Anh Nguyễn Văn Chuyển người đàn anh khả kính

Vietsciences-Vũ Mạnh Huỳnh     19/06/2008

 

Những bài cùng tác giả

Tôi biết anh Chuyển khi tôi mới bắt đầu vào học lớp Nhật Ngữ và Toán Lý Hóa, do các anh sang trước tôi lập ra để kèm các anh chị em mới sang Nhật du học. Anh có nụ cười hiền hòa, cách nói từ tốn, rất dễ gây cảm tình với anh em trẻ hơn anh. Sau một thời gian quen biết, tôi đã hỏi anh nên chọn ngành học nào cho thật thiết thực để góp phần vào việc xây dựng đất nước sau chiến tranh. Có lẽ vì anh gần tốt nghiệp ngành Hóa Học thực phẩm, và anh yêu thích ngành này, nên anh đề nghị tôi học ngành Hóa Học Nông Học để lấy khoa học phụng sự cho đời sống, một cách hữu hiệu hơn.

Khi tôi tốt nghiệp Master, thì anh đã trình xong luận án tiến sĩ, và đang làm việc trong Labo của trường. Vì biết tôi ước ao thi vào học khóa Tiến Sĩ tại phân khoa của anh trong trường Đại Học Tokyo, anh đã giới thiệu tôi vào Labo của giáo sư Saburo Tamura, một Labo nổi tiếng về ngành nghiên cứu tăng trưởng thực vật và côn trùng, và anh còn hỏi mượn sách vở của sinh viên Nhật, người đã học giỏi nhất lớp, và mới đậu vào cao học trước tôi một khóa, để tôi học luyện thi vào trường này, vì giáo sư thường ra đề thi theo chương trình họ đã giảng dậy trong sách vở . Nhờ sự tận tâm của anh, tôi đã được nhận vào phòng Labo, ngay cạnh Labo của anh . Bắt đầu từ thời gian này, chúng tôi đã trở nên thân thiết hơn. Chúng tôi thường đi ăn cơm trưa, đi nhậu ở các quán nhậu Nhật, Robata Yaki, Aka Choochin, o quanh trường đại học. Trong phân khoa của trường Đại Học Tokyo, nhiều các giáo sư Nhật rất khen ngợi về thành tích học hành trong lớp của anh, nhờ vậy mà các bạn bè Nhật những người đã học cùng năm với anh đã rất tận tâm chỉ dậy tôi, vì biết tôi là đàn em của anh Chuyển. Ở Nhật, sau khi tốt nghiệp cao học, các sinh viên thường nhắm đến các đại học lớn, để có một nghề nghiệp ổn định, vì thế sức cạnh tranh rất lớn để được nhận vào các vị trí như anh đã đạt được. Ngoài ra, anh đã làm trưởng ban biên tập của các tạp chí khoa học nổi tiếng trong ngành, điều này cho tôi thấy, anh đang là một giáo sư có uy tin ở Nhật. Mặc dầu đã có địa vị trong xã hội Nhật Bản, nhưng anh vẫn tiếp tục đi sâu vào ngành Biotechnology của Mỹ, với mong muốn cập nhật được các khai phá khoa học mới trên thế giới. Anh đã sang Hoa Kỳ để làm visiting professor tại Stanford, trong thời gian này anh đã làm việc ngày đêm về DNA/RNA, như một nhà nghiên cứu trong Labo để học hỏi thêm về ngành này.

Lần nào anh sang Mỹ, anh đã không quản ngại đường xá xa xôi, tốn kém, đi máy bay đến San Diego, một thành phố ở cực nam của nước Mỹ, để thăm chúng tôi. Năm ngoái, tôi đã mời anh ở lại hai tối ở nhà tôi, để anh em tâm sự trò chuyện. Tối hôm đó tôi đã bàn với anh nhiều chuyện, như tình hình đất nước, việc đóng góp vào khoa học, nên đóng góp trực tiếp từ trong nước, hay gián tiếp từ nước ngoài, nên hợp tác với các cơ quan trong vai trò như thế nào cho thật hữu hiệu?..v..v.. Hơn thế nữa, tôi cũng xin anh làm cố vấn trong nhiều chuyện tương lai của tôi.

Ngày mồng 5, tháng 6, tôi soạn xong bài thuyết trình dự định sẽ phát biểu trong hội nghị khoa học tại Hà Nội, tôi đã gửi cho anh.

Ngày 8, tôi đã gửi cả bài báo.

Ngày 9, chúng tôi còn nói chuyện qua e-mail, lần nào, anh cũng hồi đáp e-mail cho tôi, ngay ngày hôm sau, sau khi nhận tin từ tôi. Nhưng hỡi ơi, đến ngày 12 tháng 6, lúc 9 giờ tối, giờ Cali (ở Nhật là sáng 13 tháng 6), tôi đã gửi một bài viết mới của tôi bằng tiếng Việt, đến anh, nhưng không thấy anh hồi đáp. Tôi thắc mắc không hiểu chuyện gì đã xẩy ra, thì đến 4:30 sáng ngày 14 tháng 6, tôi nhận được e-mail của người bạn thân, từ Nhật gửi đi cho biết " anh đã bị tai biến mạch máu não (Stroke), và hiện đang nằm trong bệnh viên ở Tokyo….".

Tự nhiên tôi nghẹn ngào, và hai hàng lệ tự nhiên tuôn trào, vì biết người đàn anh mà mình đã gần gũi gần 41 năm, nay đang lâm bệnh nặng có thể nguy đến tính mạng. Ngày 15, chúng tôi đã lên chùa do thày Thích Chân Thành, cũng là một cựu học sinh du học Nhật Bản, trụ trì, để làm lễ cầu an cho anh, và chúng tôi rất đau xót khi được tin anh đã qua đời ngày 16 tháng 6. Anh đã là người thày, người cố vấn trong mọi vấn đề, và là một mẫu mực cho tôi noi theo. Sự ra đi của anh đã để lại biết bao nhiêu sự đau xót va thương tiếc cho bạn hữu, và là mất mát lớn cho ngành khoa học dinh dưỡng Việt nam, Nhật Bản, và Quốc Tế.

Anh Chuyển ơi em không phải là người văn hay chữ tốt
Tiễn anh đi chúng em thầm nhủ lòng mãi mãi noi gương
Một thành hai, hai thành bốn, và bốn sẽ thành ra tám
Lớp Đàn em, nắm chặt tay, tim cháy bỏng quyết lên đường

Đời sống con người đâu thể tính bằng năm hay bằng tháng
Bằng tiền tài, bằng danh vọng, bằng giành giựt thắng hay thua
Mà tính bằng những đóng góp, những yêu thương, và phụng sự
Tim óc anh dành cho quê mẹ, trang trải mấy cho vừa

Anh Chuyển ơi,
Khi quê mình dân no ấm, trường học rộn rã tiếng cười
Anh và chúng em sẽ hội ngộ trong tự tình dân tộc
Cầu xin hương hồn người đàn anh khả kính, khả ái, sớm tiêu diêu miền cực lạc.
 

San Diego, ngày 18 tháng 6 nam 2008
Vũ Mạnh Huỳnh (SVDH Nhật 1967) và Liên Hoa (SVDH Nhật 1974)
 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Vũ Mạnh Huỳnh