Một số vấn đề và khía cạnh nghiên cứu chữ Nôm

Vietsciences- Nguyễn Quang Hồng       09/09/2006
 


Tiểu dẫn

1. Về sự hình thành chữ Nôm
2. Về đặc trưng loại hình của chữ Nôm
3. Vấn đề phân tích cấu trúc chữ Nôm
4. Về vai trò hành chức của chữ Nôm
5. Vấn đề phiên âm và chú giải chữ Nôm
6. Vấn đề tin học hoá và ứng dụng chữ Nôm



Chữ Nôm là một hiện tượng nổi bật trong lịch sử phát triển của nền văn hoá dân tộc ViệtNam. Đi sâu nghiên cứu về chữ Nôm là công việc quan trọng đã và đang đặt ra đối với các học giả trong nước và cả ngoài nuớc, xuất phát từ những nhu cầu của thực tiễn đời sống xã hội nướcta cũng như từ những nhu cầu của nhận thức khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Đã có nhiều học giả và nhiều công trình nghiên cứu về chữ Nôm của Việt Nam, trong đó có không ít tác giả đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho các thế hệ sau họ, như: Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giáp, Đào Duy Anh, Đinh Gia Khánh, Nguyễn Tài Cẩn,… ở trong nước, và ở nước ngoài như: J. L. Taberd, H. Maspéro, Hoàng Xuân Hãn, Paul Schneider, Văn Hựu, Vương Lực, Yonosuke Takeuchi, Kawamoto Kuniye, v.v. Riêng ở Việt Nam, trong vài chục năm lại đây, bên cạnh một số bộ tự điển chữ Nôm được xuất bản, đã có nhiều luận án, luận văn, bài viết
lấy chữ Nôm làm đối tượng nghiên cứu, và cũng đạt tới những kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, ở đây chúng tôi không có ý định và cũng không dám làm một bản tổng thuật về tình hình nghiên cứu chữ Nôm. Trong bài này chúng tôi muốn trình bày, theo sự thu suy nghĩ và thu hoạch của mình, đôi nét đại quan về những vấn đề hoặc những khía cạnh đáng lưu ý trong quá trình tiếp cận với chữ Nôm ở Việt Nam.


1. Về sự hình thành chữ Nôm


Có một câu hỏi chúng ta thường nghe thấy, không chỉ ở các nhà nghiên cứu, mà nhiều khi ở cả những người dân thường: Chữ Nôm ra đời từ bao giờ? Để trả lời cho câu hỏi này, đã có những cách tiếp cận khác nhau.

Từng có một cách nhìn khá đơn giản cho vấn đề được nêu ra: Chỉ cần phát hiện một chứng tích nào đó, như bia đá, chuông đồng chẳng hạn, có niên đại càng cổ xưa càng tốt, nếu trên đó có vài ba chữ vuông, có thể khác với chữ Hán hay vẫn là chữ Hán, dùng để ghi từ ngữ tiếng Việt, thì chúng được coi là chứng tích của sự xuất hiện chữ Nôm vào thời đó. Hai chữ Ông Hà 翁 何 trên quả chuông chùa Vân Bản, có niên đại năm Bính [Thìn] (1076) đời Lý Nhân Tông, được ngư dân ở Đồ Sơn vớt từ dưới biển lên vào năm 1958, là một trường hợp như vậy. Muộn hơn, có tấm bia Báo Ân thiền tự bi ký ở chùa Tháp Miếu (Yên Lãng, Vĩnh Phú). Theo sự khảo cứu của GS Đào Duy Anh thì tấm bia này có niên đại năm 1210 đời Lý Cao Tông. Trong văn bia Hán văn đó ở những phần nói về việc cúng ruộng, ghi ranh giới ruộng và ghi tên người thấy có những chữ Nôm xen vào: tất cả 24 chữ, gồm 18 chữ giả tá chữ Hán và 6 chữ tự tạo theo phép hình thanh. Và đây được coi là chứng tích xưa nhất của chữ Nôm còn lưu lại đến ngày nay. Căn cứ vào những chứng tích như thế, có nguời cho rằng chữ Nôm Việt đã ra đời muộn hơn chữ vuông Choang, vì từ năm Vĩnh Thuần nguyên niên (628) đời nhà Đường đã có tấm bia Đại tựng bi bằng Hán văn trên đó ghi xen kẽ một số chữ vuông Choang (tự tạo), còn ở Việt Nam thì không thấy tấm bia nào có chữ Nôm Việt với niên đại sớm đến thế.

Tuy nhiên, cách nhìn nhận như vậy về sự ra đời của một thứ văn tự như chữ Nôm Việt hay chữ vuông Choang phải chăng là thoả đáng? Trước hết, sự có mặt trên các cổ vật một số chữ lẻ tẻ của người bản địa xen kẽ trong văn bản chữ Hán chỉ là những hiện tượng tạo chữ hoặc mượn chữ lâm thời, chưa đủ để thừa nhận đó là một thứ văn tự thực sự của người bản địa. Hiện tượng này về nguyên tắc cũng giống như người Hán đã dùng một số chữ Hán có sẵn hoặc lâm thời tạo ra những “tục tự” để ghi chép tên gọi các vật thể địa phương hoặc ngoại tộc mà thôi. Những cách ghi chép từ ngữ bản địa như vậy hoàn toàn có thể xuất hiện rất sớm, ngay từ khi người Hán hoặc người bản địa sử dụng chữ Hán để ghi chép, để trước tác (mà sự tiếp xúc với chữ Hán đã diễn ra ở Việt Nam ngay từ đầu Công nguyên) và các văn bản như vậy hầu như đều đã mai một qua thời gian. Cho nên, phát hiện ra các cổ vật có niên đại sớm hoặc muộn còn lưu lại những chữ “tục tự” như thế, là việc có thể diễn ra lúc này hay lúc khác, và khó lòng mà nói rằng đến đâu là tận cùng, là giới hạn của niên đại sớm nhất cho những chứng tích như vậy. Một thí dụ cho tình trạng “bất định” này là sau khi biết đến những cổ vật trên chừng vài chục năm, chúng ta lại phát hiện quả chuông xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai (Hà Tây), đúc vào năm Trinh Nguyên 14 (nhà Đường), tức năm 798. Chuông khắc chữ Hán, nhưng có một số tên người tên đất có khả năng là ghi tiếng Việt thời bấy giờ.

