Một trong những tiềm năng ứng dụng của siêu vật liệu là "tàng hình" và "siêu
thấu kính" [1]. Sóng thần, động đất và năng lượng xanh thoạt nghe như không
có một sự liên hệ nào đến siêu vật liệu, nhưng nhóm nghiên cứu của giáo sư
Xinhua Hu (Đại học Phục Đán, Thượng Hải, Trung Quốc) trong một bài báo cáo
gần đây [2] đã dựa theo khái niệm chế tạo siêu vật liệu "tàng hình" làm
thuật toán mô phỏng số cho thấy một ứng dụng rất thực tế và gần gũi: bảo vệ
bờ biển bằng cách triệt tiêu những cơn sóng dữ.
Việc phát hiện siêu vật liệu 10 năm trước đã được tạp chí Nature xem
như là một cột mốc quan trọng trong lịch sử vật lý mang tầm vóc ngang hàng
với việc khám phá laser, pin mặt trời hay tin học lượng tử. Trong việc thiết
kế siêu vật liệu những đơn vị tạo thành phải nhỏ hơn bước sóng của sóng. Như
thế, sóng không thể "nhìn" được từng chi tiết của đơn vị mà chỉ "thấy" một
vật liệu đồng nhất. Thí dụ, vi ba có bước sóng vài centimét, đơn vị cấu trúc
để tương tác với vi ba có thể ở cấp milimét. Ta thoải mái thiết kế và cải
biến những đơn vị cấu trúc ở kích cỡ này để thao túng đường đi của sóng mà
sóng "không hề hay biết". Đối với ánh sáng thấy được (có bước sóng vài trăm
nanomét), việc thiết kế đòi hỏi kỹ năng tinh vi của công nghệ nano với sự
chính xác ở cấp nanomét.
Đối tượng của siêu vật liệu là việc bẻ cong sóng điện từ theo ý muốn của
mình khi đi qua môi trường siêu vật liệu. Bẻ cong đường đi ánh sáng là sự
kiện bình thường trong thiên nhiên khi ánh sáng đi vào môi trường có chiết
suất khác nhau như sự khúc xạ giữa nước và không khí, trong lăng kính, hay
giữa không khí nóng và lạnh gây ảo ảnh trên mặt đường. Ta nhìn thấy vật vì
có sự phản xạ của ánh sáng từ vật đến mắt ta. Việc làm "tàng hình" một vật
chẳng qua là việc bẻ cong đường đi của sóng điện từ xung quanh vật đó khiến
cho sự phản xạ đến người quan sát không xảy ra, do đó vật tàng hình.
Năm 2006, nhóm nghiên cứu liên trường của giáo sư John Pendry (Imperial
College, London, Anh Quốc) và David Smith (Duke University, Mỹ) [3] lần đầu
tiên đã chế tạo một siêu vật liệu làm tàng hình một vật trong vi ba (bước
sóng centimét). Kết quả nghiên cứu này mang ý nghĩa quan trọng trong khoa
học quốc phòng vì vi ba được sử dụng cho radar. Vài năm sau, trong nỗ lực
nhằm làm tàng hình trong vùng ánh sáng thấy được, nhóm của giáo sư Xiang
Zhang (Đại học California, Berkeley, Mỹ) làm tàng hình một vật trong tia
hồng ngoại (bước sóng 1.600 nanomét) (Hình 1 và 2) [4]. Nhưng trong các thí
nghiệm dùng siêu vật liệu, vật bị tàng hình có kích thước rất nhỏ ở cấp
micromét (0,001 mm). Để làm con người tàng hình, một triệu lần to hơn, hay
chiếc máy bay, một tỷ lần to hơn, chắc chắn sẽ còn nhiều gian nan.
Hình 1: Nhóm Zhang tạo những lỗ kích cỡ nanomét ở khoảng cách khác nhau
để dần dần thay đổi chiết suất của vùng (a) được phủ lên một vật (b).
