Chẳng lẽ năm nào cũng xây lại nhà?

Vietsciences- Nguyễn Lân Dũng      09/10/2007

Những bài cùng tác giả

          Nước ta nằm bên bờ Thái Bình Dương và cùng với Philippines, Hải Nam, Đài Loan và các vùng ven biển khác của Trung Quốc năm nào cũng gánh chịu bão lũ. Hết cơn bão này lại tiếp cơn bão khác. Mỗi cơn bão tràn qua là gây nên biết bao thiệt hại về người, về tài sản và mùa màng. Chính phủ đã trích ngân sách để chi và toàn thể nhân dân đã nhiệt tình góp những khoản tiền rất lớn để mong hàn gắn vết thương sau mỗi đợt cơn bão tràn qua. Cơn bão số 5 vừa qua với cấp gió tới 12, 13 vậy mà ngay các tỉnh có bão tràn vào đã không có ai thiệt mạng. Đó là thành công rất lớn của chúng ta trong việc cưỡng chế hàng vạn dân chúng ra khỏi các vùng có nguy cơ lớn nhất. Nhưng bên cạnh mùa màng mất mát nỗi đau rất lớn của từng gia đình là trở về sau cơn bão với các căn nhà bị sập.. Đó là tài sản lớn nhất của mỗi gia đình và dù đã dùng dây thép, dây thừng, lưới, bạt chằng kéo trước khi bão tới vẫn chẳng ăn thua gì. Nhẽ nào năm nào cũng phải xây lại nhà? Tiền đâu để xây lại và dù có sự hỗ trợ của Chính phủ và của các nhà hảo tâm trong cả nước thì cùng lắm cũng lại chỉ có thể xây lại những ngôi nhà như cũ. Đó vẫn là những ngôi nhà sẵn sàng tốc mái, hoặc sụp đổ trước trận bão tiếp theo trong năm sau, thậm chí ngay trong mấy tháng sau.

            Trong điều kiện như vậy chúng ta phải đánh giá rất cao sáng kiến về ngôi nhà tồn tại hiên ngang trước bão tố  theo thiết kế của ông Nguyễn Thanh Bình - phó giám đốc Trung tâm Tư vấn kiến trúc miền Trung tại Đà Nẵng (báo Tuổi trẻ, 6/10/2007). Để có kiểu thiết kế phù hợp đó, ông Bình phải vất vả đi quay từng thước phim trong bão: cảnh mưa gió tàn phá, cảnh nhà sập đổ tan hoang...Thế rồi những ngày sau bão, ông đi đo đạc lại những ngôi nhà bị sập, từng viên gạch, bờ tường, tấm mái lợp... Người ta thấy ông ghi ghi chép chép lời kể của dân.Và ông nhận ra một điều từ các ngôi nhà bị sập đó: móng nhà cạn, tường rất mỏng (chỉ dày 7cm), không có trụ bêtông, bố trí giằng tường không hợp lý, xà gồ không được bắt chặt, mái lợp thừa ra quá nhiều... Thế rồi ông loay hoay thiết kế nhà mới giúp bà con. Cũng may ông tham dự chương trình "Giờ cao điểm" của Đài truyền hình VN, ông trình bày ý tưởng thiết kế ngôi nhà chống bão cho người dân. Rồi Tổ chức Cứu trợ trẻ em của Anh biết được ý tưởng và ủng hộ ông. Đầu năm 2007, 20 căn nhà đầu tiên theo thiết kế chống bão của ông Bình được xây dựng cho nhà bà con bị sập trên địa bàn Đà Nẵng. Cứ sau thiệt hại nhà cửa, Nhà nước chỉ hỗ trợ tiền chứ không hỗ trợ cách xây nhà chống bão cho bà con nên họ lại làm ngôi nhà như cũ. Nhà được thiết kế theo kiểu nhà ngói ba gian hoặc nhà ống (có thể thiết kế gác lửng để trú lũ). Móng kiên cố bằng đá sâu 0,7m, được bố trí ba lớp giằng ở móng, giữa tường và đỉnh tường, bên cạnh đó là các mối giằng đứng phía trên nóc nhà để tạo sự vững chắc của khung nhà; tường xây bằng gạch sáu lỗ nằm ngang, phía trên có các mối thép chờ để "ôm" chặt xà gồ; thiết kế máng nước phía sau mái nhà để không cho nước mưa chảy thấm vào tường; phần mái tôn không được thừa nhiều và được bắt vít gắn vào xà gồ, phía trên có các thanh sắt nằm ngang (mỗi thanh cách nhau 2-2,4m) để áp chặt mái tôn; hai đầu nóc nhà đổ bêtông để không bị tốc mái.