Những chứng tích như vừa kể trên có thể sẽ tiếp tục được phát hiện, chúng xác nhận những nhu cầu và những cố gắng của người xưa trong việc mượn dùng mô hình chữ Hán để ghi một số từ ngữ dân tộc, và đánh dấu cho những bước đi ban đầu trong quá trình hình thành một thứ văn tự dân tộc như chữ Nôm. Chữ Nôm, cũng như chữ Hán và các hệ thống chữ vuông khác trong khu vực, không phải thuộc loại những văn tự do sáng kiến của một ai, do một người nào chế tác ra ngay trong một sớm một chiều, mà là một hệ thống văn tự mở, được hình thành và hoàn thiện dần trong quá trình hành chức. Cho nên, muốn xác định một thời điểm được coi là đánh dấu sự “ra đời” một thứ văn tự như chữ Nôm của tiếng Việt, theo thiển nghĩ của chúng tôi, là phải căn cứ trên những cứ liệu cho thấy khả năng hành chức độc lập tối thiểu của chữ Nôm được bắt đầu từ bao giờ. Những cứ liệu như thế phải đáp ứng hai điều kiện như sau:


Một là, chứng tích không phải là những chữ lẻ tẻ xuất hiện trong các văn bản ngoại văn (ở đây là Hán văn), mà phải là một văn bản hoàn chỉnh, cho dù đó là một văn bản ngắn, đủ để ghi lại và chuyển đạt một thông tin trọn vẹn. Hai là, trong văn bản đó không chỉ có chữ vay mượn (tức là loại chữ “giả tá”), mà phải có mặt những chữ tự tạo (như chữ “hội ý”, “hình thanh”, v.v.). Mặc dù chưa có một sự minh định như vậy, nhưng một số học giả tiền bối cũng đã có nhiều cố gắng chứng minh sự xuất hiện của chữ Nôm theo những cứ liệu như thế. Theo hướng này, chúng ta đã từng nghe nói đến việc Nguyễn Thuyên làm văn tế cá sấu, Nguyễn Sĩ Cố làm thơ phú quốc âm, và việc các triều quan nhà Trần làm thơ Nôm nhân sự kiện nhà vua gả công chúa Huyền Trân cho vua nước Chiêm. Những chuyện này đều có ghi chép trong bộ chính sử Đại Việt sử ký toàn thư. Tuy nhiên, tất cả các văn bản chữ Nôm đó đến nay đều đã thất truyền. Cho nên, những chi tiết sử ký này chỉ có thể hỗ trợ phần nào cho việc xác nhận sự hình thành của chữ Nôm mà thôi. Những cứ liệu có niên đại sớm nhất có thể đáp ứng hai điều kiện nêu trên cho đến nay vẫn thường được nhắc đến là hai bài phú (Cư trần lạc đạo phú, Vịnh Hoa Yên tự phú) và một bài ca từ (Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca) của Trần Nhân Tông (1258–1308). Như vậy, có thể nói chắc là từ thời nhà Trần (thế kỷ XIII), chữ Nôm của ta đã thực sự trở thành một thứ văn tự hẳn hoi. Tuy nhiên, vẫn chừa ra khả năng có thể tìm thấy những chứng tích cổ hơn còn tiềm ẩn trong dân gian, trong nhà chùa và cả trong lòng đất. Cũng cần lưu ý đến những văn bản chữ Nôm mặc dầu chưa xác minh được niên đại, song xét về mặt ngôn ngữ được ghi chép bằng chữ Nôm trong đó, ta thấy những dấu hiệu của một tiếng Việt cổ xưa, có thể là xưa hơn cả các văn bản thời nhà Trần. Đó phải chăng là trường hợp của văn bản giải âm (trực dịch từ Hán sang Nôm) trong sách Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, trong đó ngoài những chữ Nôm tự tạo, có hàng loạt từ ngữ tiếng Việt được viết bằng hai chữ vuông Hán, phản ánh tình trạng cấu trúc ngữ âm từ theo kiểu MiS+MaS (âm tiết phụ + âm tiết chính) hoặc CCVC với tổ hợp phụ âm đầu khá đang dạng, như 破 散 “phá tán”

*păsanh / psănh > rắn) 破 了 “phá liễu” *pălau / plău > sáu, “cư mãng” 車 莽* kămang / kmăng > mắng , “cá nô” 个 奴 *kăno / kno > no, v.v., là những gì đặc trưng cho tiếng Việt sơ kỳ, có thể

là vào thời nhà Lý, là thời kỳ đạo Phật rất thịnh hành ở nước ta.


2. Về đặc trưng loại hình của chữ Nôm


Đặc trưng loại hình của chữ Nôm lệ thuộc vào hai nhân tố quan trọng: Một là, đặc trưng loại hình của văn tự Hán ngữ, là thứ văn tự mà chữ Nôm dựa vào để tạo chữ. Hai là, đặc trưng loại hình của bản thân tiếng Việt, là thứ ngôn ngữ cũng thuộc cùng loại hình đơn lập âm tiết tính (cơ chế đơn tiết) như tiếng Hán. Trong quá trình tiếp xúc với văn hoá Hoa Hạ, nhiều dân tộc lân cận khi tạo lập văn tự cho ngôn ngữ của mình đã chịu nhiều ảnh hưởng từ thể chế (hoặc “cơ chế”) của chữ Hán. Tuy nhiên, mức độ tương đồng giữa các hệ thống văn tự “phái sinh” này với văn tự Hán ngữ có thể không hoàn toàn giống nhau, và điều này chủ yếu là tuỳ thuộc vào nhân tố loại hình ngôn ngữ.

Thể chế của chữ Hán, theo phân tích của học giả Triệu Lệ Minh (Trung Quốc), có thể quy thành mấy điểm như sau:

(a) Đơn vị chữ viết theo nét bút trong một ô vuông.


(b) Đơn vị chữ phiên ghép theo thành tố.


(c) Đơn vị chữ biểu ý theo ngữ tố.


(d) Đơn vị chữ biểu âm theo âm tiết.


(e) Đơn vị chữ có cấu trúc âm-ý.


(f) Đơn vị chữ được viết lần lượt theo hàng dọc (theo truyền thống vốn dĩ như vậy).


Trong danh sách trên đây không có yếu tố “tượng hình” như nhiều người vẫn có ấn tượng khá rõ nét về chữ Hán. Quả thực, có không ít những chữ Hán thời sơ khai được tạo ra theo nguyên tắc tượng hình, tức là vẽ lại đối tượng tự nhiên (như: hổ, ngựa, chó, trâu, dê, cá, rắn, cây, núi, lửa, nước, v.v.) thành đồ hoạ và dùng để ghi chép, thông tin sự việc. Nhưng đó chỉ là thuở ban đầu, sau rồi qua nhiều biến đổi về hình chữ và cách viết chữ, hệ thống nét bút với quy tắc ô vuông đã xoá nhoà những hình tượng ban đầu đó trên văn tự Hán. Và các hệ chữ viết phái sinh từ chữ Hán đã tiếp nhận ảnh hưởng của chữ Hán ở thời kỳ sau này, khi tính “tượng hình” đã thuộc về quá khứ, và đã hình thành đầy đủ các yếu tố thể chế nêu trên.



