Ra đi để phục sinh

Vietsciences- Đặng Châu Long       01/11/2013

 

31-03-2013

 

 

 

Kính viếng thày Võ Hồng

Nhà văn nhân bản

 

Hỡi thân phận, giấc mơ trăm năm
Bãi bể nương dâu, rút ruột tơ tằm
Sao không ngàn năm, vạn năm, vĩnh viễn 
không gian bất tận, thời gian vô cùng

(VÕ HỒNG, Phù Thế)

 

Nhẹ nhàng như cánh gió, Thày đã bước vào miền hư vô như định mệnh đã an bài. Dùng bữa trưa, ngủ một giấc trăm năm thanh thản. 14 giờ ngày 31- 03-2013, nhà văn cổ thụ miền sông Ba  VÕ HỒNG đã vĩnh viễn ra đi.

Chính xác và trang nghiêm của một nhà giáo, Thày VÕ HỒNG không chọn ngày Poisson d’Avril 01-04 bông phèng như Trịnh Công Sơn, mà phải ra đi đúng vào ngày Phục Sinh Chúa nhật 31-03-2013. Ra đi để sống lại.

Người đứng thẫn thờ, buồn hay vui đây ?
Thương kẻ khuất mặt ? Ai thương dùm mi ?
Ảo hóa. Ảo hóa. Thân phù du nhỏ
Vinh nhục sướng khổ nặng đôi vai gầy

(VÕ HỒNG, Phù Thế)

 

 

Nhìn lại khoảng dài cuộc sống của Thày, từ khi sinh ra ngày 05-05-1921 được mấy ngày như ý ? Cáng đáng 3 con thơ dại sau khi vợ thày ra đi năm 1957 để rồi sau 1975 đàn con như những cánh chim bằng bay xa dựng nghiệp. Ngày Thày mất cũng chỉ là chị Nguyễn thị Đạm, người học trò, người đồng nghiệp cùng trường và cũng là người trân trọng, ghi chép, giữ gìn văn nghiệp của Thày, có mặt trong phút cuối. Bên nhà chị thường trực có camera theo dõi bệnh trạng của thày từ xa và nhà chị chỉ cách nhà thày vài trăm mét. Quyết định ở lại quê nhà của thày như quyết định của người qua một con đường dài mõi cánh, chỉ muốn thu đời mình vào khung ký ức đơn độc cho khoảng đời còn lại.

Cho đến một ngày kia ... tôi sẽ nhẹ nhàng giã từ
Hạnh phúc yêu thương ... Băng giá mây mù ...
Nhưng trên sân, chiếc ghế cô đơn uy nghi còn đó
Tiếp tục ngồi chờ, lặng lẽ chờ cho mãi đến thiên thu.

(Võ Hồng, Di ngôn, 1989)

Sau 1975, Thày quyết định giới hạn sinh hoạt văn học của mình trong lãnh vực giáo dục và tuổi thơ. Năm 1977 thày nhận quyết định làm nhà văn dự bị của hội nhà văn như một nỗi ngậm ngùi sau 38 năm cầm bút. Truyện của thày , quyển Ông Cháu đã phải xuất bản nước ngoài với bút danh Võ Tri Thủy (tên con gái thày). Ngay cả truyện Thiên Đường ở trên cao (1988) cũng chỉ được thày sáng tác trước năm 1975.

Tuy vậy, nhưng khi đưa ra một nhận xét xã hội nào, thày đều rất cẩn trọng và có trách nhiệm:

Năm 1985, tạp chí Văn nghệ Phú Khánh đặt câu hỏi :"Xin cho những nhận xét về tình hình văn nghệ ở địa phương ta sau 10 năm". Tôi ghi những suy nghĩ rồi trao cho anh Tổng biên tập, vừa nói : "Tôi có thể viện cớ là bệnh, là bận để khỏi trả lời. Nhưng lòng tự trọng không cho phép tôi nói dối. Nhưng đưa anh đọc rồi xin anh cho lại. Ðừng đăng. Bởi nếu đăng thì tôi bị khó khăn". Sau đây là sao y tờ giấy tôi trả lời:

