Vietsciences-        01/11/2013

 

Tạp chí NHA TRANG

Số  212. Tháng 5/2013

 

NHÀ VĂN VÕ HỒNG

MỘT NGƯỜI ANH, MỘT NGƯỜI BẠN

GIANG NAM

Tin nhà văn Võ Hồng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vĩnh viễn ra đi ở tuổi 92 không bất ngờ đối với tôi nhưng đã gây xúc động lớn trong bạn bè văn nghệ sĩ  có mặt hôm ấy tại Thành phố Hồ Chí Minh. Rất tiếc do hoàn cảnh công tác tôi không về kịp để tiễn đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi lật từng trang tập thơ “Thời gian mây bay” có lời ghi của anh “Thân tặng nhà thơ Gian Nam” xuất bản năm 1996, đọc lại bài “Di ngôn” ở cuối tập:

Sau khi tôi chết

Xin giữ y nguyên dùm mọi dấu vết

Của những ngày u buồn trĩu nặng hồn tôi

Ðây: cây bút màu đen sớm tối không rời

Ðây: cuốn vở cất đầy những mảnh lòng hiu hắt

Kia: chồng sách không bao giờ ngăn nắp

Này: góc vườn, hoa rụng trải lối đi

Trên khung rào thưa, lá khẽ thầm thì

Nơi sân thượng xin để nguyên chiếc ghế

Kê sát lan can, hướng xuống mặt đường

Nơi những đêm dài, trong tối đầy sương

Tôi ngồi lặng, mắt chong chờ đợi

Ðợi một người đi không hẹn ngày trở lại ...”

                                                                (1989)

Tôi biết cuộc đời anh đã trải qua nhiều thử thách và nói chung “buồn nhiều hơn vui”. Tuy nhiên, khi đọc những trang sách thơ, văn viết cho thiếu nhi, anh luôn tỏ ra hóm hỉnh, lạc quan, yêu đời để các em “vui mà học”. Cái khoảng trời riêng “u buồn” ấy hình như anh chỉ dành riêng cho mình.

Tôi đọc văn anh từ rất sớm, vào những năm công tác ở nội thành và vùng ven Sài Gòn (1999-1975) trong kháng chiến chống Mỹ. Với nhiệm vụ được giao: sáng tác, nghiên cứu văn học nghệ thuật, đấu tranh chống văn nghệ phản động, đồi trụy của địch, tập hợp quy tụ những văn nghệ sĩ yêu nước, tiến bộ trong thành, hình thành mặt trận văn nghệ và Hội Văn Nghệ Giải Phóng miền Nan, theo sự chỉ đạo của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, cơ sở bí mật trong nội thành có trách nhiệm cung cấp cho chúng tôi tác phẩm của các nhà văn sống trong vùng địch chiếm, từ những nhà văn yêu nước, tiến bộ đến những cây bút chống cộng, nói xấu cách mạng và kháng chiến, làm “tâm lý chiến” cho địch.

Tôi “biết” Võ Hồng từ đó với những tác phẩm viết về Phú Yên, quê anh với làng Ngân Sơn bên bờ đầm đầy thơ mộng, về Nha Trang, Đà Lạt nơi anh đã sống nhiều năm và cuối cùng, anh đã chọn thành phố Nha Trang để sống, để làm quê hương thứ hai của mình. Trong số các tài liệu tôi có được về anh, tôi rất thích thú số đặc biệt của tạp chí Văn dành để giới thiệu riêng về nhà văn độc đáo của miền Trung (số ra ngày 1/3/1974). Trong số này, ngoài bài phỏng vấn của tạp chí còn có các bài viết của bạn bè văn nghệ sĩ và trí thức miền Nam quen thuộc hồi đó như Tuệ Sỹ, Cao Huy Khanh, Phạm Công Thiện, Trần Thiện Đạo, Mang Viên Long, Trần Hữu Cư, Châu Hải Kỳ. Có thể nói, hầu như các tác phẩm của Võ Hồng đã được xem xét, bình phẩm dưới nhiều góc độ khác nhau: chiến tranh và tình yêu, hoài niệm; quê hương và trí nhớ con người; Về nguồn; Ý nghĩa giáo dục trong tác phẩm Võ Hồng ... Như thế, theo tôi đã là hạnh phúc lắm rồi đối với một nhà văn.