Nếu chấp nhận các yếu tố thuộc về thể chế của chữ Hán như vừa nêu làm tiêu chí để xác định loại hình văn tự cho các thứ chữ ô vuông phái sinh từ chữ Hán, thì có thể nhận thấy tình hình chung như sau: Đáp ứng gần như đầy đủ các yếu tố trên đây là chữ Nôm tiếng Việt và các hệ thống chữ vuông của dân tộc Choang, Đồng, Miêu, Dao, Bạch, Bố Y, Hà Nhì, v.v. Đó đều là các dân tộc có ngôn ngữ thuộc loại hình đơn lập âm tiết tính như tiếng Việt và tiếng Hán. Chữ viết của một số dân tộc khác, vốn cũng bắt nguồn từ chữ Hán, như: Chữ Tây Hạ (nước Phiên,

thế kỷ XI–XIV) theo hầu hết các yếu tố nêu trên, chỉ không chấp nhận yếu tố (e), về cơ bản đó cũng là thứ văn tự cùng loại hình với chữ Hán. Còn các thứ chữ khác như chữ Khiết Đan (nước Liêu, thế kỷ X–XII), chữ Nữ Chân (nước Kim, thế kỷ XII–XV), chữ Bát Ba Tư (Mông Cổ, nhà Nguyên, thế kỷ XII–XIV), chữ Kana của Nhật, chữ Ngạn của Triều Tiên, v.v. thì hầu như đều phỏng theo nét bút chữ Hán để tạo ra chữ ghi âm tiết mà không biểu âm biểu ý. Có thể nhận thấy rằng, các ngôn ngữ mà mấy thứ chữ này đại diện đều là thuộc loại hình chắp dính.



Như vậy, chữ Nôm của tiếng Việt và các thứ chữ vuông của nhiều ngôn ngữ dân tộc khác thuộc loại hình đơn lập - âm tiết tính, cũng như tiếng Hán và chữ Hán, đều thuộc loại hình văn tự ghi âm tiết – biểu âm biểu ý. (Trên lãnh thổ Trung Quốc cũng có một số ngôn ngữ dân tộc thuộc loại hình đơn lập - âm tiết tính từ xưa đã tạo cho mình những hệ thống chữ viết biểu ý biểu âm mà hầu như không hề liên quan với chữ Hán, trong đó có cả chữ tượng hình, chỉ sự, giả tá, v.v. như chữ Đông Ba của dân tộc Na Xi, chữ Bu Ma của dân tộc Di, v.v). Theo chúng tôi, trong một phát ngôn có tính khái quát về loại hình văn tự của các thứ chữ đang xét, không nhất thiết phải gắn với những thuật ngữ quen thuộc như “văn tự ghi ngữ tố” hay “văn tự ghi từ”, bởi lẽ các thuật ngữ này có vẻ loại trừ nhau, nhưng trên thực tế hầu như là không mâu thuẫn đối với các ngôn ngữ có cơ chế đơn tiết (đơn lập – âm tiết tính).

Tiếp tục khảo sát và phân tích khả năng đáp ứng các tiêu chí về thể chế của văn tự ô vuông ghi âm tiết - biểu âm biểu ý đối với từng thứ chữ của một ngôn ngữ cụ thể (trong chữ Hán, trong chữ Nôm và chữ vuông của các dân tộc khác) sẽ có thể cho phép ta hình dung được mức độ đậm nhạt khác nhau của từng thứ chữ đối với các tiêu chí kể trên. Từ đó tiến hành so sánh, đối chiếu sẽ giúp ta xác định được những đặc điểm của các thứ chữ vốn cùng thuộc loại hình văn tự ô vuông “ghi âm tiết – biểu âm biểu ý” này. Bên cạnh đó, những cuộc khảo sát thống kê số lượng và tỉ lệ các chữ Hán, chữ Nôm trong tự điển hay trong văn bản cho thấy có sự chênh lệch giữa chữ Hán và chữ Nôm, giữa chữ thuần biểu âm và thuần biểu ý với chữ vừa biểu âm vừa biểu ý, v.v. từ thời kỳ này sang thời kỳ khác của cùng một thứ văn tự ô vuông như thế, chắc hẳn sẽ vô cùng quý giá đối với việc nhận diện sự phát triển lịch sử của bản thân thứ văn tự đang xét. Rất tiếc là cho đến nay, trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về chữ Nôm, những công trình triển khai theo hướng này vẫn còn thiếu vắng. Quả là thực hiện một công trình loại này đối với chữ Nôm là không hề đơn giản chút nào. Nó đòi hỏi một trình độ phân tích, xử lý có nghề, đáng tin cậy và sự nhẫn nại cao độ của người nghiên cứu, khi trước mắt họ là các văn bản chữ Nôm chép tay hoặc khắc in (chứ không phải là những văn bản dễ dàng đưa vào máy tính), mà niên đại ra đời của chúng thì ít khi được chỉ báo rõ ràng. Trong khi đó thì ý nghĩa của những cuộc nghiên cứu thống kê định lượng đối với chữ Nôm từ lâu cũng đã được các học giả tiền bối nhấn mạnh (Y. Takeuchi, Nguyễn Tài Cẩn).


3. Vấn đề phân tích cấu trúc chữ Nôm


Đã có không ít các học giả để tâm nghiên cứu về cấu trúc của chữ Nôm, và kết quả thường đưa ra những sơ đồ về các loại cấu tạo chữ Nôm. Chúng tôi không có ý định kéo dài thêm danh sách các sơ đồ như thế ở đây. Chỉ xin lưu ý tới những cách tiếp cận cần thiết trong việc nhận diện và phân tích cáu trúc chữ Nôm Việt.



Có lẽ ai cũng nhận thấy rằng, các chữ Hán được mượn nguyên vẹn vào văn bản Nôm, sẽ không phải là đối tượng thực sự của việc phân tích cấu trúc chữ Nôm. Người ta có thể chú ý đến khả năng đọc một chữ Hán như thế theo đúng âm Hán Việt hay “chệch” đi ít nhiều trong khi giải đọc văn bản. Nhưng đó là công việc nằm bên ngoài cấu trúc của chữ. Nhưng nếu một chữ Hán được mượn làm chữ Nôm với một sự “gia giảm” nào đó, thì ta không có quyền làm ngơ đối với việc phân tích cấu trúc của nó. Chẳng hạn, với chữ Làm 爫 có thể được lý giải là do chữ “vi” 爲 lược bớt một phần mà thành; chữ Day 휀 (day động) là do chữ “di” 移 thêm dấu “nháy” 혈 mà thành, v.v.

Đi vào phân tích cấu trúc của các chữ Nôm tự tạo theo cơ chế phiên ghép chứ không phải là gia giảm, chúng ta sẽ đứng trước những hiện tượng dường như không có mặt trong chữ Hán, và đó có thể sẽ là những gì làm nên những điểm đặc thù của chữ Nôm so với chữ Hán. Chúng tôi muốn lưu ý tới những hiện tượng như sau.



