Nói thêm về tính Nòng và tính Nọc.

Vietsciences-Trần Quang Bình         14/05/2007
 

Những bài cùng tác giả

Các ý kiến khác của ông Hà Văn Thùy viết trong bài Trả lời ông Trần Quang Bình http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9900&rb=0306 tôi xin không đề cập đến, bởi vì đó cũng chỉ là một trong các luận giải. Tôi có đọc nhiều luận giải khác và với tầm hiểu biết của mình thì có thể nói tôi chưa phân định được luận giải nào là có cơ sở nhất. Xin đề cập chỉ mỗi mục 6:

-Ông Hà Văn Thùy đã đúng trọng tâm khi đưa ra ba chữ “đầu”, “đỉnh” và “trôn”. Nhưng khẳng định của ông “Chỉ cần theo đúng cách làm của tác giả đã thấy tác giả bị “phản thùng”” lại không hợp lý. Phương pháp tìm phản chứng để bác bỏ ở đây là không đúng, tôi sẽ đề cập vào ý dưới. Quán chiếu qua lăng kính Kinh Dịch và tư tưởng Âm Dương của nó chỉ có từ “trôn” là trọng tâm nhất. Xét các định nghĩa của Âm và Dương thì từ “đỉnh” và “đầu”, tôi thấy rất ít sách về Kinh Dịch hiện nay có đề cập đến (từ “đầu” thì thấy có sách cho là Dương nhưng từ “đỉnh” thì hầu như không có sách nào đề cập đến tính Âm Dương của nó. Ý tôi muốn nói “đầu” và “đỉnh” không phải là hai khái niệm đặc thù cho tính Âm Dương. Tôi đưa ra từ “trốt” là để thêm vào nhằm phục vụ cho nhiều lý giải khác sau này và khác với Kinh dịch Trung Hoa thì Kinh Dịch Nòng Nọc từ trốt có mang tính Nọc rõ rệt (xin được phép đề cập sau). Tính Âm Dương trong Kinh Dịch Trung Hoa có khác tính Nòng Nọc của Kinh Dịch Việt. Khác khá xa. Và cái khác biệt này thể hiện rất rõ trong ngôn ngữ và văn hóa Việt,

-Trước khi trả lời về những thí dụ ông Thùy đưa ra, tôi xin vòng vo một chút. Thứ nhất, nhiều sự kiện, sự vật không thể nào phân biệt nổi Âm Dương. Ngay Kinh Dịch Trung Hoa họ cũng có định nghĩa bao quát cho nhiều chữ đâu mà chỉ một phần nhỏ số từ được phân định tính Âm Dương. Thứ hai, qua quá trình rất dài (hàng chục ngàn năm) phát triển tiếng nói thì các biến âm ngôn ngữ nhiều khi xen lẫn vào nhau đến độ đối nghịch; ví dụ có biến âm trçègi, cũng có trçèch. Vì thế, khó có thể bảo tất cả các từ tr đều có tính Dương. Ví dụ, từ trề (trề môi) có thể đi từ dẩu (dẩu mỏ) hay chu mỏ hoặc từ trêu chọc có thể đi từ giễu cợt hay “chêu” chọc….Bởi vì thế các từ được tôi giới thiệu phải có tính tạm gọi là khởi nguyên, tức là khá lâu đời so với các từ khác. Thứ ba, phải chú ý đến quá trình du nhập văn hóa ngoại lai. Các từ bắt đầu từ tr. nhưng là từ Hán Việt thì làm sao phân biệt tính Nòng Nọc cho được[1]. Thứ tư, cần phân biệt rõ tính Nòng Nọc (hay Âm Dương) của nhiều nền tảng Dịch khác nhau: ví dụ trong công trình của tôi, tôi viết rõ: Nòng và Nọc bản thân chúng có hình 0-0 và 0, còn tính Nòng và tính Nọc thì khác hẳn chúng có hình tượng như quái Khôn và Càn: gậy và vòng tròn (lỗ)[2]. Ngoài ra còn có câu mẹ tròn con vuông: tức là Thái Cực là tròn mà vũ trụ Hậu Thiên là vuông. Hay tính Nòng Nọc được xét qua sự phân quái thời Hậu Thiên và thời Tiên Thiên cũng khác nhau. Theo tôi, người xưa cho rằng tính Nòng Nọc chỉ có khi và chỉ khi đã có vũ trụ; vạn vật tạo ra rồi mới có sự phân định tính. Vì thế, các vật hay hiện tượng được xét đến phải được họ quan sát qua đồ hình bát quái Hậu Thiên Văn Lang.

