Những lời chia buồn
|
GS, TS Nguyễn Văn Chuyển: "chỉ ở Việt Nam, tôi mới thấy
thoải mái, dễ chịu..." |
Giọng nói vẹn nguyên những âm sắc của người Hà Nội, phong thái nhỏ nhẹ,
nho nhã, pha chút hóm hỉnh trong những cuộc trò chuyện đời thường; sắc
sảo, thông minh, mạch lạc, uyên bác khi trên bục giảng; tận tâm, nhiệt
tình với công việc - đó là cảm nhận chung của bạn bè, đồng nghiệp và học
trò của ông, GS TS Việt kiều Nhật Nguyễn Văn Chuyển.
GS, TS Nguyễn Văn Chuyển sinh năm 1944 tại Thái Nguyên nhưng thời thơ ấu
của ông lại trải qua ở đất kinh kỳ Hà Nội. Những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ
về một vùng đất ngàn năm văn hiến vẫn đậm nét trong trí nhớ của ông.
Vốn yêu thích các môn khoa học tự nhiên từ nhỏ, ông thi vào Trường Đại
học Y Dươc Sài Gòn. Giành được học bổng đi du học Nhật Bản năm 1963, dù
rất muốn được học tiếp ngành Dược, nhưng do chính quyền Sài Gòn lúc đó
không cho du học sinh theo học những ngành mà trong nước đã đào tạo
được, ông buộc phải lựa chọn một ngành nghề khác. Khi ấy, ông nghĩ, hãy
chọn một ngành nào có ích nhất cho đất nước. Nhận thấy, đối với Việt
Nam, nông nghiệp luôn luôn giữ một vị trí tối quan trọng, ngành nông
nghệ hoá học của Nhật Bản lại đang đóng một vai trò rất to lớn cho sự
phát triển thần kỳ của nước Nhật lúc đó, ông quyết định theo học ngành
này.
Dành trọn cuộc đời cho những nghiên cứu, phát minh về thực phẩm và dinh
dưỡng có ích cho việc nâng cao sức khoẻ của con người
Đến năm học thứ 4, phải chọn chuyên ngành, ông chọn ngành Thực phẩm Dinh
dưỡng. Có thể nói, kể từ đó, toàn bộ trí lực của ông dồn hết cho những
nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực còn khá mới mẻ đối với người Việt Nam
này. Tốt nghiệp đại học năm 1968, cao học năm 1970 và lấy bằng tiến sĩ
chuyên ngành Thực phẩm & Dinh dưỡng năm 1973 tại đại học Tổng hợp Tokyo,
trong 10 năm tiếp theo ông nghiên cứu nhiều đề tài cả về lý thuyết lẫn
thực tiễn về thực phẩm và dinh dưỡng. Nhiều phát minh của ông và đồng
nghiệp đã được các công ty của Nhật Bản ứng dụng sản xuất ra nhiều sản
phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và đem lại lợi nhuận không nhỏ. Ông trở
nên nổi tiếng là một chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm và dinh dưỡng
không chỉ tại Nhật Bản mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Ông được phong
hàm Giáo sư, một chức danh không dễ gì đạt được đối với người nước ngoài
tại Nhật Bản. Từ năm 1996, ông là Trưởng khoa Thực phẩm và Dinh dưỡng
của trường Đại học Phụ nữ Nhật Bản.
Khi chúng tôi hỏi về bí quyết thành công trong nghề nghiệp ở một đất
nước có trình độ khoa học phát triển cao như Nhật Bản, ông nói thật giản
dị: “Có lẽ do tính đơn giản, tôn trọng người khác và tôn trọng mình,
không xoi mói những vấn đề của người khác nên tôi hoà nhập dễ dàng”.
Nói vậy nhưng ai cũng biết, cơ chế tuyển chọn người tài ở Nhật Bản rất
khe khắt và kỹ lưỡng, hẳn ông đã phải nỗ lực phi thường trong nghiên cứu
khoa học và giảng dạy để có thể được phong học hàm Giáo sư và giữ cương
vị Trưởng khoa của một trường đại học lớn như Đại học Phụ nữ Nhật Bản.