Trước hết là những chữ Nôm gồm hai thành tố đều là biểu âm, có thể gọi là chữ Nôm hội âm. Thí dụ: Trăng/Giăng < *blăng 뛾 (ba + lăng), Trước < *klươc 엃 (lược + cư), v.v. Khi người Việt bắt đầu dùng chữ Hán để ghi từng tiếng trong ngôn ngữ của mình, lúc ấy tiếng Việt còn giữ khá nhiều các phụ âm kép ở đầu âm tiết, và một sáng kiến được nảy sinh: dùng hai chữ Hán ghép thành một chữ để phản ánh tình trạng này. Cần nhớ rằng, tiếng Hán vào thời bấy giờ đã không còn các phụ âm kép như vậy nữa, và mỗi chữ Hán chỉ đọc với một âm tiết “trơn tru” với một phụ âm mở đầu mà thôi. Đành rằng trong chữ Hán cũng có những thành tố biểu âm như 各 “các”, khi thì cho âm đọc với [k] (như 各 các, 格 cách), khi thì cho âm đọc với [l] (như 洛 lạc, 路 lộ) khiến các học giả nghĩ đến khả năng ở thời cổ xưa thành tố này có âm đầu là *[kl]. Tuy nhiên đó chỉ là chuyện của quá khứ đối với các chữ Hán này, và trong hệ thống chữ Hán hầu như không hề có mặt những chữ “hội âm” như ở chữ Nôm. Còn với tiếng Việt thì đến thế kỷ XVII, một số các phụ âm kép này vẫn còn là hiện thực (Từ điển Việt-Bồ-La (1651) của A. de Rhodes ghi nhận ba phụ âm kép ml, bl, tl). Bởi vậy việc xuất hiện những chữ Nôm hội âm này trong các văn bản Nôm thời kỳ đầu là một biểu hiện sinh động cho tinh thần độc lập sáng tạo của người Việt trong khi sử dụng chữ Hán cho văn tự bản ngữ của mình. Những chữ Nôm có cấu trúc như thế, đến đời sau đôi khi vẫn còn được dùng như là một sự kế thừa vốn cũ, mặc dù thực tế phát âm không còn duy trì những phụ âm kép như vậy nữa.

Tiếp theo, xin lưu ý đến một số chữ Nôm mà bộ thủ của chúng không thể nào giải thích được sáng rõ nếu không tìm cách vượt ra khỏi bản thân một chữ vuông, mà phải liên hệ nó theo quan hệ liên kết (chiều ngang) trong văn bản hoặc quan hệ liên tưởng (chiều dọc) trong hệ thống văn tự thì mới mong “giải mã” được chúng. Đây là câu chuyện liên quan đến việc nhận diện một số bộ thủ trong cấu trúc chữ Nôm. Xin nêu một vài thí dụ như sau.

Chẳng hạn trong câu “Đàn bà sâu sắc như khay/cơi đựng trầu” (Ca dao), hai chữ Cơi/Khay 맚 và Đựng 橙 đều viết với bộ “mộc” 木. Cơi/Khay thì dĩ nhiên phải là bộ “mộc” rồi, nhưng tại sao lại dùng bộ “mộc” cho Đựng (chứ không là bộ “thủ” 扌 chẳng hạn). Rõ ràng có một sự liên kết về ngữ nghĩa giữa Khay/CơiĐựng trong câu, khiến chúng được viết thống nhất với nhau ở bộ thủ. Cũng có thể giải thích như vậy đối với bộ “túc” 足 ở chữ Lỡ* đi liền với chữ Bước 끺 trong câu “Tối tăm lỡ bước đến đây” (Lục Vân Tiên). Sự liên kết bộ thủ như thế là có tính lâm thời, ở vào những văn cảnh khác, các chữ Đựng chữ Lỡ hoàn toàn có thể “mang” những bộ thủ khác thích hợp hơn. Còn như sự liên kết thể hiện bằng bộ thủ trong cách viết các từ láy, như Đất đai 坦 墆 có thể coi như là sự liên kết cố định, có tác dụng gắn nối hai âm tiết trong từ láy thành một khối chặt chẽ về âm chữ, nghĩa chữ và cả hình chữ. Tuy nhiên, đây không hẳn là hiện tượng của riêng chữ Nôm Việt, mà trong chữ Hán cũng có thể bắt gặp, như: Phảng phất 仿 佛, v.v.

Lại như trường hợp chữ Gần thường được viết với bộ “bối” 貝. Thật khó lòng hình dung được tại sao ý niệm về “gần” lại phải dùng bộ “bối”. Chỉ có thể tìm được lời giải thích, nếu ta liên hệ Gần với Xa (hai tiếng trái nghĩa trong cùng một trường nghĩa): chữ Xa trong văn bản Nôm là mượn từ chữ Hán Xa 賒 (có nghĩa là “mua chịu, kéo dài thời hạn trả tiền”). Chữ Xa đã có bộ “bối” rồi, thì chữ Gần 뙮 cũng dĩ nhiên có thể mang bộ “bối” trong mối liên tưởng với Xa.

Một điều thú vị là có một số trường hợp “bộ thủ” của thành tố ý biểu âm được viết ở vị trí thông thường của bộ thủ của chữ vuông, nên chúng được nhận diện như là một bộ thủ của cả chữ Nôm. Thí dụ như thành tố biểu âm “nữ” 女 trong các chữ Nửa 姅, Nợ 嫧, v.v. Tư cách “bộ thủ” của nó dường như càng được khẳng định khi từ mối liên hệ với chữ Nợ 嫧, người ta đã viết hai chữ Nợ nần 嫧 퍶, cùng có bộ “nữ”, trong đó chữ Nần đã là thành tố biểu âm là “nan” rồi, và “nữ” ở đây không biểu âm mà cũng không biểu nghĩa, đích thị chỉ là một bộ thủ “hờ” trong cấu trúc chữ Nôm đang xét, nó chỉ đóng vai trò liên kết với chữ Nợ mà thôi.



