Cuộc đời của GS. Vũ Tuyên Hoàng

 

 

Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng là nhà khoa học về sinh học, nông nghiệp hàng đầu của VN (ảnh trên agbiotech.com)

Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng lãnh đạo Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam trong nhiều năm

"Luật về hội giao cho Bộ Nội vụ soạn thảo và mang đi hỏi ý kiến rất nhiều hội. Trong đấy có Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA),"

"Mỗi lần lấy ý kiến, các nhà khoa học đều đóng góp ý kiến rất nhiệt tình cho bản dự thảo. Nhưng đáng tiếc, soạn thảo đến lần thứ 9 thì dự luật vẫn chẳng khác gì lần thứ nhất".

Đó là lời của Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng trả lời báo chí trong nước cách đây một thời gian, phê phán việc xây dựng luật về hội ở Việt Nam và tỏ ý bất bình vì việc nhà nước nói là nghe ý kiến các nhà khoa học, song chỉ là nghe, mà không hề thay đổi.

Không giống như những giống lúa CH5, CH133, U14 hay U17, chống hạn, chống úng mà GS. Vũ Tuyên Hoàng từng sáng chế như những đột phá vào giai đoạn trước đây trong ngành sinh học phục vụ nông nghiệp Việt nam, các vấn đề xã hội, chính trị có vẻ phức tạp hơn rất nhiều.

Thực vậy, cho đến nay, khi GS Vũ Tuyên Hoàng đã ra đi do bệnh hiểm nghèo ở tuổi 70 (mà nhiều người cho là ông ở tuổi 75), tuy đã bước sang dự thảo thứ 10, quá trình xây dựng luật về hội ở Việt Nam được cho là vẫn dẫm chân tại chỗ.

Thành đạt sự nghiệp

Sinh ra trong một gia đình thế gia vọng tộc, với hai vị thân sinh đều là các thi sĩ, văn nhân (nhà văn Vũ Ngọc Phan và nữ sĩ Hằng Phương), Vũ Tuyên Hoàng có một trụ đỡ văn hoá gia đình vững chãi.

Mặc dù là một người biết làm thơ và vẽ tranh, ông đã chọn cho mình con đường khoa học và công nghệ để sau đó liên tục thành công trong các chặng đường sự nghiệp của mình với tư cách một nhà khoa học trước, kỹ trị sau.

Thành công trên lĩnh vực khoa học và công nghệ sinh học, nông nghiệp, trở thành viện sĩ nhiều viện hàn lâm quốc tế, Vũ Tuyên Hoàng còn tham chính và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong đảng và nhà nước.

Ông từng làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong bốn năm từ 1989 đến 1993. Giữ chức vụ Uỷ viên Trung ương Đảng nhiều khoá liên tục từ khoá 5 đến khoá 8, trong những năm từ 1982 đến 2001.

 

 Một luật đưa ra phải chủ trương đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết theo như bác Hồ nói. Nếu đưa luật này ra thì sẽ gây mất đoàn kết giữa các tập thể quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng
 
GS. VS Vũ Tuyên Hoàng

 

Ông còn làm đại biểu quốc hội các khoá VIII (1987-1992), khoá XI (2002-2007) và XII (2008-2011).

Từ năm, 2004 đến khi mất cuối tháng 2 vừa qua, ông vẫn đương chức Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ V, Bí thư Đảng đoàn của tổ chức chính trị - xã hội tập hợp hàng vạn trí thức này.

Một người hiền lành

Nhiều người yêu mến ông đánh giá giáo sư Vũ Tuyên Hoàng là một nhà trí thức lớn, có tầm vóc, có uy tín rộng khắp, song rất hiền lành và rất ngại va chạm.

Chính vì thế, khi ông không chỉ lên tiếng, bày tỏ thái độ thất vọng về việc chậm chễ ban hành luật về Hội, được coi là khu vực dân sự trong xã hội hiện đại, mà còn hậu thuẫn cho việc đưa ra một dự thảo về luật do chính VUSTA đưa ra để tham khảo, mọi người đã thấy một Vũ Tuyên Hoàng "cấp tiến" khác.

Vẫn theo lời ông, khi trả lời truyền thông trong nước vào năm 2006, cho rằng vẫn cứ có mấy đoàn thể "bề trên" như Mặt Trận Tổ quốc, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, được tách riêng ra như đối tượng đặc biệt.

