Phát huy nguồn lực trí thức Việt kiều đóng góp vào công cuộc phát triển Tp. HCM

Vietsciences-Hà Dương Đức       12/01/2008

 

Bài liên quan: Trở về

Hội thảo chuyên gia Việt kiều 2007 

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 15/12/2007, trong bài “Kiều hối lũ lượt đổ về”, cho biết tổng lượng kiều hối chuyển về nước trong năm 2007 sẽ đạt khoảng 5 tỉ USD, và dự kiến vào thời điểm tháng 1/2008, thời điểm cận Tết cổ truyền và được cho là cao điểm của mùa kiều hối, lượng tiền chuyển về sẽ tăng khoảng 20 – 30% so với cùng kì năm ngoái. Một vài con số đủ cho thấy có một sự gắn kết đặc biệt giữa các Kiều bào ở nước ngoài với quê hương, với gia đình của họ ở Việt Nam. Và thực tế là sự gắn kết ấy ngày càng tăng, song song với những nỗ lực của chính phủ nhằm tạo niềm tin và sự đãi ngộ tốt hơn dành cho cộng đồng kiều bào ở nước ngoài nói chung và những Việt kiều mong muốn trở về quê hương đóng góp vào sự phát triển của đất nước nói riêng.

Là một Việt kiều đang sống và làm việc tại Việt Nam, tôi xin trình bày những phân tích và kiến nghị xuất phát từ trải nghiệm của bản thân. Trước tiên, tôi sẽ nói đến những kiến nghị nhằm tạo điều kiện cho các Việt kiều trong việc quyết định trở về Việt Nam và cho sự chuẩn bị cho quyết định này (điểm một và hai). Tiếp đến, tôi xin đề cập đến những hỗ trợ quan trọng mà thành phố có thể mang lại cho các trí thức Việt Kiều trong quá trình sống, đầu tư và làm việc tại Việt Nam (điểm ba, bốn, và năm). Cuối cùng, tôi xin đưa ra một kiến nghị ở tầm rộng hơn, liên quan đến cả một ngành dịch vụ mới đang có những tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới. Và trong đó, sự chuẩn bị từ trong nước kết hợp với sự hỗ trợ của cộng đồng kiều bào ở nước ngoài sẽ là điều kiện không thể thiếu để thành công (điểm 5).

 

1. Trước hết, nếu được hỏi tại sao trở về Việt Nam, tôi có thể trả lời ngay rằng bởi vì ở đây, tôi cảm thấy sống tốt hơn ở bất cứ nơi nào khác.

Những người Việt Kiều trở về quê hương vì tại đây họ tìm lại được bạn bè xưa, tìm lại được người thân trong gia đình, khu phố từng sống, nhưng quan trọng hơn hết, cái họ tìm kiếm là một chất lượng cuộc sống tốt hơn. Cụ thể, họ tìm kiếm một sự kết hợp giữa những cái tốt đẹp nhất của thế giới phương Tây và những cái tốt đẹp nhất của Việt Nam.

Muốn thành công, những người trở về phải làm sao thích nghi được với cơ chế của xã hội Việt Nam, và trong quá trình này, một sự hỗ trợ gần gũi, tin cậy sẽ giúp họ nhanh chóng hiểu được cách thức tổ chức và hoạt động của các cơ quan công quyền, những khó khăn và cơ hội hiện có. Thông tin mà hiện nay họ có được chủ yếu là qua truyền miệng từ người này sang người khác, bởi vẫn chưa có một cơ chế thông tin rõ ràng và hiệu quả, và chắc chắn để làm được điều đó sẽ phải mất khá nhiều thời gian. Trong khi chờ đợi, người ta dễ bị ảnh hưởng bởi những tin đồn thổi và thấy cái xấu ở khắp nơi. Đó là vấn đề cần phải khắc phục dần.

Ngoài ra, các cơ quan công quyền như công an chính trị cũng cần phải có một phương pháp tiếp cận mới hơn để không làm nản lòng những người Việt Kiều đang nỗ lực hội nhập vào cuộc sống ở Việt Nam, nhất là những Việt Kiều trẻ thuộc thế hệ thứ hai bởi họ hầu như không hiểu gì về những vấn đề của quá khứ.

