Đã có những ngày với Võ Hồng

Vietsciences-Nguyễn Thụy Kha               16/11/2013

 

25/04/2013

 

Tin nhà văn Võ Hồng tạ thế vào chiều ngày cuối cùng tháng ba, thọ 93 tuổi, khiến lòng tôi chùng xuống. Tôi không phải là một trong số đông đảo học trò của ông nhưng lại có duyên ngộ được làm phim tài liệu chân dung về ông.

Ngay sau ngày thống nhất, tôi và bạn bè rất ham đọc và tìm hiểu các tác giả miền Nam thời chiến tranh. Có một gương mặt khiến tôi rất chú ý, được xem như một tác giả đại diện cho dòng văn học trong lành, thấm đượm tinh thần nhân văn và tình cảm yêu nước. Đó chính là nhà văn Võ Hồng. Tạp chí “Văn” của Sài Gòn đã từng có một số đặc biệt về ông ấn hành năm 1974.

Ở đấy, sau bài phỏng vấn ông là hàng loạt những bài của Tuệ Sĩ, Cao Huy Khanh, Phạm Công Thiện, Trần Thiện Đạo, Cao Thế Dung, Mang Viên Long, Trần Hữu Cư, Châu Hải Kỳ với một niềm trân trọng. Nhờ đọc tạp chí này mà tôi tìm đọc các tác phẩm của ông. Năm 1996, nhà văn Cao Duy Thảo nói với tôi nên vào Nha Trang làm phim về Võ Hồng, vì ông là một gương mặt văn chương đáng kể và tuổi đã cao. Nghe vậy, tôi và nhà quay phim Đăng Minh lên đường vào Nha Trang, sau khi quay xong tài liệu về nhà thơ Tế Hanh ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi, về nhà thơ Yến Lan ở Bình Định.

Cao Duy Thảo đưa chúng tôi tới căn gác 51 Hồng Bàng vào chiều 29.4.1996. Lần đầu tiên tôi gặp Võ Hồng. Ông đã sống đơn chiếc như thế vài thập kỷ. Cạnh buồng ông là căn buồng có bàn thờ người vợ. Nhìn ảnh, biết rằng bà rất đẹp. Bà vừa là giáo viên tiếng Anh, Pháp rất giỏi, vừa là một tay dương cầm cừ khôi. Mỗi giờ dạy đàn của bà, người ta trả đến cả chỉ vàng. Võ Hồng đã ở vậy đằng đẵng cô độc bao năm nuôi con. Đến khi các con trưởng thành, vẫn cô độc như vậy cho tới chiều nhắm mắt xuôi tay vừa qua. Bà là nhân vật Quỳ trong chuyện dài “Hoa bươm bướm” (Lá Bối - 1966).

Nghe nhiều người nói Võ Hồng rất kỹ tính. Ông giao tiếp hẹp, dè dặt. Dường như bấy nhiêu năm ở vậy, ông đã đủ thời gian để ngẫm đời trên một chiếc ghế mây khung sắt như một người bạn im lặng nâng đỡ ông những hoàng hôn mềm yếu. Chiếc ghế thân thiết đến nỗi trong bài thơ “Di ngôn” viết năm 1989, ông đã viết về người bạn ấy như sau: “Cho đến một ngày kia … tôi sẽ nhẹ nhàng giã từ/ Hạnh phúc yêu thương … Băng giá mây mù …/ Nhưng trên sân, chiếc ghế cô đơn uy nghi còn đó/ Tiếp tục ngồi chờ, lặng lẽ chờ cho mãi đến thiên thu”.

 

Ngoài chiếc ghế, bên cạnh ông là một chú chó nhỏ. Ngồi với nhau một chút, như một thói quen, ông đọc to một câu của tổng thống Pháp F.Mitterrand đại ý là: “Những người cánh tả thì nói tôi có cái mù quáng của những người cánh hữu. Còn những người cánh hữu thì nói tôi có cái yếu đuối của những người cánh tả”. Dường như câu nói chính là lời phát ngôn về thân phận của ông.

