Ngày về thăm thày VÕ
HỒNG, Nhà văn bình dị
Sau khi tôi chết
Xin giữ y nguyên dùm mọi dấu
vết
Của những ngày u buồn trĩu
nặng hồn tôi
Ðây : cây bút màu đen sớm
tối không rời
Ðây : cuốn vở cất đầy những
mảnh lòng hiu hắt
Kia : chồng sách không bao
giờ ngăn nắp
Này : góc vườn, hoa rụng
trải lối đi
Trên khung rào thưa, lá khẽ
thầm thì
Nơi sân thượng xin để
nguyên chiếc ghế
Kê sát lan can, hướng xuống
mặt đường
Nơi những đêm dài, trong tối
đầy sương
Tôi ngồi lặng, mắt chong chờ
đợi
……
(Võ Hồng – Di ngôn, 1989)
Về Nha Trang như một cái hẹn định kỳ, khi niềm mong nhớ đã đủ chực trào. Nhưng lần về này, tôi thấy lòng vừa náo nức vừa nao nao. Cứ nghĩ sẽ gặp thày Võ Hồng trong độ tuổi 91 mình sẽ thấy gì và nói gì cùng thày.
Cũng là học trò thời thày
dạy, nhưng tôi học cùng thày
Châu Hải Kỳ và thày Nguyễn
Quảng Tuân dưới mái trường
La San Bá Ninh. Cái cầu nối
giữa tôi và thày Võ Hồng chỉ
mong manh ở tình bạn văn
chương giữa thày Võ Hồng và
thày Châu Hải Kỳ.
Như nhiều người khác ở giai
đoạn chuyển đổi lớn của đất
nước trong thập niên 1950,
thày Võ Hồng rời quê hương
về Nhatrang dấn thân vào một
cuộc ruỗi rong về miền đất
hứa, bỏ lại Tuy Hòa thân yêu
đã từng lưu giữ quá nhiều kỷ
niệm của thày..
Tôi về quê làm gì
đây? Để tránh cái chết,
nhưng tôi tiên giác rằng
chính về quê là để chết, để
chết dần tâm hồn của mình.
Mấy năm hao phí tâm lực,
tiền tài, kết quả chỉ là một
cái mộng không thành.
(Võ Hồng – Ngày xưa)
Căn nhà nhỏ mang số 51 trên đường Hồng Bàng thưa thớt xe qua lại. Cảm giác đầu tiên của tôi là nhớ lại mảnh vườn nhỏ bé mà thày thường mô tả trong một số truyện ngắn – khu vườn mà thày thường ra chăm sóc cây trái, ngắm đàn gà, vịt, nghe tiếng chim kêu vào bình minh tĩnh lặng. Bây giờ chỉ còn vài chậu cây cảnh trong sân nhỏ bé trước nhà
Năm nay thày 91 tuổi. Cái nghiệt ngã của thời gian không chừa một ai. Thày nằm nghỉ trên chiếc giường trong căn phòng nhỏ đơn giản và bình yên. Thời gian này có cô Hằng, cô con gái lớn về từ Pháp sống cùng thày qua Tết. Cả ba người con đều ở Pháp và Đức. Và thày thật may mắn, ngoài người giúp việc, hàng ngày bên thày còn có cô Đạm, cô học trò từ hơn ba mươi năm miệt mài giúp thày từ đánh máy bản thảo, sắp xếp, lưu trữ, cho đến việc chăm sóc sức khỏe khi thày ốm đau. Nhà cô ở đường Trịnh Phong, cạnh đường Hồng Bàng, qua nhà thày chỉ vài phút đi bộ.
Thày đã ngưng viết hơn mười năm nay, khi trí nhớ thày bắt đầu suy giảm. Sáu năm nay thày yếu hơn, ngoài một ít thời gian ngồi trên xe lăn đi lại trong nhà, thường thì thày nằm nghỉ tại giường.
Ngắm thày da dẻ hồng hào, nhưng trí nhớ cứ mất dần theo thời gian, bỗng chạnh một kiếp người.
Tôi rất thích thú về cách đặt tên cho tác phẩm của thày. Truyện Hoa bươm bướm chẳng hạn, ta có thể mường tượng ra loài hoa mỏng manh, đứng một mình chẳng hấp dẫn ai, nhưng khi đã ở chung một đám thì vẻ lung linh mỏng manh của hàng ngàn cánh hoa trước gió nhẹ lay làm lòng ai không xao xuyến, như một cơn lay nhẹ của ký ức đưa về làm lòng ta khắc khoải nhớ nhung.Và đó cũng là nỗi niềm của thày Võ Hồng khi viết truyện này để ghi lại một khoảng đời mình, như đã thổ lộ trong một bài viết trên Bách Khoa số 251
Và còn nữa. Năm 1992, những năm đầu mở cửa, một tác phẩm viết về muông thú của thày đã làm tôi thích thú và cảm nhận như một trải nghiệm nỗi đời của thày qua lăng kính thế giới loài vật. Đó là quyển CHÚNG TÔI CÓ MẶT. Giải thích cho cách đặt tên tập sách, thày Võ Hồng viết:
“một buổi sáng thử ngồi tìm cái tên cho tập truyện. Một mình trong cái “thư trai cô liêu”, tôi để tâm hồn đắm trong thế giới muông thú cọp, beo, nai, cáo…thân thiết, không hiểu do dẫn khởi nào, tôi tưởng như mọi loài đang đứng trước Thượng Đế bình đẳng, và Ngài điểm danh:
- Loài người!
