Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời

Vietsciences- BBC - Tuổi Trẻ   12/06/2008  

 

Nghe ông Võ Văn Kiệt trả lời BBC tháng 4/2007

 

Thương tiếc Bác Sáu Dân

Nguyễn Lân Dũng

Người lo cho dân nghèo
Khi nghe tin bão lụt
Người thương đám học sinh
Khi thấy trường mái dột
Người đau thay bệnh nhân
Khi thấy tăng giá thuốc
Người ôm trẻ mồ côi
Mắt thấm dòng lệ ướt
Đến với Cựu chiến binh
Mũ tai bèo thân thuộc
Đến với Mùa hè xanh
Hai tay cầm cán cuốc
Người quyết Đường điện cao
Cho nối liền cả nước
Người thương thảo đầu tư
Ngay trên sân quần vợt
Người gắn bó Báo, Đài
Như một ngườii trong cuộc…


Nhân dân đau nghe tin
Người ra đi đột ngột
Xin thắp một nén nhang
Cầu linh hồn siêu thoát

 

BBC: Cựu thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, một trong các nhà lãnh đạo hàng đầu thời kỳ đổi mới, vừa từ trần ở tuổi 85.
 

Được tin ông Võ Văn Kiệt (tên thật là Phan Văn Hòa) qua đời lúc 6:40 sáng thứ Tư 11/6 tại Singapore nơi ông đang chữa bệnh.
Chưa rõ nguyên nhân dù có các nguồn tin khác nhau nói trước đó ông Kiệt bị tai biến mạch máu não. Nhưng cũng có tin nói ông bị bệnh đường hô hấp.
Được biết thi hài ông Kiệt đã được đưa trở về Việt Nam.
Khi được hỏi về tang lễ, bà Hiếu Dân, con gái ông Kiệt nói với BBC: "Các anh trong ban bí thư ngày mai họp và thông báo, chứ gia đình cũng chưa biết gì."
Phản biện xã hội
Ông Kiệt từng giữ các chức vụ quan trọng như chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Thủ tướng chính phủ (1991-1997). Ông cũng là ủy viên bộ Chính trị trong suốt sáu khóa liền.
Ông Võ Văn Kiệt là người đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Thậm chí ông từng được mệnh danh 'kiến trúc sư' của tiến trình đổi mới.
Là một trong các nhân vật lãnh đạo miền Nam, cả sau khi về hưu, ông Kiệt vẫn có ảnh hưởng lớn.
Trong những năm gần đây, ông được biết tới như một nhà phản biện với tiếng nói có sức nặng và uy tín không thể chối cãi.
Sinh ngày 23/11/1922 trong một gia đình nông dân tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Cửu Long (nay là tỉnh Vĩnh Long), ông Võ Văn Kiệt bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1938.
Ông gia nhập đảng Cộng sản một năm sau đó.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và cuộc chiến Việt Nam, ông Kiệt hoạt động chủ yếu tại địa bàn Nam Bộ với bí danh Sáu Dân.
Sau 1975, ông giữ chức Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Ông Võ Văn Kiệt làm ủy viên Bộ Chính trị từ 1982-1997. Ông rút khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương ĐCS tại đại hội IV năm 1997 nhưng giữ vai trò cố vấn cho Ban Chấp hành tới năm 2001.
 

Hòa giải dân tộc

 Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả.
 
Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt

Từ 2001 tới nay, ông Võ Văn Kiệt đã góp tiếng nói có uy tín trong nhiều chính sách có liên quan tới xã hội - dân sinh.
Ông là cựu lãnh đạo Việt Nam đầu tiên công khai đặt vấn đề hòa hợp - hòa giải dân tộc.
Trong một phỏng vấn hiếm hoi với BBC, ông Kiệt nói:
"Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả".
Ông cũng kêu gọi đối thoại với những người bất đồng chính kiến.
Lần cuối cùng ông Võ Văn Kiệt lên tiếng trên công luận là để nêu quan ngại về hai dự án: mở rộng Hà Nội và xây dựng tòa nhà Quốc hội

Ông Võ Văn Kiệt là một trong các 'kiến trúc sư' của tiến trình Đổi mới

Quốc tang cho ông Võ Văn Kiệt

Báo điện tử VnExpress của Việt Nam và Tuổi Trẻ Online chạy tin nói sẽ có lễ quốc tang cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Sau hơn một ngày đợi chỉ thị theo thủ tục kiểu Liên Xô trước đây, báo chí Việt Nam cuối cùng cũng đã có tin về cái chết của ông Kiệt.
Bản tin trên mạng của báo lúc 18:30 giờ Việt Nam, được cho là đúng 30 phút trước tin chính thức của đài truyền hình viết rằng “do tuổi cao, bệnh nặng, nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từ trần hồi 7h40 ngày 11/6/2008, thọ 86 tuổi.”
Báo Lao Động nêu tên các nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất trong ban tang lễ 33 người, đứng đầu là TBT Nông Đức Mạnh, sau đến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết rồi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Báo này đưa tin lễ quàn và viếng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM.
Báo Tuổi Trẻ có bài của Huỳnh Sơn Phước gọi ông Kiệt là vị thuyền trưởng "đã chèo lái con thuyền Việt Nam ra khỏi bãi cạn của cơ chế bao cấp."
'Một tổn thất'
Thông cáo của chính quyền viết: "Đồng chí mất đi là một tổn thất đối với Đảng, nhà nước và nhân dân ta,”
So với một số cáo phó của các nhân vật lãnh đạo trước tại Việt Nam, người ta không thấy có cụm từ “tổn thất vô cùng to lớn”, có thể là vì ông Võ Văn Kiệt đã nghỉ hưu lâu.

[Ông là] vị thuyền trưởng đã chèo lái con thuyền Việt Nam ra khỏi bãi cạn của cơ chế bao cấp
 

Báo Tuổi Trẻ

Bản thông cáo cũng viết: “Để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn đồng chí Võ Văn Kiệt, Ban chấp hành trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Võ Văn Kiệt với nghi thức quốc tang."
Trước đó ngay hôm thứ Tư, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Thủ tướng Singapore ông Lý Hiển Long đã gửi lời chia buồn tới gia đình ông Kiệt và nhân dân Việt Nam.
Ông Ban cũng nói ông cựu thủ tướng 'đã đóng vai trò tối quan trọng trong cải thiện quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước trên thế giới'.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra thông cáo viết: "Các nỗ lực của ông đã giúp mở đường cho bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam".

Cuộc gặp Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Mitterrand năm 1993 mở đường cho Việt nam quay lại với Phương Tây


Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã gửi thư chia buồn tới thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng với đoạn: "Ông Võ Văn Kiệt là bạn lâu năm của Singapore, người đặt nền móng cho quan hệ thân cận giữa hai nước".

Thông cáo của chính phủ Việt Nam, qua bài trên VnExpress viết rằng “nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã qua đời tại một bệnh viện ở Singapore vì bệnh tuổi già” nhưng không nói rõ nguyên nhân của bệnh.
Các bản tin của các hãng thông tấn và báo chí nước ngoài đưa các chi tiết khác nhau về việc ông Kiệt qua đời ở Singapore.
Reuters hôm 11/06 nói là ông bị viêm phổi cấp, bản tin của AP lại trích lời quan chức Việt Nam nói ông bị tai biến mạch máu não hôm thứ Bảy, trong khi AFP trích một nguồn từ bệnh viện Mount Elizabeth ở Singapore nói ông nhập viện “với bệnh không xác định rõ” (unspecified ailments).

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr.fr  và http://vietsciences.org