Enterprise,
Colombia, Challenger,
Discovery, Endeavour và
Atlantis , tên gọi của 6 phi
thuyền con thoi đi vào lịch
sử kết thúc một giai đoạn
thám hiểm không gian ngoạn
mục nhưng không kém phần bất
trắc.
Từ khi
Colombia thực hiện chuyến
bay đầu tiên vào ngày
12/4/1981 đến chuyến cuối
cùng của Atlantis từ ngày
09/7/2011 vừa qua và sẽ trở
lại trái đất ngày 21/7/2011,
tổng cộng cơ quan Nasa thực
hiện 135 cuộc du hành.
Từ nhiệm vụ
đầu tiên là đưa vệ tinh lên
quỹ đạo, 5 phi thuyền con
thoi đã góp phần vào kế
hoạch xây dựng trạm không
gian quốc tế ISS, bàn đạp để
thực hiện những cuộc thám
hiểm khác trong tương lai.
Vì là phi
thuyền thử nghiệm,
Enterprise không trực tiếp
tham gia vào công tác này.
Theo đánh
giá của giới chuyên gia ,
thành công lớn của chương
trình phi thuyền con thoi là
đưa viễn vọng kính Hubble
lên không gian và vận chuyển
người và vật liệu xây dựng
trạm ISS, « chìa khóa » mở
thêm cổng vũ trụ trong tương
lai.
Ngoài những
thành tựu kỹ thuật và kỹ
nghệ, phi thuyền con thoi
còn đi vào văn hóa bình dân,
gợi ý cho những cuốn phim ăn
khách đặc biệt là điệp viên
007 với « điệp vụ Moonraker
» năm 1979, hai năm trước
khi phi thuyền Colombia bay
chuyến đầu tiên.
John
Logsdon, cựu giám đốc Viện
Nghiên cứu chính trị không
gian ở Washington ghi nhận
rằng nếu chúng ta kêu một
đứa trẻ vẽ một phi thuyền
không gian, thì dù sống tại
đâu trên trái đất, đa số đứa
bé sẽ vẽ phi thuyền con
thoi.
Tuy nhiên,
chuyên gia John Logsdon,
cũng thẩm định chương trình
này gặp một số « thất bại ».
Ngoài tai nạn của Challenger
vào chuyến đi năm 1986 và
Colombia trên chuyến về năm
2003, phi thuyền con thoi
tốn kém 208 tỷ đôla.
Chương trình
Apollo lần đầu tiên đưa
người lên mặt trăng năm 1969
tốn có 159 tỷ đôla.
Nhưng với
trạm không gian ISS, và với
quyết định mới của Tổng
thống Obama bật đèn xanh
thám hiểm sao hỏa kể từ
2035, thành tựu của chương
trình phi thuyền con thoi là
một đóng góp lịch sử.
Mời quý
thính giả theo dõi phần
trình bày của Giáo sư Vật lý
Thiên Văn Nguyễn Quang Riệu,
nguyên là giám đốc nghiên
cứu thuộc Trung tâm nghiên
cứu quốc gia Pháp và đài
Thiên Văn Paris.
RFI:
Kính chào nhà thiên văn
Nguyễn Quang Riệu, với
chuyến du hành cuối cùng
của phi thuyền Atlantis,
và cũng là phi vụ sau
cùng của chương trình phi
thuyền con thoi bắt đầu
cách đây 30 năm, nhân dịp
này, xin Giáo sư giúp
thính giả RFI đi ngược
dòng lịch sử chinh phục
không gian tìm lại những
cột mốc đáng ghi nhớ
nhất ? Trước hết, xin
Giáo sư cho biết phi
thuyền được sử dụng như
thế nào để thám hiểm
vũ trụ ?