-Từ những lý do trên mà tôi cho rằng cách lấy ví dụ phản chứng riêng biệt để bác bỏ dãy tr, đ tôi dẫn ra ở bài “Đôi điều cần minh định lại" là không hợp lý. Chúng ta dễ dàng nhận thấy các từ tr. và đ. đã dẫn mang tính đặc thù của Nòng và Nọc rõ rệt. Vậy làm sao có thể lấy một phản chứng mang tính Nòng Nọc mơ hồ để bác lại cái đặc thù? Dấu ấn của Kinh Dịch Nòng Nọc trong ngôn ngữ Việt cần phải được nhận thấy không chỉ trên các từ tr mang tính Nọc hay các từ đ mang tính Nòng riêng rẽ mà còn được khẳng định mạnh mẽ qua những mối liên hệ đối nhau tr. çè đ. Ví dụ, có hai chữ bắt đầu từ  tr. và đ. là hai từ riêng rẽ để chứng minh cho mệnh đề trên, nếu chúng là hai chữ không đối nhau (ví dụ “tre” và “đi”) thì “độ mạnh” của bằng chứng chỉ phụ thuộc vào từng chữ (tùy vào lý giải của từng chữ mà có độ mạnh chứng minh khác nhau), nhưng nếu chúng lại đối nhau thì năng lực chứng minh tăng lên bội phần. Mà trong dãy đó của tôi không hề thiếu các bằng chứng như thế: trời-đất, trắng-đen, trong-đục, trên-dưới, trốt-đuôi (hay đít), trưa-đêm.