Còn những tổ chức khác như VUSTA, Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nơi mà bà Vũ Giáng Hương, người chị gái ruột của ông là một trong những nhân vật có vị trí quan trọng trong ban thư ký và chấp hành một hiệp hội, và một loạt tổ chức khác thì bị "đặt" trong luật này.

Vũ Tuyên Hoàng cho rằng việc phân biệt như vậy là không bình đẳng. Lý do ông đưa ra là đoàn thể nào mà do quần chúng tạo nên, dù là của công nhân, nông dân, hay trí thức... thì đều phải bình đẳng như nhau.

Vũ Tuyên Hoàng cũng thẳng thắn phản đối việc hai nguyên tắc quan trọng nhất trong việc thành lập hội của công dân là tự nguyện và tự chủ đều không được coi trọng.

Ông cho rằng việc bộ, ngành và một cơ quan quản lý hành chính nào đó theo dõi hội, chẳng hạn, như trường hợp dự thảo 9 và 10 quy định, theo đó, Bộ Nội vụ quản lý nhà nước, trong nhiều quyền hạn khác, có thẩm quyền phê duyệt điều lệ các hội lập ra, là vi phạm hai nguyên tắc trên.

Không lăn xa gốc

Song có nhiều người khác thì cho rằng, Vũ Tuyên Hoàng vẫn luôn là người khôn ngoan, biết mình ở đâu và nên đi theo lề lối nào.

Do đó, mà mặc dù có những ý kiến được cho là khá nảy lửa phê phán chuyện dự luật quản lý Hội như vậy, ông vẫn không quên mình là người lãnh đạo do Đảng chọn đứng đầu tổ chức chính trị xã hội lớn nhất của trí thức Việt Nam - Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Trung ương.

Người ta không quên ông vẫn là Bí thư Đảng đoàn của một tổ chức lớn nằm trong khối cơ quan hội đoàn thuộc Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trên trang web của Liên hiệp hội VUSTA, đăng bài trả lời phỏng vấn của ông với tờ Tuổi trẻ Chủ nhật cách đây gần 2 năm, trong sự bức xúc, GS. Vũ Tuyên Hoàng nói:

 

Giáo sư, Viện sĩ

Vũ Tuyên Hoàng

Sinh ngày 2/12/1938 tại Hà Nội
Giảng viên ĐH Nông nghiệp I từ 1960-1968
Bảo vệ Tiến sĩ sinh học 1973 tại Liên Xô cũ
Bảo vệ Tiến sĩ khoa học nông nghiệp 1977, L.Xô cũ
Uỷ viên BCH TƯ Đảng khoá V, VI, VII, VIII từ 1982-2001
Đại biểu quốc hội các khoá VIII, XI và XII
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển N.Thôn (1989-1993)
Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học nông nghhiệp Nga (1991)
Chủ tịch Đoàn Chủ tịch HĐTƯ Liên hiện các Hội Khoa học - Kỹ thuật VN (2004-2009)
Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ (2000)
Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhất...
Mất ngày 26/2/2008 tại Hà Nội do lâm bệnh nặng.
Trích tiểu sử từ VUSTA

 

"Nghị quyết số 2 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII đặt Liên hiệp hội VUSTA ở Trung ương cho đến địa phương đều là các tổ chức chính trị - xã hội, còn Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật ở các tỉnh thành lại là tổ chức xã hội - nghề nghiệp,"

Ông quả quyết: "Chúng ta ngang nhiên làm trái với nghị quyết Ban chấp hành TƯ Đảng."

GS. Vũ Tuyên Hoàng còn nhắc đến cựu lãnh tụ Việt Nam Hồ Chí Minh khi bảo vệ quan điểm của mình. Người đứng đầu hàng trăm cơ quan hội ngành khoa học trong cả nước này nói:

"Một luật đưa ra phải chủ trương "đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết" theo như bác Hồ nói. Nếu đưa luật này ra thì sẽ gây mất đoàn kết giữa các tập thể quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng,"

Vẫn lời vị viện sĩ đầu ngành sinh học - nông nghiệp Việt Nam: "Nhưng quan trọng hơn nữa là làm mất uy tín của Đảng đối với giới khoa học, công nghệ, trong khi chúng ta nêu khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu."

