"Chữ ngắn, tình dài, nghĩa nặng"

Vietsciences-Nguyễn Lân Dũng      15/05/2008

 

Những bài cùng tác giả

Nhà thơ Lê Đạt lên mạng
Nhà thơ Lê Đạt lên mạng (ảnh Vietnamnet)

Đó là lời tự đánh giá của nhà thơ Lê Đạt. Thật thương tiếc quá, giữa lúc ông đang hăng hái vật lộn với chữ nghĩa mà ông luôn tự nhận là “phu chữ” thì ông lại không chống đỡ nổi một cái trượt cầu thang từ gác hai đến gác một tại tư gia sau một chuyến công tác từ Tây Nguyên trở về. Ông ra đi ở tuổi bát tuần khi sức lực còn rất dẻo dai và khi chữ nghĩa đang tuôn trào.

         Vào lúc ông gặp nạn Nhân văn –Giai phẩm tôi đang là sinh viên và đọc khá nhiều thơ của ông (cũng như thơ của Trần Dần, Hoàng Cầm). Những câu thơ tôi không hiểu là độc hại đến đâu nhưng đã làm ông phải gác bút tới trên 30 năm. Tôi nhớ đó là các câu như: Lớp trước lớp sau/Mồ mả ông cha còn đấy /Từng ngọn cỏ hôm nay nóng rẫy /Những lời gửi gắm hôm qua/Nước chúng ta /Dân chúng ta bất diệt/Sông núi mấy nghìn năm tha thiết/Vẫn thầm thì hai tiếng Việt Nam /Những xóm những làng/Những cây đa cổ thụ /Những bờ tre gốc lúa/Những giếng nước dòng sông /Những câu dân ca như chảy máu lòng… Rồi nữa như: “Tuổi trẻ chúng ta – Sống chết đi trên đường cộng sản – đứng đầu ghềnh Cách mạng – hộ vệ cho cuộc đời”,hoặc là Đường cách mạng còn dài/Nhiều ngã ba, ngã bảy/Không chúng ta đứng đấy/Ai chỉ đường /Cho trái đất quay?…/…Trái đất/Không chúng ta/Ngơ ngác trước mù loà/Chống gậy /bước đi loạng choạng…những câu thơ đầy khí thế như Một người lực sĩ/Chỉ mang nổi ngàn cân /Anh suốt tháng suốt năm/Mang quả địa cầu trong óc,…hoặc như: Ta nắm cổ thời gian /Quất cho phi nước đại/Kéo ngày mai gần lại/Thúc vào lưng cuộc đời/ Mở máy đến chân trời cộng sản …Thơ ông đầy lạc quan:  Mới! Mới !/ Luôn luôn Mới / Bay cho cao / Bay cho xa / Trên những vết già nua cũ kỹ / Trên lề đường han rỉ / Vượt ngày hôm nay / Vượt ngày mai, ngày kia,/ Vượt mãi...

Lúc đó là lúc mới hòa bình lặp lại, tôi lại mới có 17-18 tuổi, cảm thấy đó là những vần thơ đầy hào khí, không ngờ về sau được giải thích đó là các vần thơ chống đối, nhạo báng chế độ. Thế là mất tích Lê Đạt suốt ba thập kỷ. Ít ai biết rằng ông tham gia cách mạng từ những ngày đầu chống Pháp và đã từng làm thư ký cho đồng chí Trường Chinh. Nghe nói ông đi lao động và dịch sách. Ông không chỉ khổ sở một mình mà còn lây cái khổ sang cả vợ con. Ông kể rằng: Vợ tôi là diễn viên Đoàn kịch nói Trung Ương ngày xưa. Tôi và vợ tôi gặp nhau năm 1955 - 1956. Hồi đó Thúy Thúy mới 17 tuổi, đang là diễn viên có triển vọng nhất Đoàn kịch. Chúng tôi gặp nhau là thích nhau ngay, cô ấy thì trẻ đẹp, còn tôi lúc ấy đã nổi tiếng. Thời gian tôi bị cấm đoán, thì Thúy cũng bị cấm theo. Cô ấy không được diễn nữa, vì tội là…  vợ Lê Đạt. Thúy chỉ được làm phục trang, chân chạy vặt trong Đoàn. Còn tôi chỉ có trợ cấp tối thiểu là 50 đồng/ tháng. Bằng lương bằng lương anh lao động phổ thông vừa vào nghề. Vợ tôi hiểu tôi khổ, cô ấy luôn lễ phép và lịch sự với tôi. Cô ấy trọng cái khổ của tôi. Nhưng với vợ tôi, tôi thấy mình có lỗi, chính vì tôi mà cô ấy hỏng cả sự nghiệp nghệ thuật của mình.

