Thương tiếc quá, anh Hoàng ơi!

Vietsciences-Nguyễn Lân Dũng         04/03/2008

 

Những bài cùng tác giả

         Tối thứ ba 26-2 anh Hồ Uy Liêm gọi điện báo cho tôi biết anh Hoàng vừa qua đời tại Bệnh viện Hữu Nghị. Tôi sửng sốt quá mặc dầu trước đó một hôm Lân Việt sau khi tham gia hội chẩn đã báo cho tôi biết anh Hoàng bị biến chứng suy thận , suy tim do tiểu đường và đang được cấp cứu. Tôi lặng người đi khi nghe tin dữ và chỉ có thể ngồi bấm máy điện thoại báo sớm hung tin cho các nhà sinh học và nông học- những bạn bè thân thiết lâu nay của anh.

         Là một cán bộ cao cấp- Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Khóa V, Ủy viên chính thức các khóa VI, VII, VIII, đại biểu Quốc hội các Khóa VIII, XI và XII, lại là người đứng đầu Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam , Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc VN cùng nhiều chức vụ quan trọng khác, nhưng trước sau như một anh vẫn là một nhà sinh  học, một nhà nông học có quan hệ rất gần gũi và thân thiết với các đồng nghiệp. Anh là Chủ tịch liên tục nhiều nhiệm kỳ của Hội các ngành Sinh học VN.

         Là một người thông minh và giàu nghị lực anh đã đạt đến đỉnh cao của khoa học. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hoa Nam, Trung Quốc (1960) anh còn được đào tạo rất cơ bản tại Liên Xô và nhận học vị Tiến sĩ Sinh học (1973), Tiến sĩ khoa học về Nông nghiệp (1977). Anh nhận học vị Giáo sư năm 1983 và được bàu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (1988), Viện sĩ Viện Hàn lâm Nông nghiệp Liên bang Nga (1991), Viện sĩ  Viện hàn lâm khoa học Thế giới đang phát triển (TWAS,1993), Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học ASEAN (2005)...

         Các danh hiệu cao quý mà anh nhận được gắn liền với các nghiên cứu về tạo giống lúa và nhiều giống cây trồng khác được tiến hành trong và ngoài nước. Tên tuổi của anh gắn với các giống lúa được công nhận cấp Quốc gia (như Xuân số 2, NN 75-6, CH5,CH133, U14,U17…). CH là giống chịu hạn, U là giống chịu úng. Đặc biệt còn có các giống P4, P6…là những giống có lượng chứa protein cao nổi tiếng đến mức nhận được giải thưởng quốc tế về lúa gạo.  Nhận giải thưởng này tại Nhật, đứng đầu là anh, sau đó mới đến ông tổ lúa lai Viên Long Bình (Trung Quốc) và một nhà khoa học Sri Lanka (bị mất vì tai nạn trước ngày trao giải). Là Viện trưởng Viện cây Lương thực và Thực phẩm ngoài cây lúa anh còn chủ trì trong việc tạo ra các giống mới khác có hiệu quả kinh tế cao như Khoai lang số 8, KB1…, Táo H12,H32, Má hồng, Đào vàng, Đào muộn…Ổi trắng số 1…Anh nhảy sang cả việc tạo giống vật nuôi bằng thành tựu cùng tập thể tạo ra giống vịt Bạch Tuyết. Ngoài ra còn phải kể đến các công trình về kỹ thuật trồng khoai tây bằng hạt, kỹ thuật thâm canh lúa, gieo thẳng lúa…Nhiều năm Anh còn được giao trọng trách làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp kiêm Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp. Với 200 công trình khoa học đã công bố anh rất xứng đáng nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2000. Trong cương vị Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản anh đã cố gắng hết mình cho việc củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân và các nhà khoa học giữa hai nước. Anh còn là Phó Chủ tịch của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Nhà nước đã tôn vinh anh một cách xứng đáng với các Huân chương cao quý- Huân chương Độc lập hạng Hai, Huân chương Lao động hạng Nhất…

         Với những công việc quản lý bận rộn của nhiều cương vị công tác nhưng anh lúc nào cũng thanh thản và lạc quan. Điều mà không mấy nhà khoa học làm được là những lúc rảnh rỗi anh tự cân bặng lại mình bằng cách làm thơ , viết tản văn và vẽ tranh. Tôi đã đọc trên 400 bài tản văn của anh đăng đều đặn trên tạp chí Thế giới mới, những bài thơ rất tình cảm được in riêng và in chung trong 20 tập thơ. Đến thăm anh tôi không ngờ anh vẽ được nhiều tranh đến thế. Có lần đi công tác cùng anh thấy anh dở giấy trắng ra vẽ rất nhanh chân dung cô tiếp viên để tặng ngay tại chỗ. Các ký họa mà anh vẽ tặng bạn bè thừa đủ cho một triển lãm chân dung rất thú vị. Tôi gửi đến Tòa soạn hai bức Xóm nhỏBiển Sầm Sơn để bạn đọc biết đến một khía cạnh của anh. Trong các bài thơ anh viết tôi yêu nhất bài Hoa sấu (Và anh hiểu cuộc đời rộng quá/Anh một giọt nước con dưới bầu trời/ Làm sao soi được dáng em ngày ấy/Cô bé cấp ba hay thẹn hay cười…).Có lẽ gen văn chương của Anh được thừa hưởng từ cha anh –nhà văn Vũ Ngọc Phan , và mẹ anh-nữ sĩ Hằng Phương, còn năng khiếu hội họa của anh là chịu ảnh hưởng từ người chị ruột- họa sĩ Giáng Hương.

 

         Vẫn biết sinh-lão-bệnh-tử là quy luật của muôn đời, nhưng sao anh ra đi sớm quá anh Hoàng ơi. Anh để lại tiếc thương cho bao nhiêu bạn bè thân thiết của anh. Anh để lại nỗi đau không gì bù đắp nổi cho chị Hồng Nga và hai cháu Thế Vinh, Hồng Nhật cùng toàn tang quyến. Anh để lại sự xót xa cho hàng chục triệu nông dân – những người đã và đang thừa hưởng các thành tựu nghiên cứu của anh cùng các học trò của anh.

Chúng tôi sẽ noi gương Anh và phấn đấu làm tiếp trách nhiệm của những nhà sinh học , những nhà nông học- những người được Anh thường xuyên động viên, khuyến khích và tạo nhiều điều kiện tối ưu trong cương vị một nhà lãnh đạo đầy nhiệt huyết.

         Cầu mong hương hồn Anh được yên nghỉ chốn vĩnh hằng.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Lân Dũng