Võ Hồng sinh năm 1921 ở Tuy An, Phú Yên - một miền văn hóa còn khép kín nhiều bí ẩn và huyền thoại. Đó cũng là quê hương của nhạc sĩ Nhật Lai và nhà thơ Nguyễn Mỹ của “Cuộc chia ly màu đỏ”. Sau khi học Collège ở Quy Nhơn, năm 1940, Võ Hồng ra học tú tài ở Hà Nội đến năm 1943. Những năm tú tài ấy đã đọng lại trong Võ Hồng một mối tình đầu với bà Bảo Loan, cũng đã được Võ Hồng ghi lại trong cuốn “Hoài cố nhân” (Ban Mai - 1959).

Thời chính phủ Trần Trọng Kim ông làm bí thư tòa tổng đốc bốn tỉnh cực Nam Trung Bộ (Lâm Viên, Đồng Nai Thượng, Bình Thuận, Ninh Thuận) đóng tại Đà Lạt. Cách mạng tháng Tám thành công, rồi kháng chiến chống Pháp, vợ chồng ông vừa là giáo viên trường Lương Văn Chánh ở vùng tự do Phú Yên, ông còn từng là hiệu trưởng trường này. Trường đã đào tạo ra một đội ngũ trí thức trẻ. Sau năm 1954, Võ Hồng tiếp tục dạy học ở Nha Trang tại các trường trung học Lê Quý Đôn, Bồ Đề. Và viết văn.

Cho đến nay, Võ Hồng đã có ngót 50 đầu sách đủ các thể loại truyện ngắn, truyện dài, truyện thiếu nhi, thơ. Năm 2003, ông đã xuất bản tuyển tập Võ Hồng. Theo đuổi dòng chảy của văn chương trong lành cũng là một bản lĩnh giữa thực tế xô bồ phức tạp của cục diện miền Nam trước 1975. Bởi vậy, sau giải phóng, Võ Hồng là nhà văn miền Nam trước 1975 trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam rất sớm.
Hồi ấy, sau chiều sơ ngộ, ông mời chúng tôi tới ăn bữa cơm trưa đạm bạc mừng 21 năm (1975-1996) ngày giải phóng miền Nam.

Ông vừa nghèo, vừa không coi trọng việc ăn uống. Ông cứ ước gì nếu không phải ăn mà vẫn sống để có thể nằm ngả lưng kê tấm gỗ lên đùi, viết ra những dòng văn miêu tả thật đẹp miền quê Phú Yên ruột rà của mình. Tôi thì bày tỏ với ông một sự tình cờ là từ khi tôi ra khỏi quân đội, đây là số nhà 51 thứ tư mà tôi tới làm việc và có cảm giác thân thuộc (sau số 51 Trần Hưng Đạo - Hội Nhạc sĩ Việt Nam, số 51 Ngô Quyền - Bộ Văn hóa - Thể thao Du lịch và số 51 Hàng Bồ - Tòa soạn báo Lao Động). Ông trố mắt sau cặp kính, hồn nhiên như trẻ thơ khi thấy sự trùng lặp ngẫu nhiên này. Câu chuyện cuốn đi trong những nhận định văn chương giữa tôi và ông. Thực ra, Võ Hồng đã có truyện ngắn “Mùa gặt” in trên Tiểu thuyết thứ bảy từ 1939 với bút danh Ngân Sơn (tên làng ông) và thơ in trên Tiểu thuyết thứ năm từ cuối 1938. Nói rồi ông đọc vang bài thơ ấy, có tên là “Vàng”:

Ai về xóm cửi năm năm trước/ Đều thấy em ngồi dệt đoạn tơ/ Quanh em vàng rụa trời gieo xuống/ Vàng ở trong mùa xuân lắm thơ/ Tơ em vàng quá cho nên những/ Vàng ở màu Ngâu nhạt mất rồi/ Ánh vàng bạch lạp vàng hơn nữa.