Kiến nghị : xây dựng một cơ chế tạm gọi là « đỡ đầu » giữa những người Việt Kiều và các quan chức chính phủ hiện đang làm việc hoặc đã về hưu.

 

2. Tuy nhiên, trở về không phải là điều quan trọng nhất. Rất nhiều Kiều bào ở nước ngoài chưa có điều kiện để trở về hương nhưng họ luôn mong muốn được đóng góp. Để tranh thủ nguồn lực quý báu ấy, hãy tạo điều kiện thuận lợi cho việc gặp gỡ và trao đổi.

Phải xây dựng được một cộng đồng gắn kết trên nền tảng của tri thức, vượt qua mọi khoảng cách. Không nhất thiết cứ phải về nước mới có thể đóng góp. Cần tạo điều kiện cho các Việt kiều có thể bắt đầu quá trình đóng góp của mình một cách từ từ, đầu tiên là bắt đầu ngay từ nơi họ đang sinh sống ở nước ngoài, sao cho họ vẫn có thể tiếp tục làm công việc của mình. Ban đầu, sự đóng góp có thể dưới hình thức tham vấn, đào tạo... Phải làm sao để họ có thể dần dần xây dựng những mối quan hệ đối tác đầu tiên ở trong nước mà không bắt buộc phải từ bỏ ngay lập tức tất cả những gì họ đang có, để dấn thân vào một chọn lựa vì như vậy họ phải chấp nhận quá nhiều rủi ro.

Kiến nghị : Xây dựng một mạng lưới các chuyên gia Việt kiều. Khi cần thiết, OVS sẽ tổ chức các cuộc thảo luận qua điện thoại trong vòng vài giờ giữa những chuyên gia Việt kiều tình nguyện và những đơn vị cần sự hỗ trợ, tham vấn ở Việt Nam.

 

3. Bên cạnh đó, đối với những Việt kiều trở về Việt Nam, điều họ mong đợi là được phát huy hết khả năng của mình. Hãy trao cho họ những phương tiện mà họ cần.

Tiền không thiếu nhưng vấn đề là đầu tư như thế nào? Có thể xây dựng một cơ cấu độc lập, đáng tin tưởng, có khả năng thực hiện nhiệm vụ giám sát, để Việt kiều có thể yên tâm trở về quê hương mang tiền của mình đầu tư, hoặc để các nhà đầu tư có thể đầu tư dễ dàng hơn.

Ngoài ra, phải làm sao để các chuyên gia Việt kiều trở về nước được làm việc, thực hiện các dự án của họ trong những điều kiện cơ sở vật chất giống như ở nước ngoài, đồng thời vẫn có thể tiếp tục thực hiện những trách nhiệm mà họ đang có bởi vì đối với các chuyên gia, những quan hệ mà họ đã mất nhiều năm xây dựng quan trọng chẳng kém gì những kiến thức kinh nghiệm mà họ có. Phải làm sao để họ vẫn giữ được và có thể tận dụng tối đa những quan hệ đó.

Kiến nghị : dành riêng một tòa nhà dành cho việc đón tiếp, tạo điều kiện để các Việt kiều có thể thuê văn phòng làm việc (business center) với tiêu chuẩn quốc tế, nơi họ có thể tiếp tục công việc của họ ở nước ngoài, đồng thời có được sự hỗ trợ cần thiết để phát triển dự án đầu tư của họ tại Việt Nam. Trung tâm này sẽ được kết nối với thế giới, hiện đại như bất cứ trung tâm nào khác trên thế giới, không có sự khác biệt (mở cửa 24/24, điện thoại, hội thảo từ xa, tiếp tân trực tổng đài sử dụng được nhiều ngôn ngữ khác nhau...)

 

4. Ngoài ra, trong một thế giới mở như hiện nay, việc giữ mối liên hệ với bên ngoài là điều kiện tối cần thiết. Hãy đảm bảo việc đi lại được dễ dàng.