Ngoài ra, ông còn là chủ biên của một số tạp chí khoa học chuyên ngành
thực phẩm và dinh dưỡng có uy tín tại Nhật và thế giới như: Nippon
Nogeikagaku Kaishi, Bios.Biotech. Biochem, Nippon Eiyo Shokuryo
Gakkaishi…
Gần 2/3 cuộc đời học tập và tạo dựng sự nghiệp nơi đất khách, lập gia
đình với một phụ nữ Nhật, có những đứa con thông minh và hiếu thảo, có
thể nói ở tuổi ngoài 60, ông đã “công thành, danh toại”, hoàn toàn có
thể yên tâm sống một cuộc sống an nhàn tại đất nước của hoa anh đào,
nhưng trong ông vẫn đau đáu nỗi niềm nhớ quê cha, đất tổ… Và thế là, năm
nào ông cũng cố gắng thu xếp công việc, trở về Việt Nam ít nhất là 1
lần, để đem sở học của mình truyền lại cho thế hệ đi sau…
Hơn 40 năm bôn ba xứ người vẫn nguyên vẹn trái tim và tâm hồn Việt Nam…
Khi được hỏi về tình cảm đối với quê hương, ông nói: "Là người hoạt
động trong phong trào Việt kiều yêu nước thời chiến tranh, hình ảnh quê
hương luôn sống trong trái tim tôi. Rời Việt Nam hơn 40 năm nhưng tôi
vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Việc sử dụng hộ chiếu Việt Nam khiến tôi hơi
gặp khó khăn trong việc đi lại, nhưng riết rồi cũng quen…”
Khi đất nước vừa hoà bình, thống nhất, năm 1976, ông vinh dự là 1 trong
5 đại diện cho Việt kiều Nhật hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu
nước được trở về Việt Nam. Khi ấy còn chưa có đường bay thẳng, ông phải
đi đường vòng, bay từ Tokyo sang Bắc Kinh, rồi từ đó lên tàu hoả về Việt
Nam. Ông hào hứng kể: “Anh em đại diện phong trào từ các nước khác
cũng về và tập hợp lại thành một đoàn khoảng hơn 100 người đi dọc Việt
Nam với tâm trạng phấn chấn, y như mọi người Việt Nam trong nước lúc đó.
Không thể tả hết niềm hạnh phúc và sung sướng được đi dọc đất nước từ
Bắc vào Nam, một đất nước hoàn toàn thanh bình, hoàn toàn vắng tiếng đạn
bom, trên gương mặt mỗi người đều bừng sáng hy vọng vào sự phồn vinh của
dân tộc… Có điều đáng buồn là thực tế không lâu sau đó lại không được
như vậy nữa... Cuộc sống khó khăn thời hậu chiến khiến con người thay
đổi, không còn được hồn hậu và tin cậy lẫn nhau như trước nữa...”
Có băn khoăn đấy, có buồn và lo đấy, cũng có giận hờn đấy…nhưng ông vẫn
trở về bởi vượt lên trên tất cả vẫn là tình yêu thương, gắn bó với những
người đồng hương còn quá nghèo khổ và lam lũ; là ý thức về trách nhiệm
công dân đối với Tổ quốc đã khiến ông không thể quay lưng với quê hương.
Vả lại, ông luôn cảm thấy, cũng giống như rất nhiều người Việt khác đã
ra đi, chỉ có về Việt Nam, mới hoàn toàn thoải mái, dễ chịu...
Ông say sưa kể về những công việc của mình ở Việt Nam: “Tôi về Việt
Nam rất nhiều lần, cố gắng làm thật nhiều điều cho đất nước. Tôi cộng
tác với các trường đại học làm công tác đào tạo, đặc biệt là đào tạo các
chuyên gia về dinh dưỡng cho Việt Nam. Nhiều sinh viên đã được sang Nhật
thực tập tại phòng thí nghiệm của tôi. Tôi cũng giúp giải quyết một số vấn đề khác
về sức khoẻ cộng đồng như: thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ em, chế độ ăn uống
hợp lý. Về mặt dinh dưỡng, người Việt mình ăn uống chưa được cân bằng
nên không cải tạo được tầm vóc bao nhiêu so với người Nhật. Ở Việt Nam,
căn bệnh gây tử vong nhiều nhất là tai biến mạch máu não, tình hình
giống hệt thời sau chiến tranh của Nhật. Điều này có nhiều nguyên nhân,
trong đó quan trọng là ăn muối nhiều và thiếu cholestero, điều này nghe
có thể không giống với những gì mọi người vẫn tưởng bấy lâu nay, không
phải bao giờ cholesterol
cũng có hại và thiếu nó cũng nguy hiểm không kém gì so với thừa nó”.
Phòng tránh những căn bệnh cho tương lai, bảo vệ nòi giống là việc phải
làm từ sớm và thường xuyên, thế hệ tương lai của người Việt Nam sẽ phải
đối mặt với các căn bệnh như: ung thư, tim mạch... tất cả đều có mầm
mống từ sự thiếu hiểu biết về dinh dưỡng ngày hôm nay, đó là thông điệp
mà ông đang cố gắng hết sức để gửi đến tất cả
|
GS nguyễn Văn
Chuyển và các cộng sự tại Nhật |
đồng bào mình, trước hết
là đội ngũ những người chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho cả cộng đồng, những
người thầy thuốc...
