Hai khám phá cực kỳ quan trọng trong bước đường chinh phục không
gian đánh dấu năm 2009 : trên sao Hỏa và mặt trăng có nước. Cơ
quan không gian châu Âu hy vọng sẽ thực hiện được chuyến phi hành
khứ hồi địa cầu-sao Hỏa vào thập niên 2030. RFI phỏng vấn giáo sư
Nguyễn Quang Riệu, Giám đốc Nghiên cứu Trung tâm CNRS và Đài Thiên
văn Paris.
Năm 2009 kết thúc với hai khám phá được xem là cực kỳ quan
trọng trong bước đường chinh phục không gian : trên sao Hỏa và mặt
trăng có nước. Cơ quan không gian châu Âu hy vọng sẽ thực hiện
được chuyến phi hành khứ hồi địa cầu-sao Hỏa vào thập niên 2030.
Trong chiều hướng này, Nga chuẩn bị khóa huấn luyện một phi
hành đoàn Nga Pháp Đức, sinh hoạt biệt lập, kể từ đầu năm nay và
kéo dài suốt 520 ngày, tương đương với thời gian đi và về. Trong
khi đó, Cơ quan NASA của Mỹ, do ngân sách hạn hẹp chỉ gởi phi
thuyền tự động lên mặt trăng, sao Kim và một thiên thạch.
Về phần các nhà thiên văn, từ các đài quan sát trên mặt đất, họ
kiên trì tìm kiếm sự sống trong không gian và những siêu địa cầu.
Đầu tháng giêng, viễn vọng kính không gian Kepler khám phá 5 hành
tinh quay chung quanh một định tinh gần giống như thái dương hệ
nhưng nhiệt độ khá cao, trên 1200 độ C.
Tính từ thời loài người chế ra chiếc viễn vọng kính đầu tiên
đến những phi thuyền vũ trụ, thời gian đã qua đúng 4 thế kỷ. Nhưng
nếu xem vũ trụ là cánh rừng già thì con người giống như con kiến
mới ra khỏi tổ, chập chững thám hiểm chiếc lá gần nhất, chưa ra
khỏi cành cây.
Con đường chinh phục không gian vô tận của sinh vật thượng đẳng
trên trái đất còn mênh mông không khác chi đàn kiến thông thái với
cánh rừng già.

Nguồn : planete-astronomie.com
2) RFI phỏng vấn GS
Nguyễn Quang Riệu
(Nguyên Giám đốc Emeritus tại Trung tâm Quốc
gia Nghiên cứu Khoa học Pháp và Đài Thiên văn Paris)
(Tuấn Anh thực hiện ngày 14 tháng 1
năm 2010)
Thưa
GS Nguyễn Quang Riệu, câu hỏi đầu tiên xin GS cho biết ngành
thiên văn học có từ bao giờ ?
Galilei là người đầu tiên dùng kính thiên văn
để quan sát bầu trời. Galilei rất ngạc nhiên khi nhìn thấy
nhiều hiện tượng thú vị qua chiếc kính, tuy hãy còn đơn
sơ. Mặt trăng không có vẻ mịn màng chút nào, nhưng lại
hiện ra lỗ chỗ nhiều thung lũng. Dải Ngân hà huyền ảo
thì có vô số ngôi sao, còn các hành tinh thì dường như
quay xung quanh mặt trời, chứ không phải xung quanh trái
đất. Những phát hiện đầu tiên cuả Galilei chứng tỏ trái
đất không phải là trung tâm của vũ trụ và đã làm đảo
lộn quan niệm về vũ trụ đang được thịnh hành ở thế kỷ
17.
Năm 2009 vừa kết thúc
mang ý nghĩa gì đối với thiên văn học khám phá vũ trụ ?
Hội thiên văn Quốc tế và UNESCO đã công bố
năm 2009 là Năm Thiên văn Quốc tế, đúng 400 năm sau khi
Galilei sử dụng kính thiên văn lần đầu tiên. Ngày nay các
nhà thiên văn làm những kính thiên văn ngày càng lớn đặt
trên mặt đất và phóng lên không gian để quan sát thật sâu
trong vũ trụ, nhằm tìm hiểu sự hình thành các thiên hà,
cùng nguồn gốc và sự tiến hoá cuả toàn thể vũ trụ. Họ
còn nghiên cứu những hiện tượng thiên nhiên trong vũ trụ
để thực hiện những thí nghiệm trên trái đất. Sở dĩ mặt
trời và những ngôi sao chiếu sáng được trong hàng tỷ năm,
chính là nhờ các thiên thể này khống chế được năng lượng
tổng hợp các hạt nhân nguyên tử. Các nhà khoa học nghiên
cứu cơ chế sản xuất năng lượng trong các ngôi sao để sau
này xây được nhà máy điện tổng hợp hạt nhân.