Xin chuyển sang xem xét cấu trúc của những chữ Nôm có vẻ “bí hiểm” khác. Hãy lấy chữ Đất 坦 làm thí dụ. Chữ này trùng hình với chữ Hán “thản” 坦, và xuất hiện rất phổ biến trong các văn bản Nôm, từ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi trở đi. Không mấy ai nghĩ rằng chữ Nôm này đã mượn chữ Hán “thản” để đọc “đất” và đã phân tích chữ Đất gồm bộ “thổ” 土 biểu ý và chữ “đán” 旦 biểu âm. Thực ra, trong sách Phật thuyết, các chữ Đất đều viết bằng chữ Hán “đát” 怛, theo phép giả tá biểu âm. Như vậy có nhiều khả năng về sau người ta thêm bộ “thổ” theo phép hình thanh, rồi để cho giản tiện và gọn mặt chữ hơn, người ta đã rút bỏ bớt bộ “tâm” trong thành tố “đát”, chỉ giữ lại “đán” vốn dĩ là thành tố biểu âm của chữ Hán “đát” mà thôi. Tương tự như vậy là chữ Mười/Mươi: bên cạnh những mặt chữ như 辻 hay 북, ta còn bắt gặp trong các văn bản Nôm những mặt chữ như 붂 hay 쬿, v.v. Khó có thể giải thích lý do “tồn tại” của bộ “xước” trong các chữ viết gọn (tắt) nếu như không liên hệ nó với bộ “xước” trong chữ “mại” 邁, 迈 biểu âm ở các dạng chữ đầy đủ hơn, chỉ có điều bộ phận bị lược bớt đi là phần biểu âm, còn bộ thủ thì để lại, cốt sao cho mặt chữ Nôm được gọn và dễ “trình bày” trong một khuôn khổ ô vuông. Có thể dẫn ra rất nhiều những trường hợp như vậy. Tình hình này khiến chúng tôi muốn nói đến sự phân định cấu trúc nổi và cấu trúc chìm khi phân tích chữ Nôm.



Khi gặp những chữ Nôm mà mặt chữ không lấy gì làm phức tạp, nhưng đi vào xem xét thành tố biểu âm và thành tố biểu ý của chúng, ta gặp rắc rối không phân định được, tức thì khi ấy ta phải phân tích cấu trúc của những chữ Nôm này theo cách tiếp cận cấu trúc nổi và cấu trúc chìm. Cấu trúc nổi là cấu trúc hình thức, trực tiếp phân định theo các thành tố có mặt trong hình chữ đang xét, mặc dù sự phân tích ấy không phản ánh được thực chất cấu trúc âm và nghĩa của chữ. Theo cách này, ta sẽ chấp nhận cấu trúc nổi của Đất 坦 là gồm bộ “thổ” + “đán” biểu âm, Mười/Mươi 辻 hay 북 là gồm bộ “xước” + “thập” biểu nghĩa. Sự chấp nhận cấu trúc nổi này cỏ vẻ là khiên cưỡng, song cũng cần thiết cho ứng dụng thực tế, nhất là trong việc sắp xếp những chữ Nôm như thế vào tự điển theo bộ thủ. Bên cạnh đó, người học và người đọc chữ Nôm sẽ không thể nào thoả mãn với những cấu trúc nổi như thế, họ cần biết thực sự lý do sâu xa của sự cấu tạo nên các hình chữ Nôm “kỳ lạ” đó. Khi đó chúng ta cần phải lý giải sơ đồ cấu tạo chúng theo cấu trúc chìm, từng bước “khôi phục” dạng đầy đủ của chúng dù là ở dạng tiềm ẩn hay thực sự có dạng thức đầy đủ kiểm chứng.



Còn có khá nhiều những hiện tượng, những khía cạnh liên quan với vấn đề cấu trúc chữ Nôm. Trên đậy chỉ nêu lên một số, chủ yếu là những gì làm nên đặc thù của chữ Nôm và các cách tiếp cận vào việc phân tích chúng. Từ đó có thể nhận thấy một phần nào tình trạng dường như là “bất ổn định” của mã chữ Nôm so với đơn vị ngôn ngữ mà nó đại diện, song mặt khác cũng cho thấy tính chất cơ động và linh hoạt trong cấu tạo và sử dụng chữ Nôm.


4. Về vai trò hành chức của chữ Nôm


Nếu tính từ khi thực sự hình thành cho đến nay thì chữ Nôm đã có mặt trong hành trình lịch sử của dân tộc khoảng 7 thế kỷ. Trong thời gian đó và trước đó nữa, chữ Hán cũng được sử dụng ở Việt Nam. Và từ thế kỷ XVII, bên cạnh chữ Hán, chữ Nôm, nước ta còn có chữ Quốc ngữ La tinh, thuộc một loại hình văn tự khác hẳn (ở đây tạm không kể đến tiếng Pháp và chữ Pháp trong thời Pháp thuộc). Vậy thì, xét về mặt hành chức, một vấn đề quan trọng đặt ra là trong thế “song hành' với chữ Hán (âm Hán Việt với ngữ pháp văn ngôn) và “tam hành” với chữ Hán và chữ Quốc ngữ, chữ Nôm đã được sử dụng như thế nào, đã đóng vai trò gì trong đời sống xã hội Việt Nam. Đôi khi người ta hay nói đến sự lần lượt thay thế vai trò của nhau từ chữ Hán sang chữ Nôm, và đặc biệt là từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ. Chúng tôi muốn nhấn mạnh tính “song hành” và “tam hành” của mấy thứ chữ này trong khả năng hành chức của chúng cho đến ngày nay. Phải thừa nhận rằng, trải qua các thời kỳ lịch sử, vai trò chung của các thứ văn tự này có lúc đậm có lúc nhạt, song khó có thể đặt dấu chấm hết cho một thứ chữ nào đó vào một thời điểm cụ thể được. Quả thực, từ đầu thế kỷ XX, khả năng hành chức của chữ Quốc ngữ ngày càng nổi bật, và từ sau Cách mạng Tháng Tám, chữ Quốc ngữ được coi là văn tự chính thức của nước ta. Điều này khẳng định vị thế quan trọng của chữ Quốc ngữ, và nó có thể phát huy triệt để vai trò hành chức của mình trong mọi mặt đời sống xã hội. Nhưng nếu như văn tự không chỉ là công cụ giao tiếp đại diện và phụ trợ cho ngôn ngữ, mà còn là phương tiện chuyển tải và thể hiện văn hoá, thì chữ Hán và chữ Nôm vẫn không hẳn phải từ bỏ mọi vị trí của mình trong đời sống xã hội Việt Nam ngày nay. Chứng cứ là không chỉ ở các đình chùa cổ kính, mà ngay cả các khu kỷ niệm, các điểm du lịch, các công trình văn hoá mang đậm tính truyền thống dân tộc, các cuộc sinh hoạt tín ngưỡng và văn hoá dân gian ngày nay, chúng ta đều nhận thấy sự góp mặt của chữ Hán và chữ Nôm. Thậm chí trên nhãn hiệu các thương phẩm, chữ Hán chữ Nôm vẫn có thể tìm được chỗ đứng của mình.