Xuyên tận hồn em mộng sáng ngời/ Ngày mai bắt được giấy thu vàng/ Anh bảo khi đò sang sẽ sang/ Em cắt tơ vàng đêm phất quạt/ Vì ngày đò đến, đến mùa xoan/ Mãi nay đò đến cành xuân rạng/ Đã mấy lần hoa rụng lỡ làng/ Quạt chàng xin cất, nay đem tặng/ Nhưng mấy đường tơ đã kém vàng.

Tôi thầm reo lên: “Thật tinh tế, thơ này là tạng thơ Nguyễn Bính đây”. Ông cười: “Làm sao sánh với nhà thơ đồng quê ấy được”. Tôi hỏi: “Mùa xoan - là mùa gì hở cụ?” Ông trả lời: “Nhờ mấy năm chuẩn bị ra học ở Hà Nội nghiên cứu mà biết đến có hát Xoan, Ghẹo ở đất tổ Hùng Vương. Hình ảnh đò sang là hình ảnh nam nữ tìm nhau hát xoan trong mùa xuân đấy”. Tôi lại lật cánh: “Cũng có gì rất “Gái quê” của Hàn Mặc Tử”. Ông mỉm cười: “Thì cũng học Collège Quy Nhơn mà. Nhưng không phải là giống, mà là ảnh hưởng”. Ông lại đọc bài “Bến lòng” in trên Tiểu thuyết thứ năm số ra ngày 24.4.1939.

Đừng bảo hoa cười với gió đông/ Ấy là hoa nhạo khách sang sông/ Đường xa đò vắng lau xơ xác/ Trong gió đùa sương giải lạnh lùng/ Em mơ tiếng khách bên sông gọi/ Một khách qua ngang lỡ chuyến đò/ Trong lúc lòng em khô héo đợi/ Âm thầm nao chảy nước nguồn thơ.

Những ngày sau đó, ông cùng chúng tôi lang bang ở Nha Trang. Khi thì là trường Bồ Đề, nơi ông từng giảng dạy khá lâu. Khi thì là hoàng hôn nhà thờ nửa tối nửa sáng. Dù khi ấy, đã ở tuổi 75 nhọc mệt, ông vẫn cùng chúng tôi lên trên đỉnh núi cao nhất đứng bên tượng Phật ngắm toàn thành phố. Và sau đó, đi theo lối mòn xuống Phật Học Viên. Ở đấy, nhiều hòa thượng vốn là học trò của ông đã ngạc nhiên mừng rỡ khi thấy thầy Võ Hồng xuất hiện. Họ còn ngạc nhiên hơn khi thấy Võ Hồng chỉ vào tôi giới thiệu là tác giả cuốn “Hàn Mặc Tử thi sĩ đồng trinh”.

Hóa ra các hòa thượng đã đọc cuốn này từ mấy năm nay. Thấy vậy, họ mang sách ra đề nghị tôi và thầy cùng ký vào để ghi nhớ một nhân duyên. Rồi ở bãi biển đường Trần Phú, ông lại có một bình minh đá bóng với trẻ con. Ở Nha Trang, từ đứa trẻ bán cà-rem cho đến các bậc trí thức tóc đã điểm bạc đều gọi ông là “Thầy Võ Hồng”. Không biết trong số họ những ai đã từng học ông, những ai quý trọng ông mà gọi bằng thầy.

Đi bên ông, nghe ông trò chuyện, đọc thơ mới hiểu vì sao ông có một văn phong giản dị, một hòa điệu lãng mạn giữa lời kể và lời tả chân thực của sắc màu, của tính cách, của nội tâm. Đi bên ông mới thấy thật thiếu lỗi bởi đất nước đã hơn 20 năm thống nhất, mà ở phía Bắc còn ít người biết đến một tên tuổi như ông, ít biết đến còn hơn cả Sơn Nam ở Sài Gòn. Cũng may lần này, Hội Nhà văn Việt Nam đã kịp cử chúng tôi đi làm phim về ông.

