Giới thiệu cuốn sách “Giúp đọc Nôm và Hán Việt”

Vietsciences-Nguyễn Đức Hùng           20/02/2006 

                                                                

Tôi xin bắt đầu bài viết bằng cách viết tựa đề của bài viết này bằng chữ Quốc ngữ và chữ Nôm như sau:

Quốc ngữ: Giới thiệu cuốn sách “Giúp đọc Nôm và Hán Việt”

Chữ Nôm:

Nhìn vào hai hàng chữ tiếng Việt, chúng ta thấy hàng chữ Quốc ngữ ngày nay trông đơn giản hơn hàng chữ Nôm mà tổ tiên chúng ta đã từng dùng rất nhiều. Nhưng hàng chữ Quốc ngữ diễn tả âm thanh hay cách phát âm của ngôn ngữ, trong khi hàng chữ Nôm cho chúng ta thấy sự diễn tả ý nghĩa (tượng hình) của ngôn ngữ. Đó là hai đặc điểm khác biệt cơ bản nhất của hệ thống chữ La Tinh (biểu âm) và hệ thống chữ Hán (biểu hình).

Ngày nay, sau hơn một thế kỷ chúng ta chính thức dùng chữ Quốc ngữ (hệ thống phiên âm chữ La tinh) để viết tiếng Việt thay thế hoàn toàn cho hệ chữ Hán Nôm, chữ viết của chúng ta trở thành chữ viết rất dễ nhớ và dễ học. Tuy nhiên chính việc dùng chữ Quốc ngữ và ngừng dạy chữ Hán Nôm sau một khoảng thời gian dài đã càng làm cho tiếng Việt của chúng ta ngày càng xa rời cội nguồn của nó. Tiếng Việt của chúng ta có cội nguồn từ hệ thống chữ viết tượng hình nằm trong khối Hán văn (bao gồm Trung Quốc, Nhật, Triều Tiên và Việt Nam), và cũng là một thứ ngôn ngữ có khá nhiều từ đồng âm dị nghĩa mà vốn dĩ trước kia chúng ta dùng hệ thống chữ Hán Nôm để phân biệt. Ngày nay dùng chữ Quốc ngữ, sự phân biệt này thường thông qua văn cảnh. Tuy nhiên, nếu so sánh với nguồn gốc của từ ngữ trong tiếng Việt thì chúng ta có thể liệt kê ra nhiều từ được viết bằng chữ Quốc ngữ được hiểu sai và dùng sai, và khi dùng nhiều trở thành thông dụng và đương nhiên những từ sai cũng được chấp nhận và đưa vào trong vốn từ vựng tiếng Việt hiện đại. Hệ thống chữ Hán là chữ tượng hình dùng để viết lên thứ ngôn ngữ theo lối diễn tả hình tượng và ý nghĩa. Trong khi hệ thống chữ viết theo mẫu tự La Tinh biểu diễn âm thanh, qua âm thanh chúng ta mới hiểu được ý nghĩa. Theo tôi nghĩ, mỗi một thứ chữ viết có những ưu nhược điểm khác nhau. Nếu chữ viết của chúng ta ngày nay dùng hệ phiên âm chữ La tinh có ưu điểm là dễ nhớ dễ học, nhưng lại có nhược điểm là chỉ nhằm cấu tạo phần âm thanh mà không làm nổi bật được đặc tính cấu tạo hình ảnh và nghĩa. Còn chữ Hán, và chữ Nôm của Việt Nam, tuy phức tạp nhưng lại diễn tả được phần nghĩa và giải quyết được phần lớn hiện tượng các từ đồng âm dị nghĩa vốn có rất nhiều trong ngữ vựng của các ngôn ngữ khối Hán văn.

