Vietsciences-        01/11/2013

 

cand.com.vn  Website báo CÔNG AN NHÂN DÂN

Ngày 24/4/2013

 

Nhà văn Võ Hồng trong ký ức tôi

NGÔ KINH LUÂN

Chiều chủ nhật tuần trước, đang lang thang ngắm hoa bò cạp vàng ở công viên gần nhà, thì tôi nhận được tin nhắn của nhà thơ Trần Hoàng Nhân, anh báo tin nhà văn Võ Hồng vừa từ trần lúc 14 giờ. Tự dưng, thấy đời sống trở nên hiu hắt quá. Lên mạng, lục lại bài viết cũ của mình về Võ Hồng, chớm cái mà đã gần 6 năm. 6 năm chắc đủ xa để gọi là ký ức. Thậm chí, mỗi ký tự vừa viết ra đã là ký ức, huống hồ gì là năm lẫn tháng với ngày.

1. Mùa hè năm 2007, tôi ra Nha Trang. Thói quen thời còn độc thân vẫn vậy, thích thì một mình đi đâu đó vài ngày rồi lại về Sài Gòn. Đi như là đi thôi, viết cũng được, không viết cũng được, gặp ai đó cũng được, mà không gặp ai đó cũng được. Tức là, đi đúng nghĩa công việc chỉ là thứ yếu. Nha Trang ngày đó, con đường Trần Phú bị mấy anh mấy chị làm lãnh đạo quy hoạch sao đó, đùng phát chặt trụi cây, nắng như trút lửa xuống con đường thoáng đãng nhưng cực kỳ vô duyên ở thành phố biển này. Tôi không có bạn ở Nha Trang, nhiều năm trước, tôi ít bạn. Cứ lủi thủi đi, lủi thủi viết, bạn bè chỉ một nhúm nhỏ ở Sài Gòn và một vài tỉnh thuộc miền Tây. Lang thang mãi cũng chán, giở sổ đọc mấy mẩu ghi chép vụn, thấy có địa chỉ nhà của nhà văn Võ Hồng nên qua đại.

Hồi ấy, nhà văn đã 86 tuổi. 86 tuổi, tất là đã ở cái ngưỡng xưa nay hiếm, thế nên đừng nghĩ rằng giữa tôi và nhà văn Võ Hồng có một cuộc trò chuyện đúng nghĩa. Chỉ là khi tôi gõ cửa căn nhà nhỏ, có cái sân xi măng râm bóng mận mát, cô học trò của nhà văn mở cổng chào đón tôi. Còn nhà văn, ông nằm bất động trên giường, đôi mắt bắt đầu mờ đục, hướng ánh nhìn về phía tôi. Chắc là, nhìn cũng như không. Mà cũng có lẽ ông không nhìn tôi. Tôi như khách đến trễ, vài tháng trước khi tôi bấm chuông căn nhà của ông, cơn tai biến đã đánh gục ông một cách tàn nhẫn.

Tất cả những gì tôi muốn biết về nhà văn, đều do cô học trò của ông cung cấp. Nhớ là, cô có nói với tôi năm 18 tuổi nhà văn Võ Hồng có truyện ngắn Mùa gặt in trên tờ báo văn chương mà tất cả văn nghệ sĩ thời điểm đó đều muốn góp mặt, tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy.

Vậy mà sau Mùa gặt, ông không giới thiệu thêm bất kỳ sáng tác nào của mình nữa. Cứ như cuộc dạo chơi đầy ngẫu hứng thời trai trẻ, thích thì chơi, không thích thì nghỉ. Ông nghỉ khoảng thời gian dài, rất dài. Năm 1939 ông có Mùa gặt, mãi đến năm 1957, ông mới giới thiệu đến bạn đọc Hoài cố nhân. Đó như là biến cố lớn của cuộc đời ông. Hoài cố nhân, tiêu đề đã ẩn chứa hết biến cố mà ông nhận lãnh, ông trở thành người đàn ông góa vợ. Góa vợ, ông ở vậy, đi dạy, viết văn và nuôi con. Niềm vui kiếm thêm là dạy học miễn phí cho trẻ con láng giềng. Sau Hoài cố nhân, ông còn viết hàng loạt tác phẩm khác, như  Chúng tôi có mặt, Nhánh rong phiêu bạt, Lá vẫn xanh biêng biếc, Thiên đường trên cao, Vết hằn năm tháng, Gió cuốn,v.v.

