Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh - Điểm tập trung hợp tác nguồn lực tri thức chuyên gia Việt kiều

Vietsciences-Nguyễn Đình Mai       12/01/2008

 

Hội thảo chuyên gia Việt kiều 2007

 

Ban quản lý Khu công nghệ cao Tp. HCM trân trọng chào đón sự hiện diện và tham gia nhiệt tình của các anh chị chuyên gia Việt kiều tại cuộc gặp gỡ, trao đổi trong Hội thảo “Phát huy nguồn lực trí thức Việt kiều đóng góp vào công cuộc phát triển Tp.HCM. Thí điểm áp dụng tại Khu công nghệ cao và Đại học Quốc gia Tp.HCM”. Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn những anh/chị Việt kiều không về dự Hội thảo lần này đã dành thời gian viết gửi về cho chúng tôi những ý kiến tâm huyết, những đề nghị chân tình vì sự nghiệp phát triển của đất nước.

Trước khi gặp gỡ hôm nay, nhiều anh chị chuyên gia Việt Kiều có dịp đến xem tận mắt kết quả mà Khu công nghệ cao đạt được bước đầu, cả về thu hút đầu tư công nghệ cao và nổ lực hình thành phát triển năng lực khoa học – công nghệ, theo hướng tiếp cận thị trường.

Những kết quả ấy có sự đóng góp của nhiều anh chị trí thức Việt Kiều từ ngay giai đoạn thai nghén, 1992 – 1995, trong xác định hướng đi phù hợp cho dự án, xác định mô  hình hoạt động và kết nối các đối tác chiến lược quan trọng vào giai đoạn khởi động khu công nghệ cao. Có thể kể tên vài anh chị: Huỳnh Hữu Nghiệp, Lương Bạch Vân, Đặng Lương Mô, Thân Trọng Phúc, Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Trí Dũng, Quin Tran, Đào Trung Giang, Đoàn Hồng Hải,..và  nhiều  người khác. Có khi, một số anh chị Việt kiều về nước chỉ để góp ý, dặn dò nhóm nghiên cứu chiến lược những lời tâm huyết, hoặc tận tình giới thiệu các tập đoàn, công ty có công nghệ nguồn về đầu tư vào Khu công nghệ cao.

Cho đến nay, Khu CNC đã thu hút được 30 dự án với tổng vốn hơn 1,5 tỷ USD. Trong đó, Intel là dự án tiêu biểu, và cùng với các dự án khác đang mở ra cơ hội phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, các chuỗi cung ứng công nghệ cao.

Không gian khoa học (Science Park) là một dự án/ cấu phần quan trọng nhất của khu công nghệ cao, nhằm tạo lập một không gian tri thức hiện đại thế kỷ 21 cho thành phố Hồ Chí Minh, một môi trường tốt nhất cho R&D, Ươm tạo công nghệ và đào tạo nhân lực công nghệ cao. Sau một số thành công bứơc đầu về thu hút FDI sản xuất sản phẩm công nghệ cao (Intel, Nidec, Jabil, Sonion,..), Ban Quản lý Khu CNC tập trung ưu tiên mời gọi đầu tư các cơ sở R&D vào Khu Không gian khoa học này với những gói ưu đãi cao nhất.

Tuy còn rất nhiều vấn đề phải tập trung ở những năm khởi nghiệp, Chính quyền thành phố cũng đã ủng hộ Khu CNC thành lập những đơn vị nghiên cứu-triển khai đầu tiên trong khu, các phòng thí nghiệm các lĩnh vực công nghệ cao, mới như: Vi mạch -Bán dẫn; Công nghệ nano; Cơ khí chính xác – Tự động hoá. Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao  đã được thành lập từ tháng 9/2006. Một số hoạt động liên kết đào tạo nhân lực công nghệ đã được bắt đầu từ năm 2006 với đơn vị Trung tâm đào tạo.

Qua các hoạt động bước đầu về R&D, Đào tạo, Ươm tạo tuy có những kết quả khích lệ về một kết quả về công nghệ nano, pin nhiên liệu,..một số khóa đào tạo thử nghiệm kỹ năng cho nhân lực trẻ,..Nhưng Ban Quản lý Khu công nghệ cao đã nhận thấy một số hụt hẩng trước mắt: Thiếu nhân sự có kinh nghiệm để tổ chức điều hành một số hoạt động hoàn toàn mới, nhất là việc tiếp cận, liên kết với thị trường khoa học công nghệ quốc tế, chưa có cơ sở vật chất đầy đủ như trụ sở, dịch vụ hỗ trợ, kinh phí, vốn mồi, quỹ đầu tư mạo hiểm. Vấn đề liên kết giữa hoạt động giữa R&D, ươm tạo và công nghiệp vẫn chưa có nhân tố có kinh nghiệm để xây dựng các nền tảng phát triển lâu dài, nhân lực có tay nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp công nghệ cao. Đây là những thách thức cần tập trung vượt qua từ năm 2008 và  là vấn đề Ban Quản lý khu công nghệ cao mong các anh chị trí thức Việt Kiều tích cực tập trung hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh.

