Trồng rau, quả sạch không cần đất

Vietsciences- Anh Kiệt      SGTT              25/09/2009

 


SGTT - Lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện công nghệ trồng cây không cần đất nhưng vẫn cho ra các sản phẩm cây trồng sạch. Công nghệ này cũng có thể dùng để trồng rau, quả cho các hộ gia đình.
Tiết kiệm đáng kể chi phí



Cây cà chua được trồng bằng công nghệ khí canh. Ảnh: Minh Phương

 

GS.TS Nguyễn Quang Thạch, nguyên viện trưởng viện Sinh học nông nghiệp (Hà Nội), chủ nhiệm của đề tài nghiên cứu ứng dụng trồng cây không cần đất cho biết, đây là công nghệ lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Công nghệ có tên gọi “công nghệ khí canh trong sản xuất giống cây trồng”, hoạt động bằng cách phun sương kích thích cây ra rễ mà không cần đến sự tham gia của đất. Nguyên lý của công nghệ là phun dinh dưỡng dạng sương mù vào bộ rễ. Rễ cây không trực tiếp nhúng vào dung dịch dinh dưỡng. Thời gian phun và số lần phun trong ngày được điều chỉnh hợp lý tuỳ theo tình trạng sinh lý của cây và nhiệt độ môi trường bên ngoài. Vì có thể điều khiển tự động thời gian phun, dung dịch dinh dưỡng… nên có thể tính chính xác chế độ dinh dưỡng cho từng cây, chẳng hạn cây lấy lá có thể tăng thêm hàm lượng natri, cây lấy củ thêm kali. Ngoài ra, cũng có thể dùng máy bơm cao áp, khí nén, áp lực nước… phun để cây sinh trưởng.
Bộ rễ cây trồng theo công nghệ này hoàn toàn nằm trong không khí, chất dinh dưỡng và nước được phun theo chu kỳ lên toàn bộ hệ rễ. Dung dịch thừa được thu lại, lọc, bổ sung tiếp tục sử dụng. “Do không cần thường xuyên tiếp xúc một lớp nước dày nên trọng lượng của hệ khí canh tương đối nhẹ, dễ bố trí trên nóc các sân thượng ở các thành phố vừa thu được rau sạch, vừa tạo cảnh quan xanh cho các gia đình”, ông Thạch nói. Theo tính toán sơ bộ, áp dụng công nghệ khí canh có thể giảm 98% chi phí về nước, 95% phân bón và 99% thuốc bảo vệ thực vật. Trong hệ thống khí canh, nhiệt độ ở vùng rễ luôn thấp hơn nhiệt độ ngoài trời khoảng 2oC do hiệu ứng bốc hơi, nhờ vậy cây sinh trưởng nhanh hơn trong đất. Công nghệ khí canh không sử dụng đất nên môi trường có độ sạch cao, cây sạch bệnh. Khi trong hệ thống có một cây bị nhiễm bệnh thì có thể di chuyển ra khỏi hệ thống dễ dàng mà không ảnh hưởng đến cây khác.
Hàm lượng dinh dưỡng vẫn bảo đảm
Ông Thạch cho biết, do chủ động điều chỉnh nhu cầu dinh dưỡng của cây, có thể gia tăng số lượng cây giống (áp dụng cho sản xuất lớn) so với nhân giống trong tự nhiên từ 10 – 11 lần/tháng nên cho phép nhà vườn không phải nhập thêm hạt giống F1. Những kết quả nghiên cứu ban đầu tại viện Sinh học nông nghiệp cho thấy, cây giống trồng bằng phương pháp khí canh cho 40 – 50 củ giống gốc (so với 4 – 5 củ trồng dưới đất). Sản phẩm sau thu hoạch của những cây được nhân giống từ công nghệ khí canh không thay đổi nhiều về chất lượng dinh dưỡng. Thậm chí cà chua, ớt… sau thu hoạch, độc tố kim loại nặng còn thấp hơn cách trồng bằng đất. Các loại quả cũng cho hàm lượng vitamin tăng, tuy nhiên hàm lượng nước thì hơi cao, “do có nhiều ưu điểm so với các công nghệ trồng trọt khác, công nghệ khí canh có thể ứng dụng để giảm giá thành cây giống trong công nghệ sinh học thực vật”, ông Thạch nói.
Tuy nhiên có một hạn chế khi dùng khí canh là phải phụ thuộc nguồn điện. Có điện mới vận hành được hệ thống, phun được dung dịch dinh dưỡng… nên công nghệ này tỏ ra có ưu thế để ứng dụng ở các thành phố hơn vùng quê. Nếu mất điện một vài giờ có thể dùng nước vẩy cho cây không bị héo. “Kinh nghiệm cho thấy ở nước ngoài, nhiều gia đình dùng hệ thống khí canh trong nhà, dùng đèn chiếu sáng cho cây, nên khi cúp điện, đèn cũng tắt, không sợ cây héo. Nếu trồng đại trà cho các nhà vườn hoặc trang trại, có thể dùng năng lượng gió để nén khí, khi đó không lo vấn đề điện nữa”, ông Thạch nói. Hiện viện Sinh học nông nghiệp đã xây dựng nhà kính ươm tạo giống cây trồng bằng công nghệ khí canh. Công nghệ này cũng đang được triển khai ươm giống cho hoa, khoai tây Đà Lạt. “Đã có đơn vị trong nước đặt hàng lấy hàng triệu cây giống rồi…”, ông Thạch tiết lộ.
 

Anh Kiệt


Trồng cây trái vụ quanh năm

Ngoài khoai tây, viện Sinh học nông nghiệp còn nhân giống cà chua, dâu tây, ớt ngọt, hoa cẩm chướng... bằng công nghệ khí canh. Công nghệ khí canh còn giúp tạo ra những cây trái trái vụ cho giá trị kinh tế cao. Trước đây, nghiên cứu cho thấy ở miền Bắc nếu trồng cây vụ đông vào mùa hè gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của nhiệt độ bên dưới mặt đất. Nhưng với công nghệ khí canh có thể sử dụng dung dịch làm mát để trồng các loại cây xứ lạnh trong thời tiết mùa hè ở miền Bắc, cũng như trồng các loại cây chỉ quen thời tiết Hà Nội ở TP.HCM…

 

            http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org