-Tuy nhiên, tôi khẳng định các từ ông Hà Văn Thùy đưa ra để phản biện là rất đúng trọng tâm. Rất may, các chữ này chúng tôi có xét đến từ lâu. Vì có số tế nhị trong việc nghiên cứu tiếp theo nên tôi chưa viết ra. “Đầu”: theo tôi không phải là từ Việt mà là từ du nhập từ Trung Hoa. Ngày xưa người Việt dùng từ “trốt”, sau này du nhập từ “thẩu, thủ” của tiếng Hán vào, biến âm thèđ thành “đầu”. Tại sao từ “đầu” lại được dùng thường xuyên, thậm chí chúng ta quên luôn từ “trốt” (thực ra từ này tôi cũng có dùng đến)? Đó là do sự luyến láy của nó đối với “đuôi”: đầu đuôi, đầu đít. Nếu tiếng Hán là “mầu” (chỉ đầu) thì tôi cho rằng sẽ không có đắc cách như thế và chưa chắc người Việt đã dùng để thay cho chữ “trốt”. Và vì thế tôi cho từ “trốt” chính là từ Việt cổ xưa chỉ “đầu”, vậy “đầu” không có gì phản thùng lại ý kiến của tôi cả. Từ “đỉnh”, dựa trên cơ sở nào ông Hà Văn Thùy nói nó có tính Dương thì tôi không rõ. Ngay thời Tiên Thiên nếu nói “đỉnh” là có dính dáng đến núi non-quái Cấn thì quái Cấn chính là Nòng thứ hai sau Khôn. Nhưng sẽ có người nói, thì Cấn có một Nọc trên cùng; đó là “đỉnh” vậy “đỉnh” là Dương tính. Tôi cho lập luận đó là sai lầm. Vì đỉnh núi vẫn tượng trưng cho cái núi. Và “đỉnh” dù muốn hay không cũng phải thể hiện qua đồ hình Hậu thiên, tức là cái đã có chứ không thể nào lấy Nọc ra làm tượng trưng cho “đỉnh” được[3]. Tuy nhiên, tôi không khẳng định là “đỉnh” có Nòng hay Nọc tính hay không. Nhưng tôi có thể khẳng định từ “đỉnh” vì sao bắt đầu từ phụ âm đ. có thể lý giải bằng Hậu Thiên Bát Quái Văn Lang. Và “đỉnh” mang hình tượng  của quái có tính Nọc duy nhất nằm trong nghi Nòng thời Hậu Thiên. “Đinh”, “đỉnh”, “đình”, (thậm chí có thể giải thích cả định, đính), “điện”, “đền”, “đỏ”,…đều là những chữ đặc trưng để chỉ các sự vật, hiện tượng mang ý nghĩa quái Ly, một quái gần với Đoài và là trọng tâm của nghi Nòng thời Hậu Thiên[4]. Điều này càng phù hợp với phong tục thờ Thần Mặt Trời của các cư dân Việt cổ xưa. Còn từ “trôn” và thậm chí thêm vài từ nữa là “trôn” (sinh thực nữ), “tròn” (tượng cái lỗ), “trống” (trống không, =0=không=Khôn. Vườn không nhà trống) vì sao lại bắt đầu từ tr.? Dù muốn hay không muốn thì quý vị cũng nhận thấy dãy từ Tr. của tôi đưa ra đều là những chữ khá đặc trưng chỉ tính Dương. Vậy ít ra cũng làm gợi cho chúng ta mối quan hệ nào đó giữa âm chữ và Kinh Dịch. Thế nhưng vì sao “trôn”? Và vì các từ “trôn”, “tròn” cũng là những từ khá gốc, nguyên thủy thì ông cha chúng ta khó nhầm lẫn như thế được. Rất khó. Phải có một giải thích triệt để khác. Từ “trôn”, “tròn”, “trống” được bắt đầu từ phụ âm tr. là do tính lưỡng thể của Thái Cực. Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh là người đầu tiên đề cập đến câu mẹ tròn con vuông: đó là mối quan hệ giữa mẹ-Thái Cực-Tiên Thiên Bát quái và con-vũ trụ đã hình thành-Hậu Thiên Bát Quái (nhưng đã không còn là bát quái nữa mà là lục quái; đã mang tính phân chia góc cạnh) và chúng tôi đã có triển khai thêm ở một số phần trong công trình của mình [5]. Thái Cực mang tính Dương thế nhưng người xưa vẫn gọi là mẹ. Theo tôi đó là cách thể hiện tính lưỡng thể của Thái Cực của ông cha ta xưa. Vì dính dáng đến Thái Cực đầu tiên và vì Thái Cực mang tính Dương và biểu diễn qua dạng hình tròn nên người ta lấy tr. để làm ra từ “tròn” đó(tức hình dạng của Thái Cực). Tính lưỡng thể này cũng có thể được phát biểu như sau: đầu tiên có một cái trống rỗng hay đầu tiên có một. Đến khi làm tiếp Kinh Dịch Nòng Nọc thì người ta đã phát hiện ra Khôn cũng có tượng hình tròn. Lần này Khôn có tính mẹ nhưng là mẹ của thời Hậu Thiên. Như thế theo tôi rất tự nhiên người ta đã dùng từ tròn (lưỡng tính: Nọc qua cách đọc nhưng Nòng qua ý nghĩa. Nọc qua Thái Cực nhưng Nòng qua ý nghĩa Mẹ của vũ trụ) để chỉ thị các từ mang tính Khôn. Thế nhưng, tôi nghĩ người ta không đến nỗi máy móc như thế, phải có nhiều lý do quan trọng hơn kết hợp ảnh hưởng đến việc này. Người ta dùng từ “tròn” của Thái cực cho các từ có ý nghĩa Khôn không chỉ đơn giản qua hình tượng quái Khôn mà còn do sự chuyển hóa Càn Khôn trong bát quái. Quí vị nhìn cả đồ hình Tiên Thiên lẫn Hậu Thiên (Văn Lang) thì có thể thấy đầu tiên đi từ Càn theo đường chữ S đến Khôn (cả hai bát quái đều có tính đó). Tiếp tục sẽ quay về Trời hay Càn (hoặc đầu tiên trở lại thành Thái Cực sau đó lại biến dịch tiếp: Khôn-Thái Cực-Càn-….-Khôn). Đó là quy luật phản phục của Kinh Dịch và Khôn đã mang mầm mống Dương ngay trong mình. Trong vòng đi này chỉ có ở quái Khôn mới hoàn thành quá trình quay về. Điều này giải thích vì sao có tròn, trôn, trống. Đó là cách giải thích hoàn toàn mang tư tưởng Dịch Nòng Nọc (Dịch Trung Hoa thì đối với Hậu Thiên Bát Quái Văn Vương không thể đi dù theo chữ S hay theo một vòng tròn để từ Càn về Khôn được). Điều này càng thêm sáng tỏ khi tôi phát hiện ra hầu hết những từ có ý nghĩa của Khôn đều mang lưỡng tính (đọc thì giống tính Nọc nhưng nghĩa lại là tính Nòng). Chỉ có cách giải thích này mới đủ sức giải quyết một vấn đề: tại sao đối với gà, chim thì người Việt ta lại đọc là gà trống, gà mái để phân biệt tính đực, cái? Hay tại sao là trứng? Gà là Dậu - quái Khôn, là mẹ (mẹ Âu). Bản thân là quái Khôn nên khi nói đến tính của nó là nói đến tính của Thái Cực (một cái trống rỗng (tuy tượng trưng cho sự không tồn tại nhưng đọc lên lại có nghĩa Nọc) nhưng lại là mẹ(tuy có nghĩa Nòng nhưng lại hiện thân của hiện hữu)). Và chính hai mặt của một Thái Cực này đã được dùng để gọi tính cho con gà, con chim: gà trống, gà mái).[6] Không thể chỉ một vài ba câu chữ mà có thể giải thích đầy đủ mọi vấn đề. Tôi hy vọng sẽ trình bày rõ hơn trong một số bài khác vì bức tranh Kinh Dịchçèngôn ngữ này khá lung linh và sống động nên cần phải phân tích một cách tổng thể mới lộ rõ ra tính cách của từng từ riêng lẻ.

