ hết năng lượng hydro và heli.
Nếu có một đồng hành (hình cầu màu đỏ bên phải) thì
sao lùn trắng hút vật chất trong khí quyển cuả đồng
hành và chất trong cái đĩa bao quanh sao lùn trắng.
Khi khối lượng cuả sao lùn trắng tăng lên bằng 1,4
khối lượng mặt trời thì ngôi sao sập sụp và bùng nổ
thành sao siêu mới loại Ia. (Hình Don Dixon, Johns
Hopkins University).

Một ngôi sao đang bùng
nổ thành sao siêu mới
(SN 1994d; đốm sáng phía dưới) trong thiên hà NGC
4526. (Hình NASA )..
Một khám phá bất ngờ
Khi quan sát quá trình tiến hoá
cuả vũ trụ bằng sự đo độ sáng cuả sao siêu mới trong những thiên
hà, các nhà thiên văn đã có định kiến là lực hấp dẫn
chi phối trong vũ trụ nên mục tiêu của họ chỉ là đo
độ giảm cuả tốc độ dãn nở. Do đó, họ rất ngạc nhiên
khi tìm thấy là độ sáng cuả sao siêu mới
trong các thiên hà lại thấp hơn, tức là các thiên hà
lại ở xa hơn là dự đoán. Có nghĩa là đáng lẽ vũ trụ
phải dãn nở ngày càng chậm dần, nhưng thực tế thì vũ
trụ lại dãn nở ngày càng nhanh làm tăng khoảng cách
của những thiên hà. Kết quả là trong vũ trụ dường
như có một lực đẩy nào đó chống lại lực hút hấp dẫn
và chi phối lực hấp dẫn làm tăng tốc độ dãn nở của
vũ trụ. Vì vũ trụ dãn nở nên ánh sáng của các thiên
hà dịch chuyển về phía đỏ, tức là bước sóng
cuả ánh sáng dài ra. Thiên hà ở càng xa thì độ
dịch chuyển về phía đỏ càng cao.
Công trình nghiên cứu quá trình
tiến hóa cuả vũ trụ bằng sao siêu mới không
những đòi hỏi những kỹ thuật quan sát rất công phu
mà còn phải có sự cộng tác cuả nhiều nhà thiên văn
trên thế giới, sử dụng nhiều kính thiên văn. Một
nhóm các nhà thiên văn tại Đại học Berkeley (Mỹ do
Perlmutter dẫn đầu) và một nhóm tại Đài Thiên văn
Mount Stromlo ở Canberra (Úc do Schmidt dẫn đầu)
quan sát sao siêu mới với mục tiêu nghiên cứu
sự tiến hóa cuả vũ trụ. Những vụ bùng nổ sao siêu
mới là những sự kiện không tiên đoán được và
xẩy ra trong các thiên hà xa xôi nên khó phát hiện.
Các nhà thiên văn sử dụng trước tiên những kính
không quá lớn (3 - 4 m đường kính), nhưng có tầm
nhìn rất rộng để quan sát được hàng nghìn thiên hà
mỗi lần. Khoảng một tháng sau, vùng trời này được
quan sát lại để phát hiện những ngôi sao vừa mới
xuất hiện nhưng không nhìn thấy trong những
buổi quan sát trước, tức là những ngôi sao vừa
mới bùng sáng. Sau khi “lọc” ra những thiên thể
được coi là sao siêu mới, các nhà thiên văn
sử dụng kính thiên văn loại lớn như kính Keck có 10
m đường kính để khẳng định kết quả.
Một
vũ trụ tàng hình

Sơ đồ mô tả quá trình tiến hoá của vũ trụ. p;
Những quan sát các sao siêu mới
có độ dịch chuyển về phía đỏ cao trong các thiên hà
xa xôi cho thấy lực hút hấp dẫn cuả vật chất làm vũ
trụ dãn nở chậm dần trong khoảng 7 tỷ năm đầu. Sau
đó, năng lượng tối chi phối và đẩy vũ trụ khiến vũ
trụ dãn nở ngày càng nhanh cho tới ngày nay. (Hình
NASA/STSci/Ann Feild).
Một phương pháp khác để tiếp cận
vấn đề năng lượng tối là quan sát ảnh hưởng cuả năng
lượng tối đối với vật chất tối. Ngoài năng lượng
tối, vật chất tối cũng là một thành phần đáng kể
trong vũ trụ. Những đám vật chất tối trong vũ trụ,
tuy không nhìn thấy trực tiếp trong kính thiên văn,
nhưng có khả năng làm biến dạng những thiên thể ở
hậu cảnh qua hiệu ứng “thấu kính hấp dẫn”, tương tự
như tác động của một chiếc thấu kính dị hình. Một
nhóm các nhà thiên văn dùng kính thiên văn không
gian Hubble để quan sát rất nhiều thiên hà. Họ dựa
trên hình ảnh cuả những thiên hà xa xôi bị biến dạng
để tìm ra sự phân bố vật chất tối. Vì có trường hấp
dẫn tương đối mạnh nên vật chất tối có xu hướng tập
trung thành từng đám. Kết quả quan sát cho thấy
những đám vật chất tối bị tách xa nhau bởi một lực
đẩy có khả năng là do tác động cuả năng lượng tối.