Để có thể xác định được chức năng xã hội của một thứ văn tự kể trên qua từng thời kỳ lịch sử, chúng ta cần khảo sát dung lượng và chất lượng của các văn bản được tạo thành và sử dụng trong những môi trường hành chức nhất định. Về nguyên tắc, có thể phân định các môi trường hành chức của chữ viết tương tự như phân định môi trường hành chức của ngôn ngữ. Chẳng hạn, đối với ba thứ chữ (và có thể cả chữ Pháp nữa) được sử dụng ở Việt Nam, có lẽ cần phân định thành những môi trường hành chức chủ yếu như sau:



(a) Môi trường văn hoá dân gian (dòng họ và làng xã, tín ngưỡng và tôn giáo).

(b) Môi trường sáng tạo và hưởng thụ văn học.

(c) Môi trường giáo dục, trước tác và truyền bá tri thức.

(d) Môi trường hành chính, sự nghiệp.

(e) Môi trường hoạt động kinh tế.

(f) Môi trường giao lưu quốc tế.



Có thể nhận thấy rằng các công trình nghiên cứu về chữ Nôm cũng như về chữ Hán và chữ Quốc ngữ hiện nay chưa thực sự đi sâu khảo sát các cứ liệu thực tế theo các môi trường hành chức nêu trên. Thông thường có một tâm lý coi nhẹ thứ văn tự không hoặc ít được sử dụng trong môi trường hành chính sự nghiệp, chưa được xác nhận là văn tự chính thức của quốc gia. Thực ra thì trong thế “song hành” hoặc “tam hành” của ba thứ chữ được người Việt Nam sử dụng, có thể nhận ra một bức tranh với nhiều mảng đậm nhạt khác nhau dành cho ba thứ chữ tuỳ theo những môi trường hành chức khác nhau. Chẳng hạn, có thể hình dung được rằng, với chức năng sáng tạo và hưởng thụ văn học thì chữ Nôm không hề thua kém mà có phần nổi trội hơn chữ Hán (với những tác phẩm văn thơ chữ Nôm nổi tiếng từ Nguyễn Trãi, qua Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương đến Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, v.v.). Trong giới Công giáo Việt Nam, nhất là vào thế kỷ XVII, XVIII, bên cạnh chữ Quôc ngữ còn sử dụng cả chữ Nôm trong khá nhiều văn bản, kể cả giáo lý, kinh truyện và thư từ. Và đối với từng thứ chữ cũng sẽ có sự biến chuyển chức năng tuỳ theo từng thời kỳ phát triển của đời sống xã hội Việt Nam. Chẳng hạn, chữ Hán đã từng là văn tự hành chính và bang giao của nước ta trong thời phong kiến, sang thế kỷ XX chữ Quốc ngữ đã dần dần gánh vác vai trò này. Cũng cần lưu ý là mỗi hệ thỗng văn tự không chỉ hành chức một cách riêng rẽ, mà nhiều khi là phối xen hoặc phối hợp với nhau trong cùng một văn bản, nhằm thoả mãn những nhu cầu khác nhau của người tiếp nhận. Tiêu biểu nhất là trường hợp của những tác phẩm Hán văn được “giải âm” bằng chữ Nôm, và từ đầu thế kỷ XX thì có cả sự tham gia của chữ Quốc ngữ (và đôi khi cả chữ Pháp) nữa vào các văn bản Hán Nôm như thế. Hy vọng rằng, những cuộc khảo sát và nghiên cứu trên nhiều cứ liệu cụ thể sẽ tiếp tục làm sáng rõ thêm vai trò chức năng của chữ Nôm bên cạnh chữ Hán và chữ Quốc ngữ.


5. Vấn đề phiên âm và chú giải chữ Nôm


Công việc phiên âm chú giải các tác phẩm chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ có lẽ đã bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX, đến nay có hơn 100 năm lịch sử. Những cố gắng không mệt mỏi của nhiều thế hệ các nhà phiên chú đã giúp cho đông đảo dân chúng Việt Nam có điều kiện thông qua chữ Quốc ngữ để hưởng thụ và tự hào về nền văn học chữ Nôm phong phú mà tổ tiên chúng ta đã để lại. Thực tiễn phiên âm và chú giải chữ Nôm đồng thời cũng gợi lên nhiều vấn đề khoa học cần bàn thảo. Không đi sâu vào các hiện tượng và chi tiết, ở đây chúng tôi chỉ xin trình bày vắn tắt một số khía cạnh có tính nguyên tắc của vấn đề.

Trước hết, một điều hết sức rõ ràng là phiên chuyển từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ là làm công việc chuyển mã văn tự, từ một loại hình văn tự biểu âm biểu ý sang loại hình văn tự phiên âm theo chữ cái. Trong sự phiên chuyển hình thức văn tự này, dù muốn hay không, thể nào cũng có chỗ được chỗ mất. Chẳng hạn: Trong văn bản chữ Quốc ngữ phải viết hoa tên riêng và một số danh xưng nhất định, phải chấm phảy câu văn, chia tách đoạn văn, v.v., mà văn bản Nôm thì không, đòi hỏi nhà phiên chú phải “làm việc” thêm rất nhiều. Ngược lại, những thành tố biểu ý trong chữ Nôm giúp ích không ít cho việc nắm hiểu nghĩa chữ nghĩa câu, thì trong phiên bản Quốc ngữ, giá trị “biểu ý” này hoàn toàn bị thủ tiêu, và đôi khi buộc nhà phiên chú phải chua thêm cho rõ nghĩa.

Tiếp theo, phiên chuyển văn bản chữ Nôm trong quá khứ sang văn bản chữ Quốc ngữ ngày nay, nói chung là đồng thời phiên chuyển một phần nào đó hình thức ngữ âm của từ ngữ tiếng Việt ngày xưa sang tiếng Việt ngày nay. Trong việc này lại cũng có chuyện chỗ được chỗ mất. Chẳng hạn: Trong văn bản Nôm thường chấp nhận nhiều hình chữ khác nhau cho một ngữ tố hay một từ đơn tiết, điều này đôi khi làm phân tán tâm trí người đọc, khi chuyển sang văn bản chữ Quốc ngữ, tình trạng này liền bị thủ tiêu. Ngược lại, trong khuôn khổ của chữ Quốc ngữ và cách phát âm của tiếng Việt hiện nay, sẽ là chuyện kỳ dị, nếu gặp những chữ Nôm có thành tố thể hiện phụ âm kép thời xưa, như 뛾, 엃 mà phiên là blăng, klươc… cho người thời nay đọc (để rồi phải chua là trăng, trước,…).

Xin nhớ cho rằng, chuyển chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ cho người thời nay đọc là câu chuyện khác hẳn với việc tái lập cách phát âm cổ như nó vốn được phản ánh trong văn bản gốc.