  "  ... Có một nhược điểm thường gặp nơi văn chương địa phương cấp nhỏ, cấp thấp... đó là đọc xong thấy tất cả đều tốt, mọi việc đều hay, tiến bộ khả quan, mọi người vừa lòng. Văn chương tròn trịa lý tưởng ! Không dám có những suy nghĩ gai góc, không cho có những cảm xúc mới lạ, độc đáo ... Mà chỉ được cảm xúc thông thường, bình thường, tầm thường, bằng phẳng, công thức, gần như đã vạch sẵn. Văn chương được bào chế như những món ăn quá lành mạnh, bởi đã được sát trùng quá kỹ lưỡng. Như kho cá, rim thịt đúng theo sách dạy gia chánh.

    Mà đúng ra xã hội đòi hỏi người cầm bút phải nhìn thấy những vấn đề, phát biểu những ý nghĩ, nêu lên những băn khoăn... để được người đọc cùng cảm xúc, cùng suy nghĩ. Có vậy xã hội mới tiến lên được. Chớ nếu tròn trịa như bánh xe thì xã hội cứ như thế mà lăn tới an toàn, hà tất còn cần đến văn chương làm gì ?".

(VÕ HỒNG, trả lời phỏng vấn tạp chí Cánh Én Nha trang năm 1988)

Một người thày, một nhà văn giản dị và cô đơn nhưng không cô độc trong đời sống. Phạm Công Thiện từng viết cho thày:

Anh V.H ạ, anh có cần gì phải thuyết giảng philo ? Tất cả những trang văn anh, những trang văn rất từ tốn khiêm nhượng kia đều tiềm tàng những tư tưởng triết học rất sống. Nó cao hơn philo nữa, bởi nó là sagesse của quả tim.

    Và một Triệu trang giấy Triết Học Cũng Không Ðáng Giá Bằng Một tiếng Ðập Của Con Tim. Anh có nghe rõ chưa ? Tôi muốn hét to lên như vậy.

    Anh có nghe tim con người đập trong những trang Xuất hành năm mới, trong Trận đòn hòa giải? Xuất hành năm mới còn cảm động muôn vạn lần hơn những chuyện mà người ta cho rằng buồn nhất. Những đứa nhỏ Hằng, Hào và Thủy trong Xuất hành năm mới và Trận đòn hòa giải là những hình ảnh đau thương nhất trên đời, là những hình ảnh tượng trưng cho tất cả những đứa trẻ ở trần gian này.

(Phạm Công Thiện, trích thư gởi Võ Hồng)

Từ ngày về thăm thày 12-12-2012 đến nay chưa đầy 4 tháng, những cảm thức về nỗi đời chưa nguôi trong tôi. Nay nghe tin thày đã vẫy tay ngậm ngùi bước qua bên kia đường , khoảng mát của thày  sẽ còn đọng mãi cho mai hậu những nụ tình người.

Xin thày hãy bình an phục sinh, tất cả phức tạp, đa sắc ngày thường giờ không níu được nỗi cô đơn của thày. Năm mươi lăm năm xa cách cô, giờ thày đã có thể thỏng tay tương phùng rồi đó. Sẽ không còn những cảnh đơn điệu để thày phải ghi lại những giòng thơ vần trắc này:

 

Năm giờ sáng mở mắt
Nhìn quanh : chỉ ghế bàn
Thèm thấy một khuôn mặt
Thèm nghe tiếng dịu dàng

Mười giờ đêm thâm u
Bóng tối như cõi chết
Tình yêu, tìm nơi đâu
Hạnh phúc, chào vĩnh biệt 

Vậy đó, ngày bắt đầu
Vậy đó, ngày kết thúc
Những ngày nặng buồn đau
Một chuỗi ngày tù ngục

(VÕ HỒNG, Quạnh hiu)

Xin kính tiễn một người thày, một nhà văn và một con người vô cùng chân chính

 

http://blog.zing.vn/jb/dt/dangchaulong50/15102165?from=fb

 

        ©          http://vietsciences.free.fr     http://vietsciences2.free.fr