Tia hồng ngoại bị bẻ cong theo chu vi của vật (b) nên không có phản xạ; vật
(b) tàng hình [4].

Hình 2: Hình trái: một vật tròn được nhìn thấy. Hình giữa: vật tròn được
phủ kín bởi siêu vật liệu. Hình phải: Vật tròn tàng hình nhờ lớp phủ; lớp
phủ cho ảo giác là ánh sáng bị phản chiếu từ mặt phẳng (Credit:
Thomas Zentgraf).
Nhóm Zhang còn có tham vọng triển khai siêu vật liệu cho sóng âm thanh. Siêu
vật liệu âm thanh dễ chế tạo hơn siêu vật liệu sóng điện từ vì bước sóng của
âm thanh khoảng 1 m. Hãy tưởng tượng ngày nào đó siêu vật liệu âm thanh sẽ
được phủ lên tàu ngầm, các luồng âm thanh phát từ sonar truy lùng tàu ngầm
chỉ trượt lên thân tàu mà không bị phản hồi. Sóng ra đi mà không bao giờ trở
lại; sonar trở nên vô hiệu. Tiếc rằng vì bản chất thực dụng quốc phòng,
những triển khai của siêu vật liệu âm thanh sẽ ít nghe thấy trên các diễn
đàn công khai và đi dần vào màn đêm bí mật.
Bài báo cáo của nhóm Hu [2] cho thấy khái niệm siêu vật liệu còn áp dụng cho
sóng cơ học mà sóng nước là một thí dụ. Trong khi nhóm Pendry - Smith chế
tạo ra những đơn vị siêu vật liệu ở kích thước milimét cho vi ba, nhóm Hu
triển khai thành những ống hình trụ rỗng ở đơn vị mét. Những ống này có 4
khe dọc theo chiều cao ống và nếu được bố trí thích hợp (Hình 3) sẽ làm
triệt tiêu sóng và hấp thụ 90 % năng lượng sóng biến thành điện năng. Một
công hai việc. Có nhiều phê phán về công trình này nhưng cũng có ý kiến cho
rằng đây là khái niệm tuyệt vời nhằm ngăn chặn sóng thần và thậm chí động
đất [5].
Hình 3: Những ống trụ rỗng có 4 khe khi nhìn ngang và nhìn xuống [2].
Khi các nhà khoa học đang băn khoăn tìm kiếm giải đáp làm tàng hình con
người hay chiếc máy bay thì tại sao ta lại không áp dụng siêu vật liệu che
dấu những vật nhỏ hơn? Những nếp nhăn thời gian, tàn nhan, mụn nám trên da
mặt có thể tàng hình như có phù phép của ma thuật khi ta thoa lên một lớp
kem siêu vật liệu. Nó sẽ cho người quan sát một ảo giác là ánh sáng phản xạ
từ làn da trắng muốt, mịn màng… Những ca phẫu thuật căng da kéo mặt tốn kém và
các lớp dày son phấn sẽ trở nên lỗi thời. Một niềm hạnh phúc vô biên sẽ được
mang tới cho phái đẹp, nếu thời gian không phụ lòng người.
Tài liệu tham khảo
1.
Trương Văn Tân, "Ý nghĩa vật lý của hiện tượng tàng hình" (mạng
erct.com, vietsciences.free.fr, diendan.org).
2.
X. Hu, C. T. Chan, K.-M. Ho and J. Zi, Phys. Rev. Lett. 106
(2011) 17450.
3.
D. Schurig, J. J. Mock, B. J. Justice, S. A. Cummer, J. B. Pendry, A. F.
Starrr and D. R. Smith, Science 314 (2006) 977.
4.
J. Valentine, J. Li, T. Zentgraf, G. Bartal and X. Zhang, Nature Mater.
8
(2009)
568.
5.
M.
Campbell, "Wave 'dismantler' could shield coast", New Scientist
(4 June 2011) 14.
Tháng 7, 2011
|