Như thế có người sau đó nói, Giáo sư Hoàng vẫn là một "quả táo không lăn xa gốc", khi ông, mặc dù đấu tranh cho quyền lợi của công dân trong chuyện lập hội đấy, chưa kể những công lao khoa học trực tiếp phục vụ ruộng đồng đấy, song ông đồng thời vẫn lo "bảo vệ uy tín" của Đảng.

Những quy luật khác nhau

Còn nhớ Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng được nhiều người biết đến còn với tư cách là tác giả của lí thuyết hai hệ thống gien trong cây lúa với những ứng dụng vào việc sản ra các giống vừa chịu hạn hay chịu úng, vừa giàu protein và những cây trồng khác.

Tuy vậy, có nhiều người cho rằng những quy luật sinh học ấy là giản đơn hơn rất nhiều so với những quy luật của xã hội mà GS. Vũ Tuyên Hoàng từng sống với trong tư cách một nhà kỹ trị hàng đầu.

Trở lại với ý kiến nói trên của một số người cho rằng Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng tránh va chạm.

Đã có người còn nói thêm rằng ông đã lớn tuổi, lại ở cuối sự nghiệp, ông không cần phải và thực sự cũng không bận tâm tới mức độ như vậy với những chuyện thế sự mà người đời cho là những quy luật xã hội phức tạp.

Liệu có phải một vài trong những quy luật đó đang diễn ra trong giới trí thức ở Việt Nam khi mà một số thì an vị, thủ thường trong khoa học.

Còn một số khác thì chủ động theo phương châm thực tiễn luận mà theo đó "có các cơ hội thì phải tận dụng ngay" không chỉ trong chuyện kinh tài, song cả hai đều giống nhau ở một điểm: né tránh các cấm kị chính trị.

Dường như có một quan niệm nữa về khoa học trải qua các quy luật xã hội có thể được tổng kết qua thân phận của nhiều nhà kĩ trị ở Việt Nam mà trong đó bản thân Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng là một trường hợp.

Và quan niệm này cũng không chỉ giới hạn trong câu chuyện làm sao đừng để xã hội dân sự văn minh trở nên cạnh tranh với chủ nghĩa nhà nước xã hội chủ nghĩa 78 năm tuổi đời ở đất nước đang phát triển tại khu vực Đông Nam Á này.

Nhất là ở một nơi mà truyền thống trí thức chịu nhiều ảnh hưởng phong kiến khổng giáo cả nghìn năm và mới chỉ tiếp xúc chưa được bao lâu với các khuynh hướng và môi trường tư tưởng và xã hội tiến bộ nhân loại khác.

Nếu như mấy trăm năm trước, triết gia khai sáng người Anh Francis Bacon ở nửa sau thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 từng nói "Tri thức là sức mạnh", thì ở Việt Nam, các kỹ trị gia cận, hiện đại đã tìm ra một quan niệm khác.

Quan niệm đó có vẻ được phát biểu dưới dạng "Tri thức là tự do trong khuôn khổ".

 

Vĩnh biệt GS-Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng

Tiền Phong

Quốc Dũng

TP - Có người đổ cho trận rét lịch sử dài 38 ngày đã quật ngã ông. Thực ra rét thế chứ rét nữa cũng khó khuất phục người từng tạo ra những giống lúa có sức sống dẻo dai với nắng mưa thất thường nếu ông không mắc chứng tiểu đường, dẫn đến biến chứng suy thận, suy tim cách đây ba hôm.

GS - Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng trong một cuộc hội thảo

Thi, họa... đều hay

Có việc qua lại nhiều lần văn phòng Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) ở 53 Nguyễn Du, phố có nhiều hoa sữa nhất Hà Nội, lần nào tôi cũng đi theo lối cầu thang ngoắt nghéo tắt ngang phòng ông.

Người khác thế nào không rõ, chứ hễ thấy bóng dáng nhà báo, ông chẳng mấy khi bảo về lên lịch hẹn.

Nhưng từ đầu đận rét giữa tháng một tây, tôi thấy phòng ông đóng im ỉm. 70 tuổi đã là gì. Nhiều người trong VUSTA cao niên hơn ông mà vẫn phăm phăm.

Chợt nhớ dáng vẻ mệt mỏi mỗi lần điều hành hội thảo, lại nghe ông mắc căn bệnh của người giàu đã lâu, tôi cảm nhận có điều gì chẳng lành.