            Sau này trong một lần trả lời phỏng vấn ông cho rằng tranh luận văn học là cần thiết nhưng phải có lòng thành. Ông nói: “Có một chuyện cổ tích nói về một ông quan toà xử một phạm nhân, sau đó nổi lên giặc dã, ông chạy loạn qua đúng nơi lãnh địa của người bị ông xử tội. Ông tưởng rằng bị anh ta trả thù, nhưng không. Ông hỏi thì được trả lời rằng: ông xử tôi đúng, mà khi xử thì khuôn mặt ông rất buồn rầu chứ không tỏ vẻ khoái chí hay vui vẻ. Vì vậy mà tôi biết tấm lòng của ông.”

Nhưng rồi ngọn gió Đổi Mới đem lại cho ông  và vài thi hữu của ông việc được phục hồi Hội tịch Hội Nhà văn và lại được vinh dự nhận Giải thưởng nhà nước về Văn học. Tôi bắt đầu được gặp ông nhiều hơn tại tòa soạn báo Tia sáng và tại nhiều cuộc Hội thảo của giới trí thức. Tôi thấy ông rất khỏe mạnh mặc dầu đầu đã bạc trắng. Đặc biệt là lúc nào cũng thấy ông cười. Tôi bắt đầu tìm mua các tập thơ của ông- Bóng chữ (1994), Ngó lời (1997), Từ tình Epphen (1998), U75 từ tình…một số tập truyện ngăn như Mi là ngày bình thường…

        

         Thơ của ông khó đọc, khó hiểu nhưng tôi vẫn thích đọc. Vừa đọc vừa ngẫm nghĩ. Ông tự nhận là phu chữ, có nghĩa là vất vả lắm mới làm nên các con chữ ấy. Có lần ông tâm sự: “Tôi cũng biết đến những ý kiến chỉ trích rằng Lê Đạt là người làm khổ chữ. Tôi làm khổ chữ hay chữ làm khổ tôi? Việc đó còn hạ hồi phân giải. Thì tôi đã tự nhận là phu chữ kia mà”.  Tôi tự nghĩ mình không thưởng thức được thì phí quá. Nghĩ vậy mà cố đọc, cố hiểu. Có lần ông tự nhận xét:  “Đời người thơ hạnh phúc có lẽ là lần tìm những lời tinh mơ nhất để tỏ tình. Ngỏ lời bằng những ngó lời”

         Tôi rất thích một số vần thơ của ông. Chẳng hạn như: Không ai chọn đất mình sinh đẻ /Như không ai chọn mẹ chọn cha/Tôi trở về nơi tôi tuổi nhỏ
Một tỉnh thượng du bụi đỏ /Bến Âu Lâu sông Hồng/Nhận ra tôi/chỉ gốc cây gạo cụt/Tạm ứng nửa trời hoa trước đón nhau/ Một em gái nhìn tôi bỡ ngỡ
Ngày nào anh còn mua kẹo em ăn / Dung dăng dắt tay em ngoài phố/ Mới hơn mười năm trời / Em xa lạ gọi tôi bằng bác/ Vầng trán lạnh dăm nếp đau ngơ ngác / Hỏi thầm đôi sợi tóc vô tình/ sớm bạc vì đâu/ Có đủ giải sông Ngân / Cắt chúng ta bờ hai thế hệ/ Em bỗng cười như nắc nẻ/ “Em nhận ra anh rồi/ Sao anh mau… trẻ thế”./Và thoăn thoắt xuân vút cao đà nắng/ Em giơ tay rất quân sự chào tôi / Ai đánh rớt những cánh hôn hồng cỏ dại/ Hoa mười giờ / môi con gái chín cây/ Em dắt tay tôi đi chơi/ Giữa vườn sao nở sáng/ Như tuổi em chưa mười tám/ Như ngày nào dĩ vãng/ Sống lại dần từng phút quê xưa / Có phải em nhận ra tôi/ tôi nhận ra thơ nhỏ/ Thuở xanh hai
mình lại ra đời .

 

Hay như bài: Chia xa rồi anh mới thấy em / Như một thời thơ thiếu nhỏ / Em về trắng đầy cong khung nhớ/ Mưa mấy mùa mây mấy độ thu/ Vườn thức một mùi hoa đi vắng/ Em vẫn đây mà em ở đâu /Chiều Âu Lâu bóng chữ động chân cầu.

