Nhà
văn Võ Hồng vừa tạ thế ngày 31/3/2013
tại nhà riêng ở Nha Trang (51 Hồng
Bàng), hưởng thọ 92 tuổi.
Giờ
đây tôi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm về
Võ Hồng.
Năm
1976, tôi, nhà báo Hai Khuynh, nhà văn
Vũ Hạnh (kiêm lái xe)… đã ra Nha Trang
thăm Võ Hồng. Mới giải phóng, nhiều tâm
trạng lắm. Võ Hồng lúc đó hình như còn
đi dạy, còn làm hiệu trưởng một trường
trung học ở Nha Trang. Dáng ông mô phạm
thấy rõ. Trước đó, tôi đã đọc vài tác
phẩm của ông (có tiểu thuyết của ông đã
được Giáo sư người Nga N.I.Nikulin nhắc
đến trong luận văn nghiên cứu về văn học
Việt Nam). Lần này, ông đưa tôi đọc bản
thảo tiểu thuyết Thiên đường ở trên
cao. Đối với tôi, một người đã ở
lâu Hà Nội, thì những chất liệu tiểu
thuyết, những con người trong tiểu
thuyết này là một cái gì đó đã bị “gián
cách”, tuy không phải “xứ lạ”. Tôi bị
cuốn hút vào cuốn tiểu thuyết, phần khác
vì tình thương yêu mà ông đã gởi vào
nhân vật Thérèse Băng Trinh, một nữ
sinh, một nạn nhân của ma túy. Sau đó
mấy năm, tôi mới tìm cách xuất bản được
cuốn tiểu thuyết này cho Võ Hồng, rồi
sau đó sách được in lại… Từ đó bắt đầu
một sợi dây liên lạc tình cảm giữa ông
và tôi – một người đọc “tri âm” những
tác phẩm của ông. Có lần thấy trên báo
Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt
Nam in một truyện ngắn của ông về thời
ông ở Bình Định, tôi xúc động viết thêm
một thiên “vĩ thanh”, gởi cho ông và cho
báo. Cũng là tình cảm trân trọng đối với
những tình cảm mà ông thể hiện trong
truyện, một mối tình với một cô gái quê
không lời…
Tôi
nhận thấy Võ Hồng có mấy đặc điểm đáng
ghi nhận sau đây:
1. Ông
là một nhà văn xuất hiện trên văn đàn
khá sớm (từ 1939?), trên tuần báo
Tiểu Thuyết Thứ Bảy.
2. Ông
giỏi tiếng Pháp (thầy giáo trung học
thời ông là như thế) nên tiếp nhận ảnh
hưởng của văn hóa văn học Pháp sâu nặng,
chủ yếu là ở tính nhân văn, “lãng mạn”
tích cực của văn học Pháp.
3. Ông
đã làm hiệu trưởng một trường trung học
trong kháng chiến chống Pháp ở Phú Yên
(trường Lương Văn Chánh) và sống thời
kháng chiến đó ở quê hương anh dũng mà
nghèo miền Trung. Võ Hồng luôn nhớ lại
và viết về những nhân vật trí thức trong
kháng chiến sau này, khi mà miền Nam đã
ở dưới thời chiến tranh của Mỹ… Và đó là
những hoài niệm trung thực, xúc động,
quý hiếm về một giai đoạn lịch sử đáng
nhớ.
4. Võ
Hồng có lần nói với tôi, một trong những
đặc điểm của văn ông là ông đã góp phần
nâng tiếng nói của miền Nam Trung Bộ
thành một thứ tiếng văn học, bên cạnh
tiếng Bắc Bộ và Nam Bộ.
5.
Suốt đời, Võ Hồng yêu quý nghề giáo và
sống trong sạch, mẫu mực, thế nhưng ông
vẫn có đầy đủ tình cảm nồng nàn để hóa
thân vào tình yêu của những nhân vật của
mình.
6. Và
sau cùng, vợ ông – một nghệ sĩ piano,
một cô giáo tiếng Anh xinh đẹp – đã mất
nửa chừng xuân, để lại cho ông mấy đứa
con côi cút. Ông yêu bà, đợi chờ bà trở
về như trong cổ tích, và ở vậy cho đến
khi lìa đời. Đối với một nhà văn, điều
đó là một điều không tưởng tượng nổi. Võ
Thị Diệu Hằng,
con gái ông ở Paris về chăm nuôi bố
trong những năm cuối cùng của bố, có lần
nói đùa với tôi: “Có bóng phụ nữ vào
phòng thăm ông, là ông “sinh động” hẳn
lên”. Thế nhưng cả đời ông đã ở vậy,
viết văn, làm thầy dạy học…, một người
thanh khiết và đẹp biết bao nhiêu!
Ông ra
đi, để lại cho đời nhiều trang văn xúc
động. Có cô học trò tôi, cô Trang, dạy
học ở Phú Yên, đã làm một luận án rất
công phu về Võ Hồng. Ông sẽ ở lại trong
niềm nhớ thương xúc động của nhiều bạn
đọc.