Nhu cầu đã rõ, cơ hội hợp tác chung rất lớn, nhưng chúng ta theo lộ trình nào với điều kiện gì và làm gì ngay đầu năm 2008?

Về phần Ban Quản lý Khu CNC xin trình bày và đề nghị các anh chị chuyên gia trí thức Việt Kiều xem xét các nhu cầu và cơ hội hợp tác:

1/ Trên cơ sở các kết quả 5 năm qua của dự án Khu công nghệ cao, tiếp tục nghiên cứu đề xuất bổ sung “Định hướng phát triển công nghệ cao - tầm nhìn đến năm 2020”, các suy nghĩ, kinh nghiệm về các ngành của lĩnh vực công nghệ cao nên tập trung đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh. Phương cách phát triển hiệu quả cao nhất. Ban Quản lý Khu CNC sẳn sàng hợp tác “đặt hàng” cho các tổ chức, nhóm nghiên cứu và cá nhân anh chị chuyên gia Việt Kiều về các nghiên cứu này.

2/ Các dự án đầu tư có thể đưa về Khu công nghệ cao thành phố về sản xuất công nghệ cao và sản xuất không nhà máy (fabless), thiết kế, thành lập R&D Labs, Vườm Ươm (Incubators), các dịch vụ hỗ trợ công nghệ cao, kể cả các dự án đầu tư xây dựng khu chuyên đề (dạng đầu tư Developer) như khu sinh học, khu công nghệ vật liệu, năng lượng mới.

3/ Hợp tác nghiên cứu R&D và thị trường hóa kết quả nghiên cứu, hợp tác qua các hợp đồng outscourcing từ nước ngoài. Khu CNC đang khởi động các R&D Labs với một số trang thiết bị hiện đại cơ bản, phòng sạch (Clean Rooms), đội ngũ nghiên cứu viên trẻ, năng động, được tuyển chọn từ các trường trong/ngoài nước và một số kinh phí hỗ trợ ban đầu cho phát triển các ngành lĩnh vực mới từ chính quyền. Sự hợp tác này trên cơ sở cùng chia sẽ lợi ích và kể cả rủi ro trong R&D theo nhiều mô hình khác nhau mà đôi bên thỏa thuận tiến hành ngắn hạn hay dài hạn. Trong các mô hình, phương cách hợp tác có thể anh chị chuyên gia trực tiếp điều hành tại chỗ hoặc vẫn ở nước ngoài hợp tác theo từng mảng công việc, hoặc theo dạng đặt hàng Outsourcing. Đại diện Trung tâm R&D Khu công nghệ cao sẽ trình bày thêm chi tiết để các anh chị cho ý kiến.

4/ Tham gia ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp công nghệ cao với 500m2 đầu tiên đã có các hạ tầng, tiện ích dùng chung cho các công ty ở giai đoạn khởi nghiệp.

5/ Khu công nghệ cao sẽ giành một diện tích thỏa đáng, với giá cả cạnh tranh nếu có được các dự án do các doanh nhân Việt kiều liên kết đầu tư để tạo ra tiện ích thu hút các dự án phát triển phần mềm, thiết kế của các doanh nghiệp Việt kiều khác.

6/ Khu công nghệ cao sẳn sàng liên kết đào tạo hoặc chào đón các dự án đầu tư đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao cho khu và khu vực.

7/ Chúng tôi ý thức được tầm quan trọng của Quỹ đầu tư mạo hiểm trong quá trình triển khai các hoạt động ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp công nghệ cao. Vì vậy, Khu công nghệ cao được chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện các ưu đãi khuyến khích hình thành và hoạt động của Quỹ. Đây cũng sẽ là cơ hội đầu tư mà anh chị em tìm thấy ở đây.

8/ Xúc tiến hình thành và vận hành mạng liên kết hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ và nghiên cứu triển khai công nghệ cao.

9/ Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh mời các anh chị chuyên gia Việt Kiều thường xuyên tham gia trao đổi ý kiến về các vấn đề hợp tác trong một Forum “Phát triển công nghệ cao tại thành phố Hồ Chí Minh” (trên mạng Internet, địạ chỉ Forum sẽ được thông báo bằng email đến các anh chị sau Hội thảo này).

Lần nữa xin chân thành cảm ơn sự đóng góp nhiệt thành của anh chị chuyên gia Việt kiều. Xin ghi nhận các đóng góp vừa qua và xin đón nhận các đóng góp sắp tới.

Kính chúc các anh chị một năm mới 2008 thành đạt, sức khỏe và hạnh phúc./

 

Nguyễn Đình Mai

Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Đình Mai