Rõ ràng là trong những trường hợp trên đây, người đọc các văn bản phiên âm chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ khó lòng có thể hình dung hết mọi sự đặc thù của văn bản Nôm trong nguyên tác. Với những “chỗ mất” như thế, khi thật sự cần thiết, nhà phiên chú có thể bù lại phần nào bằng cách ghi lời chú giải ngoài văn bản chính. Ngoài những điều có vẻ là đương nhiên như trên đây, thực tiễn phiên âm và chú giải văn bản Nôm còn đặt ra rất nhiều khía cạnh đòi hỏi phải cân nhắc xử lý sao cho thoả đáng. Chẳng hạn như sau:

(a) Trong trường hợp tác phẩm Nôm không phải là độc bản, mà có một số truyền bản, thì nhà phiên chú sang chữ Quốc ngữ sẽ phải cân nhắc lựa chọn một trong hai khả năng: Chỉ tuyệt đối trung thành với một truyền bản hay là thực hiện việc đối chiếu với các truyền bản khác để lựa chọn những gì được cho là tối ưu, tổng hợp thành văn bản mới trước khi chuyển mã sang chữ Quốc ngữ. Trong trường hợp thứ nhất, nếu có sự tham chiếu với truyền bản khác để bổ cứu những sai sót hoặc lầm lẫn hiển nhiên (trong sao chép hoặc khắc in) trong văn bản được chọn thì cũng có thể chấp nhận được với điều kiện cần phải ghi chú rõ ràng về sự bổ cứu đó. Trong trường hợp thứ hai, phần khảo cứu đối chiếu và chú giải văn bản trong bản phiên chú chữ Quốc ngữ là không thể bỏ qua, có điều mức độ chi tiết thì có phần phụ thuộc vào quy mô và mục đích phiên chú để xuất bản. Thực tiễn phiên chú các tác phẩm Nôm, như Truyện Kiều chẳng hạn, đã phản ánh sự nhất quán hay không trước sự lựa chọn có tính nguyên tắc trên đây.
(b) Có lẽ cũng tuỳ thuộc vào mục đích phiên chú mà có sự lựa chọn cân nhắc trước các chữ Nôm có thể đọc theo âm cổ và cả âm hiện đại hoặc đọc theo âm địa phương và cả âm phổ thông. Khi có sự cần thiết phản ánh phong cách thời đại hoặc phong cách địa phương của tác phẩm, hẳn là nhà phiên chú sẽ bảo lưu cách phát âm cổ hoặc địa phương trong văn bản phiên chú của mình.
(c) Mặc dù chúng ta chưa tìm thấy chứng cớ nào cho thấy trong quá khứ chữ Nôm đã được chuẩn hoá ở cấp độ chính sách ngôn ngữ của quốc gia. Song điều đó không có nghĩa là trong thực tế viết chữ và tạo chữ Nôm cũng đã không hề có sự cố gắng chuẩn hoá nhất định nào đó ở cá nhân các tác gia lớn và ở các tác phẩm của họ. Mặc dầu nói chung chữ Nôm có phần thiếu ổn định giữa hình chữ và âm đọc (một chữ có thể đọc nhiều âm và ngược lại), nhưng với những tác giả lớn (và cả nhà in lớn), tình trạng tuỳ tiện khi viết chữ là rất hạn chế. Nhà phiên chú hiện đại không thể không lưu ý đến những biểu hiện của xu hướng chuẩn mực hoá như thế trong tạo chữ và dùng chữ của tác giả nguyên bản.


(d) Có lẽ cần phân biệt việc chuyển mã (phiên chuyển) chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ, với việc giải mã các đơn vị chữ trong văn bản Nôm. Thuật ngữ sau chỉ nên dùng vào những trường hợp nhà nghiên cứu phải “đau đầu” trước những mã chữ không dễ gì một lúc có thể đọc được âm và giải được nghĩa của chúng. Đương nhiên là trong toàn bộ công việc phiên chú các văn bản Nôm, đôi khi chúng ta bắt gặp những trường hợp nan giải như vậy, đặc biệt là những chữ Hán được mượn để ghi từ ngữ Việt, như hai chữ 双 曰 (song viết / rông vát / ?…) chẳng hạn, đòi hỏi phải nghiên cứu giải mã riêng, và chính qua việc nghiên cứu cụ thể đó, sẽ góp phần xác định những nguyên tắc và thao tác cần thiết cho công việc phiên chú chữ Nôm.


6. Tin học hoá và ứng dụng chữ Nôm


Có lẽ đối với không ít người thì chữ Nôm là thứ văn tự của quá khứ, và ngày nay chỉ cần đào tạo một số chuyên gia để tiếp xúc với nó, với các văn bản Hán Nôm do người xưa để lại, là đủ rồi. Do đó, việc tin học hoá chữ Nôm phải chăng là cần thiết phải đặt ra? Câu hỏi này trên thực tế đã được nêu ra hơn mười năm trước đây, và đến nay, đã có được những bước đi ban đầu của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực Hán Nôm và lĩnh vực Công nghệ Thông tin theo hướng khẳng định sự cần thiết của Tin học hoá chữ Nôm nhằm đáp ứng một loạt các nhu cầu mới trong đời sống xã hội ngày nay. Thuộc loại những nhu cầu như thế có thể kể như: Cần phải có bộ chữ Nôm trên máy tính để thực hiện việc lập danh mục các tư liệu chữ Nôm hiện đang lưu trữ ở các nơi, và thực hiện việc thông tin chúng giữa các thư viện và giữa thư viện với độc giả qua máy tính. Cũng cần phải có các phần mềm chữ Nôm để thực hiện việc in ấn từng chữ riêng lẻ hay từng đoạn văn trong các sách vở nghiên cứu hoặc trong sách giáo khoa, thậm chí có thể dùng chúng để chế bản và in ấn các văn bản chữ Nôm mới (câu đối, gia phả, thơ văn, v.v.) theo nhu cầu khác nhau của công chúng. Một điều quan trọng là với sự hiện diện của chữ Nôm trên máy tính, thế hệ những người Việt Nam hôm nay và mai sau sẽ không còn “kính nhi viễn chi” đối với chữ Nôm, và như vậy, chữ Nôm - di sản văn hoá của dân tộc, sẽ không còn nguy cơ bị mai một nữa.

Có nhiều khía cạnh trong vấn đề tin học hoá và ứng dụng chữ Nôm qua công nghệ thông tin. Tại đây, chúng tôi chỉ xin đề cập đến một vài khía cạnh có liên quan mang tính chất nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực ngữ văn Hán Nôm mà thôi.