Cửa dành riêng cho “nhà đầu tư” để làm thủ tục xuất nhập cảnh tại sân bay không còn nữa. Điều đó cũng không hẳn quan trọng, thực ra thì như vậy cũng chẳng nhanh hơn được bao nhiêu, nhưng đó quả là một sáng kiến có một không hai mà tôi chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Hiện nay, Việt kiều không cần xin visa để vào Việt Nam, và đó cũng là một chính sách tuyệt vời chỉ có duy nhất tại Việt Nam. Cần phải tiếp tục đi theo hướng đó, và không ngần ngại đưa ra những sáng kiến khác tương tự. Ở Mĩ hay ở châu Âu, người ta vẫn còn nghĩ về Việt Nam như một đất nước xa xôi, phải trải qua những chuyến bay dài mệt mỏi, phải chuẩn bị trước rất lâu, việc đi lại do đó đối với họ là cả một vấn đề không đơn giản chút nào.

Kiến nghị : Đề nghị Vietnam Airlines mở chế độ “trọn gói không giới hạn trở về quê hương” (có thể hình dung 1 Việt kiều Pháp mua một gói bay trọn gói, ví dụ 5000 USD, anh ta có thể bay khứ hồi tuyến Pháp – Việt, Việt - Pháp bất cứ lúc nào, không giới hạn số lượt bay, được đảm bảo đặt được chỗ cho đến giờ chót, gia đình của anh ta cũng được hưởng một số ưu tiên nhất định) sao cho việc đi lại không còn là một trở ngại và việc trao đổi được thông suốt. Nếu có thể trở thành hiện thực, dịch vụ đó sẽ là một sáng kiến chưa từng có ở bất cứ quốc gia nào khác, và nó sẽ chứng minh với cả thế giới sự gắn kết đặc biệt giữa cộng đồng Việt kiều và quê hương Việt Nam.

 

5. Và tất nhiên, nói đến giữ liên lạc với bên ngoài, không thể không nói đến nhu cầu sử dụng Internet, hay đúng hơn, phải nói đến một thói quen không thể thiếu.

Tại đất nước nơi họ sinh sống, các chuyên gia Việt kiều đã quen với việc sử dụng Internet giống như họ sử dụng những tiện ích tối thiểu nhất là điện và nước. Vì vậy, họ cảm thấy rất lạ lùng thậm chí là khó chịu khi không thể sử dụng Internet trong những điều kiện như họ đã có ở đất nước họ từng sinh sống. Ngày nay, Internet ADSL  đã có mặt ở khắp nơi tại Việt Nam nhưng chất lượng kết nối vẫn chưa đạt yêu cầu, nhất là trong trường hợp kết nối với mạng quốc tế thế hệ mới (mà người ta gọi là web 2.0).

Họ chỉ cảm thấy những điều kiện sống trước đây vẫn được bảo đảm khi có thể giữ liên lạc với người thân, không bị ngăn trở bởi khoảng cách. Ngày nay, ở Việt Nam, thực hiện các videoconference, video trên internet, điện thoại quốc tế... vẫn còn gặp nhiều khó khăn, và điều đó tạo ra một hình ảnh không tốt cho Việt Nam, hình ảnh của một đất nước vẫn chưa sẵn sàng để bước vào một thế giới phẳng.

Kiến nghị : mang lại dịch vụ kết nối Internet DSL “hạng nhất” với chất lượng kết nối quốc tế được bảo đảm, một dịch vụ như vậy cũng sẽ khiến cho các công ty vừa và nhỏ rất quan tâm.

 

6. Và cuối cùng, để đi xa hơn nữa, hãy xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin tiêu chuẩn quốc tế và bước vào thế giới phẳng.

Rất nhiều người đã đọc hoặc từng nghe nói đến cuốn sách nổi tiếng của T.L. Friedman. Đối với ông, việc có được những xa lộ thông tin mà mọi người đều có thể tiếp cận dễ dàng nhờ giá dịch vụ giảm một cách ấn tượng sau cuộc bùng nổ Internet đã là yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự phát triển hiện nay của nền kinh tế thế giới. Để tồn tại và phát triển, Việt Nam phải trở thành một phần của “thế giới mới này”. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chưa hoàn toàn làm được điều đó. Ví dụ, có thể thấy để nối liền Việt Nam với châu Âu, toàn bộ kết nối Internet phải đi vòng qua Mĩ. Trong khi đó, đường truyền ngắn nhất kết nối với châu Âu sẽ là đường truyền đi qua Ấn Độ và qua Địa Trung Hải.