Ông lý giải về thơ hay như sau: Làm cách nào có thơ hay? / Hỏi vậy khác gì hỏi làm cách nào / gặp tiên tại phường Bích Câu? / Mọi câu thơ hay đều kỳ ngộ./ Hẳn phải siêng năng, có lòng thành  và nhất là biết chờ /người đẹp vỏ chữ bước ra/giờ các con phe đi ngủ

Ông từng trả lời phỏng vấn rằng: “Thơ hay là đọc xong phải có được sự thay đổi trong tâm hồn mình. Thơ hay giống như đi qua đò, có gió, có sóng và sang được bờ bên kia. Thơ không hay thì chỉ đứng bờ bên này thôi. Nhưng cũng phải có thời gian lắng đọng. Một câu, một bài thơ hay bao giờ cũng chống lại thời gian. Thơ hay có đạo đức cao vì nó tạo ra một thói quen đạo đức mới. Ở thơ hay, đạo đức, nhân văn, mỹ học là một.”

Khi có người hỏi: Vậy chữ làm khổ Lê Đạt hay Lê Đạt làm khổ chữ?

Ông đã trả lời:” Có lẽ...cả hai. Mình cũng làm khổ nó thật, mình cứ thắc mắc về nó, lật đi lật lại nó.  Nhưng trước khi làm khổ nó thì mình phải làm khổ mình. Chắc là chữ nó cũng tha thứ cho mình, vì mình cũng có sung sướng gì đâu”


          
Tôi cũng rất thích những bài thơ hai câu của ông.

Chẳng hạn như : Hoa váy xoè lưng ngựa /Rừng hồi bổi hổi hội kèn môi (Rẻo cao); Em ô một lạnh mình anh lãnh đủ /Ngoại dù vùng mưa nhỏ hoá mưa to (Lãnh đủ)…

Đặc biệt tôi rất thích các đoản ngữ in trong tập U 75 từ tình. Chẳng hạn như các câu: Người quân tử dùng mắt để nhìn/Kẻ tiểu nhân dùng mắt để nhòm (Khác biệt), Kẻ thù của bình đẳng là chủ nghĩa bình quân (Kẻ thù), Điểm tham quan nóng nhất của lịch sử là Suối Giải Oan (Tham quan), Chữ không cấp sổ đỏ cho bất cứ nhà văn nào (Sổ đỏ), Nhiệm vụ của thơ không phải sản xuất ra chân lý, mà những chất cường cảm, những viagra phục tráng khả năng chân lý (Nhiệm vụ của thơ), Trong mọi động tác chân, kỵ nhất là động tác  dậm chân tại chỗ, vì nó động mà không đậy (Dậm chân), Voltaire là một kẻ ki bo về tiền nong nhưng hào phóng về trí tuệ. Ông đã hiến toàn bộ gia tài và tư tưởng đồ sộ của mình cho quỹ chữ thập đỏ chống cường quyền, Nerval là một nhà thơ điên. Trong bóng tối của sự vô thức ông tự treo cổ lên cột đèn. Đó là di chúc ánh sáng cuối cùng của nhà thơ (Hai nhà thơ), Không có con hoang chỉ có những người bố khai hoang trái phép. Ngôn ngữ bình đẳng giới gọi họ là lâm tặc (Bình đẳng giới), Họa sĩ X. chủ tiệm tranh Tương lai là một doanh nhân thành đạt và một nghệ sĩ phá sản (Tiệm tranh), Chân lý phát từ miệng người nào ra mang hơi thở của người đó. Các nhà tư tưởng phải cẩn thận lắm trong việc vệ sinh răng miệng mới được (Xỉa răng), Một trong những lầm lẫn lớn của loài người là quá hi sinh dạy dỗ người khác đến mức quên tự dạy dỗ bản thân (Dạy dỗ) v.v..

Vậy là thôi rồi, chúng ta mất đi một người phu chữ chân thực, tài giỏi, hào hoa và đầy sáng tạo. Nhưng công sức lao động của ông sẽ còn sống mãi với đời. Tuy là một người ngoại đạo văn chương nhưng tôi cũng xin thành kính cầu chúc cho ông được yên nghỉ chốn vĩnh hằng.

 

Bài đã đăng trên Kiến thức ngày nay , sô 638,1/5/2008

 

Đọc thêm

Nhà thơ Lê Đạt: Giải thưởng này là một cử chỉ đẹp

(VietNamNet) - Tôi nghĩ chuyện giải thưởng này như một câu của ông Đỗ Chu ( thành viên của Hội đồng Giải thưởng chuyên ngành Văn học) đã phát biểu: “Có thể cho đây là lời xin lỗi của anh em đối với các anh”. Giải thưởng này là cử chỉ đẹp, cho dù là muộn, nhưng muộn còn hơn không.