-Khi đưa các từ tr. đó ra, vì chỉ là bài phản hồi nên tôi chỉ đơn cử những cái đặc trưng nhất, những từ thể hiện rõ ràng tính Nòng Nọc nhất (vì thế mà tôi cho từ “trôn” do ông Hà Văn Thùy nêu ra là phản chứng trọng tâm nhất). Còn tính Nòng Nọc như tôi đã xét sẽ rất khó ứng với tất cả các từ Tr. hay Đ. Tuy nhiên, nếu đó là những từ Việt cổ xưa thì có thể giải thích nó trên nền tảng của cả Hậu Thiên Bát Quái Văn Lang chứ đôi khi không chỉ đơn thuần trên mỗi hai lưỡng nghi Nòng Nọc. Ví dụ, bánh trôi (biểu thị cho Trời-Càn) ta còn có từ trôi (trôi chảy) lại là tính động của con sông (quái Khảm-cũng thuộc nghi Nọc thời Hậu Thiên). Ngoài ra, mỗi từ của từng chữ đó đều có những lý giải thích ứng. Ví dụ từ “trái” thì Kinh Dịch Trung Hoa không đề cập đến vì họ là trọng hữu (hữu nhậm), dân tộc ta trọng tả (tả nhậm). Mà trọng tả mới đúng với tinh thần Dịch Lý vì quái Càn nằm bên “trái”. Và vì sao lại có “trái, phải” với nghĩa “sai, đúng”? Điều này tôi đã có viết đến xin không đề cập ở đây.

-Ông Hà Văn Thùy viết: Nhưng điều quan trọng hơn, những chữ cái Tr, Đ chỉ là chữ La Tinh do các tu sĩ dòng Tên gán vào tiếng Việt chứ người Việt cổ đâu có nói vậy mà nói B’lời (trời), T’lâu hay Sủ (trâu). Tôi lại thấy đây không phải là quan trọng nhất nếu như không nói đây là một phản biện hoàn toàn không thuyết phục. Vì rằng, các tu sĩ Dòng Tên đó họ không gán ngẫu nhiên các chữ cái Tr và Đ vào tiếng Việt. Chữ cái viết như vậy chỉ mang mặt ngữ còn mặt âm của nó thì các tu sĩ đó đã có hàng loạt nghiên cứu và đối chiếu của từng vùng khác nhau trên đất nước Việt Nam để rút ra từ nào ứng với âm đọc nói chung và phụ âm đầu nói riêng nào. Giả như có một số ông tu sĩ dòng Không Tên nào đó ở nước họ chữ θ dùng để đọc như Tr. và họ đưa từ đó vào để làm phụ âm đầu của các chữ trời, trắng, trên, trước,… thành θời, θắng, θên, θước…  thì cái mặt chữ đó ảnh hưởng gì cách đọc?! Quan trọng họ đã có những nguyên cứu chuyên sâu để chuyển ngữ cho hợp với âm phát ra. Nói như ông Hà Văn Thùy thì có ông thông thái nào đó gán chữ c là chữ La Tinh (mặt chữ là vậy và đọc cũng như bây giờ) vào tiếng Việt để chuyển ngữ các từ (âm) trời, trước,…qua thành cời, cước…thì dân ta cứ thế cúi đầu nghe theo? Cứ cho dân ta bị đàn áp thì phải nghe theo cũng được, nhưng chuyển đổi âm như thế với số lượng từ lớn như thế thì phải mất hàng ngàn năm và không có ông thông thái nào làm việc thô thiển như vậy. Vâng, người ta đã có những so sánh, những phân biệt, những định dạng trong các âm từ tiếng Việt thậm chí từ nhiều miền khác nhau của nước Việt để rút ra một sự chuyễn ngữ thỏa đáng. Chuyển ngữ chỉ là một biện pháp trên mặt chữ còn chung quy phải chuyển làm sao cho chính người dân của vùng đó, nước đó dùng được, đọc được như họ đã từng đọc từ trước. Chính vì thế, các từ tôi đã dẫn đã có một sự đồng nhất nào đó trong cách đọc từ xa xưa chứ không chờ đến khi các ông dòng Tên đến ép chúng vào quy củ.

