Ý kiến về chiếc khẩu trang và bình sữa chứa hạt nano

Vietsciences-Trương Văn Tân                08/02/2010

 

Những bài cùng tác giả

Cụm từ "công nghệ  nano" đang trở thành một thuật ngữ thời thượng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cũng như trên thương trường. Những gì liên hệ đến công nghệ  nano đều có khả năng thu hút sự chú ý của các thẩm định viên duyệt xét các đề án xin nghiên cứu kinh phí. Các nhà sản xuất thương phẩm cũng dùng cụm từ này như lời quảng cáo thu hút quần chúng tiêu dùng. Tiềm năng ứng dụng của vật liệu nano cho nhiều hứa hẹn bao trùm mọi lĩnh vực trong cuộc sống thường nhật như các dụng cụ điện tử, trị liệu y học, dược liệu và năng lượng. Những vật liệu nano phần lớn là các hạt nano kim loại, chất bán dẫn hay polymer có kích thước từ 1 - 100 nanomét (1 nanomét = 1 phần triệu milimét). Ống than nano và fullerene C60 cũng là vật liệu nano quan trọng. 

Mặc dù hiện nay chỉ  có một số sản phẩm được chế tạo dựa vào hạt nano nhưng số lượng hạt nano được sản xuất ngày nay là 2.300 tấn sẽ có khả  năng tăng đến 58.000 tấn vào năm 2020. Số lượng sản xuất ống than nano cũng tăng nhanh với những thiết bị chế tạo vài kí lô một thập niên trước đã được cải tiến biến thành máy móc có khả năng chế tạo hàng tấn. Trước sự tăng trưởng nhanh chóng về lượng sản xuất của vật liệu nano và sự đa dạng hóa của các sản phẩm chứa vật liệu này với nhiều ứng dụng mới, thật là một điều lo ngại khi kiến thức và dữ liệu liên quan đến sự an toàn của hạt nano, ống than nano và ảnh hưởng của chúng đến cơ thể con người và môi sinh vẫn còn rất giới hạn. 

Trong hai bài viết có tựa  đề "Vật liệu nano trong y học: hiền mẫu hay tử thần""Vật liệu thần kỳ: ống than nano" được phổ biến trên mạng điện tử này, tôi đã đề cập những nguy cơ tiềm ẩn trong hạt nano và ống than nano khi có sự giao tiếp với cơ thể con người. Tôi viết thêm vài dòng ở đây để gióng lên một tiếng chuông cảnh báo về độc tính của vật liệu nano khi đọc được một bài viết về khẩu trang chứa hạt nano bạc chống khuẩn cúm A/H1N1 [1]; một sản phẩm của Viện Công nghệ Môi trường Việt Nam được giới truyền thông trong nước tuyên dương là một "phát minh" nằm trong đề tài nghiên cứu cấp nhà nước: "Nghiên cứu chế tạo và phát triển ứng dụng một số vật liệu nano bạc để khử trùng trong y tế, đời sống và sản xuất". Ngoài sản phẩm này, tôi được biết một số sản phẩm nhập khẩu trong lần về Việt Nam gần đây khi một người bạn đã hỏi tôi nghĩ thế nào về bình sữa của trẻ sơ sinh, ca uống nước, núm vú chống khuẩn được sản xuất từ "công nghệ nano" chứa hạt nano bạc bán trên thị trường [2].  

Là một người trực tiếp tham gia nghiên cứu về vật liệu nano, tôi rất ngạc nhiên khi một viện khoa học nghiên cứu về môi trường lại sản xuất một thương phẩm không "thân thiện" với môi trường. Hơn thế nữa, một loạt cơ quan nhà nước có chức năng quan trọng như Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng, Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Vinacontrol đã dễ dàng cấp chứng nhận cho lưu hành các sản phẩm nano trực tiếp giao tiếp với cơ thể con người nhất là trẻ sơ sinh mà không qua những kiểm định theo các quy định an toàn quốc tế.  

Việc dùng hạt bạc cho việc chống khuẩn không phải là một phát hiện mới. Đặc tính chống khuẩn của huyền phù (colloid) bạc đã được biết hơn 100 năm qua. Những hạt bạc trong huyền phù có kích cỡ trong phạm vi micromét (1/1.000 milimét) là một sản phẩm được dùng rộng khắp để chống khuẩn, chống nấm. Qua cách tính toán đơn giản, ta thấy khi một vật liệu được chế tạo có kích cỡ giảm đi 1.000 lần thì diện tích bề mặt sẽ tăng lên 1.000 lần. Một nanomét là đơn vị một ngàn lần nhỏ hơn một micromét. Vì vậy, hạt nano bạc sẽ có hiệu quả chống khuẩn khoảng vài ngàn lần cao hơn huyền phù bạc ở cùng một trọng lượng (hay thể tích) do sự gia tăng diện tích bề mặt. Đồng thời, độc tính của bạc cũng sẽ gia tăng với một cường độ tương đương trong hạt nano bạc so với huyền phù bạc.   