 

Ông không biết mình được giải thưởng Nhà nước với tập thơ: “Bóng chữ; Ngó lời” và tập truyện “Hèn đại nhân”? 

- Tôi không hề hay biết cho đến khi có cuộc phỏng vấn nóng này.

Giải thưởng là một vinh dự cho bất kỳ nghệ sĩ nào…

- Tôi thấy đường thông hè thoáng, bảo đảm an toàn giao thông cho lương tâm của xã hội, người ta phải thanh toán giải quyết những tồn đọng của xã hội và những tồn đọng của lịch sử. Và khi nào hiện tại vững mạnh trưởng thành, người ta mới đủ bình tâm giải quyết những tồn đọng mà có thể gọi đó là những bệnh ấu trĩ của một thời.

Việc đối xử với một số anh em chúng tôi như vừa rồi là tin đầu xuân tốt đẹp. Tôi biết sẽ có nhiều ý kiến xung quanh việc này, đấy là lẽ bình thường. Tôi nghĩ chuyện giải thưởng này như một câu của ông Đỗ Chu (Một thành viên của Hội đồng Giải thưởng chuyên ngành Văn học) đã phát biểu là: “Có thể cho đây là lời xin lỗi của anh em đối với các anh”. Còn nói xứng đáng cũng chẳng biết thế nào là xứng đáng. Nhưng đây là cử chỉ đẹp, cho dù là muộn, nhưng muộn còn hơn không.

Khi biết tin này, ông cảm thấy sao?

- Tôi thấy việc trao giải này là phải. Và đáng ra phải làm từ lâu rồi.

Một nghệ sĩ đích thực có nhất thiết lấy giải thưởng làm đích đến?

- Một nghệ sĩ thật sự bao giờ cũng nói theo lương tâm của mình, không nói theo tiếng của người khác. Nghệ sĩ cần nhất là làm gì cũng phải có lương tâm.

Ông thấy những sáng tác của mình và các bạn ông như Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm....thật sự có giá trị?

 - Những sáng tác của tôi có giá trị trong nền Văn học Việt Nam. Các tác phẩm của bạn bè tôi trong Nhân Văn Giai Phẩm có giá trị khác nhau nhưng đều xứng đáng với giải thưởng. 

Những nhà văn nổi tiếng, những tác phẩm nổi tiếng cùng thời với ông giờ đâu hết rồi? 

- Cái này thì phải đến ...nghĩa địa mà hỏi!

 

Nhà thơ Lê Đạt
Nhà thơ Lê Đạt
Ông và ông Hoàng Cầm có gọi điện cho nhau sau khi biết tin được Giải thưởng Nhà nước về chuyên ngành Văn học? 

- Không. Chúng tôi biết thế thôi, đâu cần phải gọi điện? Chúng tôi già rồi, không còn trẻ để háo hức gọi điện mừng mừng tủi tủi nữa. 

Giả sử, bây giờ cả 4 nhà thơ cùng một chiếu văn đàn với ông còn ngồi được với nhau thì sao nhỉ?

 - Thì sẽ là một cuộc rượu chứ sao.

 Ông thường lẳng lặng theo dõi lớp viết trẻ, ông thấy họ đã có tiếng nói riêng chưa?

 - Người sáng tác tìm được cái độc đáo rất khó. Các nhà văn trẻ ngày nay thường nói tiếng nói dài, vì nói theo thời trước. Khi người sáng tác nói được tiếng nói của mình, anh ta mới được gọi là trưởng thành, hay tạm gọi là “ra ở riêng”. Bây giờ, tôi thấy có nhiều nhà văn nhà thơ vẫn “ăn nhờ ở đậu” bố mẹ.

 Vậy theo ông có những ai đã “ra ở riêng”?

 - Tôi không trả lời câu hỏi này.

 Vì sao?

- Gần đây nhất tôi có xem chương trình “Thơ, Trình diễn và trò chuyện” tôi thấy họ cũng tương đối thôi. Có nhiều nhà văn, nhà thơ mải lo xuất hiện trước công chúng mà không chịu đi sâu vào sáng tác. Tôi thấy có nhiều cách xuất hiện, nên học cách xuất hiện ngay cả khi vắng mặt mình.

 Ông thấy văn chương ngày nay đuợc tôn vinh hơn trước không?

- Thời nào việc sáng tác thật cũng...khó. Thời nay, văn chương có thoáng hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn, lượng sách ra thì nhiều mà lại nhạt quá! 

Xin cảm ơn ông và chúc ông có được niềm vui thực sự trong cuộc sống.

  • Từ Nữ Triệu Vương (Thực hiện) 11:50' 22/02/2007 (GMT+7)

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Lân Dũng