Những bài cùng tác giả
Nhà kinh tế học Maurice
Allais, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 1988, người đã có những đóng góp
tiên phong về học thuyết thị trường, vừa qua đời ở tuổi 99 tại nhà riêng ở
Saint-Cloud, phía tây nam Paris – Pháp quốc.
M. Allais là một nhà lý
luận kinh tế sâu sắc với những ý tưởng về cân bằng giữa cung và cầu giúp tái
thiết nền kinh tế sau chiến tranh của Pháp. Ông cũng là tác giả của hơn chục
cuốn sách viết về lịch sử và vật lý. Bài viết sau đây của một người Việt Nam
từng được thụ giáo GS M. Allais khi theo học trường Mỏ Paris (Écoles des
Mines de Paris) cuối thập niên 1960.

Sau khi tốt nghiệp kỹ sư, tôi
chỉ gặp lại GS Maurice Allais một lần nhân ngày lễ mừng thầy được giải Nobel
Kinh tế. Tôi là một trong số cả trăm sinh viên thầy đã đào tạo nên khi chào
thầy thì thầy không nhận ra tôi. Nhưng tôi thì nhớ ơn thầy vì những gì thầy
đã dạy và những đặc ân thầy đã ban cho mình.
Thầy Allais sinh năm 1911.
Khi còn bé thầy đã là một học sinh xuất sắc về khoa học lẫn văn chương. Sau
khi đỗ tú tài, thầy ghi danh học thi tuyển vào các trường kỹ sư. Ở Pháp,
được tuyển vào trường kỹ sư thì rất khó. Thí sinh phải theo học các lò luyện
thi trong ít nhất hai năm sau tú tài mới có đủ trình độ dự thi. Sau chỉ một
năm thao luyện, thầy Allais thi thử và đỗ ngay vào trường École
Polytechnique, trường kỹ sư hàng đầu của nước Pháp. Nhưng thầy nghĩ hạng đỗ
chưa đủ cao nên học lại và năm sau thì đỗ thủ khoa. Thầy tốt nghiệp trường
Polytechnique cũng thủ khoa và được bổ vào đoàn Kỹ sư mỏ, đoàn kỹ sư ưu tú
nhất của Nhà nước Pháp. Trong suốt đời nghề, thầy chỉ làm công chức trong
đoàn Kỹ sư mỏ mặc dù nhiều trường đại học quốc tế mời thầy đến nghiên cứu và
giảng dạy với những điều kiện vật chất và lương bổng hậu hơn.
Pho sách 1.000 trang
Thầy khởi nghiệp trong ngành
vật lý học. Trong ngành đó, thầy đã khám phá một liên hệ giữa vận tốc ánh
sáng và sức hấp dẫn mà sau này cơ quan phi hành NASA gọi là hiệu ứng Allais.
Sau đó thầy đi thăm Bắc Mỹ và nhận thấy tầm quan trọng của kinh tế học trong
đời sống hàng ngày của người dân. Bị động viên tham gia đệ nhị thế chiến,
trong suốt thời gian chiến tranh thầy tự học và nghiên cứu về kinh tế. Sau
chiến tranh, thầy công bố kết quả nghiên cứu: một pho sách 1.000 trang. Nội
dung pho sách này, bốn chục cuốn sách khác và gần một trăm báo cáo nghiên
cứu thầy viết tiếp đã đưa thầy đến giải Nobel Kinh tế năm 1988.
Như mọi kỹ sư trường
Polytechnique, thầy sử dụng công cụ toán học rất khéo. Nhiều nhà kinh tế chỉ
biết nhìn đời qua lăng kính toán học nên chẳng đi đến đâu. Thầy Allais thì
ngược lại, đi từ nhận xét thống kê để suy ra những kết luận không nhất thiết
phải nằm trong khuôn mô hình toán học. Vì những lý luận dựa trên toán học,
thầy bị kết vào phái kinh tế tân tự do (neo–liberalism). Do đó, nhiều đảng
bảo thủ, và cả các đảng cực hữu, tuyên bố chương trình chính trị của họ là
tư tưởng của thầy. Nhưng bảo thủ hay tiến bộ không phải là quan tâm của thầy
vì thầy chỉ muốn “tìm giải pháp thoả mãn đòi hỏi trên nguyên tắc vô tận của
người dân với phương tiện trên nguyên tắc hạn chế của nhà nước” (tuyên bố
của GS Maurice Allais trong lễ mừng nhận giải Nobel).
Quả thực, theo tư tưởng Tây
Âu thì phép sử dụng tối ưu tài nguyên trong kinh tế thị trường là đề tài
nghiên cứu của trường phái kinh tế tự do hay tân tự do. Nhưng khi thầy
Allais đổ tội thất nghiệp và suy thoái kinh tế ở một số nước cho xu hướng
toàn cầu hoá, và khi thầy kêu gọi Nhà nước can thiệp bảo vệ nông nghiệp khi
phát triển công nghiệp thì, cũng vẫn theo tư tưởng Tây Âu, phải coi thầy
thuộc trường phái tiến bộ hay xã hội chủ nghĩa. Về những vấn đề đang được
tranh luận ở nước ta, thầy đã chứng minh tính vô căn cứ của sở hữu tư nhân
đất đai và chứng minh mức tiêu dùng sẽ tối ưu khi lãi suất bằng tỷ số tăng
trưởng kinh tế.
