Những sự kiện đáng chú ý trong năm 2005

Vietsciences- Nguyễn Quang Riệu    30/12/2005

 

Đức Tâm (Radio France Internationale, RFI) mời nhà thiên văn  Nguyễn Quang Riệu thuộc Đài thiên văn Paris cùng điểm lại những sự kiện đáng chú ý  trong năm 2005.

 

RFI : Thưa quý vị, 2005  là năm được mùa trong  các lĩnh vực nghiên cứu thiên văn, khám phá vũ trụ và chinh phục không gian, nhưng cũng trong năm qua thế giới đã phải đương đầu với nhiều thách thức của thiên nhiên  hủy hoại môi trường và  bệnh dịch. Để  điểm lại các sự kiện nổi bật năm 2005,  RFI mời nhà khoa học Nguyễn Quang Riệu tham gia chương trình  ngày hôm nay.

 

 

RFI : Xin chào anh Nguyễn Quang Riệu, có lẽ trong  năm nay một trong những sự kiện lớn được giới khoa học toàn thế giới quan tâm đó là việc kỷ niệm 100 năm thuyết tương đối của Einstein, thưa anh?

 

 

NQR: Để tôn vinh nhà bác học Einstein, Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố năm 2005 là năm Vật lý quốc tế. Một trăm năm trước đây, Einstein bắt đầu đề xuất những lý thuyết đã để lại dấu ấn sâu sắc không những trong ngành vật lý cơ bản mà còn cả trong lĩnh vực công nghệ hiện đại. Nhiều quốc gia đã cử hành trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm ngày Einstein công bố những  công trình khoa học độc đáo của ông. Tháng 8 vừa qua các  nhà  khoa học VN cũng đã tổ chức tại Hội An một hội thảo với chủ đề Einstein dấu ấn trăm năm.

 

Lý thuyết Tương đối của Einstein đã giúp các nhà thiên văn giải thích được nhiều hiện tượng xảy ra trên bầu trời, đặc biệt là sự tiến hóa của Vũ trụ.

Hiệu ứng quang điện mà Einstein cũng đã phát hiện, được áp dụng hiện nay trong công nghiệp để đáp ứng những  nhu cầu thường ngày như sự chế tạo những tế bào quang điện dùng trong  máy ảnh số để ghi hình thay thế  cho phim ảnh. Thiết bị điện tử này nhạy hơn phim tới 30 lần. Máy định vị toàn cầu  GPS ngày nay là thiết bị cần thiết thường được đặt trong xe hơi để chỉ đường cho người lái xe cũng có thể dùng kỹ thuật dựa trên lý thuyết tương đối để xác định chính xác vị trí.

 

 

RFI : Dạ thưa anh Riệu thì năm 2005 trên thế giới cũng có những thiên tai khủng khiếp như cơn bão Katrina tại Hoa kỳ. Hơn bao giờ hết thì vấn đề gây ô nhiễm môi trường làm thay đổi khí hậu lại trở thành một thách thức rất lớn đối với toàn cầu.

 

 

NQR: Từ khi nền văn minh khoa học phát triển, nhân loại sử dụng ngày càng nhiều nhiên  liệu để đáp ứng  nhu cầu công nghiệp. Những khí thải gây ra hiệu ứng nhà  kính là nguyên nhân của sự gia tăng nhiệt độ trên trái đất có khả năng làm đảo lộn khí hậu toàn cầu. Trong những  năm gần đây chúng ta đã chứng  kiến những  mùa hè nóng nực không bình thường  và những trận bão lớn như trận bão Katrina ở vùng vịnh Mexico gây ra tai họa  nặng nề cho dân cư.

Đầu tháng 12 vừa qua một hội thảo về diễn biến khí hậu họp tại  Montréal đã triệu tập đại diện của  hơn 150 quốc gia trên thế giới. Phần đông đã phê chuẩn nghị định thư Kyoto và cam kết sẽ cố gắng thi hành chỉ thị của nghị định

 

 

RFI : Dạ thưa anh, năm nay còn đánh dấu sự quay trở lại phi thuyền Discovery của Hoa Kỳ, bên cạnh đó thì giới nghiên cứu thiên văn đã thu thập được khá nhiều  thông tin dữ liệu lý thú, thưa anh?