Tôi vẫn cảm thấy đang lang bang cùng ông ở Phú Yên quê hương ông, mặc dù ông yếu không cùng đi được về Tuy An. Ở đấy, chúng tôi tìm đến ngôi trường làng ông học thời ấu thơ, đứng bên cầu Ngân Sơn, vô chùa Châu Lâm và ngơ ngác trước nhà thờ Mằng Lăng. Rồi lại cuốn theo văn xuôi ông trên phố xá thị trấn Sông Cầu.

Ra Hà Nội, ông vẫn thường xuyên viết thư cho tôi. Tôi thì gấp rút dựng phim về ông cho kịp lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường Lương Văn Chánh thân yêu của đời thầy giáo Võ Hồng. Ngoài những tập văn xuôi, ông còn gửi ra cho tôi tập thơ “Thời gian mây bay”. Tất cả những tư liệu đó và tình cảm của ông đã khiến cho tôi có thể làm được phim tài liệu chân dung ông mang đầy cảm xúc. Phim được hoàn thành và phát trên kênh truyền hình Phú Yên vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường Lương Văn Chánh. Từ Phú Yên, tôi lại mang phim vào Nha Trang cho ông xem qua đầu video và màn hình. Xem phim, ông lặng lẽ nắm chặt tay tôi. Hình như khóe mắt ông rớm ướt. Sau đó phim được phát trên VTV1, tôi thông báo cho ông cùng xem. Ông có vẻ rất vui vì xóa bớt đi mặc cảm bị lãng quên.

Mùa thu 1998, tôi ghé Nha Trang thăm ông, thấy ông có hơi yếu hơn một chút, nhưng vẫn minh mẫn. Ông đưa cho tôi hai bài thơ tứ tuyệt được triển khai từ một ý nhưng từ ngữ lại khác nhau. Bài đầu có tên “Cũng là hiện thực”: Non châu nước ngọc trải qua rồi/ Chỉ góc tâm hồn của bạn thôi/ Giá được giấc mơ thành hiện thực/ Non Bồng nước Nhược cũng chơi vơi.

Còn bài thứ hai tên là “Không khác”: Năm châu chín quận trải qua rồi/ Còn xứ tâm hồn của bạn thôi/ Một buổi chiêm bao ta đã thấy/ Đau thương phiền muộn khác chi ngoài.

Tôi nói với ông rằng thích bài thứ hai hơn vì nó thơ hơn. Ông gật gù đồng ý với tôi chính kiến ấy. Đến cuối năm sau khi phim “Thầy Võ Hồng phát trên VTV1, tôi có dịp vào Sài Gòn gặp anh Toàn làm xe lăn cho người khuyết tật. Anh là người Tuy An - Phú Yên và cũng là học trò của Võ Hồng. Anh tỏ ra rất thích phim về thầy mình và tặng tôi một bức ký họa Võ Hồng không rõ là anh vẽ hay bạn anh vẽ. Tôi thấy đẹp nên giữ trân trọng cho tới hôm nay.

Viết lại ít ngày bên ông, gần gũi ông là để thêm lần nhắc đến một nhà văn rất giản dị, khiêm nhường. Khiêm nhường trong cả bài thơ “Di ngôn”.

Sau khi tôi chết/ Xin giữ y nguyên dùm mọi dấu vết/ Của những ngày u buồn nặng trĩu hồn tôi/ Đây cây bút màu đen sớm tối không rời/ Đây cuốn vở cất đầy những mảnh lòng hiu hắt/ …/ Nơi sân thượng xin để nguyên chiếc ghế/ Kê sát lan can hướng xuống mặt đường/ Nơi những đêm dài trong tối đầy sương / Tôi ngồi lặng mắt trong chờ đợi/ Đợi một người đi không hẹn trở lại.

Và đến chiều 31.3.2013, ông lại chính là “người đi không hẹn trở lại” ấy, để lại bao thương tiếc cho độc giả và học trò.

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences2.free.fr    N