Một trong những đặc trưng của hội thảo do VUSTA tổ chức là độ dài marathon của nó. Tranh luận, phản biện cho kỳ xong mới thôi. Có lần kiên trì dự đến cuối cùng, tôi thấy ông vẫn im lìm trên ghế chủ tọa.

 

GS- Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng sinh ngày 2/12/1938 tại Hà Nội.

Từng là Viện trưởng Viện Cây Lương thực & Cây Thực phẩm; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp kiêm Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp; Ủy viên Trung ương Đảng bốn khóa (từ 1982-2001, một khoá là Ủy viên dự khuyết T. Ư Đảng); là Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam khoá IV (1999 - 2004), khoá V (2004 - 2009); đại biểu Quốc Hội các khoá VIII, XI, XII; Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam; Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản.

 

Đến khi tổng kết hội thảo, ông trở thành người khác. Giọng nhẹ nhàng, thanh thoát, ông tóm tắt những vấn đề khô khốc, rối rắm một cách dí dỏm; ông tổng kết các ý kiến khác biệt, thậm chí đối lập gay gắt, mà không làm mất đi cá tính của các ý kiến đó.

Những lần dự họp phản biện các đề tài khoa học, tôi chưa bao giờ thấy ông dĩ hòa vi quý, cũng chưa bao giờ thấy ông đứng về ý kiến phe này mà vùi dập ý kiến phe kia.

Đôi mắt long lanh ấy trong dáng vẻ mệt mỏi, nụ cười duyên dáng ấy từ tư thế đứng không còn thẳng, cứ nom thấy là ấm lòng, là muốn xán đến. Kỳ là, hễ xong phần phỏng vấn, hỏi xong về việc tạo ra giống lúa chịu ngập úng đầu tiên trên thế giới, nghe xong về kiến nghị thẳng thắn gửi Trung ương Đảng và Chính phủ cần đặt trí thức ở đúng vị trí tiên phong trong nền kinh tế tri thức mà các nghị quyết của Bộ Chính trị đã khẳng định, tôi lại được nghe ông đọc thơ.

Có lần gặp ông giữa giờ giải lao buổi hội thảo ở Đồ Sơn tôn vinh các công trình đoạt giải thưởng VIFOTEC, ông cao hứng đọc thơ:

“Có phải là em, em yêu ơi\Nhưng nét buồn xưa tan biến mất\Còn lại môi cười em rất tươi…”.

PGS.TS Nguyễn Kim Chi, em ruột GS.VS Đặng Vũ Minh – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ&Môi trường cuả Quốc hội, chiều qua cho tôi biết, khiếu văn chương của GS.VS Vũ Tuyên Hoàng có lẽ được truyền từ người cha - nhà văn Vũ Ngọc Phan, và mẹ -nữ sĩ Hằng Phương; còn tài họa có lẽ cũng giống chị ruột- họa sĩ Giáng Hương.

 

GS.VS Vũ Tuyên Hoàng trao giải Thương hiệu Việt cho một doanh nghiệp

 

Hóa ra, bên cạnh hàng chục công trình sáng tạo khoa học, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng còn có tên trong 20 tập thơ in chung. Đấy là chưa kể tập thơ của riêng ông nhan đề Thời Gian xuất bản đầu thiên niên kỷ 21, chưa kể chừng 400 bài tản văn đăng trên tạp chí Thế Giới Mới từ 1996 – 2004. Đấy là chưa kể bộ sưu tập tranh chân dung, phong cảnh đăng tải trên một số tạp chí, và trưng bày ở một số triển lãm mỹ thuật, mà tác giả cũng là ông.

Hiếm nhà khoa học nào để lại kỷ niệm cho đồng nghiệp không chỉ các công trình này nọ mà còn cả thi với họa. GS Nguyễn Lân Dũng ở Hội các Ngành Sinh học không phải nằm trong số hiếm sở hữu nhiều bức họa của ông.

GS.TSKH Trương Quang Học ở Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có một bức họa chân dung của mình do ông vẽ. “Đang hội thảo, chợt Giáo sư quay sang, chìa tờ giấy cho tôi và bảo: “Học này””.

“Nói về tài thì thôi khỏi, hầu như ai cũng biết”, GS Học – một trong những chuyên gia sinh học suất sắc của Việt Nam, nói. “Nhưng tôi thấy hiếm nhà khoa học nào hội cả chữ nhân như ông”.

