Theo tin nước ngoài,
gần đây GS. Nguyễn Xuân Vinh vừa được Hội Khoa học Không gian Hoa Kỳ
trao tặng giải thưởng Dirk Brouwer về các cống hiến của ông trong lĩnh
vực Cơ học phi hành không gian. Giải thưởng sẽ được trao tại Arizona
vào ngày 28-1-2007.
Giải thưởng mang tên TS. Dirk
Brouwer, người Mỹ gốc Hà Lan, người có công lớn lao trong việc tính
đường bay của vệ tinh và các phi thuyền không gian. Hàng năm Hội Khoa
học không gian Hoa Kỳ tổ chức tuyển chọn công trình để trao giải
thưởng này. Có năm không có ai được nhận giải. Đóng góp của GS Nguyễn
Xuân Vinh về khoa học Quỹ đạo không gian và cơ học phi hành, cơ học
chuyển động của các hành tinh, vệ tinh, phi thuyền... được đánh giá là
rất có giá trị cho khoa học Không gian trong tương lai.
Ông sinh tháng 1 năm 1930 tại Yên Bái, du học tại Hoa Kỳ từ năm 1962.
Năm 1965 là người đầu tiên được cấp bằng Tiến sĩ về Khoa học không
gian tại Đại học Colorado.
Năm 1968 là Phó giáo sư (associate
professor) và năm 1972 là Giáo sư tại Đại học Michigan. Cũng vào năm
1972 ông được bầu làm Tiến sĩ quốc gia của Đại học Sorbonne (Pháp).
Năm 1982 là Giáo sư của Đại học Thanh Hoa (Đài Loan).
Năm 1984 là
người Á châu đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm Quốc gia về Hàng không
và Không gian Pháp.
Năm 1986 là Viện sĩ của Viện Hàn lâm Không gian
Quốc tế (International Academy of Astronautics).
Về hưu năm 1999 khi
vừa 69 tuổi và sống cùng gia đình tại San Jose, California. Ông đã
giảng dạy và thuyết trình khoa học nhiều lần tại các Đại học và Hội
thảo ở Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Áo, Đức,
Ý, Hà Lan, Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển, Hungary, Israel,
Nhật Bản, Trung Quốc, Australia...
Trước khi nhận giải thưởng Dirk
Brouwer, GS Nguyễn Xuân Vinh đã từng được giải thưởng Mechanics and
Control of Flight (1994) của Học viện Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ,
giải thưởng Excellency 2000 Award (1996) của
Pan Asian American Chamber of Commerce. Ông là tác giả của các sách
Hypersonic and Planetary Entry Flight Mechanics (1980), Optimal
Trajectories in Atmospheric Flight (1981), Flight Mechanics of
High-Performance Aircraft (1993)... (http://vi.wikipedia.org)
.
Trả lời phỏng vấn khi được tin nhận giải thưởng Dirk Brouwer ông cho
biết: “Sau khi đã về hưu thì những cựu học sinh bây giờ là những
giáo sư danh tiếng ở những trường Đại học lớn tại Hoa Kỳ ngỏ ý cần đề
nghị cho tôi được giải thưởng năm nay, dù đối với tôi điều ấy là không
cần thiết... Tôi trông đợi là có thể đến một ngày kia có một nghệ sĩ
người Việt đoạt giải thưởng điện ảnh Oscar... nếu có người Việt Nam
nào trong tương lai nhận giải thưởng Nobel thì thật là một vinh hiển
chung cho đất nước Việt.”
Năm 2002 trong một lần trả lời
phỏng vấn GS Nguyễn Xuân Vinh đã tâm sự với các bạn trẻ gốc Việt đang
sinh sống và học tập tại Hoa Kỳ như sau : “Thế hệ chúng tôi được
lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh của đất nước nên không được may
mắn như các bạn trẻ bây giờ. Các bạn hiện nay như những bông hoa tươi
thắm được nở rộ trên xứ người với muôn vẻ đẹp. Tôi mong mỏi các bạn
biết đến công ơn của cha mẹ đã vượt qua bao nhiêu khó khăn và trở ngại
để tạo ra điều kiện thuận lợi cho sự thành công của các bạn. Đối với
các bạn sự thành công của cá nhân mình là đáng quý, nhưng biết hướng
về cội nguồ, nghe lời chỉ dậy của cha mẹ, gìn giữ được những nét hay
vẻ đẹp để tiếng nói, chữ viết và văn hóa của dân tộc được truyền đời
mới là điều làm ta hãnh diện” (http://
72.14.235.104/).
Trả lời Đài Tiếng nói Hoa Kỳ
ngày 12/9/1994 Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh tâm sự: “Ngoài vấn đề khoa
học tôi cũng chú trọng đến vấn đề giữ gìn truyền thống văn hóa dân
tộc. Đối với thế hệ trẻ ở nước ngoài bao giờ tôi cũng nhắn nhủ các em
là làm thế nào để gìn giữ tiếng Việt, để làm cho nó ngày một phồn
thịnh, gìn giữ các giá trị văn hóa cổ truyền tốt đẹp của Việt Nam. Với
giới trẻ ở trong nước bao giờ tôi cũng nhắn nhủ các em nên cố gắng học
hành để có trình độ khoa học , kỹ thuật của mình ngày một tiến”
Năm nay GS. Nguyễn Xuân
Vinh đã 77 tuổi, kính chúc GS trường thọ và đủ sức khỏe để về thăm lại
quê hương , nơi còn 9 người (trong số 14 anh chị em ruột thịt của ông)
và gia đình của họ đang sinh sống. Tôi được biết đó là GS.TS. Nguyễn
Xuân Huy, Đại úy Nguyễn Xuân Bảo, BS. Nguyễn Thị Oanh, KS. Nguyễn Xuân
Chúc, cô giáo Nguyễn Thị Vân Khanh, cô giáo Nguyễn Thị Nga, cô giáo
Nguyễn Thị Sinh, nhà thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh, cô Nguyễn Thị Tâm...
Xin nói thêm , tôi là bạn học từ thời thơ ấu với Nhà giáo ưu tú Nguyễn
Trọng Bình , con trai của cụ Nguyễn Đức Huân- người bác ruột của GS.
Nguyễn Xuân Vinh. Tôi cũng đã được đọc một số tác phẩm văn chương của
GS với bút danh Toàn Phong.
GS.TS. Nguyễn Lân Dũng