Cách chữa bệnh cho tôm nuôi mà không phải dùng đến các loại thuốc kháng sinh

Vietsciences-RFA      02/07/2007

 

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Trong những năm gần đây, phong trào nuôi tôm xuất khẩu mở rộng ra nhiều vùng trong cả nước. Chính con tôm giúp nhiều nông dân sau bao năm lao nhọc vất vả trên ruộng đồng có được đồng ra đồng vào, đời sống khá hơn.

Tuy nhiên, đối với nhiều người nuôi tôm thì giai đoạn đầu đầy hứa hẹn kéo dài không được bao lâu, khi mà vật nuôi của họ luôn bị dịch bệnh đe doạ. Nhiều người phải chia tay giấc mộng đổi đời với con tôm.

Để chữa bệnh cho tôm, người nuôi đã cậy nhờ đến các loại thuốc kháng sinh. Thế nhưng biện pháp này lại là con dao hai lưỡi. Do sử dụng quá nhiều kháng sinh mà tôm xuất khẩu bị trả về, và nhà sản xuất không mua tôm của người nuôi với dư lượng kháng sinh cấm.

Vừa qua có một kỹ sư tại tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Trọng Huy, giám đốc Trung tâm Ứng dụng Kỹ Thuật & Công nghệ, thuộc Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh này, cùng các đồng sự tìm ra được cách chữa bệnh cho tôm nuôi mà không phải dùng đến các loại thuốc kháng sinh.

Vậy phương pháp đó ra sao? Mời quí thính giả, các bạn và những người quan tâm theo dõi chính tác giả giải thích về những biện pháp được thực hiện hiệu quả lâu nay trong chuyên mục Sáng Kiến & Đời sống tuần này.

Trước hết Gia Minh đã liên lạc với chính kỹ sư Trần Trọng Huy để hỏi ông về phương pháp chữa bệnh cho tôm mà ông áp dụng lâu nay, qua câu chuyện trao đổi sau đây.

Ông Trần Trọng Huy: Đã áp dụng cả năm nay rồi. Giải pháp này là giải pháp tổng thể làm cho sinh thái ao nuôi ổn định; tức nuôi kín và dùng chế phẩm sinh học hoàn toàn. Từ chuẩn bị nước phải làm rồi.

Gia Minh: Một năm nay đã qua bao nhiêu vụ tôm và hiệu quả thế nào?

Ông Trần Trọng Huy: Đã qua ba vụ tôm và hiệu quả cũng cao nếu tuân thủ đầu tư thiết bị và chấp nhận bỏ năng lượng ban đầu, để máy chạy ngày chạy đêm. Phải để như ngoài tự nhiên lúc nào nước cũng sống động như sông ngòi, biển cả. Như thế tôm tự sinh sôi nảy nở.

Gia Minh: Guồng nước phải hoạt động thường xuyên?

Ông Trần Trọng Huy: Như hiện nay guồng cung cấp cho bà con thì chúng tôi chỉ dùng để tẻ nước thôi. Còn thiết bị cung cấp oxy thì dùng thiết bị bơm tuần hoàn, chúng tôi có chỉnh sửa lại cho khác đi.

Nói là chế phẩm sinh học là quan trọng; thế nhưng phải tạo điều kiện sinh thái cho ao nuôi. Con giống là một thành tố nhưng sinh thái chiếm tỷ trọng lớn hơn. Chúng tôi chọn giống của những nơi có uy tín.

Gia Minh: Việc hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học thì thế nào?

Ông Trần Trọng Huy: Tôi thì đi theo hướng phương Đông. Nền tản phương pháp của tôi là theo Phương Đông. Nếu có nhân tạo thì cũng phải tạo ra sao cho giống sinh thái, tương phùng với tự nhiên.

Chúng tôi tạo nguồn sao cho viên thức ăn nằm ơ lửng và khi tôm thải ra cũng nằm lở lững để rồi thu gom.

Thạc Sĩ Nguyễn Văn Bình, một chuyên gia về tôm nuôi có ý kiến về phương pháp nuôi tôm kỹ sư Trần Trọng Huy:

Về sử dụng vi sinh thay cho kháng sinh thì rất là tốt. Kháng sinh phá hệ sinh thái dữ lắm. Biện pháp tốt nhất là phải sử dụng nước hoàn lưu; rút bùn cặn trong ao ra và sử lý bằng sinh học. Cô lập vùng nuôi không cho tiếp xúc với môi trường chung quanh.

Gia Minh: Áp dụng biện pháp này thì có khó không?

Thạc sĩ Nguyễn Văn Bình: Không có gì khó. Vấn đề chỉ thiết kế ao hồ lại. Ở Việt Nam nay vẫn nuôi theo kiểu truyền thống. Nay thay vì lắng lọc bằng hóa học mà bằng vi sinh thì tốt nhất. Khi áp dụng mô hình này phải có thêm một cái ao lắng để xử lý nước và hạn chế sử dụng, chỉ nạp một lần để tránh du nhập mầm bệnh.

Gia Minh: Có tốn kém hơn không?

Thạc sĩ Nguyễn Văn Bình: Ít tốn hơn. Nhưng chưa phổ biến rộng vì người nông dân chưa thấy được việc thải nước ra gây mầm bệnh cho môi trường. Nông dân thì bảo thủ chưa tin vào cái mới. Từ đó gây trì trệ cho ngành nuôi tôm lâu nay.

Muốn khôi phục ngành nuôi tôm thì phải có mô hình mẫu, tránh những cách nuôi truyền thống. Cơ quan chức năng phải đầu tư ch mô hình mới để người nuôi bỏ tập quán nuôi cũ.

Mục Sáng kiến & Đời sống tùân này tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do. Gia Minh chào tạm biệt.

 

http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org