Ngày nay, chúng ta đang sống vào một thời điểm xảy ra một quá trình biến đổi mang tính lịch sử mà một số người gọi là Toàn cầu hóa 3.0. Các công ty lớn chuyển sang một mô hình toàn cầu, trong đó, mỗi chức năng của công ty sẽ được tập trung tại đất nước nào biết thực hiện một cách tốt nhất chức năng này. Nhờ vào công nghệ viễn thông, khoảng cách không còn là một vấn đề. Đã đến lúc Việt Nam trở thành một ứng viên có thể nhận “thầu” thực hiện những mảng dịch vụ khổng lồ cho các công ty đa quốc gia.

Những Việt kiều sinh sống ở nước ngoài có thể đóng vai trò quan trọng không kém gì những người đã trở về quê hương. Với vị trí và quan hệ của mình, họ có thể gây những ảnh hưởng quan trọng đến quyết định của các tập đoàn đa quốc gia nơi họ đang công tác, và điều đó sẽ tạo nên những thay đổi quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.

Kiến nghị : Nhanh chóng đưa Việt Nam kết nối với hai đường cáp ngầm dưới biển hiện đang được xây dựng, phổ biến rộng rãi Internet tốc độ cao và các dịch vụ viễn thông để Việt Nam trở thành một ứng viên không thể bỏ qua mỗi khi một tập đoàn đa quốc gia tính đến việc đưa các hoạt động của họ ra gia công ở nước ngoài để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, và đặt ra câu hỏi nước nào sẽ là điểm đến tốt nhất.

Có thể học hỏi những gì đã được áp dụng Maroc, thành lập một Uỷ ban chiến lược phát triển ngành gia công ngoài (offshoring) (http://www.pm.gov.ma/fr/detail.aspx?id=1083&cat=4&Lg=Fr), do Thủ tướng làm chủ tịch và chỉ đạo. Uỷ ban này sẽ đảm bảo sao cho các công ty đang góp phần tích cực để Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới không những có được những điều kiện cơ sở hạ tầng chất lượng tốt mà còn được hưởng những dịch vụ và các điều kiện ưu đãi tài chính thỏa đáng. Ví dụ, các công ty mở ra các Trung tâm dịch vụ cuộc gọi (call center) được ưu tiên để nhận và thực hiện cuộc điện thoại quốc tế chất lượng đảm bảo và với chi phí cạnh tranh.

Để kết luận, tôi xin được dẫn lời nhiều người bạn Việt kiều của tôi đã nói rằng « Việt Nam là một thiên đường, không thể tìm thấy ở đâu một chất lượng cuộc sống như đây ». Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, tương lai ở phía trước. Làn sóng Việt kiều hướng về đất nước, trở về quê hương sinh sống và làm việc sẽ ngày càng tăng, góp phần tạo nên những cơ hội và sức mạnh ngày càng lớn. Ngay từ bây giờ, hãy chuẩn bị cho làn sóng đó, bắt đầu từ những điều tưởng chừng như đơn giản nhất nhưng lại vô cùng thiết yếu mà OVS và thành phố có thể làm, đến những sự chuẩn bị ở tầm cao hơn, với những chính sách ở cấp bộ và chính phủ.

Mục tiêu Kiến nghị Gửi đến
Trở về nước Cơ chế đỡ đầu OVS Club
Tạo điều kiện để họ đóng góp Kết nối OVS Club
Phát huy hết khả năng Trung tâm thương mại (business center) Uỷ ban Nhân dân TP HCM
Giữ cầu nối Dịch vụ trọn gói không giới hạn Vietnam Airlines Bộ giao thông
Giữ thói quen cũ Dịch vụ Internet hạng nhất Bộ Bưu chính Viễn thông
Cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn quốc tế Ủy ban phát triển ngành gia công ngoài Chính phủ

 

HÀ Dương Đức,

Giám đốc công ty Officience

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org  Hà Dương Đức