Nhật thực cũng là dịp để thu hút du khách. Các khách sạn cao tầng
ở Thượng Hải chật đông khách đến ăn sáng, tranh thủ quan sát hiện
tượng hiếm thấy này. Ngay tại Ấn Độ, nhiều hãng hàng không mở dịch
vụ đưa khách du lịch lên độ cao hơn 12 cây số để quan sát nhật
thực
Theo các chuyên gia nghiên cứu không gian Hoa Kỳ NASA, nhật thực
bán phần bắt đầu đã được nhìn thấy từ lúc 00h30 phút, giờ quốc tế,
từ Ấn Độ Dương ở ngoài khơi bờ biển phía tây Ấn Độ. Sau đó, đến
00h53 phút, giờ quốc tế, mặt trời bị mặt trăng che lấp toàn bộ,
tức nhật thực toàn phần.
Hiện tượng này kéo dài trong 6 phút 39 giây, được quan sát thấy
từ tiểu bang Gujara, Ấn Độ và trong một dải lãnh thổ dài 15 ngàn
cây số, rộng 258 cây số, bao gồm phía tây Ấn Độ, Nepal, Bhoutan,
Bangladesh, Miến Điện, Trung Quốc, các đảo Ryukyu ở phía nam Nhật
Bản cho tới tận Thái Bình Dương.
Tính trung bình, do nhật thực, Ấn Độ bị chìm trong bóng tối từ
3 đến 4 phút. Trung Quốc khoảng 5 phút. Tuy nhiên, ở một số nơi,
do thời tiết xấu, mưa, nên việc quan sát không được rõ. Giới
chuyên gia cho biết, phải đợi đến năm 2132 thì mới xẩy ra nhật
thực kéo dài hơn sự kiện ngày hôm nay.

Ảnh chụp bức tượng Hậu Nghệ bắn rơi mặt
trời, tại Thiểm Tây lúc nhật thực (Reuters)
Tại nhiều nước châu Á, các câu chuyện cổ hoặc huyền thoại
thường gắn hiện tượng nhật thực, nguyệt thực với những điều hay
hoặc điềm gở. Ở phía bắc Ấn Độ, khoảng 1,5 triệu người theo Ấn Độ
giáo đã đổ về thành phố thánh Kurukshetra để tắm gội trong lúc có
nhật thực, nhằm giải thoát các linh hồn.
Tại thành phố Bénarès, bên bờ sông Hằng, đám đông giơ tay lên
trời chào đón mặt trời xuất hiện sau nhật thực. Theo truyền hình
nước này, khoảng 5 triệu người theo Ấn Độ giáo đã làm các lễ nghi
nói trên.
Ở Ấn Độ cũng như Nepal, nhiều phụ nữ được khuyên nhủ không nên
sinh con vào ngày hôm nay. Theo AFP, trong một ngôi làng ở phía
bắc Bangladesh, một nước hồi giáo, hàng chục ngàn người đã tụ tập
trong một sân vận động, "khóc than, run sợ khi mặt trời biến mất
và mừng vui vỗ tay khi mặt trời tái hiện".
Nhật thực cũng là dịp để thu hút khách du lịch. Các khách sạn
cao tầng ở Thượng Hải, Trung Quốc chật đông khách đến ăn sáng,
tranh thủ quan sát hiện tượng hiếm thấy này. Ngay tại Ấn Độ, nhiều
hãng hàng không mở dịch vụ đưa khách du lịch lên độ cao hơn 12 cây
số để quan sát nhật thực.