Vietsciences-        01/11/2013

 

Tạp chí KIẾN THỨC NGÀY NAY

Số  816 - Ngày 10.4.2013

 

VÕ HỒNG - NHÀ GIÁO & NHÀ VĂN

CỦA LÒNG NHÂN ÁI

TRẦN HỮU TÁ

 

Còn nhớ, cách đây khá lâu, có dịp ra Nha Trang thăm Võ Hồng, ông đã đưa tôi đến thăm Long Sơn tự - một thắng cảnh của “xứ trầm hương”. Vị hòa thượng trụ trì ở đó, tuổi cũng đã cao, thân hành ra tiếp với lời lẽ, thái độ hết sức kính trọng. Sau này hỏi ra mới biết, hòa thượng vốn là học trò Trường Lương Văn Chánh trong những năm kháng chiến chống Pháp. Thời đó, Võ Hồng vừa là hiệu trưởng trường này - ngôi trường trung học nổi tiếng của tỉnh Phú Yên - vừa trực tiếp lên lớp các môn Văn, Sử.

Dưới sự lãnh đạo của ông, trường đã vượt qua những gian khổ, khó khqa8n của thời chiến tranh và trở thành trung tâm đào tạo đội ngũ trí thức trẻ cho Cách mạng, không chỉ khoanh lại trong phạm vi Phú Yên, mà rộng ra cho cả mấy tỉnh miền Nam Trung Bộ. Sau năm 1954, Võ Hồng tiếp tục dạy học ở Nha Trang (các trường trung học Lê Quý Đôn, Bồ Đề).

Lại có một dịp khác ghé thăm ông - căn lầu nhỏ số 51 đường Hồng Bàng khá tĩnh lặng, ông vui vẻ bắt tay “Toa (tiếng Pháp: “toa” - anh, cậu, mày ... cách xưng hô thân mật giữa các bạn bè) mới ra Nha Trang đấy ư ? Ngồi chơi, xem sách, chờ moa (tiếng Pháp: “moi” - tôi, mình, tớ...) một chút”.

Tôi không xem sách, mà xem ông dạy học. “Môn đệ” chỉ có một, chừng 9, 10 tuổi, rõ ra con nhà nghèo. Thầy Võ Hồng đang dạy cháu ghép vần. Thầy dạy tận tâm, trò học chăm chỉ. Thầy trò nhỏ nhẹ ân cần với nhau như ông với cháu. Buổi học qua đi một cách êm đềm, vui vẻ.

Võ Hồng là thế. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với bảng đen phấn trắng, đến lúc nghỉ hưu, thậm chí khi bước qua ngưỡng tuổi “xưa nay rất hiếm”, ông vẫn chí tình giúp cho bà con nghèo thoát cảnh mông muội. Ông nói vui với tôi: “ Toa biết ra đường moi ngại nhất chuyện gì không? ”. Thấy tôi lúng túng, ông cười: ” Sợ bà con chào nhiều quá. Mắc cỡ lắm! ”. Không nói quá lời, ông rất xứng đáng được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Chỉ tiếc rằng quyết định hợp đạo lý, thuận nhân tình này đã không trở thành hiện thực.

Mấy năm nay sức khỏe của ông suy giảm nhiều, đầu óc không phải lúc nào cũng tỉnh táo, cho nên tiếp khách - dù là khách văn chương, vẫn là một việc làm quá sức, thành thử dù có ra Nha Trang, tôi cũng ngại làm phiền ông. Chính vì thế, những chuyến đi không trò chuyện được với Võ Hồng vẫn cứ đem lại cho tôi một cảm giác thiếu hụt. Bởi lẽ đơn giản, đến với ông, và trước năm 1992 đến thăm nhà thơ Quách Tấn, như đến với một đại diện có thẩm quyền vế mặt văn hóa, tinh thần của thành phố biển Nha Trang, giúp mình hiểu thêm, yêu thêm vùng đất ấy. Cảm giác thiếu hụt ấy cũng đến với tôi khi ra Huế nếu không gặp được Hoàng Phủ Ngọc Tường, vào Đà Nẵng không gặp được Nguyễn Văn Xuân, về Bến Tre không thăm được Trang Thế Hy ... Võ Hồng xứng đáng được tôn trọng, quý mến không chỉ vì ông là người thầy chân chính như nói ở trên, mà còn vì công sức lao động cần cù và thành tựu sáng tạo xuất sắc trong sưốt 60 năm cuối thế kỷ XX trên lĩnh vực văn chương. Ngay lúc còn là học sinh Trường Trung hoc Qui Nhơn (1939), Võ Hồng đã có tác phẩm đầu tay - truyện ngắn Mùa gặt đăng trên tuần báo Tiểu thuyết Thứ Bảy ở Hà Nội. Bút danh Ngân Sơn (tên quê hương Võ Hồng: làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) ghi dưới tác phẩm này, cũng như bút danh Võ An Thạch ít được tác giả dùng tới; hầu hết các tác phẩm của ông đều được ghi tên khai sinh: Võ Hồng.