Thật tình đối với chúng tôi hồi đó, tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá nhà văn  là thái độ chính trị qua tác phẩm và qua các hoạt động xã hội khác. Về mặt này, Võ hồng là nhà văn thật đặc biệt vừa là nhà văn, vừa là nhà giáo, luôn say mê tận tụy với nghề, đã sống,  qua mấy chế độ (thời thuộc Pháp, thời Việt Nam độc lập, Vùng tự do Liên Khu 5); thời đế quốc Mỹ thống trị ở miền Nam và sau 1975 là thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất. Trong tâm hồn và tác phẩm của anh có sự kết hợp giữa đạo đức truyền thống và nhu cầu thay đổi để tiến lên, tính nhân văn, lòng yêu thương con người và niềm tự hào dân tộc, cổ vũ làm điều thiện và lên án cái ác, cái giả dối ...

Sau giải phóng 1975, tôi về Nha Trang với mong ước được gặp qanh, một tác giả của quê hương của miền Trung mà tôi từng ngưỡng mộ. Những buổi gặp đầu tiên thật thú vị. Anh ít nói, luôn lắng nghe, và tôn trọng người đối thoại. Tôi báo tin vui: Hội Nhà văn Việt Nam và Hội văn nghệ giải phóng miền Nam sẽ hợp nhất thành các Hội chuyên ngành: Hội nhà văn, Hội nhạc sĩ, Hội điện ảnh, Hội sân khấu ... Anh tỏ ý rất đồng tình. Dù lớn hơn tôi đến tám tuổi, anh luôn gọi tôi là anh, là bạn, khi cao hứng còn dùng tiếng Pháp rất thân mật: Moa, toa ...(có thể dịch là anh, tôi; bạn, tôi; cậu, tớ) rất thân tình.

Một việc bất ngờ xảy ra khiến tôi vừa buồn cười, vừa xấu hổ với anh. Năm ấy tôi ở Sài Gòn về thăm gia đình. Chưa kịp đến chào anh thì anh đã đạp xe lọc cọc đến gặp tôi tại nhà. Sau vài chung trà, vài lời chào hỏi sức khỏe, đột ngột anh hỏi tôi, giọng tỉnh bơ:

- Giang Nam biết không, tôi vừa nhận được công văn của Hội nhà văn. Anh biết công văn viết gì không ? Rằng Ban chấp hành quyết định kết nạp tôi vào Hội nhà văn Việt Nam, làm hội viên dự bị của Hội. Thật hết biết! Các anh làm ăn kiểu gì vậy ?

Tôi biết chị em văn phòng Hội ở Hà Nội đã làm sai, vô tình xúc phạm anh. Tôi vội vàng nắm tay anh xin lỗi:

- Anh Hồng ơi, tôi xin thay mặt Ban thường vụ Hội nhà văn Việt Nam xin lỗi anh. Anh chị em ở Văn phòng căn cứ theo điều lệ: “ Nhà văn mới kết nạp phải trải qua một thời gian dự bị một năm” mà gửi văn bản. Các anh chị ấy không biết anh là nhà văn kỳ cựu đã viết từ năm 1939, là thầy của lớp nhà văn kháng chiến như tôi. Cũng có phần lỗi ở Văn phòng, vì đây là đợt kết nạp đặc biệt mà không không giải thích với các anh chị ấy. Chẳng lẽ các anh chị như Sơn Nam, Bình Nguyện Lộc, Phương Đài, Vũ Hạnh, Lữ Phương, Võ Hồng ... của Sài Gòn mà phải được  thử thách về nghề nghiệp hay sao? Tôi sẽ liên lạc với Hà Nội để các bạn ngoài ấy rút kinh nghiệm.

Như trên tôi đã viết, anh cố giấu nỗi buồn về gia đình, với sự ra đi vào cõi vĩnh hằng rất sớm của người vợ nghệ sĩ và hiền thục của anh, về bệnh tật và nỗi cô đơn. Tôi quý anh nhưng cũng có lúc rất lo lắng sợ anh “bỏ nghề” vì không chịu nỗi gánh nặng về tinh thần và vật chất của anh. Tôi nhớ thời gian ấy, vào năm 1996, tôi đã có một bài thơ tặng anh trong thời kỳ mà tôi nhận xét anh có “khủng hoảng”. Anh đã đọc và đã bắt tay tôi. Có lẽ trong các người anh, các bạn thơ ... của tôi chưa có ai tôi dám đường đột như vậy vì tôi vẫn luôn coi anh như một người anh, một người bạn.

 

 

***

 

 

 

 

        ©          http://vietsciences.free.fr     http://vietsciences2.free.fr