Tôi vẫn còn nhớ lúc còn nhỏ, khi học môn Trích giảng Văn học tôi vẫn thường được thày cô giáo giới thiệu những tác phẩm văn học cổ điển được viết bằng chữ Hán như bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt, bài Hịch Tướng Sỹ của Trần Hưng Đạo,  , Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, rồi những tác phẩm văn học chữ Nôm như Truyện Kiều của Nguyễn Du, những tập thơ Nôm của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương… nhưng tôi chưa bao giờ được nhìn thấy chữ Nôm có hình thù như thế nào. Lý do tôi không thể tiếp cận được đến các văn bản Hán Nôm có thể là không duy trì việc học chữ Hán Nôm trong trường và do hạn chế kỹ thuật mà những tác phẩm Hán Nôm không được trích dẫn nguyên văn vào sách giáo khoa. Sau này khi lớn lên tôi có dịp học tiếng Nhật, tôi bắt đầu tiếp xúc với chữ Hán và tìm hiểu về chữ Hán, cộng thêm với những ký ức ngày còn nhỏ được nhìn thấy một số chữ Hán mà ông ngoại tôi và bạn ông viết, tôi mới hình dung ra chữ Hán là những chữ tượng hình được hình thành, có ý nghĩa ra sao và được viết như thế nào. Khi học được chữ Hán, tôi mới so sánh với những thành ngữ tiếng Việt như “ngồi vắt chân chữ Ngũ” (), “mặt vuông chữ Điền” (), “chân đi chữ Bát” ()… và hiểu các thành ngữ đó có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào. Khi học được chữ Hán, tôi vẫn mong ước một ngày nào đó tôi có dịp có thể được nhìn tận mắt chữ Nôm mà tổ tiên chúng ta đã dùng trong suốt gần 10 thế kỷ cho đến lúc chữ Quốc ngữ chính thức được sử dụng thay thế hoàn toàn hệ thống chữ viết Hán Nôm phức tạp. Và ngày đó, ngày mà tôi có thể nhìn được thấy chữ Nôm của tiền nhân là ngày mà hệ thống gõ đa ngôn ngữ ra đời, vào khoảng năm 1999-2000. Bộ gõ đa ngôn ngữ dùng cho các ngôn ngữ châu Á là Mojikyo ở Nhật Bản, trang web của Hội Bảo tồn Di sản Nôm () và rồi bộ gõ Hán Nôm Hanokey ra đời đã có thể giúp cho người Việt Nam có thể học được chữ viết của tiền nhân. Hội nghị chữ Nôm Quốc tế lần đầu tiên được tổ chức ở Hà Nội tháng 11 năm 2004 vừa qua cũng đã thảo luận nhiều ý tưởng và giải pháp nhằm phục hưng được hệ thống chữ Hán Nôm. Việc phục hưng được chữ Hán Nôm cần phải có tài liệu và công sức của nhiều người có tâm huyết.

Với những mong mỏi muốn tận mắt được nhìn chữ Nôm có hình dạng như thế nào, tôi đã tiếp cận được tới một số cuốn sách và tài liệu chữ Hán Nôm. Trong số những tài liệu hướng dẫn học chữ Hán Nôm được xuất bản gần đây nhất mà tôi tiếp cận tới, phải kể đến cuốn “Giới thiệu đọc Nôm và Hán Việt” của Linh mục Anthony Trần Văn Kiệm. Linh mục Anthony Trần Văn Kiệm là người rất tâm huyết và đã dành nhiều thời gian biên soạn cuốn sách này với mong muốn góp phần vào công cuộc phục hưng chữ Hán Nôm, duy trì và bảo tồn di sản văn hóa Hán Nôm của dân tộc Việt Nam. Cuốn sách được ra đời lần đầu tiên vào cuối những năm 80 với các phần chữ Hán Nôm được viết bằng tay, và cuốn sách đã được tác giả hiệu chỉnh nhiều lần nhằm cố gắng giảm tối thiểu những sai sót. Lần xuất bản gần đây nhất vào năm 2004 được sự trợ giúp kỹ thuật của Hội Bảo tồn Di sản Nôm và Nhà xuất bản Đà Nẵng, đặc biệt của “Nhóm Nôm Na” và các “hiệp sĩ IT” có tâm huyết với chữ Hán Nôm, đã cho ra đời phiên bản mới nhất được soạn thảo phần chữ Nôm bằng máy tính. Cuốn sách “Giới thiệu đọc Nôm và Hán Việt” phiên bản mới nhất rất gọn nhẹ, với phông chữ tiếng Việt và chữ Nôm rất đẹp mắt, dễ nhìn và dễ đọc.

Cuốn sách “Giới thiệu đọc Nôm và Hán Việt” của Linh mục Trần Văn Kiệm được cấu tạo có hai phần chính: Phần I là phần giới thiệu và liệt kế các Bộ thủ dùng viết chữ Hán Nôm, và liệt kê các chữ Hán Nôm được sắp xếp theo Bộ thủ và các nét. Phương pháp sắp xếp chữ Hán Nôm theo Bộ thủ giúp cho người đọc nhanh chóng tìm được cách phát âm theo âm Hán và âm tiếng Việt của một chữ Hán Nôm, qua đó giúp người đọc nhanh chóng tìm được nghĩa của chữ Hán Nôm tương ứng trong Phần II. Phần II là phần liệt kê cách đọc của từng chữ Hán Nôm và giải thích nghĩa của từng chữ. Phần liệt kê cách đọc của một chữ Hán Nôm bao gồm âm Bắc Kinh (theo phiên âm Pinjin, tác giả gọi là Phanh Âm), âm Hán Việt và âm tiếng Việt (Nôm). Với cách biên soạn như vậy sẽ giúp cho người đọc giảm thời gian tra cứu cách đọc và nghĩa của từng chữ Hán Nôm. Cuốn sách cũng giới thiệu chi tiết cách sử dụng và tra cứu các chữ Hán Nôm dễ dàng và nhanh chóng nên có ưu điểm là có thể giúp cho những người chưa học chữ Hán Nôm bao giờ cũng có thể dễ dàng tiếp cận và tra cứu được. Đặc biệt với cách sắp xếp phần tra nghĩa theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt và âm đọc tiếng Việt nên bạn đọc có thể dễ dàng tra được chữ Nôm mà bạn muốn biết để kiểm tra xem một chữ đọc theo âm tiếng Việt hiện đại có thể được viết bằng chữ Nôm như thế nào và có nghĩa ra sao. Tuy nhiên theo ý kiến của tôi nếu người muốn học chữ Nôm mà chưa học chữ Hán bao giờ và muốn học nhanh thì nên theo học một lớp chữ Hán cơ bản (nếu có điều kiện) và sau đó thực hành học với cuốn sách “Giới thiệu đọc Nôm và Hán Việt” có thể đạt hiệu quả nhanh hơn. Còn nếu không, bạn có thể tự học chữ Hán qua máy tính và mạng Internet. Một trang web mà bạn đọc có thể dùng học chữ Hán cơ bản và tìm hiểu về chữ Hán ở địa chỉ sau:

