Vietsciences-        01/11/2013

 

http://www.lieuquanhue.vn (TT VĂN HÓA PHẬT GIÁO LIỄU QUÁN HUẾ)

Ngày 02/04/2013

Tiếng chuông triêu mộ" vĩnh biệt nhà văn Võ Hồng

 THÍCH THANH THẮNG

 

(LQ) Sau 7 năm lâm bịnh, nhà văn, nhà giáo, cư sĩ Phật tử Võ Hồng đã qua đời vào lúc 14 giờ ngày 31-03-2013 (nhằm ngày 20-02-Quý Tỵ) tại nhà riêng, hưởng thọ 93 tuổi.

Linh cửu được quàng tại tư gia số 51 đường Hồng Bàng, phường Tân Lập, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Lễ di quan tiễn biệt cư sĩ Võ Hồng sẽ tổ chức vào lúc 15 giờ ngày 04-04-2013, an táng tại Nghĩa Trang Suối Đá, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa)

Cư sĩ Võ Hồng sinh ngày 05-5- 1921 tại làng Ngân Sơn, xã  An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Cả cuộc đời làm nghề giáo và viết văn, đã cho ra đời 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký, các tập truyện viết cho thiếu nhi, hơn 40 bài viết, bài khảo cứu, phê bình…

Để truy niệm Cư sĩ Võ Hồng, BBT trang nhà Liễu Quán Huế trân trọng giới thiệu bài viết "Tiếng chuông triêu mộ" của ĐĐ. Thích Thanh Thắng như góp một tiếng chuông tiễn biệt Cư sĩ Võ Hồng về đất Phật.


“TIẾNG CHUÔNG TRIÊU MỘ”

Truyện ngắn của Võ Hồng khi nào cũng mang phong cách như thế, vẫn là cảnh làng quê và những con người bình dị chân chất, những chuyện tình yêu nhẹ nhàng pha lẫn nhiều hụt hẫng, nuối tiếc, đôi khi là mất mát, xót thương. Những nhân vật đi vào truyện của ông đều mang trong mình một số phận có khi là bi kịch, có khi là nghiệp báo, có khi là hư vô… Song tất cả điều đó chỉ muốn nói rằng, truyện của ông thấm cái thực, và người ta nhìn vào cái thực ấy để kinh nghiệm về cuộc sống. Đằng sau những nhân vật của ông lung linh giá trị nhân bản về tình người, tình đời. Những mảnh đời: hạnh phúc, buồn đau, ẩn nhẫn, lặng lẽ và vô thường, nhưng vang vọng nhịp đập chân thành của cuộc sống. Và không hoang phí mọi nỗ lực, truyện của ông đánh thức người ta phải suy nghiệm, cũng như hối hận, trắc ẩn để học cách sống, học cách yêu thương và học cách làm người.

Với tập truyện ngắn “Tiếng chuông triêu mộ”, sẽ chẳng có những điều to tát, những triết lý cao siêu trong câu chữ, còn cốt truyện, tình tiết có vẻ như đơn điệu, chắp vá, nhưng Võ Hồng vẫn rất kỹ, rất tinh ở cả văn đối thoại lẫn độc thoại, bởi đơn giản nó mang hơi thở của cuộc sống. Cũng không có nhiều những tình tiết mang tính bi kịch, cao trào hay mâu thuẫn gay gắt, nhưng mỗi nhân vật tồn tại đều có một cái cớ rất riêng. Cái cớ ấy có người thích có người không, nhưng lối dẫn chuyện tự nhiên của ông cho dù đôi chỗ dễ dãi nhưng mục đích vẫn không ngoài cách viết “giản dị thiệt thà, ngắn gọn không hoa hoè” (Một cách báo hiếu).

Tính “nôm na” có vẻ như quê mùa, dễ dãi ấy trong truyện của ông là phong cách riêng của ông... Và ở Võ Hồng, chúng ta thấy toát lên sự cảm thương người phụ nữ - những người đã làm mẹ hay chưa một lần làm mẹ… Có thể nói, truyện Võ Hồng là những tâm sự khác nhau về số phận của người phụ nữ: cô Trâm hiền lành trong “Hoa khế lưng đồi”, lúc nào cũng nhớ ngoại, nhớ quê nhưng tai nạn giao thông bất ngờ ập đến; cô Phấn trong “Nói với hư vô”, chưa một lần được hạnh phúc mỉm cười mà phải vĩnh viễn ra đi trong sự chung tình mặc cho lòng người hờ hững… Còn “Dấu chân sa mạc” là tiếng nói đầy cảm thương về số phận người phụ nữ, ở đó, nhân vật cô Ba phải trải qua cảnh sống từ giàu sang đến nghèo túng, vật lộn giữa lòng tin người và thói ác độc, khao khát sự thành thực, thèm muốn sự nương tựa, ghét sự giả dối nhưng phải đối mặt với tai tiếng, bệnh tật và cái chết. Sẽ có những tình tiết gây thắc mắc, nhưng rồi cũng chẳng có lời giải nào cụ thể ngoài những cái chết: chết nát nhừ, bầm tím, chết trong hoang vắng se lạnh, chết ngồi… - kinh nghiệm cuối cùng của một kiếp sống:

“Chặng đường đi đến nấm mồ dễ dàng thoải mái hơn nhiều so với những chặng đường nhọc nhằn cam go… trong cái xã hội quá nhiều ác tâm, lường gạt” (Dấu chân sa mạc).

