Vietsciences-        01/11/2013

 

Nhà văn Võ Hồng từ trần

Dân Việt - Chiều 31.3, tại tư gia TP.Nha Trang (Khánh Hòa), nhà văn Võ Hồng, tác giả của tiểu thuyết “Thiên đường ở trên cao” đã từ giã cõi trần, hưởng thọ 92 tuổi. Nhà văn Võ Hồng sinh ngày 5.5.1921 tại làng Ngân Sơn, An Thạch, Tuy An- Phú Yên.

Nhà văn Võ Hồng, một trong những nhà văn lớn Việt nam, một nhà sư phạm lão thành. Tác thẩm đầu tay của ông được ghi nhận là “Mùa gặt”, đăng trên báo Tiểu Thuyết thứ Bảy, Hà Nội năm 1939 với bút hiệu Ngân Sơn. Nhưng năm 1959, ông mới thực sự gia nhập làng văn với tác phẩm “Hoài cố nhân”.

Nhà văn Võ Hồng - ảnh gia đình nhà văn cung cấp

Văn của ông chan hòa tình tự dân tộc một cách tự nhiên. Dưới ngòi bút Võ Hồng những hình ảnh quê hương Việt nam, con người Việt nam trong những giai đoạn quá khứ đã được ghi lại như những bức tranh sinh động, trung thực và rung cảm.

Cho đến nay ông đã cho ra đời ngoài 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký, các tập truyện viết cho thiếu nhi, hơn 40 bài viết, bài khảo cứu, phê bình…

Giáo sư Trần Hữu Tá đã có lần viết trên báo Tuổi trẻ: “Võ Hồng viết khá nhiều tiểu thuyết. Hoa bươm bướm, Như cánh chim bay, Gió cuốn, Nhánh rong phiêu bạt, Thiên đường ở trên cao... những tác phẩm đó cũng có sức hấp dẫn đáng kể.

Nhưng thành thật mà nói, truyện ngắn mới là lĩnh vực ông sở trường. Trong ngôi nhà thể loại xinh xắn này, nhà văn từ tốn và có khi nhỏ nhẹ thầm thì, trò chuyện cùng người đọc. Nội dung của cuộc tâm sự ấy không có những sự việc dữ dội, quyết liệt, rất hiếm những tình tiết quyết liệt lắt léo. Đó thường là những truyện ngắn phi cốt truyện nhưng chứa đựng rất nhiều tâm trạng.

Nhân vật chân thành trải lòng mình trên trang giấy, mong nhận được sự cảm thông của những người tri kỷ… Ít có nhà văn nào nghiêm khắc với văn của mình như Võ Hồng. Vì thế tôi có cảm giác mỗi tác phẩm của ông như một tiếng đàn độc huyền, rung lên rồi cứ ngân vang không dứt trong tâm tưởng người đọc giữa đêm vắng…”

Mai Khuê

http://danviet.vn/van-hoa/nha-van-vo-hong-tu-tran/131276p1c30.htm

 

 

 

        ©          http://vietsciences.free.fr     http://vietsciences2.free.fr