-Rất nhiều người cho rằng Dịch lý đầu tiên là dùng để bói toán. Thành kiến này hẳn nhiên không phải tự nhiên mà có. Nó có vì từ ngàn năm nay quan niệm của người Trung Hoa là thế. Nơi  người ta nghĩ là cái nôi của Kinh Dịch mà còn phổ biến tư tưởng như vậy thì tại sao ngưới khác lại không? Qua một số kết quả tôi nhận được (chưa công bố) hay chỉ đơn cử đồ hình Hậu Thiên Bát Quái Văn Lang thôi thì ta thấy người ta đã có những tính toán cụ thể, chu đáo để tạo một lý giải thống nhất đúng đắn trên phương diện Toán học và phù hợp với các quan sát tự nhiên. Như vậy, Kinh Dịch không phải là dụng cụ bói toán[7] thuần túy. Có chăng, bói toán chỉ là một phần nổi của một kiến thức rộng lớn. Thế nhưng vì sao thành kiến đó lại phổ biến, lại tồn tại mãi đến bây giờ? Phải chăng cách giải thích như sau: Người Việt làm ra Kinh Dịch với những kiến thức đồ sộ và một số người đã trình diễn tính đúng đắn của nó qua tiên tri, tiên đoán và bói toán. Khi có luồng giao lưu văn hóa thì phần cốt rễ người ta không giải thích vì thứ nhất, phải đi lại từ đầu nguồn của một kho kiến thức lớn; thứ hai, bản thân người truyền đạt không thích, họ thích giấu kiến thức của cha ông họ; thứ ba, thường thì người ta tò mò nhiều hơn, muốn biết vận mệnh của mình hơn là biết kiến thức[8]; bởi vậy, sự phổ biến Dịch trên đất Trung Hoa bấy giờ chỉ thiên về bề nổi là bói toán. Có những nghiên cứu chăng thì cũng chỉ phục vụ cho mục đích bói toán, giải đoán vận mệnh. Tôi cho rằng để hiểu rốt ráo Kinh Dịch Nòng Nọc và đoán ra được niên đại của nó thì ít ra bạn phải bỏ thành kiến Kinh Dịch là phương tiện bói toán đi.

Trần Quang Bình

06.05.2007

[1]. Một số từ được cho là Hán Việt nhưng khi so sánh qua hai cỗ máy Kinh Dịch Trung Hoa và Kinh Dịch Nòng Nọc cho thấy chúng hoàn toàn trùng khớp với Kinh Dịch Nòng Nọc, từ đó có thể suy ra đó là từ thuần Việt, còn tính “Hán Việt” chẳng qua là ngộ nhận từ mấy ngàn năm nay. Điều đó cũng phù hợp với bản chất của giao lưu văn hóa.

[2]. Tượng Nòng Nọc của Càn Khôn trùng khớp với sinh thực nam và sinh thực nữ.

[3]. Có những từ mang tính Nọc thật sự đi từ chữ Nọc mà ra thì đó là đi từ gốc của Nọc (hay Nòng). Còn những từ khác chúng ta phải xét từ tổng quan của Hậu Thiên Bát Quái (hay đôi khi là Tiên Thiên Bát Quái)

[4].

[5]. http://www.vietlyso.com/forums/showthread.php?t=2209&page=13 .

[6]. Người Việt chúng ta còn có Lạc Long và Âu Cơ một bên rồng, một bên chim. Còn người Mường lại “cực đoan” hơn: hai tổ của loài người là chim Ây, chim Ứa.

[7]. Gọi Kinh Dịch là phương tiện để bói toán thật ra người ta chỉ hình dung ra khía cạnh cầu thần linh và gieo quẻ. Ngay bản thân 64 quẻ và những luận giải từng quẻ cũng là một công trình suy luận hay tổng hợp logic nào đó. Hiển nhiên, người ta không thể bạ đâu lấy nghĩa của các quái tùy ý được. Kinh Dịch Trung Hoa không có xét đến số thì cũng có ít ra cũng có xét về khía cậnh âm và hình. Làm nghĩa sao cho hợp với âm và hình cũng là điều nan giải.

[8]. Ngay như trang tôi đăng một phần nghiên cứu của mình là vietlyso.com thì quan sát cho thấy những topic “giải đoán vận mạng” và “tử vi đẩu số” có số lượt người đọc rất đông và rất nhanh tăng. Còn những topic khảo cứu hình như chỉ có một lượng người nhất định vào đọc sau khi đăng bài.

 

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Trần Quang Bình