Võ Hồng viết khá nhiều tiểu thuyết: Hoa bươm bướm, Gió cuốn, Như cánh chim bay, Thiên đường ở trên cao ..v..v.. Mỗi cuốn có những nét duyên riêng, nhưng gây ấn tượng nhiều hơn là cả hai cuốn tiểu thuyết liên hoàn: Hoa bươm bướmNhư cánh chim bay - những tác phẩm tìm cảm hứng từ cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp.

Qua Hoa bươm bướm Như cánh chim bay, ông tái hiện một cách trung thực hình ảnh cuộc kháng chiến gian khổ nhưng anh dũng này. Qua các trang văn của Võ Hồng, người đọc thấy được những khó khăn, tổn thất, những lúng túng vụng dại của quân dân ta ở Đà Lạt, cũng như ở Liên khu Năm, trong những ngày đầu đối phó với quân thù. Tác giả không ngần ngại xây dựng những bộ mặt đớn hèn, ti tiệ, phản dân hại nước lọt vào hàng ngũ kháng chiến của những tên cơ hội như Huỳnh Bộ, Trần Chắc. Điều quan trọng hơn, ông đã ghi nhận một cách khách quan con đường đến với cách mạng, gắn bó với cuộc kháng chiến của nhiều đối tượng khác nhau: say mê hồ hởi như lão Tâm - tiêu biểu cho lớp người bần cùng “dưới đáy”; chín chắn, sâu sắc, đầy ý thức như Luân, Quì - những trí thức trẻ, những người được tác giả gửi gắm một phần cuộc sống và tâm hồn, tình cảm của mình cũng như người bạn đời đã quá cố vào đây. Ông dành cho họ tình cảm mến yêu, quý trọng. Ông đã trả lại cho cuộc kháng chiến giá trị đích thực của nó: tính chính nghĩa cao cả, tính nhân đạo sâu sắc. Cần nói thêm, văn phong tiểu thuyết của ông có cái duyên riêng, khó lẫn: trong sáng và trau chuốt, mạch truyện diễn tiến không gấp gáp, mạnh mẽ. Tất cả đều khoan thai, từ tốn, như câu chuyện tâm sự nhỏ nhẹ giữa những người thân thiết. Giọng kể này không gây ấn tượng mạnh nhưng có khả năng đọng lại bền lâu. Gíá trị của Hoa bươm bướm, Như cánh chim bay một phần ở cốt truyện, chủ đề, số phận nhân vật và còn ở cả tấm lòng của nhà văn đối với một chặn đường đấu tranh cam go của dân tộc. Các cuốn tiểu thuyết khác của Võ Hồng chưa có được sức hấp dẫn  như hai tác phẩm kể trên. Và xét trên tổng thể, giữa hai thể loại văn xuôi - tiểu thuyết và truyện ngắn - thì thể loại sau mới là lĩnh vực sở trường hơn cả của ông.

Ngay khi đất nước chưa liền một dải, chúng tôi may mắn đã lần lượt được đọc gần hết các tập truyện ngắn của cây bút tài hoa này: Hoài cố nhân (1959), Lá vẫn xanh (1962), Vết hằn năm tháng ((1965), Con suối mùa xuân (1966), Khoảng mát (1966), Bên kia đường (1968), Những giọt đắng (1969), Nhánh rong phiêu bạt (1970), Trầm mặc cây rừng (1971) v.v... Hồi ấy, nhiều lúc chúng tôi đọc các tác phẩm nói trên giữa tiếng còi báo động máy bay Mỹ xâm nhập vùng trời Thủ đô, làm đứt đoạn mọi sinh hoạt đời thường.

Phải sau ngày đất nước thống nhất, tôi mới có dịp đến thành phố biển Nha Trang gặp ông, nhưng ngay trong thời gian lịch sử khắc nghiệt của những năm chống Mỹ, tôi đã yêu truyện ngắn  ủa Võ Hồng cũng như yêu văn Vũ Bằng, Sơn Nam, Nguyễn Văn Xuân, Vũ Hạnh và của nhiều cây bút trẻ, yêu nước nồng nhiệt, thực sự có tài, xuất hiện đông đảo từ 1965 đến 197 trong các thành thị miền Nam.