Bảo vệ cái đúng đến cùng

Tại hội thảo ở Đồ Sơn năm 2005, nơi mà nữ phóng viên Thanh Hà vừa được nghe thơ vừa có bức họa ngẫu hứng mà cô bảo là một trong những kỷ niệm đẹp nhất của mình, có một giải thưởng không mấy ai để ý được trao cho một cặp vợ chồng vốn là viên chức nhà nước. Giải thưởng khuyến khích cho công trình ngô mật độ cao, theo đó, giúp cho năng suất trồng ngô tăng 20-30 phần trăm.

 

Cả đời làm khoa học vì nông dân

Trong số hơn 50 công trình của GS.VS Vũ Tuyên Hoàng được công nhận cấp quốc gia, có các giống lúa mới như thâm canh (Xuân số 2, NN 75 – 6, v.v…);  giống lúa chịu hạn (CH5, CH133, …); giống lúa chịu ngập úng đầu tiên trên thế giới (U14, U17,…); quy trình kỹ thuật trồng khoai tây bằng hạt; chọn tạo các giống rau quả mới bằng phương pháp sử dụng ưu thế lai: dưa chuột, cà chua, các giống táo mới như H12, H32, má hồng, v.v..

Ông còn xây dựng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, gieo thẳng lúa ở phía Bắc Việt Nam; thâm canh lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ông vinh dự nhận Giải thưởng Lúa thế giới (1998) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ (2000).

Đặc biệt, nhờ giống lúa T4, T6, có hàm lượng protein cao một cách hiếm có, ông còn được nhận một giải thưởng quốc tế về lúa gạo tại Nhật Bản, với giải thưởng này, ông đứng trên cả ông tổ lúa lai của Trung Quốc là GS Lê Long Bình.

Ý nghĩa công nghệ trồng ngô mật độ cao là ở chỗ, chỉ cần áp dụng mẹo gieo hạt mà hai nhà khoa học nắm rất rõ bản chất, năng suất ngô tăng vọt với tỷ lệ trong mơ. Công nghệ này đúng cho hầu hết các giống ngô.  

Đây được xem như một kỳ tích nếu biết các nhà khoa học hàng đầu ở Viện Nghiên cứu Ngô thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn phải mất 30 năm nghiên cứu mới nâng cao năng suất ngô lên 10 phần trăm và điều này cũng đúng trên thế giới.

Nếu công trình đó được chứng minh là đúng, ai cũng nói, lẽ ra phải đoạt giải cao nhất chứ không phải khuyến khích, một thứ giải mà người ta hay nói là an ủi.

Thực tế, nhóm tác giả công trình gặp phản ứng dữ dội từ trường phái khoa học chính thống. Các thành viên trong hội đồng chấm giải VIFOTEC rất may vượt qua cơn sóng gió sức ép nặng nề này để đi đến quyết định trao giải thưởng cho công trình.

Nhưng ngay cả khi giải thường khiêm tốn ấy được công bố, một số thành viên trong hội đồng giám khảo khi được báo chí phỏng vấn lại tỏ ra lảng tránh và kiệm lời tối đa trong việc nhận định công trình.

Người duy nhất dám lên tiếng bảo vệ công trình không ai khác ngoài đương kim Chủ tịch VUSTA, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng. Ông nói: “Người ta không dễ dàng chấp nhận những cái gì tốt hơn của mình, đi khác người ta.

Hồi nghiên cứu giống lúa, tôi gặp không ít khó khăn như vợ chồng KS Chu Văn Tiệp. Cũng bị phủ nhận lên phủ nhận xuống, thậm chí đánh tráo công trình”.

Đoạt giải thưởng và nhận bằng chứng nhận sở hữu trí tuệ, những tưởng con đường áp dụng công trình sẽ hanh thông hơn. Ai dè, cặp vợ chồng giành trọn 30 năm và tiền túi của mình để nghiên cứu lại bị những cật vấn, cản trở đến mức họ gọi là “lên bờ xuống ruộng”.

Hàng loạt cuộc họp, thử nghiệm được yêu cầu tiến hành. Càng thử nghiệm, càng họp, họ càng bị dồn vào chân tường và bẽ mặt trước không chỉ các viện nghiên cứu mà cả địa phương, những nơi họ trồng thử nghiệm.