Nguyễn Quang Riệu:
Khoảng cách giữa
những thiên hà lớn đến
mức mà ánh sáng cũng
phải mất tới hàng triệu
năm mới truyền được từ
thiên hà này tới thiên
hà khác. Ánh sáng cuả
ngôi sao láng giềng cuả
mặt trời cũng phải để
ra hơn 4 năm mới truyền
tới trái đất. Ngày nay,
nhờ có sự phát triển
công nghệ mà các nhà
khoa học làm được những
kính thiên văn khổng lồ
và phóng được tên lửa
và trạm tự động vào
không gian để chinh phục
vũ trụ. Những trạm tự
động phóng vào không gian
di chuyển với tốc độ
rất khiêm tốn (khoảng
1/10.000 tốc độ ánh
sáng) nên phải để ra hơn
40.000 năm mới đi tới ngôi
sao láng giềng. Vũ trụ
rộng bao la cho nên hiện
nay phi thuyền tự động
không có người lái chỉ
được dùng để thám hiểm
những hành tinh trong hệ
mặt trời, như hành tinh
Hỏa, hành tinh Kim v.v....
Các nhà thiên văn phải
dùng kính thiên văn cỡ
lớn để quan sát các
thiên thể xa xôi.
RFI:
Vệ tinh được phóng lên
không gian từ bao giờ ?
Trong bối cảnh nào thì
con người đạt được khả
năng thám hiểm không gian
với những con tàu vũ
trụ có người điều khiển
?
Nguyễn Quang Riệu:
Sự chinh phục không
gian bằng vệ tinh bắt
đầu từ thời kỳ chiến
tranh lạnh và có mục
tiêu chiến lược nhằm bảo
vệ lãnh thổ chống tai
họa có thể xảy ra từ
những cuộc tấn công bằng
tên lửa. Từ năm 1957, sau
khi vệ tinh nhân tạo đầu
tiên Sputnik của Liên Xô
và những tên lửa cuả Hoa
Kỳ được phóng lên qũy
đạo để quay vòng quanh
trái đất, hàng nghìn vệ
tinh đủ loại đã được
phóng vào không gian để
quan sát vũ trụ và môi
trường trái đất nhằm
phục vụ đời sống thường
ngày, như công việc dự
báo thời tiết, hệ thống
vô tuyến viễn thông v.v...
và cả mục tiêu quân sự.
Quan sát môi trường trái
đất bằng vệ tinh, đặc
biệt là lục địa, mặt
biển và khí quyển cũng
là để nghiên cứu hiện
tượng thay đổi khí hậu,
bởi vì các đối tượng
này tương tác với nhau
trong quá trình tiến hoá
của khí hậu.
Cách
đây hơn 30 năm, cơ quan NASA
của Hoa Kỳ có phương án
sử dụng tàu con thoi vũ
trụ có người lái. Ưu
điểm của những phi
thuyền này là có thể
được lái trở về trái
đất, sau khi hoàn thành
nhiệm vụ nên sử dụng
được nhiều lần. Tàu con
thoi là phương tiện hữu
hiệu nhất để chuyên chở
vật liệu lên các trạm
quan sát di chuyển ở
vùng không gian không quá
xa trái đất. Ban đầu,
tàu con thoi được dùng
để thả những vệ tinh
viễn thông trên qũy đạo
thấp, rồi từ đó vệ tinh
dùng động cơ để tự động
di chuyển trong không gian.
Các phi hành gia còn lái
tàu con thoi lên sửa chữa
vệ tinh đang bay trên qũy
đạo và chở vệ tinh về
mặt đất khi cần thiết.
Nga cũng đã có ý định
làm tàu con thoi, nhưng
dự án này không được
thực hiện sau khi Liên Xô
bị sup đổ.
Năm
1990, tàu con thoi
Discovery đã phóng kính
thiên văn vũ trụ Hubble
để kính hoạt động ở độ
cao khoảng 600 km và không
bị ảnh hưởng của tầng
khí quyển trái đất. Bởi
vì khí quyển không những
hấp thụ phần nào những
bức xạ vũ trụ mà còn
là một môi trường hỗn
loạn làm hình ảnh thiên
thể không sắc nét khi
quan sát qua kính thiên
văn đặt trên mặt đất.
Trong thời gian đầu, kính
Hubble có khuyết điểm nên
hoạt động không được
tốt, những bức ảnh vũ
trụ bị mờ nhạt. Tháng
12 năm 1993, tàu con thoi
Endeavour đã được phóng
lên qũy đạo của kính
Hubble. Các nhà du hành
vũ trụ dùng cần cẩu lôi
kính thiên văn vào trong
khoang tàu để lắp đặt
thiết bị nhằm điều
chỉnh cho kính Hubble
được hoàn hảo. Họ đã
hoàn thành nhiệm vụ sửa
chữa kính Hubble và sau
đó kính đã chụp được
những bức ảnh vũ trụ
tuyệt đẹp chưa từng chụp
được từ trước đến nay.