Ngẫm ra, gia tài văn chương Việt Nam hiện đại, dù bất cứ thể loại nào, ở miền Bắc, ở vùng giải phóng hay ở các thành thị miền Nam trong 21 năm đất nước cắt chia, giờ đây trải qua cuộc sàng lọc khắc nghiệt nhưng tất yếu của thời gian, không ít trang văn đã bị chìm trong quên lãng. Và những gì còn đọng lại trong lòng người đọc hôm nay thực sự có giá trị đáng nể. Vườn hoa văn chương đó muôn màu muôn vẻ, riêng khu vực truyện ngắn đã rất đa dạng, có khóm rực rỡ, có cây lộng lẫy, có cành kiêu sa. Riêng Võ Hồng, có cảm giác như ông lặng lẽ vun trồng, tưới tắm trong một góc vườn cho một gốc ngọc lan, ở đó những đóa hoa nhỏ xinh, trắng nuốt không phô trương, ít gây ấn tượng mạnh, thường khiêm tốn lẩn vào những nhành lá xanh rươi. Và cứ tối tối, cũng như lúc ban mai, hương hoa thanh khiết của nó lại lan tỏa, đem đến cho người đọc sự thanh thản, thư thái rất cần cho cuộc sống đang ầm ào chuyển động hết công suất của một xã hội văn minh công nghiệp.

Một cách tự nhiên, Võ Hồng đã mê mải lãng du trên dòng sông trữ tình của những nghệ sĩ cùng thế hệ, nhưng đi trước ông mươi năm trong lĩnh vực văn chương: Xuân Diệu (Phấn thông vàng), Thạch Lam (Gió đầu mùa), Hồ Dzếnh (Chân trời cũ), Thanh Tịnh (Quê mẹ) ...

Kể cũng lạ, nhân vật người kể chuyện ở đây có khi ở ngôi thứ ba có vẻ khách quan, bình thản, nhưng thường là ngôi thứ nhất dung dị và sâu sắc. Nhân vật “tôi” ấy có thể là một chủ gia đình nho nhỏ, nghèo tiền nhưng rất giàu tình thương mến; cũng có thể là một người đàn ông sống cảnh gà trống nuôi con; có khi lại là một cô gái nhỏ kể về cuộc sống có vẻ đơn giản nhưng đầy ắp những kỷ niệm ấm lòng về người mẹ đã khuất, người cha hiền từ, người anh năng động, người chị dễ thương và đôi lúc cũng dễ ghét.

Ai đã được biết Võ Hồng hẳn đều giật mình, hóa ta tác phẩm nào của ông cũng ít nhiều mang tính tự truyện, cũng chứa đựng một mảnh tâm sự riêng, một chút kỷ niệm riêng sâu sắc, ngọt ngào nhưng không ít lúc cay đắng của tác giả. Chuyện về người bác tình nghĩa hết lòng vì con cháu (Người về đầu non), về những người bạn thuở thiếu thời (Hoài cố nhân, Ngày xưa), về một vài thiếu nữ dịu dàng, đằm thắm đã lướt qua đời mình thời thanh niên (Hà Vi, Rồi trái cây sẽ chín). Có hẳn một mảng truyện ông viết về  cái gia đình nhỏ bé lẽ ra rất hạnh phúc của mình, người vợ hiền hậu, đảm đang một cách lặng lẽ nhưng rồi đột ngột từ trần; những đứa con ngoan, biết yêu thương nhau và kính yêu cha mẹ nhưng rời cũng lần lượt trưởng thành, rời xa tổ ấm, khẳng định tương lai ở những phương trời xa (Một ngày cho mẹ, Từ giã tuổi thơ v.v...).