Thế là lại GS Vũ Tuyên Hoàng, tác giả của hơn 50 công trình khoa học cấp quốc gia từ năm 1980 đến nay, đứng ra bênh vực cho cặp nhà khoa học thân cô thế cô. Ông công khai tuyên bố nếu ngành nông nghiệp, nếu Viện Nghiên cứu Ngô không ủng hộ, đích thân ông với tư cách Chủ tịch VUSTA sẽ đứng ra bảo trợ thử nghiệm kỹ thuật trên quy mô lớn.

“Năm nay, chúng tôi đang chuẩn bị thử nghiệm trên diện tích lớn hơn theo yêu cầu của bác Hoàng sau thành công các đợt thử nghiệm quy mô nhỏ”, KS Chu Văn Tiệp, nhỏ thó đen đúa như thể bị vắt kiệt sức, giọng đầy hy vọng.

Chia tay KS Chu Văn Tiệp, thay vì nói lời từ biệt, anh lẩm nhẩm đọc mấy câu thơ của chính GS Vũ Tuyên Hoàng: “Mây xám u buồn xa, rất xa\Gió thổi bay nhanh cơn bão táp\Đêm ngày mong đợi thoáng mau qua”, như để vĩnh biệt vị Giáo sư mà sự nghiệp và cả cuộc đời khoa học của ông gắn với nông dân.

 

 

GS-VS Vũ Tuyên Hoàng - Nhà khoa học của nông dân

Nhân dân

Giáo sư – viện sĩ (GS-VS) Vũ Tuyên Hoàng là tên tuổi lớn trong giới khoa học. Ở Việt Nam, ông được gọi là "nhà khoa học của nông dân" vì tấm lòng và những đóng góp lớn lao cho ngành khoa học nông nghiệp, nhất là các công trình lai tạo giống cây trồng. ;

 
Con đường đến với ruộng đồng

 
Sinh trưởng trong một gia đình nổi tiếng về văn học – nghệ thuật: Bố là nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan, mẹ là nữ sĩ Hằng Phương, nhưng ông đã sớm thoát ly sự "di truyền" nghệ thuật để chọn mảnh đất riêng với "chân lấm, tay bùn" và cuộc sống cơ cực của người nông dân. Mọi chuyện bắt đầu vào những năm kháng chiến chống Pháp khi gia đình nhà văn Vũ Ngọc Phan sơ tán về vùng Thọ Xuân (Thanh Hóa). Tại đây, ông bà Phan vỡ đất để cày cấy, gieo trồng như những người nông dân.

 
Trong bảy anh chị em, cậu bé Hoàng là người đặc biệt chăm chỉ và rất thích tìm hiểu về các giống cây, thích trồng cây. Năm 10 tuổi ông đã biết đi cấy như một anh nông dân thực thụ và tự mình chăm sóc một vườn rau. Được ở gần bà con nông dân, chứng kiến cảnh hai sương hai nắng, "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà vẫn thiếu ăn, cậu bé Hoàng muốn làm gì đó để bà con đỡ khổ. Ước mơ của cậu là làm sao tạo ra những cánh đồng lúa chín trĩu hạt, thẳng cánh cò bay. Đến khi học hết lớp 9 và với thành tích là học sinh xuất sắc, Vũ Tuyên Hoàng được nhà nước cho đi học ở một viện nông học tại Trung Quốc. Mặc dù vẫn muốn con kế thừa nghiệp văn chương, nghệ thuật, nhưng cha mẹ ông vẫn ủng hộ hết mình sự lựa chọn của con trai...

 
Sau khi học ở Trung Quốc, ông về công tác tại Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, lúc mới ngoài 20 tuổi. Trẻ tuổi và hăng hái, ông đã có những ý nghĩ táo bạo mà nhiều người cho là mơ hồ khi chọn làm đề tài "Đưa lúa mùa vào trồng vụ chiêm". Rất nhiều người phản đối, kể cả GS Lương Đình Của, một chuyên gia về nông học nổi tiếng thế giới và là cấp trên của ông cũng cho rằng "thằng Hoàng nó vẫn còn trẻ con lắm". Nói thế, nhưng thầy Của vẫn ủng hộ đam mê của học trò mình.