Thầy Allais sống một cách
thanh đạm, lấy nghiên cứu về kinh tế học làm lẽ sống. Không ai biết ngoài
thời gian dạy và nghiên cứu khoa học, thầy có giải trí gì. Không ai thấy
thầy mỉm cười hay đùa cợt. Thầy nổi tiếng là nghiêm khắc, nóng tính, chấp
nhận người đối thoại phản biện có cơ sở nhưng nổi giận với ai lý luận gian
dối hay không theo kịp tốc độ suy luận của thầy. Khi được thầy tiếp lần đầu
tiên, ấn tượng trước hết là không biết mình đối diện với một máy tính điện
tử hay với một con người! Cho tới gần đây, tôi mới nhận thấy thầy Allais đã
cư xử với tôi một cách hào hiệp qua câu chuyện dưới đây.
Nhóm “bồi bút” phản biện
Trường Mines có hai hệ: một
dành cho đoàn Kỹ sư mỏ và một cho sinh viên chính quy. Hệ của đoàn Kỹ sư mỏ
gồm những kỹ sư tốt nghiệp đầu sổ của trường Polytechnique. Họ đến trường
Mines để tu bổ kiến thức về những vấn đề trọng đại của nước Pháp trước khi
nhận nhiệm sở. Hệ chính quy là những phần tử đến học để có mảnh bằng kỹ sư.
Thầy Allais không thích dạy hệ này vì coi họ không đủ thông minh để thụ
giáo. Một đặc điểm nữa của trường Mines là “triều đình” của thầy Allais (la
cour de Maurice). Trước khi đăng công trình nghiên cứu thì mọi nghiên cứu sư
đều nhờ một hai đồng nghiệp hay học trò phản biện lý luận của mình. Thầy
Allais thì rất sợ người ta phát hiện một sơ sót về lý luận của thầy. Vì thế
mà thầy đưa bài mình viết cho cả chục người đọc rồi sửa đi sửa lại trước khi
gửi đăng. Những người đó lẽ cốt nhiên là những thực tập sinh của đoàn Kỹ sư
mỏ, những phần tử duy nhất thầy coi là khả tín. Thế là tất cả những thực tập
sinh nào quan tâm đến môn kinh tế hay muốn được thầy dạy thêm đều bị chiêu
tập làm phản biện. Sinh viên khác của trường mỉa mai gọi nhóm này là “bồi
bút” (les nègres de Maurice). Trong số những “bồi bút” này có GS Gérard
Debreu, giải Nobel kinh tế năm 1983, năm năm trước thầy Allais.
Trong hệ sinh viên chính quy
có tôi. Mặc dù không phải là một sinh viên xuất sắc nhưng tôi rất hãnh diện
vì trước tôi thì có ít người Việt Nam đã theo học trường này. Trong gần hai
chục năm sau khi tốt nghiệp, tôi vẫn tự hỏi tại sao thầy Allais đã cho phép
tôi dự thính những buổi hội thảo dành riêng cho đoàn Kỹ sư mỏ. Một hôm, một
sư huynh cho tôi biết lý do: ban giám hiệu trường Mines muốn tôi có đủ kiến
thức để tham gia công cuộc tái thiết nước Việt Nam sau ngày thắng Mỹ, như
những thành viên của đoàn Kỹ sư mỏ thuộc thế hệ các thầy đã tái thiết nước
Pháp sau đệ nhị thế chiến. Thầy Allais nhận thấy tôi chỉ có một nửa suất học
bổng nên giữa hai học kỳ tôi phải xin nhà trường gửi đi làm ở các mỏ và nhà
máy để kiếm thêm tiền ăn học. Vì muốn giúp đỡ tôi, thầy đã bịa ra chuyện trả
công cho tôi viện cớ tôi không có lương công chức như những thực tập sinh
của đoàn Kỹ sư mỏ. Gần đây, tôi lại khám phá tiền thù lao đó có cộng thêm
phần đóng góp vào quỹ hưu trí làm cho chỉ số lương hưu của tôi khá hơn mong
đợi.
Ở Mỹ, nếu bạn có tài năng thì
sẽ có người tài trợ bạn kinh doanh cho tới khi bạn thấy đủ giàu. Ở Pháp có
chính sách gọi là “thang máy xã hội” (ascenseur social): nếu bạn nghèo nhưng
học giỏi thì nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho bạn học tới trình độ bạn
muốn. Hôm họp mừng giải Nobel, thầy Allais kể chuyện cha tử trận khi thầy
mới lên bốn, mẹ ở vậy bán rong nuôi con và thầy đã vinh quy nhờ học bổng nhà
nước. Đây là lần hiếm hoi thầy để hé chiếc áo giáp của mình làm cho cả hội
trường gồm thủ tướng, bộ trưởng, đại sứ, lãnh sự, viện sĩ... sụt sùi nước
mắt. Nhiều khi, nhớ lại cảnh đó, tôi ứa lệ tự hỏi với chính sách xã hội hoá
giáo dục bên nhà, liệu một thằng sinh ra để chăn trâu như tôi có triển vọng
trở thành một anh kỹ sư với hai học vị tiến sĩ?
Đặng Đình Cung, kỹ sư tư
vấn
Đã
đăng SGTT
|