2. Cô học trò của ông, người chăm sóc ông, người lưu giữ gần như toàn bộ sáng tác của ông, kể với tôi cuộc sống của ông theo nhịp chuyển động đều, gần như bất di bất dịch. Đi dạy về, ngồi vào bàn viết. Xen kẽ giữa khoảng thời gian nghỉ giải lao, là chơi với trẻ con và… hết.

Đều đặn như vậy bao nhiêu năm rồi. Tính ông không la cà phố xá, bạn bè thích hàn huyên thì cứ đến nhà, ông rất quý khách. Có thể nói, ông là hình mẫu của một nhà giáo quy củ, chuẩn mực. Vì vậy, đưa ra nhận định này nếu có cảm quan quá mong mọi người bỏ quá cho, văn của ông chỉ dừng lại ở nỗi buồn dịu dàng tỉnh lẻ. Như khi đọc những câu thơ của nhà thơ Yến Lan vậy: “Cô em/ Tỉnh lẻ/ Nằm xem/ Kiếm hiệp”. Tuy nhiên, nếu xem đời sống văn chương Việt Nam trải ra nhiều mảnh chiếu riêng biệt, thì chắc chắn ông đã có được mảnh chiếu cho riêng ông, ông có lượng độc giả trung thành cho ngôn từ của ông. Bởi hy vọng vào một sự phá cách trong một ngòi bút được xuất phát từ người viết tuân thủ theo sự chỉn chu mô phạm thì là điều quá khó.

Khi viết bài về nhà văn Võ Hồng, tôi có nhắc đến chi tiết “Trong kháng chiến chống Pháp, ông kế nhiệm ông Trần Suyền - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên lúc đó, làm Hiệu trưởng Trường chuyên - Trường THPT Lương Văn Chánh (Phú Yên). Sau khi ông thôi chức Hiệu trưởng, “ông nghè bút thiếp” - Bùi Xuân Các, người vinh dự được Bác Hồ phong cho danh hiệu ấy vì chữ đẹp, tiếp tục làm công việc của Võ Hồng để lại. Những thế hệ học trò cũ ở Trường Lương Văn Chánh cứ ngấm ngầm so sánh xem chữ của ông hay chữ của “ông nghè bút thiếp” đẹp hơn. So sánh chán, mọi người quyết định chữ của hai người đẹp… như nhau”.

Thú thật là chi tiết này tôi được một nhà thơ nổi danh gốc Phú Yên kể cho nghe. Thấy anh phân tích vô cùng hợp lý, mà chi tiết lại hay, nên tôi đưa vào bài viết. Sau khi Chuyên đề An ninh thế giới Cuối tháng in bài này, bác Bùi Xuân Các có gọi điện thoại và gửi thư đến Ban Biên tập, để xác tín lại thông tin. Cho đến giờ thì tôi không nhớ rõ lắm bác Bùi Xuân Các yêu cầu đính chính gì, chỉ nhớ là sau lúc trò chuyện qua điện thoại với tôi, có vẻ bác hài lòng. Bác có cho tôi địa chỉ nhà, dặn ra Hà Nội thì ghé sang nhà bác, bác sẽ cung cấp thêm nhiều chi tiết. Tiếc rằng, mỗi bận ra Hà Nội, mải vui với bạn bè tôi lại quên mất cái hẹn này. Mà cũng xa lắc rồi, không biết giờ bác Bùi Xuân Các còn khỏe mạnh không? Tôi vẫn hối hận vì chưa trọn lời hứa với bác.