 

 

NQR: Năm 2005 là năm rất phong  phú trong công cuộc chinh phục Vũ trụ. Đầu tháng  7 vừa qua cơ quan NASA của Mỹ đã phóng một trạm tự động  lao thẳng vào sao chổi Temple 1 và  bới vật chất từ bên trong lõi sao nhằm quan sát  những  loại vật chất nguyên thủy chưa bị biến dạng từ khi hệ Mặt trời, kể cả trái đất, vừa mới ra đời. Những kết quả quan sát sẽ giúp các nhà thiên văn tìm hiểu sự tiến hóa của trái đất trong vòng 4 tỉ năm nay. Có giả thuyết cho rằng vật chất bốc ra từ sao chổi có thể là những mầm móng gieo rắc sự sống trên hành tinh trái đất từ thời xa xưa.

 

Trung  quốc cũng  vừa phóng vệ tinh Thần Châu chở hai phi hành gia bay lượn quanh trái đất trong 5 ngày. Trung  quốc đã trở thành cường quốc thứ 3 có khả năng kỹ thuật chở người lên không gian vũ trụ. Công nghệ phóng tên lửa đang là một dịch vụ thương mại sử dụng những vệ tinh dân sự chở khách du ngoạn trong không gian.

 

Cơ quan Không gian Châu Âu ESA cũng  bắt đầu phóng  một chùm 30 vệ tinh đặt tên là Galileo để triển khai hệ thống định vị toàn cầu. Sự kiện này sẽ chấm dứt sự sự hoạt động độc quyền của hệ định vị GPS của Mỹ. Nhờ có  kỹ thuật hiện đại và số vệ tinh tương đối cao nên hầu như ở bất cứ địa điểm nào trên Trái đất và ở bất cứ thời điểm nào cũng có thể bắt được tín hiệu của Galileo, làm cho công việc định vị dễ dàng hơn.

 

RFI : Dạ bây giờ chúng ta chuyển sang  lĩnh vực y tế, có một sự kiện khá nổi bật nhưng lại mang tính tiêu cực. Đó là công trình nghiên cứu giả về nhân bản tế bào gốc trị liệu của giáo sư Hàn quốc Hwang Woo-Suk. Thưa anh, phải chăng đây là bài học chua xót về đạo đức trong nghiên cứu khoa học?

 

NQR: Những sự sai lầm trong nghiên cứu khoa học đã từng xảy ra nhưng không phải vì thế mà được che đậy, nhưng trái lại phải được sửa kịp thời. Những sự gian lận khoa học trái với đạo lý đã từng xảy ra trong quá khứ. Những nhà khoa học  này bị sức ép của tham vọng, muốn tìm ra được những  kết quả khoa học phi thường và đôi khi họ còn muốn chạy đua để đoạt giải Nobel. Tuy nhiên những kết quả khoa học này thường không lọt qua được sự kiểm tra của nhiều nhà khoa học công tác tại các phòng thí nghiệm khác nhau

 

RFI : Dạ xin thành thật cảm ơn anh Nguyễn Quang Riệu, trước thềm năm mới 2006 xin chúc  anh và gia đình một năm mới được dồi dào sức khoẻ và mọi sự như ý.

 

NQR: Xin cám ơn anh Đức Tâm. Năm 2006 dài thêm 1 giây đồng hồ . Ngay sau khi năm 2005 sẽ vừa mới kết thúc thì các  đồng hồ trên toàn cầu phải được  điều chỉnh để chạy chậm lại 1 giây. Ngày 1/1/2006 khi đồng hồ chỉ đúng 1 giờ sáng, giờ Paris, thực ra chỉ mới 0 giờ 59 phút 59 giây. Sự chậm lại 1 giây đồng hồ tuy có vẻ không đáng kể và không có ảnh hưởng đến công việc thường ngày nhưng trở nên rất quan trọng trong công việc sử dụng  giờ chính xác, chẳng hạn như công việc của các nhà thiên văn quan sát các thiên thể. Động tác tự quay của Trái đất là đồng hồ xác định thời gian của ngày và đêm trong 24 tiếng đồng hồ. Lý do của sự thay đổi giờ là vì Trái đất tự  quay chậm dần do sức hút của Mặt trăng và  Mặt trời và do sự ma sát với khí quyển và với những đại dương  và cả với vật chất trong lòng Trái đất.

Hiện nay nhờ có hệ 250 đồng hồ nguyên tử đặt rải rác trên toàn cầu mà thời gian mới được đo cực kỳ chính xác và do đó các nhà thiên văn phát hiện là trái đất quay không đồng đều. Đài thiên văn Paris đã được trao trách nhiệm quản lý giờ  cho cộng đồng các nhà khoa học trên thế giới.

Ảnh bề mặt Titan (vệ tinh của hành tinh Thổ) do ESA chụp bằng thiết bị đặt trên trạm tự động Huygens, khi Huygens hạ cánh xuống Titan, ngày 14 tháng Giêng  năm 2005

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.net  Nguyễn Quang Riệu