Cộng đồng các nhà thiên
văn trên thế giới đã sử
dụng kết quả thu được
bởi kính Hubble để bổ
sung cho chương trình
nghiên cứu những hiện
tượng trong vũ trụ, đặc
biệt là trong lĩnh vực
vũ trụ học để tìm hiểu
nguồn gốc và sự tiến
hóa cuả vũ trụ.
RFI:
Trong thời gian đó, mặc
dù có những thăng trầm
lịch sử, chính trị trên
địa cầu, Mỹ và Nga đã
có một chương trình hợp
tác trên không gian mỗi
ngày một chặt chẽ. Xin
Giáo sư giải thích thêm
về diễn tiến và mục
tiêu cuả sự hợp tác
đứng trên những dị biệt
ý thức hệ của một thời
chiến tranh lạnh ?
Nguyễn Quang Riệu:
Tàu con thoi của Mỹ
cũng đã cùng với phi
thuyền Soyuz cuả Nga chở
người và những bộ phận
để ghép xây Trạm Vũ trụ
quốc tế ISS. Trạm ISS là
một phòng thí nghiệm
quốc tế đặt trên không
gian và bắt đầu được xây
từ năm 1998 và sẽ hoàn
tất vào năm 2012. Các phi
hành gia dùng trạm ISS
để thực hiện những cuộc
thí nghiệm sinh học, vật
lý, v.v... trong môi
trường phi trọng lực,
tức là không còn bị ảnh
hưởng cuả lực hấp dẫn
cuả trái đất. ISS cũng
là nơi để làm những thử
nghiệm nhằm chuẩn bị cho
những cuộc hành trình
lên mặt trăng và những
hành tinh xa xôi trong
tương lai. Từ năm 2003 khi
con tàu Columbia gặp tai
nạn thì sự lắp ráp
trạm vũ trụ ISS cũng bị
đình trệ phần nào. Tàu
con thoi là những phi
thuyền hiện đại rất tinh
vi và phải có độ an
toàn rất cao để bảo đảm
tối đa tính mệnh cuả phi
hành gia. Do đó, sử dụng
tàu con thoi đòi hỏi
nhiều kinh phí. Chương
trình phóng tàu con thoi
vừa mới kết thúc sau 3
thập niên phục vụ tích
cực cho công cuộc chinh
phục không gian vũ trụ.
Cuộc chiến tranh lạnh
cũng đã chấm dứt nên phi
thuyền Soyuz và Progress
cuả Nga sẽ thay thế tàu
con thoi của Mỹ để tiếp
tục dịch vụ hậu cần
nhằm hoàn thành trạm vũ
trụ ISS.
RFI:
Chương trình phi thuyền
con thoi chấm dứt nhưng
giấc mơ thám hiểm vũ
trụ vẫn tiếp tục. Xin
Giáo sư cho biết những
mục tiêu chinh phục vũ
trụ trong tương lai của
“người địa cầu” ?
Nguyễn Quang Riệu:
Ngày nay, mục tiêu
cuả các cường quốc có
khả năng kỹ thuật phóng
tàu vũ trụ là sẽ phóng
phi thuyền có người lái
để đổ bộ lên các hành
tinh, đặc biệt là lên
hành tinh Hỏa. Một trong
những mục tiêu là để
phát hiện sự sống ngoài
trái đất. Nước là yếu
tố cần thiết cho sự
sống tương tự như trên
trái đất. Hành tinh Hỏa
có điều kiện lý - hóa
để nước có thể tồn
tại. Tuy Hỏa là một
trong những hành tinh
tương đối gần trái đất,
nhưng cuộc hành trình
khứ hồi tới hành tinh
Hỏa bằng những phi
thuyền hiện có cũng
phải mất ít nhất là
một năm. Những chuyến
thám hiểm các hành tinh
xa xôi hơn ở tận rìa hệ
mặt trời phải mất
khoảng vài chục năm.