Những xót thương, day dứt còn để lại khi lần lượt từng mảnh đời bất hạnh được lặng lẽ vùi sâu dưới lòng đất, nhưng chẳng có người chết nào cô đơn cả. Võ Hồng không muốn họ cô đơn, nên những nhân vật đáng thương, “bi kịch” của ông vẫn còn có người đứng quan sát họ, hiểu họ, tâm tình với họ và hơn hết là dành cho họ một vị trí trân trọng trong trái tim mình.

Có lẽ, khám phá nhiều nhất trong truyện ngắn Võ Hồng là dấu ấn của sự vô thường, luân chuyển: hợp rồi tan, xôn xao rồi vắng lặng, giàu sang bỗng chốc nghèo túng… nhưng tất cả mạch chuyển trong sự đổi thay ấy vẫn đau đáu những ước mơ và khát vọng. Sự giàu sang dễ đổi thay, dễ mâu thuẫn với tình người, dễ làm người ta xa nhau… Nhưng những cặp song hành, giàu nghèo, sang hèn, khôn dại, trí ngu… trong truyện của ông không thể hiện nặng nề bằng sự căm tức, đố kị mà toát lên những giá trị nhân văn, tự nhiên, là duyên là nghiệp…

 

Cái phong cách “chỉ là người quan sát” của Võ Hồng khiến chúng ta nhớ đến những lời văn chiêu hồn tha thiết của Nguyễn Du, chẳng thế mà, có lúc vì không muốn cuộc sống có thêm phiền não, Võ Hồng xúc động thương đời đến mức muốn rơi nước mắt khi nghe câu “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn” (Tiếng chuông triêu mộ).

Nói thế cũng không thể bỏ qua hồn quê, chất quê trong truyện của ông. Có lúc tính cách quê ấy cần mẫn, lầm lũi, dễ thương nhưng có lúc khắc nghiệt: “Nghèo nàn là một sợi dây thân ái ràng buộc mọi người. Khi có đồng tiền dính dự vào thì đồng tiền gây ra mầm chia rẽ…” (Mái chùa xưa), hay: “Chuyện nào hay thì được coi là thật. Nghe chuyện người là một lối tiêu khiển…” (Dấu chân sa mạc). Khắc nghiệt là thế nhưng ở đó tuổi thơ và cảnh vật loang loáng qua đi và in dấu khó phai trong miền ký ức.

Võ Hồng quan sát rất kỹ “triết lý quê” để có thể giải phóng những toan tính đang tràn vào cõi tâm linh, xâm lấn sự yên bình, bởi thế giới tâm linh trong mắt ông bao giờ cũng đẹp, và lý do ông tôn vinh cái đẹp ấy, giản dị chỉ là để yêu người, tin người. Võ Hồng thấm tình quê, cử chỉ quê, tính cách quê nên các nhân vật của ông hầu hết đều có tuổi thơ và bước vào cuộc đời bằng những nhân duyên khác nhau nhưng không khi nào quá đà buông thả mà nhiều khát khao yêu và sống.

Có thể nói, truyện của ông như một miền ký ức đầy “tổn thương” nhưng tế nhị, bao dung. Đọc truyện của ông người ở xa quê hương có cảm tưởng như được trở về quê hương, và làng quê, mái chùa, tiếng chuông sớm chiều hiện về trực tiếp hơn, sinh động hơn… Cái mạch quê, nếp quê có khi bị xáo trộn, hay được miêu tả giống như cảnh sống “nhàn nhã mà uể oải” nhưng nó có sự vận động thôi thúc lòng người, sự “vận động tĩnh” để giữ hồn, giữ nếp, để đưa ra một kết luận sống: “Mọi nguyên do đều vô ích khi không sửa chữa được thực tại” (Đi con đường khác). Cõi người chúng ta có nhiều đổ vỡ, và cũng có nhiều phương cách để vãn hồi nhưng sự lạnh nhạt, hờ hững, vô tình của xã hội hiện đại làm cho mỗi ngày một ít đi những người biết day dứt, trắc ẩn trước một số phận.

Cuộc đời ai cũng có những bí ẩn, những chốn riêng, những tâm tình sâu kín,… nhưng nhân vật của Võ Hồng cứ tràn ra những duyên phận, có khi là tiếng vang của tuổi trẻ, có khi là giọt nước mắt hối hận, có khi quyết liệt dứt bỏ để đi tìm sự thanh cao, có khi là sự đa sầu, đa cảm để chiêm nghiệm một cái gì đó đã lùi xa và nối kết với hiện tại. Tuy nhiên, đậm nét ở ông là dấu vết của sự cô đơn, trống vắng và sự mất mát, tất cả đều được dồn tụ thành những cảm hoài xao xuyến thấm đượm tình người.

(Vĩnh biệt Nhà văn Võ Hồng)

 

 ***

 

 

        ©          http://vietsciences.free.fr     http://vietsciences2.free.fr