Ông Đỗ Hữu Kỳ Sơn - giám đốc Công ty TNHH xây dựng, dịch vụ & thương mại Sơn Nguyễn - là người trực tiếp thi công gần 3/4 số lượng nhà chống bão do ông Nguyễn Thanh Bình thiết kế, nhận xét: "Tôi làm nghề xây dựng mấy chục năm nhưng chẳng nghĩ ra được cách thiết kế đơn giản mà hiệu quả như vậy. Người thợ xây bình thường cũng có thể thi công được. Với kiểu thiết kế đó, tôi cảm thấy rất chắc chắn cho bà con vùng bão".

Hiện nay, kiểu thiết kế nhà chống bão của ông Bình được ứng dụng xây mới 88 căn nhà, hai trường mẫu giáo và sửa phần mái cho gần 500 ngôi nhà khác, mỗi căn trị giá khoảng 25 triệu đồng do các tổ chức CECI, "Save the children", DW (Development Workshop France)... tài trợ.

"Với thiết kế này thì nhà có thể chịu được sức gió trên cấp 12 mà không cần dùng biện pháp neo chằng. Đồng thời có thể chống cả lũ lụt, vì bên trong còn có một gác lửng" - ông Bình khẳng định

Ông Trần Đình Hồng - phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng - nhận xét: “Ngôi nhà chống bão của anh Bình thiết kế đảm bảo an toàn về mặt kỹ thuật, giá thành lại phù hợp với người dân nghèo. Đặc biệt, ngôi nhà này vừa chống cả bão lẫn lũ lụt, phù hợp cho người dân miền Trung, nơi vừa có bão vừa lũ lụt.

          Một sáng kiến đã có đủ chứng cứ lý thuyết và thực tiễn, đã được đanh giá và được xây dựng hàng loạt với sự tri viện của các Tổ chức Từ thiện nước ngoài. Vậy sau khi hết các nguồn viện trợ này thì sao đây? Chính phủ liệu có tiếp tục cho dân vay trả dần 25 triệu đồng để có căn nhà đứng vững trước bão lụt hay không?

          Câu hỏi này cũng chính là điều tôi rất băn khoăn sau khi vừa tham dự một Hội thảo quốc tế về Khí sinh học (KSH) tại Nepal. Trong Hội nghị này báo cáo của đoàn Việt Nam cho biết từ năm 2002 với sự hỗ trợ kinh phí từ phía Chính phủ Hà Lan việc triển khai đã được thực hiện với tốc độ nhanh chóng. Trong giai đoạn I  (2003-2005) đã xây dựng được 18 000 bể KSH tại 12 tỉnh thuộc 8 vùng kinh tế khác nhau. Đến cuối năm 2006 đã có 27 000 bể KSH và đến năm 2007 đã xây thêm được 16 000 bể KSH tại 24 tỉnh, nâng tổng số bể KSH đang hoạt động lên tới 27 000 bể. Dự kiến trong giai đoạn II của Dự án sẽ xây dựng tiếp 113 000 bể KSH, nâng tổng số lên 140 000 bể tại 53 tỉnh thuốc các vùng khác nhau trong cả nước. Việt Nam . Nếu các hộ nông dân đều có bể KSH thì tình trạng vệ sinh nông thôn sẽ thay đổi hẳn, sẽ tiết kiệm được toàn bộ nguồn phân và nước tiểu của người và gia súc, gia cầm, sẽ giảm được chi phí về nhiên liệu đun nấu và về phân bón hóa học, sẽ phát triển được các cánh đồng thực phẩm an toàn và sẽ có điện ngay cả ở các vùng khó có thể nối với lưới điện quốc gia. Nhưng Dự án hỗ trợ của Hà Lan (hỗ trợ cho mỗi bể KSH 1 triệu đồng, phần còn lại do gia đình nông dân đóng góp) sẽ kết thúc sau vài năm tới. Sau đó thì sao? Nếu Chính phủ không tiếp tục thay thế việc hỗ trợ 1 triệu đồng cho mỗi hộ nông dân định xây dựng bể KSH này thì phong trào  sẽ lại tắt đi như đã từng tắt đi sau nhiều đợt vận động trước đây (!)

          Ngôi nhà chống bão theo mô hình của ông phải được đánh giá cao, phải được khen thưởng xứng đáng và việc hỗ trợ của các tổ chức CECL, DW sẽ cần được tiếp tục thay thế lâu dài bởi sự hỗ trợ của các Ngân hàng Nhà nước  chuyên lo chuyện giúp đỡ người nghèo. Có thể làm dần dần từ các nơi xung yếu trước rồi lan dần ra khắp các vùng nông thôn có nguy cơ đe dọa bởi bão lũ. Bộ mặt nông thôn sẽ thay đổi và người dân khi đó mới có thể bình tâm sống chung với bão lũ

           © http://vietsciences.free.fr