Ngồi nhớ nhà văn Võ Hồng, lại lan man nhớ đến nhà văn Nguyễn Khải. Ngày bác Nguyễn Khải còn sống, tôi có sang hầu chuyện bác ở nhà riêng, căn nhà cao tầng có cả thang máy nằm ở mặt tiền con đường nhỏ tại quận 4. Ngồi chơi với bác, tôi có nhắc đến bác Võ Hồng, bác Nguyễn Khải đưa ra nhận định: “Cái tay ấy lành, mà viết cũng hay”. Đọc nhiều giai thoại văn chương, thấy đa phần các văn nghệ sĩ nhận xét về tính cách bác Nguyễn Khải theo chiều hướng kỳ kỳ, tôi không thích lắm. Cuối đời, bác chỉ ở nhà đọc triết học, nhắc tôi là nên đọc cuốn này, cuốn kia… Hôm bác bệnh phải nằm viện, biết bao lần tôi muốn sang thăm mà cứ ngại. Nghĩ rằng, mình là cái quái gì lại đi thăm nhà văn tên tuổi như bác. Vậy đó, cho đến khi bác mất. Quên mất rằng, đi thăm một người bệnh món quà lớn nhất là tình cảm chứ không phải danh tiếng phù du. Có chuyện về bác Nguyễn Khải vui cực, cái này là bác kể với tôi. Hồi con bác đi học cấp II, cô giáo dạy văn ra đề phân tích tác phẩm Mùa lạc. Con thấy cô giáo ra đề phân tích tác phẩm của bố thì mừng lắm, mang về nhờ bố… phân tích giúp. Bác Nguyễn Khải được con nhờ, trịnh trọng ngồi vào bàn làm việc, chuyển tải toàn bộ điều mà bác muốn hướng đến trong Mùa lạc. Đùng cái, chiều con về nhà mếu máo trách bố: “Bố làm bài giúp con sao mà cô giáo phê… lạc đề”(?!). Chắc là, chính bác Nguyễn Khải cũng không biết vì sao mình phân tích chính tác phẩm của mình mà còn bị cô giáo phê là lạc đề..

3. Cô học trò của nhà văn Võ Hồng tên là Nguyễn Thị Đạm. Tôi chưa thấy ai giữ trọn đạo hiếu thầy trò như cô. Con cái nhà văn Võ Hồng đều thành danh và định cư ở nước ngoài, yêu mảnh đất Nha Trang nên ông ở lại, phụ việc ông chỉ có cô học trò ngày xưa. Gọi là học trò theo đúng danh phận, chứ hôm trò chuyện với tôi, tóc cô đã hoa râm.

Tôi học thầy Huỳnh Như Phương, giảng viên cũ của tôi môn Lý luận Văn học thời Đại học, thấy thầy có trích một ý ngắn của nhà văn Võ Phiến khi viết về nhà văn Võ Hồng như sau: “Võ Hồng quả được an thân. Sống từ chế độ này qua chế độ kia, thế cuộc bao phen đổi thay, ông vẫn an, vẫn nhàn, vẫn khỏe. Vẫn viết lách để răn đời. Răn toàn điều lành…”. Theo thầy Huỳnh Như Phương, thì đây là nhận định có ý trách móc một cách tế nhị.

Phận làm trò, tôi không dám phản bác quan điểm của thầy Huỳnh Như Phương. Nhưng tôi nghĩ, có lẽ đây là nhận xét chung của nhiều văn nghệ sĩ khi nhắc đến nhà văn Võ Hồng, chứ không có ý trách cứ gì. Bởi, cái tính của nhà văn Võ Hồng đã là vậy.

Trước khi chia tay cô Đạm ra về, tôi có xin phép cô được nắm tay nhà văn Võ Hồng thay cho lời tạm biệt. Đôi bàn tay gầy, rất ấm, vậy mà lại gợi cảm giác của một sự chia xa.

Cũng cần phải nói để bạn đọc hình dung thêm về cô Đạm. Thời điểm tôi đến thăm nhà văn Võ Hồng, tôi bị chứng chèn dây thanh quản, mất tiếng hoàn toàn. Bác sĩ đã chỉ định mổ, tôi gạt ngang, cứ mặc kệ. Câm hơn cả tuần, mới được cất tiếng lại. Về sau, chẳng hiểu thế nào tự dưng nói lại được. Chứ hồi đó cũng hoảng loạn lắm, ú ú ớ ớ chỉ tay suốt ngày. Vì vậy, toàn bộ buổi trò chuyện giữa tôi và cô Đạm chỉ là người viết ra giấy, người trả lời bằng miệng. Nhắc chi tiết này, để thấy cô Đạm quý khách đến thăm người thầy của mình như thế nào

 

***

 

 

 

 

        ©          http://vietsciences.free.fr     http://vietsciences2.free.fr