 
Sau này, chính GS Hoàng cũng tâm sự: "Ngày đó mình liều thật, chẳng nghĩ trước nghĩ sau gì cả, lỡ đề tài thất bại thì sao?". Và rồi, ông quyết tâm bắt tay vào làm, một tháng lội ruộng hơn 20 ngày, nhiều hôm rét cắt da cắt thịt vẫn lội. Bà con nông dân thấy ông dưới ruộng cứ tưởng là một anh nông dân chăm chỉ, chứ không biết đó là một nhà khoa học trẻ. Cuối cùng, đề tài ấy cũng thành công, ông đã cho ra được các giống lúa nổi tiếng lúc bấy giờ như Đông Xuân 1, Đông Xuân 2, Đông Xuân 3, những giống lúa này có năng suất cao hơn rất nhiều so với các giống lúa khác lúc bấy giờ.

 
Hồi còn là nghiên cứu sinh ở Liên Xô, cũng vẫn cái tính "liều" của mình, ông đã làm cho bạn bè và thầy giáo phải sửng sốt, cùng một lúc làm 2 đề tài nghiên cứu sinh. Đó là chuyện lạ lúc bấy giờ, vì mỗi nghiên cứu sinh chỉ làm một đề tài cũng vất vả lắm rồi.

 
Khi trình bày đề án về "Di truyền học chọn giống", ông thầy hướng dẫn nhìn cậu học trò mà ái ngại: Người bé nhỏ như thế này, sức thì mảnh mai liệu có làm được không? Ông trả lời dứt khoát: Thưa thầy làm được! Và rồi anh học trò mảnh mai người Việt ấy còn bí mật "thông đồng" với một ông thầy khác để làm thêm đề tài về "Phóng xạ đối với cây lúa". Tại thời điểm đó, ông chọn cho mình một lối nghiên cứu mà trên thế giới chưa ai làm bao giờ là nghiên cứu lúa theo quan điểm sinh học phân tử. Cuối cùng cả 2 đề tài đều được chấm điểm xuất sắc và gây tiếng vang lớn trong giới khoa học Liên Xô lúc bấy giờ.

 
Một sức làm việc phi thường

 
Trở về Việt Nam năm 1977, với các đề tài nghiên cứu rất đa dạng, tập trung vào cây lúa, GS Vũ Tuyên Hoàng và các cộng sự ở Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã nghiên cứu và triển khai các giống lúa thâm canh, lúa chịu hạn, lúa chịu ngập úng, lúa có hàm lượng protein cao. Ông cũng là người đầu tiên trên thế giới nghiên cứu loại khoai tây trồng bằng hạt, rồi khoai lang có hàm lượng tinh bột cao... Ngay như giống táo má hồng trồng rất nhiều trong Nam đã đẩy lùi giống táo Thái Lan là do ông và các cộng sự tạo thành. Từ cán bộ của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, rồi đến vị trí viện trưởng, ông cùng các cộng sự đã thực hiện 58 công trình nghiên cứu được công nhận cấp Nhà nước. Một khối lượng công việc đồ sộ mà không phải ai cũng có thể theo đuổi và thực hiện được.

 
GS-VS Vũ Tuyên Hoàng có đầy đủ bộ sưu tập giải thưởng, từ giải thưởng khoa học Nhà nước, đến giải thưởng Hồ Chí Minh rồi giải thưởng về nông nghiệp thế giới. Ông cũng là thành viên của nhiều viện hàn lâm khoa học nổi tiếng. Có những công trình khoa học của ông được xem là cuộc cách mạng trong ngành nông nghiệp Việt Nam và là phát kiến mới gây tiếng vang trên thế giới. Cho đến trước khi ngã bệnh và phải vào nằm viện, mặc dù tuổi đã cao nhưng hàng đêm, ông vẫn thức đến 2-3 giờ sáng làm việc. Nhiều lần ông đã nói: Mình thấy cũng lạ, ngày nào cũng vậy, cứ thức làm việc đến 2 - 3 giờ sáng, nhiều hôm còn quên ngủ, thức đến sáng mà sức khỏe vẫn tốt...

 
Chiều 27-2, tại trụ sở Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam, một cán bộ trẻ tâm sự: Cái tên Liên hiệp hội, nhiều người không biết, chứ nói đến GS-VS Vũ Tuyên Hoàng thì bà con nông dân lại biết… Đêm 26-2, "người anh cả" của ngành khoa học nông nghiệp Việt Nam đã ra đi ở tuổi 70. Ai cũng ngỡ ngàng, hỏi nhau có phải mình nghe nhầm không...?