Muốn đổ bộ để thám
hiểm những hành tinh này
thì cần phải có kỹ
thuật làm động cơ đẩy
tàu có hiệu quả hơn để
cuộc hành trình có thể
thực hiện được trong
thời gian không quá dài
đối với tuổi thọ của
con người. Hiện nay, giải
pháp tốt nhất và không
quá tốn kém là phóng
phi thuyền tự động không
có người lái trong đó
có những thiết bị tối
tân để quan sát những
hành tinh trong hệ mặt
trời.
Những
vệ tinh tự động sau khi
cạn kiệt nhiên liệu thì
được chứa chất trên một
qũy đạo dành riêng cho
những vệ tinh không còn
hoạt động nữa, hoặc
chúng tự thiêu hủy khi
rơi vào khí quyển trái
đất. Những mảnh vỡ để
lại có thể là mối nguy
hiểm đối với sự giao
thông cuả các vệ tinh
trên qũy đạo. Khi va chạm
với phi thuyền, mỗi mảnh
vụn chỉ nhỏ vài centimet
cũng có sức tàn phá
khủng khiếp, bởi vì
những mảnh vụn thường
có tốc độ tương đối cao,
khoảng 70.000 km/giờ, nên
chúng có năng lượng phá
hủy rất lớn. Đã có lần
các phi hành gia đã phải
rời trạm ISS và tạm
lánh trong tàu Soyuz để
tránh một mảnh vỡ cuả
động cơ một tên lửa có
khả năng va chạm vào ISS.
Sau hơn
20 năm hoạt động, kính
Hubble có đường kính 2,4
m đã cung cấp những thông
tin quý giá về vũ trụ
cho cộng đồng các nhà
thiên văn toàn cầu. Vào
năm 2015, cơ quan NASA cuả
Mỹ có phương án phóng
kính thiên văn James Webb
lớn 6,5 m bằng tên lửa
Ariane 5 của Cơ quan Vũ
trụ Châu Âu ESA để thay
thế kính Hubble. Kính
James Webb quan sát chủ
yếu trên bước sóng hồng
ngoại sẽ được dùng để
đi ngược dòng thời gian
và tìm hiểu vũ trụ
nguyên thủy, ở thời đại
tối tăm khi vũ trụ hãy
còn chưa đủ nóng để
phát ra ánh sáng.
Kính
thiên văn phóng lên không
gian thường có kích
thước rất nhỏ so với
kính đặt tại các đài
thiên văn trên mặt đất vì
trọng tải cuả tàu con
thoi và tên lửa bị hạn
chế. Do đó, tuy kính
thiên văn vũ trụ không bị
nhiễu bởi khí quyển
trái đất, nhưng vì có
kích thước khiêm tốn nên
không đạt được độ phân
giải cao, tức là không
có khả năng phân biệt
được những chi tiết rất
nhỏ. Với công nghệ hiện
đại, kính thiên văn đặt
trên mặt đất tại các
đài thiên văn trên thế
giới không những lớn mà
còn được trang bị những
thiết bị loại trừ nhiễu
gây ra bởi khí quyển hỗn
loạn. Đề án làm kính
thiên lớn hàng chục met
để hoạt động ngay trên
mặt đất đang được tiến
hành.
RFI:
Cuối cùng, trong khát
vọng tìm “đồng loại”
trong bầu vũ trụ bao la,
các nhà khoa học đang
thực hiện những phương
án nào từ trái đất ?
Nguyễn Quang Riệu:
Hàng trăm hành tinh ở
ngoài hệ mặt trời đã
được phát hiện. Các nhà
thiên văn đang quan sát xem
trong số đó có siêu địa
cầu nào có khí quyển
và điều kiện lý - hóa
để có thể nuôi dưỡng sự
sống như trên trái đất.
Họ cũng thường xuyên
hướng ăngten vào vũ trụ
để phát hiện những nền
văn minh trong Dải Ngân hà
có khả năng phát tín
hiệu vô tuyến. Cho tới
nay, họ chưa bắt được
tín hiệu nào của người
ngoài hành tinh. Phải
chăng, trong Dải Ngân hà
chỉ có một nền văn minh
siêu việt như chúng ta
trên trái đất hay là
chúng ta chưa tìm ra cách
để liên lạc được với họ
?