(a) Bước đi đầu tiên trong tiến trình tin học hoá chữ Nôm là phải xác lập kho chữ Nôm và thực hiện việc mã hoá chúng. Từ hơn mười năm qua, các chuyên gia ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm cùng phối hợp với các chuyên gia tin học trong và ngoài nước, đã thực hiện công việc này trong chương trình chung của Nhóm công tác về chữ biểu ý (IRG – Ideographic Raporteur Group) thuộc tổ chức ISO quốc tế (International Standard Organization). Đến cuối năm 2000, trong bảng tổng hợp kho chữ biểu ý của nhóm IRG đã có mặt 9229 chữ của Việt Nam, với mã quốc tế Unicode. Khi xác lập các danh sách chữ Nôm để cung cấp cho IRG, các chuyên gia Việt Nam đã tuân theo hai nguyên tắc cơ bản: Một là, tôn trọng thực trạng đa dạng của chữ Nôm thể hiện qua các văn bản khác nhau, chỉ bước đầu thực hiện chuẩn hoá các nét bút và hình thể các thành tố của đơn vị chữ mà thôi.

Hai là, ưu tiên cung cấp những chữ Nôm “thuần Việt”. Trong số những chữ Nôm thuần Việt, cũng có một số ngẫu nhiên trùng hình với chữ Hán và các hệ văn tự khác trong khu vực. Hiện nay còn có danh sách gồm 2.286 chữ nữa (trong đó có cả chữ Nôm Tày) đang được đăng ký để cấp mã quốc tế. Trong các tập chữ Nôm kể trên, vẫn có thể phát hiện một số ít trường hợp có sự lầm lẫn về hình chữ và không ăn khớp giữa hình chữ với ký mã của chữ, cần tiếp tục điều chỉnh khi có điều kiện.

(b) Công việc tiếp theo là thực hiện việc nghiên cứu mối tương quan giữa hình chữ và âm đọc, xác lập tương đối đầy đủ quan hệ đối ứng giữa hai bên. Trên cơ sở đó mới có thể tạo ra các phần mềm chữ Nôm được cài đặt theo khoá âm đọc (qua chữ Quốc ngữ). Hiện nay Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng đang thực hiện chương trình nghiên cứu đối chiếu này.

(c) Để có thể vẽ phông chữ Nôm, cần xúc tiến việc nghiên cứu cấu trúc chữ Nôm theo các thành tố trực tiếp, đồng thời thực hiện chuẩn hoá các thành tố đó theo các phong cách viết chữ khác nhau. Từ đó xác lập sự tương đồng và tương dị giữa các thành tố về hình thể, về vị trí trong thể thức ô vuông của chữ Nôm. Nhóm Nôm Na thuộc Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm (Hoa Kỳ) và một số nhóm khác ở Huế, Tp Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện những chương trình nghiên cứu này và thu được những kết quả khả quan.

(d) Một trong những hướng ứng dụng các phần mềm chữ Nôm là làm chế bản và in lại các tác phẩm chữ Nôm của người xưa để cung cấp cho độc giả ngày nay một loại hình văn bản mới của tác phẩm cũ - văn bản chữ Nôm in ấn điện tử. Giá trị thực sự của một ấn phẩm Nôm hiện đại như vậy trước hết không phải là ở khía cạnh kỹ thuật, ở chỗ chữ Nôm in ra có đẹp không, mà ở tư cách văn bản học của ấn phẩm đã được xác định như thế nào. Đối với những tác phẩm có nhiều truyền bản, như Truyện Kiều chẳng hạn, thì đây là một vấn đề khá phức tạp. Những vấn đề văn bản học đặt ra ở đây về căn bản cũng như những gì đã nói đến ở điểm (a) mục 5 trên đây. Có thể tìm thấy một số nét tương tự và khác biệt nào đó giữa hai chặng đường làm nên các truyền bản Hán Nôm: từ các truyền bản chép tay đến các truyền bản khắc in, rồi từ các truyền bản khắc in (và có thể cả chép tay) đến các văn bản in ấn điện tử theo công nghệ thông tin hiện đại. Trong mọi trường hợp đều không tránh khỏi vấn đề có thực hiện việc chuẩn hoá văn tự trong ấn phẩm mới hay không.


***

Có thể còn nhiều vấn đề và nhiều khía cạnh của chữ Nôm chưa được đề cập đến ở đây, trong bài này. Song trước khi kết thúc bài viết, chỉ xin được nói sơ qua về một vấn đề quan trọng nữa trong việc nghiên cứu chữ Nôm. Đó là nghiên cứu về lịch sử phát triển của thứ văn tự truyền thống này. Thực ra, nội dung chủ yếu của công việc này chính là ở chỗ: Một mặt, khảo sát kỹ sự phát triển về đặc trưng loại hình và về cấu trúc của chữ Nôm, tìm hiểu sự diễn biến các cách tạo chữ và dùng chữ qua nhiều thời kỳ khác nhau. Mặt khác, cần tìm hiểu, nghiên cứu chu đáo về sự diễn biến trong các khả năng hành chức của chữ Nôm qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. Tổng hợp các mặt nghiên cứu đó sẽ cho ta hình dung rõ nét về lịch sử phát triển, diễn biến của chữ Nôm trong lịch sử văn hoá nước ta. Mà những khía cạnh nghiên cứu như vậy, đều không ra ngoài những gì đã trình bày trên đây về sự hình thành chữ Nôm, về đặc trưng loại hình của chữ Nôm, và đặc biệt là về cấu trúc và vai trò hành chức của chữ Nôm.


Tài liệu tham khảo chính


Vương Lực. Hán Việt ngữ nghiên cứu. Trong tập “Hán ngữ sử luận văn tập”. Khoa học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1958.

Đào Duy Anh. Chữ Nôm: Nguồn gốc - Cấu tạo - Diễn biến. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1975.

Nguyễn Tài Cẩn. Một số vấn đề về chữ Nôm. Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Hà Nội, 1985.

Yonosuke Takeuchi. Tự điển chữ Nôm. Đông Kinh Đại học thư lâm xuất bản. Tokyo, 1988.

Trương Công Cẩn (chủ biên). Dân tộc văn hiến khái lãm. Dân tộc xuất bản xã. Bắc Kinh, 1997.

Triệu Lệ Minh, Hoàng Quốc Doanh (biên tập). Hán tự đích ứng dụng dữ truyền bá. Hoa ngữ giáo học xuất bản xã. Bắc Kinh, 2000.

Nguyễn Quang Hồng, Ngô Thanh Nhàn, Ngô Trung Việt, Đỗ Bá Phước. Chữ Nôm: Văn hoá cổ truyền và thông tin hiện đại. Tạp chí “Ngôn ngữ”, Hà Nội, N.4, 1999.

Nguyễn Quang Hồng (chủ biên). Tự điển chữ Nôm Việt (bản thảo năm 2004). Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội. 8-8-2004.

Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang Hồng
Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm
Ngày 12-13 tháng 11 2004
Thư viện Quốc gia Việt Nam – Hà Nội


Bài đã đăng trong Thời Đại Mới số 5, tháng 7/2005, với sự đồng ý của Thời Đại Mới.

 

© http://vietsciences.free.fr  , http://vietsciences.org  và http://vietsciences2.free.fr  Nguyễn Quang Hồng