 

Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng giữ nét trẻ trung với cây cọ

Chưa hút xong điếu thuốc, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng đã hoàn thành một bức ký hoạ chân dung GS Nguyễn Thuyết Phong. GS Nguyễn Thuyết Phong cười sung sướng, bảo nhất định sẽ phóng to đem treo ở phòng làm việc. Vị giáo sư đã ở tuổi ngoài 60 không nhớ nổi mình đã ký hoạ chân dung bao nhiêu người.

Giáo sư - Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng

Ông vẽ “mọi lúc, mọi nơi”, trong giờ giải lao ở một hội thảo, tranh thủ lúc máy bay sắp cất cánh..., không chỉ ký hoạ những người quen thân mà cả những người xa lạ. Vẽ theo lối truyền thần, ông thường bắt đầu bằng đôi mắt và sau đó mới đến sống mũi, miệng, tóc tai và khuôn mặt. Vẽ rồi tặng chủ nhân, chỉ giữ lại bản photo... Nhưng có khi không tiện sao lại, người được vẽ giữ độc bản.

Vậy mà ông có trong tay trên vài trăm bức ký hoạ. Mỗi bức là một kỷ niệm. Chúng gợi nhớ đến những chuyến đi, trong đó có 49 quốc gia ông từng đặt chân đến. Ông cười vui thừa nhận rằng, tỷ lệ các ký hoạ nhanh về phụ nữ chiếm phần áp đảo so với nam giới...

Ngoài ký hoạ, ông còn vẽ tranh bằng các chất liệu quen thuộc: bột nước, bột màu... Tranh của ông bố cục gọn, chặt chẽ, màu sắc nhẹ nhàng. Dường như ông mang cả cái khúc chiết, giản dị của người làm khoa học vào tranh. Ông có dự định sẽ tổ triển lãm. Có lẽ hội hoạ đã khiến ông giữ được nét thanh xuân so với tuổi.

 

Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng qua đời

Vnexpress

28/02/20088

Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng. Ảnh: vacne.org.vn

Đêm 26/2, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, "người anh cả" của ngành khoa học nông nghiệp VN đã qua đời ở tuổi 70 tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội, do biến chứng tiểu đường.

"Sốc" và "mất mát lớn" là cảm nhận chung của các nhà khoa học, nhất là những người từng có thời kỳ làm việc hoặc quen biết ông. Trong mắt họ, ông như một cây đại thụ lớn, một người rộng lượng ngoài đời, nhưng nghiêm khắc trong công việc, người có tài thu hút các nhà khoa học đến làm việc trong các tổ chức lớn.

Trong cuộc đời làm khoa học, Giáo sư để lại hơn 50 công trình được công nhận cấp quốc gia, trong đó có các công trình như trồng khoai tây bằng hạt, chọn tạo các giống lúa mới, lúa chịu hạn, xây dựng kỹ thuật thâm canh, gieo thẳng lúa... Năm 2000, ông vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ. Trước khi mất, ông vẫn đang là chủ nhiệm một đề tài độc lập cấp nhà nước về công trình chọn tạo giống lúa chất lượng cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Giáo sư Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng từng giữ nhiều chức vụ như Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp kiêm Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, Ủy viên trung ương Đảng, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch hội hữu nghị Việt - Nhật...

"Giáo sư Hoàng được xem là bậc thầy của ngành khoa học nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong di truyền và chọn tạo giống lúa và cây thực phẩm. Nhiều công trình của anh ấy về khoai tây, cà chua, cây lương thực đến nay vẫn đang phát huy tác dụng", Giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Duy Quý, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, người có 25 năm làm việc trực tiếp cùng ông, bày tỏ.

"Tôi không làm việc nhiều với giáo sư Hoàng, nhưng mỗi lần đến trao đổi với anh ấy, cảm giác rất dễ chịu, không quan cách như nhiều vị quan chức khác", phó giáo sư Hà Đình Đức, cảm nhận.

Không chỉ trong giới nông nghiệp, ông cũng là người anh đi trước với các lĩnh vực sinh học khác. "Tôi hụt hẫng vì thấy anh ra đi sớm như vây. Tôi coi anh ấy như một người anh cả lớn đi trước", giáo sư Lê Trần Bình, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, nói.

Thuận An

 

       http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org