http://www.freewebs.com/hanosoft/

Cuốn sách “Giới thiệu đọc Nôm và Hán Việt” gọn nhẹ nhưng chứa đựng nhiều thông tin và số lượng lớn chữ Hán Nôm. Cuốn sách này có thể giúp các bạn đi vào tìm hiểu thế giới Hán Nôm đầy “huyền bí” nhưng rất thú vị, và nó cũng có thể giúp các bạn tìm hiểu và nghiên cứu được kho tàng tư liệu sách vở Hán Nôm vẫn còn nằm trong các thư viện ở Việt Nam và trên thế giới. Theo tôi thì đây là một trong những cuốn sách quý hiếm dùng để tra cứu và tự học chữ Hán Nôm mà các bạn ham muốn học chữ Hán Nôm nên đọc.

Bạn có thể mua được cuốn sách này tại địa chỉ:

Nhà xuất bản Đà Nẵng,

17 Quang Trung – Đà Nẵng,

Email: nxbdanang@dng.vnn.vn

Tel: (84-511)-822434, 821082, Fax: (84-511)-891496

Hoặc bạn có thể liên lạc tới tác giả, Linh mục Anthony Trần Văn Kiệm, tại địa chỉ sau:
St. Patrick Church
P.O.Box 934
Seadrift, Texas 77983 USA
Email:
KVincentVN@aol.com

Để giúp cho bạn có thể gõ được chữ Hán và chữ Nôm, bạn có thể tham khảo trang web của Hanosoft cho ở trên và tải xuống bộ gõ Hanosoft miễn phí, và tham khảo thêm trang web của Hội Bảo tồn Di sản Nôm sau:

http://www.nomfoundation.org

Ngày nay nếu chúng ta phục hưng lại được việc học Hán Nôm, các thế hệ mai sau sẽ có được nhiều lợi ích:

* phát triển tiếng Việt và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt,

* giúp cho việc dịch thuật tìm từ ngữ dễ dàng hơn,

* hiểu và bảo tồn được những tác phẩm cổ điển được viết bằng chữ Hán Nôm của tiền nhân,

* có thêm cơ hội giao lưu dễ dàng với các doanh nghiệp của các nước dùng Hán văn như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Singapore…

Có chút hiểu biết về chữ Hán Nôm, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể hiểu được sự thâm thúy trong lối chơi chữ, và viết thơ ngày trước của các tài tử thơ văn và những học giả. Xin chép tặng lại các bạn bài thơ “Vịnh người chửa hoang” của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương bằng chữ Nôm để chúng ta biết được tài chơi chữ nữ thi sĩ:

 

                            Vịnh Người Chửa Hoang

 

              Cả nể cho nên hóa dở dang

              Nỗi lòng chàng có biết chăng chàng

              Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc

              Phận liễu sao đà đẩy nét ngang

              Cái tội trăm năm chàng chịu cả

              Chữ tình một khối thiếp xin mang

              Quản bao miệng thế nhời chênh lệch

              Không có nhưng mà có mới ngoan.

 

                                 Hồ Xuân Hương

 

(Theo “Spring Essence – The Poetry of Hồ Xuân Hương”, Copper Canyon Press, 2000, có chỉnh lại chữ Chửa  thành chữ Chửa   hoặc  có chữ  hoặc bộ có phần hợp lý hơn.)

 

Cuối cùng, xin chúc các bạn học chữ Hán Nôm thành công.

,.

 

Nguồn đọc thêm về chữ Hán Nôm:

 

http://www.nomfoundation.org/people/vFatherAnthony.html

http://www.nomfoundation.org/projects/vprojects.html

http://www.tudienkanji.com

http://www.freewebs.com/hanosoft/

  

© http://vietsciences.free.fr Nguyễn Đức Hùng