Chính năng lượng tối là
nguyên nhân của sự gia tăng tốc độ dãn nở của vũ trụ
trong khoảng 7 tỷ năm gần đây. Tuy nhiên, bản chất
của năng lượng tối chưa được khẳng định rõ
ràng. Có lý thuyết cho rằng năng lượng tối là
năng lượng chân không. Chân không trong vật
lý lượng tử là một môi trường sống động trong đó có
những hạt ảo (dao động chân không) chỉ xuất hiện
trong khoảnh khắc rồi biến đi. Năng lượng chân
không có một lực đẩy không thay đổi trong
không-thời gian và tương đương với hằng số vũ trụ.
Xưa kia Einstein đưa hằng số này vào phương trình và
điều chỉnh tinh tế để đối trọng với lực hút hấp dẫn
của vật chất, nhằm giải thích một “vũ trụ tĩnh”
(không dãn nở). Hồi đó, khái niệm vũ trụ tĩnh đang
được thịnh hành. Einstein quyết định rút hằng số vũ
trụ ra khỏi phương trình sau khi Hubble phát hiện là
vũ trụ dãn nở. Trong quá trình dãn nở, vật chất
loãng dần nên lực hút hấp dẫn bị năng lượng tối
chi phối và làm vũ trụ dãn nở ngày càng nhanh. Tuy
nhiên, tác động của năng lượng chân không
dường như quá lớn so với những kết quả quan sát vũ
trụ, nên chưa được công nhận là nguồn của năng lượng
tối.
Có thuyết đề xuất năng lượng tối
là nguyên tố thứ năm (quintessence) trong
thiên nhiên và tồn tại cùng với 4 nguyên tố khác là
baryon, photon, neutrino và vật chât tối. Khái niệm
nguyên tố thứ năm ám chỉ quan niệm xa xưa cuả
Aristote cho rằng, ngoài 4 nguyên tố hỏa, khí, thủy
và thổ, còn có nguyên tố ether tràn ngập khoảng
không vũ trụ. Ngày xưa ether được coi là dùng để
truyền ánh sáng trong không gian. Tuy nhiên, nếu là
nguyên tố thứ năm thì năng lượng tối phải
thay đổi theo thời gian và không gian. Các nhà vũ
trụ học đang tìm hiểu bản chất của năng lượng tối
bằng những kết quả quan sát bức xạ phông vũ trụ.
Vũ trụ dãn nở vô tận hay sập sụp
để tái sinh từ tro tàn ?
Những mô hình dựa trên phương
trình Einstein cùng những kết quả quan sát mới nhất
dùng để mô tả sự tiến hóa của vũ trụ từ thời sơ sinh
cho tới ngày nay đều dẫn đến kết luận là vũ trụ đang
dãn nở không ngừng. Ngay sau Big Bang, vũ trụ đã
từng trải qua một thời đại “lạm phát”, cứ mỗi 10-35 giây đồng hồ, vũ
trụ nguyên thủy bùng to ra gấp đôi và thể tích tăng
lên tới 1078 lần chỉ trong một khoảnh
khắc. Sự dãn nở chớp nhoáng này san phẳng vũ trụ và
làm vũ trụ đồng đều. Sau này, năng lượng tối
tiếp tục đẩy vũ trụ để dãn nở ngày càng nhanh.
Ngoài những mô hình dãn nở liên
tục, một mô hình vũ trụ co dãn tuần hoàn mới được đề
xuất, trong đó năng lượng tối cũng đóng vai trò chủ
chốt. Theo mô hình này, Big Bang không phải là sự
kiện khởi đầu khai sinh ra vũ trụ mà chỉ xẩy ra mỗi
khi vũ trụ co lại tối đa và rất nóng đặc để rồi lại
bùng nổ. Năng lượng tối giảm theo thời gian và khi
năng lượng tối không còn đủ mạnh thì tốc độ dãn nở
giảm dần làm vũ trụ co lại. Quan niệm một vũ trụ co
dãn tuần hoàn đã được đề xuất vào đầu thế kỷ trước
bởi Lemaitre. Trong mô hình này, vũ trụ trải qua
những thời kỳ co lại tối đa (Big Crunch) để rồi lại
bùng lên (Big Bang) nên được gọi là “mô hình phượng
hoàng”, ám chỉ truyền thuyết phượng hoàng tái sinh
từ tro tàn. Trong những năm gần đây, một mô hình vũ
trụ co dãn tuần hoàn dựa trên lý thuyết dây đã được
đề xuất. Vũ trụ được hình thành từ sự tương tác giữa
hai màng (brane) trong một không gian nhiều chiều.
Màng co dãn và va chạm với nhau lặp đi lặp lại nên
tạo ra một vũ trụ dãn nở và co lại tuần hoàn.
Một trong những hệ quả cuả hiện
tượng vũ trụ dãn nở vô tận ngày càng nhanh là độ
dịch chuyển về phía đỏ cuả ánh sáng của các thiên hà
ngày càng tăng làm bước sóng trở nên quá dài và sẽ
không phát hiện được trong phổ kế. Các thiên hà
không còn nằm trong tầm quan sát của kính thiên văn
và dường như biến dần. Lực năng lượng tối sẽ chi
phối các lực khác, kể cả lực hấp dẫn của vật chất
tối, làm tan rã các hệ sao và các chùm thiên hà xưa
kia tồn tại nhờ có lực hấp dẫn. Vũ trụ dường như bị
xé tả tơi và trở nên hoang vu và tối tăm. Trái lại,
nếu năng lượng tối yếu đi thì lực hấp dẫn làm vũ trụ
co lại và nóng lên rồi lại bùng nổ. Tuy nhiên, cả
hai kịch bản bi thảm này không diễn ra trước hàng
chục tỷ năm và hiện nay không phải là mối lo ngại
đối với nhân loại.
Đã đăng trên
Diễn Đàn
|