Từ bản chất, bạc đã được xác nhận là một chất có độc tính, có hại và làm ô nhiễm môi sinh [3]. Hơn nữa, hiện nay người ta vẫn chưa biết rõ những tác hại của các loại hạt nano kể cả hạt nano bạc khi tiếp xúc và xâm nhập vào cơ thể con người. Khi vào cơ thể, vì kích cỡ cực nhỏ, hiện tượng hạt nano có thể đi theo đường huyết quản rồi tập trung ở các cơ quan như phổi và não bộ là một khả năng rất lớn. Sử dụng hạt nano bạc vì vậy gặp hai trở ngại lớn trên vấn đề an toàn sức khoẻ là (1) bản chất độc tính cố hữu và (2) tác hại tiềm ẩn của hạt nano vì độ nhỏ của hạt. Vài năm trước đây, trên thị trường đã xuất hiện loại vớ và nội y chứa hạt nano bạc chống khuẩn và khử mùi. Những sản phẩm này hiện nay đã bị cấm sản xuất và lưu hành vì người ta vẫn chưa có đầy đủ thông tin về ảnh hưởng của hạt nano đến sức khoẻ con người. Đây là những sản phẩm dùng bên ngoài của cơ thể, so với việc sử dụng khẩu trang hay bình sữa chứa hạt nano thì nguy cơ đi vào cơ thể còn rất thấp. Quyết định của nhà nước Việt Nam cho lưu hành khẩu trang và bình sữa quả là táo bạo và liều lĩnh! 

Đến nay các báo cáo khoa học về độc tính nano còn mang tính riêng lẻ chưa được hệ thống hóa để cho một cái nhìn toàn diện. Tuy nhiên, một bài viết nói về ống than nano gây ra sự phát viêm trong tế bào giống như thạch miên (asbestos) [4], và một kết quả được công bố bởi Cơ quan Bảo vệ Môi trường (Environmental Protection Agency) của Mỹ cho biết hạt nano titanium dioxide (TiO2) [5] trong kem chống nắng có thể phá hỏng não bộ của chuột, đã gây sự chú ý rất lớn trong cộng đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ nano. Hệ quả là song song với việc nghiên cứu chế tạo vật liệu nano và các tiềm năng ứng dụng, hiện nay một số lớn kinh phí nghiên cứu của chính phủ tại các nước tiên tiến đã được đầu tư vào các đề tài nghiên cứu về độ an toàn của vật liệu nano đối với môi trường và con người. Vấn đề này càng lúc càng trở nên cấp bách và là một trong những nhân tố quyết định việc thực dụng hóa các ứng dụng của công nghệ nano.  
 

Trong lịch sử phát triển khoa học, từ công nghệ hạt nhân đến công nghệ nano, mọi công nghệ đều có mặt tiêu cực của nó. Cũng như tính phóng xạ của vật liệu hạt nhân, độc tính chưa hẳn sẽ ngăn chặn bước đường phát triển của công nghệ nano. Với nhiều tiềm năng ứng dụng to lớn, công nghệ nano sẽ là nền công nghệ của thế kỷ 21. Nhưng để đạt đến mục đích này, các đặc tính sinh lý học và độc tính của vật liệu nano cần phải được làm sáng tỏ và khắc phục kịp thời. Trong thời gian gần đây một số lớn tư liệu đã được xuất bản nhằm nâng cao kiến thức về sự an toàn trong việc chế biến và xử lý các vật liệu nano trong phòng thí nghiệm cũng như trong sản xuất [3, 6-8]. Một bài tổng quan đặc sắc với 143 tài liệu trích dẫn tóm tắt những kết quả thí nghiệm tìm hiểu độc tính đối với tế bào (cytotoxicity) của các loại hạt nano đã được công bố trong tạp chí nổi tiếng Small [9]. Những dữ liệu này thực sự quan trọng cho việc phát triển ngành y học vật liệu nano.     
 

So với các nước phương Tây và Nhật Bản, ý thức về an toàn và vệ sinh của dân ta còn rất thấp và tiêu chuẩn nhà nước liên quan đền vấn đề này khá mềm nếu không nói là lỏng lẻo và tùy tiện. Hai điều bất cập này có thể đưa ra nhiều hậu quả khôn lường đến tiền của và sinh mạng người dân. Trở lại với chiếc khẩu trang và bình sữa, chân lý muôn đời "Phòng bệnh hơn chữa bệnh" vẫn hơn. Tôi nghĩ rằng người dân nên sử dụng những chiếc khẩu trang cổ điển, các bà mẹ nên dùng lại chiếc bình sữa bình thường đơn giản, dù phải mất thời gian để đun sôi diệt khuẩn nhưng vẫn còn an toàn hơn bình sữa chứa vật liệu nano chưa được kiểm định chính xác và nghiêm túc.  
 
 

Tài liệu tham khảo và  ghi chú 
 

  1. http://www.vnexpress.net/GL/Khoa-hoc/Ky-thuat-moi/2009/08/3BA12140/
  2. http://vietbao.vn/Kinh-te/Binh-sua-khu-trung-Nano-Silver-cua-Mummybear/11015906/89/
  3. S. N. Luoma, "Silver nanotechnologies and the environment: Old problems or new challenges", September 2008. Độc giả có thể tải miễn phí tài liệu này từ Google.
  4. Thạch miên (asbestos) được xác nhận là chất gây ung thư phổi và đã bị cấm sản xuất và sử dụng.
  5. Hạt titanium dioxide (TiO2) có kích cỡ micromét là phẩm màu thông dụng dùng trong sơn hay trong mỹ phẩm. Ở kích cỡ micromét, hạt titanium dioxide được kiểm nhận là an toàn.
  6. "Engineered nanomaterials: Evidence on the effectiveness of work place controls to prevent exposure", Safe Work Australia, November 2009.
  7. "Engineered nanomaterials: A review of the toxicology and health hazards", Safe Work Australia, November 2009.
  8. "Nanotechnologies: Guide to safe handling and disposal of manufactured nanomaterials", British Standards, December 2007.
  9. N. Lewinski, V. Colvin and R. Drezek, "Cytotoxicity of nanoparticles", Small, 4 (2008) 27.
 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    L