Những nhân vật ấy, những câu chuyện ấy cũng có khi được đặt, trong thì hiện tại, trong khung cảnh Sài Gòn, Nha Trang có ánh hỏa châu chập chờn, có tiếng phi cơ thám thính ầm ì trên trời cao, có những cáo phó trên báo - lạnh lùng hay chua xót, loan tin người thân tử trận; nhưng chủ yếu tác giả đắm mình vào quá khứ - những ngày ngột ngạt trước năm 1945 và những ngày vất vả gian khổ trong kháng chiến chống Pháp. Thời gian hoài niệm ấy rất thích hợp để nhà văn lắng lòng mình, suy tưởng và bộc bạch về sự va đập, chìm nổi của số phận những con người. Hoàn cảnh có thể gieo neo vất vả, thậm chí có thể là bi kịch, nhưng những nhân vật của Võ Hồng thường vượt trên bất hạnh, vì trái tim họ luôn ấm nóng tình người. Tình yêu quê nghèo (Người về đầu non), tình với cây trứng cá quen thuộc trước sân nhà (Vĩnh biệt cây trứng cá), với con chó nhỏ thân thương (Người bạn nhỏ tên Tô), cho đến tình bạn thuở học trò (Cánh thiệp đầu xuân), tình yêu nam nữ (Tia nắng rớt, Trầm mặc cây rừng ...). Và cảm động làm sao, tình yêu thương của những bé thơ mất mẹ, của người mẹ trẻ khắc khoải  lúc gần đất xa trời, của người cha hiền từ nhưng đầy nghị lực hết lòng vì đàn con mồ côi (Từ giã tuổi thơ, Một ngày cho mẹ, Người anh vắng mặt v.v..). Chính vì thế, khi đọc truyện của Võ Hồng, cái buồn dịu dàng như cứ phảng phất đâu đây. Nhưng thật kỳ lạ, tâm trạng của người đọc không bị chùng xuống, yếu đi, mất lòng tin vào cuộc sống, mà ngược lại, như bình tĩnh, thanh thản hơn. Bởi lẽ, nhà văn như muốn gửi tặng người đọc một điều trải nghiệm dù trong hoàn cảnh bi đát đến đâu, con người vẫn có thể tìm được một hạnh phúc giản dị, nhưng cần vô cùng, miễn là ai cũng luôn có thái độ cảm thông, có sự tôn trọng, yêu thương nhau, quan tâm chu đáo, hết lòng vì nhau.

Thông điệp đậm chất nhân văn “người yêu người, sống để yêu nhau” rất mực chân thành nói ở trên đã là nguồn cảm hứng tưởng như không vơi cạn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật dài hơn nửa thế kỷ của Võ Hồng. Thông điệp ấy được ông chuyển tải một cách tự nhiên, bằng một lối diễn đạt tinh tế, trong sáng, trau chuốt và đậm chất thơ. Ít có nhà văn nào nghiêm khắc với văn của mình như Võ Hồng. Tôi có cảm giác nhà văn Võ Hồng đã làm trái với quy luật méo mó của đời thường “ tự kỉ văn chương, tha nhân thê thiếp “ (văn mình, vợ người) mà bất cứ lúc nào ông cầm bút  cũng được nhà giáo Võ Hồng ở liền bên, kiểm duyệt một cách khắt khe, tuyệt đối không chấp nhận lối đặt câu, dùng từ cẩu thả. Vì thế, mỗi tác phẩm của ông như một tiếng đờn độc huyền, rung lên rồi cứ ngân vang không dứt trong tâm tưởng người đọc giữa đêm vắng.  Trước đây, không ít độc giả đã rưng rưng xúc động trước những trang văn của cây bút đôn hậu này. Tôi nghĩ, hôm nay và có thể cả sau này, tác phẩm của Võ Hồng chắc chắn sẽ góp phần làm tâm hồn mỗi chúng ta  phong phú hơn, trong sáng và tốt đẹp hơn. Bỡi lẽ, dù cuộc sống chuyển vần ra sao, GDP có tăng gấp bội phần  so với hiện nay, thì tình người nhân bản với tất cả vẻ đẹp thầm lặng và vô giá của nó vẫn là hành trang cần thiết cho mỗi chúng ta trong suốt cả cuộc đời. Chính vì vậy, nên có thể đoan quyết: dù đã về cõi vĩnh hằng chiều 31.3.2013, dù ở tuổi 93 đại thọ nhưng Võ Hồng - nhà văn và nhà giáo của lòng nhân ái - sẽ còn sống rất lâu trong tâm tưởng những người yêu văn chương Việt. Với những ai có điều kiện, nếu đến Nha Trang, có thể đến tưởng niệm trước phần mộ của ông  tại nghĩa trang Suối Đá (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Nơi đó Quách Tấn - một tên tuổi khác của nền thơ Việt Nam hiện đại - đã chờ ông từ 21 năm rồi.

 

***

 

 

 

 

        ©          http://vietsciences.free.fr     http://vietsciences2.free.fr