Nhân loại đã có trong
tay những trang thiết bị tối tân như thế nào trong việc
khám phá không gian ?Tìm hiểu quá trình tiến hóa cuả vũ trụ
và nguồn gốc của vạn vật là một trong những vấn đề đang
được các nhà khoa học quan tâm. Trong năm 2009 vừa qua, Cơ
quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã phóng lên không gian chiếc kính
thiên văn đặt tên là Planck. Vệ tinh Planck dùng những thiết
bị hiện đại nhất để quan sát bức xạ phông vũ trụ.
Bức xạ này là tàn dư cuả vụ nổ Big Bang tạo ra vũ
trụ cách đây ngót 14 tỷ năm. Bức xạ phông vũ trụ là bộ
mặt cuả vũ trụ nguyên thủy khi vừa mới ló ra. Hồi đó,
vũ trụ chỉ nhỏ bằng một phần tỷ vũ trụ hiện nay và cứ
dãn nở không ngừng. Vũ trụ nguyên thủy cũng đã từng rung
như một cái trống trong 400 nghìn năm đầu. Do đó, mật độ
và nhiệt độ cuả bức xạ phông vũ trụ không đồng đều và
thăng giáng từ vùng này sang vùng khác. Những đám vật
chất tập trung đây đó trong vũ trụ thu hút vật chất cuả
môi trường xung quanh để phát triển thành những chùm thiên
hà mà các nhà thiên văn quan sát thấy hiện nay. Những kết
quả quan sát bức xạ phông vũ trụ cung cấp cho các nhà
thiên văn những thông tin quý báu về tuổi, về số phận cuả
vũ trụ trong tương lai, về cơ chế hình thành của những
ngôi sao và của những thiên hà thế hệ đầu tiên, cùng bản
chất cuả năng lượng và vật chất trong vũ trụ.
Kính thiên văn đặt trên mặt đất và kính vũ
trụ Hubble đã chụp được những bức ảnh tuyệt đẹp của
nhiều thiên thể. Nhưng trong vũ trụ còn vô số thiên thể
không phát ra ánh sáng mà chỉ phát bức xạ hồng ngoại
không nhìn thấy bằng mắt thường. Bởi vì bức xạ hồng
ngoại bị khí quyển trái đất hấp thụ nên các nhà thiên
văn phải phóng kính lên không gian để quan sát. Những ngôi
sao còn non đang ẩn mình trong những đám bụi tối tăm, hoặc
những phôi thiên hà là những thiên thể chưa đủ nóng để
chiếu sáng mà chỉ phát ra được bức xạ hồng ngoại. Một
chiếc kính thiên văn hồng ngoại đặt tên là Herschel đã
được phóng cùng chuyến với kính Planck để khám phá những
bí ẩn trong thế giới lạnh lẽo của những thiên thể vô
hình này.
Hệ kính thiên văn vô tuyến quốc tế
ALMA,
đặt trên một cao nguyên ở vùng sa mạc Atacama
ở
độ cao 5000 m trên
rặng núi Andes cuả Chilê, gồm có
50 angten 12 m đang được xây dựng. Hệ kính vô tuyến
ALMA
và hệ kính quang học
VLT (Very Large Telescope), gồm 4
cái gương khổng lồ có đường kính 8 m cuả Cộng đồng Châu
Âu, sẽ giúp các nhà thiên văn quan sát những vùng thật sâu
trong vũ trụ để đi ngược dòng thời gian đến tận gần thời
điểm Big Bang, khi vũ trụ vừa mới ra đời
Máy gia tốc
LHC (Large Hadron Collisioner)
tối tân nhất hiện nay được xây tại Thụy Sĩ để nghiên
cứu sự hình thành cuả vật chất và cũng để tìm hiểu
nguồn gốc cuả vũ trụ. Trong máy gia tốc, những hạt proton
có tốc độ xấp xỉ tốc độ ánh sáng được tạo ra để đâm
trực diện vào nhau, nhằm sản xuất ra những hạt vi mô mới
lạ và tái tạo ̣những điều kiện lý-hóa mà các nhà khoa
học phỏng đoán là rất phổ biến trong vũ trụ nguyên thủy.
Trong khát vọng tìm
kiếm sự sống trong vũ trụ bao la này, công việc thực hiện
đến đâu và gặp những khó khăn gì và đã phát hiện được
những gì cho phép hy vọng ?
Các nhà thiên văn đã phát hiện trong vũ
trụ đủ loại hóa chất tương tự như những chất thông thường
chế ra được trong phòng thí nghiệm, kể cả những chất
đường có khả năng dẫn đến sự hình thành những phân
tử sinh học phức tạp như axit
amin trong protein tế bào sinh vật.