- Dạ…dạ…kính thưa….dạ…chúng con xin kính hầu
- Loài vật!
- Chúng tôi có mặt!
Tôi mượn câu sau đó đặt tên truyện “CHÚNG TÔI CÓ MẶT”, câu trả lời dỏng dạc mà vẫn khiêm cung, thuần nhã biết bao”
Khi nghe tôi nói câu chuyện ấy, cô Hằng tỏ vẻ ngạc nhiên:
“Đây là tác phẩm ba tôi đặc biệt thích thú…và thật trùng hợp vì chúng tôi vừa tái bản quyển đó cho ba tôi”
Không biết thày nằm đó có nghe lời chúng tôi đối đáp chăng, và ý nghĩ của tôi ngay lúc đó là: Thưa thày, em nghĩ lúc sáng tác quyển đó là lúc thày muốn “nói chuyện với đầu gối”, như cách nói của dân gian khi mình hết muốn nói với người đối diện, và muông thú của thày thật dung dị biết bao.
Vừa tiếp chuyện tôi, cô Hằng vừa gọi điện thoại cho cô Đạm mời cô qua trò chuyện thêm về cuộc đời văn chương của thày. Cô Đạm cũng là người bình dị như tên gọi. Cô chỉ muốn là người học trò của ngày cũ, chăm sóc vị thày mà cô ngưỡng mộ mãi mãi.
Cô Hằng tặng tôi quyển Chúng Tôi Có Mặt “như món quà trao đổi” quyển Quán Văn từ nhóm anh em tập san Quán Văn trao tôi gởi đến Thày. Cách nói chuyện dí dỏm, thân tình của hai người bạn mới khiến tôi có cảm giác như những người học trò cũ gặp nhau sau nhiều năm xa cách. Tôi bước đến cạnh tủ sách của thày để chụp một bức hình coi đó như một chút kỷ niệm ngày về thăm thày Võ Hồng.
Cô Hằng bông đùa: “Lại biết thêm được một con mọt”. Vâng, nhưng tôi chỉ là một con mọt nhỏ bé, thích tận hưởng hương vị và tinh túy của văn chương mà thôi, còn thày là một cây tùng bách để mọi người mãi nhớ.
Cô tâm sự cùng tôi: “Bạn là người đến thăm thày và lưu lại lâu nhất để hỏi thăm nhiều điều về thày. Nhiều người chỉ đến nhìn qua, hỏi thày bằng những câu:”Thày có khỏe không?”. Thày xem đó là những câu hỏi vô vị với một người 90 tuổi đang nằm chờ đợi nẻo hư vô. Những lúc đó, thày chỉ nằm nhắm mắt, quay đi để tránh một câu trả lời vô vị hơn”
Tôi nghĩ, có lẽ khi nhắm mắt quay đi, có thể thày còn sót lại chút giọt nước mắt chực rơi vì những câu thăm hỏi xã giao vu vơ đó.
Những giòng thày Võ Hồng viết trong lời nói đầu của quyển Chúng tôi có mặt như một cẩm nang cuộc sống của mình:
“Khi nghe khen ai,
tôi thấy tôi khó có cái tốt
của người đó
Khi nghe chê ai, tôi thấy
tôi dễ có cái xấu của người
đó
Và
Khi được ai khen, tôi đem
lời khen chia ba, nhận một
Khi bị ai chê, tôi đem lời
chê chia ba, nhận đủ”
Một con người khiêm cung nhưng vô cùng nhạy cảm như thày Võ Hồng, mọi kiểu cách đánh bóng cuộc đời đều vô nghĩa. 91 năm sống, 60 năm viết chuyện đời, quan sát và nhận xét mọi việc với cặp mắt tinh tế, lưu lại cho người đọc biết bao cảm xúc, khi đọc những đoản văn như Dốc hiểm nghèo, Con suối mùa xuân, Bên đập Đồng cháy………
Chia tay thày và gia đình ra về, nhìn thày một lần nữa, chạnh nghĩ mấy câu thơ của nhà văn Thạch Lam viết về kiếp người:
Năm năm, tháng tháng,
ngày ngày
Giờ giờ, phút phút, giây
giây
Tich tac…tich tac…tich tac…
Mới thấy sứ mạng con người đến cuối cùng vẫn là bước tới hư vô
Đặng Châu Long
12-12-2012