Sự hình thành ra sự sống là một quá
trình vô cùng phức tạp và lâu dài. Sự sống dưới dạng vi
sinh vật nảy sinh trên trái đất đã được 3 tỷ năm, nhưng
loài người hiện đại mới xuất hiện cách đây khoảng 200
nghìn năm. Trình độ khoa học tiên tiến như ngày nay mới
chỉ đạt được cách đây chưa đầy một thế kỷ. Các nhà thiên
văn đang cố gắng tìm kiếm vết tích cuả sự sống trong Ngân
hà, dù chỉ là những sinh vật đơn bào. Tuy nhiên, sự sống
tương tự như trên trái đất chỉ có thể tồn tại trên những
hành tinh, nơi mà điều kiện lý-hóa trong khí quyển không
khắt khe như trên những ngôi sao. Những trạm tự động đã
được phóng lên một số hành tinh trong hệ mặt trời, nhưng
vẫn chưa phát hiện được dấu vết cuả sự sống.
Nước là một yếu tố cần thiết cho sự
sống vì là dung môi để hòa tan vật chất và tạo ra những
phản ứng hóa học có khả năng làm này sinh ra vi sinh vật.
Tháng 10 năm 2009, Cơ quan NASA cuả Mỹ đã dùng tên lửa được
điều khiển để đâm thẳng vào một cái hố rộng lớn trên
mặt trăng, nhằm bới vật chất nằm ở dưới bề mặt mặt
trăng. Trong những đám vật chất bắn tung ra ngoài có dấu
vết cuả nước. Những kết quả quan sát cho thấy nước cũng
có thể đã từng chảy trên cả hành tinh Hoả.
Cuối cùng, xin GS
cho biết thêm về những chương trình đi tìm những địa cầu
có điều kiện sống như trái đất cuả chúng ta. Thực hiện
các chương trình tốn kém này có đem lại lợi ích gì cho
cuộc sống tại trái đất
Sự sống có khả năng nảy sinh trên những
hành tinh, nên sự phát hiện những hành tinh ở bên ngoài
hệ mặt trời là điều kiện tiên quyết cho sự tìm kiếm sự
sống trong Dải Ngân hà. Trong hệ mặt trời chỉ có vỏn vẹn
8 hành tinh nên các nhà thiên văn phải phát hiện thêm hành
tinh trong những hệ sao khác thì mới có hy vọng tìm thấy
sự sống. Tuy nhiên, công việc phát hiện những hành tinh ở
bên ngoài hệ mặt trời không hề đơn giản. Lý do là vì
hành tinh trong những hệ sao không tự phát ra ánh sáng mà
chỉ phản chiếu bức xạ của ngôi sao. Ánh sáng yếu ớt cuả
hành tinh bị ngôi sao sáng chói át đi. Các nhà thiên văn
phải dùng một phương pháp gián tiếp để phát hiện hành
tinh trong những hệ sao. Khi hành tinh quay xung quanh ngôi sao
thì trường hấp dẫn cuả hành tinh lôi kéo ngôi sao làm tốc
độ cuả ngôi sao thay đổi ít nhiều. Các nhà thiên văn đã
tìm thấy khoảng 400 hành tinh ở ngoài hệ mặt trời bằng
phương pháp này. Đa số hành tinh phát hiện được
là những khối khí khổng lồ. Gần đây, họ phát hiện
được một số hành tinh có vỏ rắn, chỉ nặng hơn trái đất
từ 2 tới 7 lần và được gọi là “siêu địa cầu”.
Ước vọng của các nhà thiên văn là tìm
thấy những hành tinh cỡ trái đất và cũng có vỏ rắn như
trái đất và nằm trong vùng ở được xung quanh ngôi
sao. Có nghĩa là vùng này phải có nhiệt độ vừa
phải để nước có thể tồn tại ở thể lỏng và làm nảy
sinh ra sự sống. Nồng độ cuả khí nuôi dưỡng sự sống trong
khí quyển của hành tinh phải thích hợp với sự sống tương
tự như trên trái đất. Tuy nhiên, vùng ở được phải
được hiểu theo nghĩa rộng, bởi vì sự sống trên những
hành tinh có thể tồn tại trong những điều kiện khác hẳn
so với trên trái đất.
Sự tìm kiếm những siêu địa cầu trên đó
có khả năng có sự sống giúp nhân loại giải đáp câu hỏi
thường hay đặt ra: vũ trụ bao la chả nhẽ chỉ chứa một
mình chúng ta trên mảnh đất nhỏ bé này ư ?