Công lao và những đóng góp của ông trong suốt 15 năm cộng tác với các
đồng nghiệp trong nước đã được Bộ Y tế ghi nhận bằng việc trao cho ông
Kỷ niệm chương: “Vì sức khỏe nhân dân”. Văn bản về việc trao kỷ niệm
chương của Bộ y tế ghi rõ: “Trong 15 năm qua, GS. Nguyễn Văn Chuyển đã
giúp Viện Dinh dưỡng tổ chức nhiều hội thảo khoa học; tạo điều kiện giúp
đỡ các bác sĩ của Viện Dinh dưỡng và Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM làm
tiến sĩ tại Nhật Bản. Ông còn cùng với Viện dinh dưỡng thực hiện các đề
tài: “Mối liên quan giữa dinh dưỡng và các bệnh chuyển hóa ở người
trưởng thành Việt Nam”, “Bệnh tiểu đường và một số yếu tố liên quan ở
người trưởng thành Việt Nam – Nhật Bản – Fiji”, “Viêm đa dây thần kinh –
tê tê say say...”.
Không chỉ có thế, cuối năm 2005, khi được biết hợp đồng xuất khẩu bột
khoai mỡ sang Nhật Bản của tỉnh Long An trị giá hàng chục triệu USD có
nguy cơ bị cắt đứt vì màu sắc của bột không trắng bằng bột của Trung
Quốc, bao nhiêu nông dân đang điêu đứng, ông đã quyết định sẽ cùng với
một số chuyên gia khác trong Câu lạc bộ trí thức Việt kiều nghiên cứu
tìm ra giải pháp khắc phục… Những “đơn đặt hàng” bất chợt như thế đến từ
quê nghèo luôn khiến ông trăn trở. Ông đã dành không ít thời gian và
công sức để thực hiện bằng được những yêu cầu cấp bách từ cuộc sống của
những người đồng hương tại quê nhà, dù việc ấy có lúc chẳng đem lại chút
lợi lộc vật chất nào cho cá nhân ông, cũng không đủ to tát để tô đậm
thêm danh tiếng và tài năng của ông… Đó chỉ là những công việc tình
nguyện, âm thầm và lặng lẽ, ông làm duy nhất chỉ vì chữ “Tâm” mà thôi.
|
Phát biểu tại hội thảo dành cho trí thức Việt kiều tháng 8.2005 |
“GS Nguyễn Văn Chuyển luôn là người nhiệt tình, tâm huyết với công việc
chung, không nề hà bất cứ công việc gì, dù là những công tác xã hội
không mấy liên quan đến chuyên môn trực tiếp của mình…” PGS, TS Nguyễn
Lương Dũng, thành viên ban chủ nhiệm Câu lạc bộ trí thức Việt kiều đã
nói về ông như vậy khi giới thiệu ông với Người Viễn Xứ đề cử giải Vinh
danh nước Việt năm 2006.
Khi được hỏi về dự định trong thời gian tới, ông giới thiệu ngay về một
chương trình tại Nhật mà ông rất tâm huyết: “Từ năm nay, trường tôi sẽ
có các chương trình đào tạo cao học từ xa trên Internet TV. Tôi phụ
trách giảng dạy chương trình thực phẩm - dinh dưỡng rất đặc biệt, đó là
tôi sẽ trình bày bằng tiếng Việt, có tóm tắt bằng tiếng Anh. Chương
trình dự kiến sẽ hoàn thành từ tháng 4.2006. Tôi sẽ cố gắng kết nối để
các bác sĩ, dược sĩ tại Việt Nam có thể đăng ký theo học chương trình
này…”
Nhanh nhẹn, tất bật với bộn bề công việc, GS, TS Nguyễn Văn Chuyển vẫn
rất trẻ trung, sung sức với bao dự định, bao chương trình hành động,
không có một chút gì dáng vẻ của một người đã ngoài 60. Ông vẫn như con
thoi đi – về giữa hai quê hương, tâm huyết của ông vẫn đang dồn về Việt
Nam với một mong ước rất thực tế nhưng không kém phần lãng mạn: làm sao
bảo vệ được giống nòi Việt, làm sao cải tạo tầm vóc của các thế hệ người
Việt trong tương lai, điều mà các quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Hàn
Quốc, Trung Quốc…đã làm khá thành công...
Liệu có quá xa vời không, ước mơ của ông khi thu nhập của người dân Việt
Nam còn quá thấp so với người dân các nước ấy? Chúng tôi thắc mắc, ông
cười và đáp: “Chắc chắn là được khi tất cả mọi người trong xã hội đều có
sự hiểu biết nhất định về thực phẩm và dinh dưỡng để có thể lựa chọn
những thức ăn vừa có lợi cho sức khoẻ của gia đình mình vừa hợp túi
tiền. Không nhất thiết phải là cao lương mỹ vị, miễn đủ chất là được. Ở
đất nước nông nghiệp như Việt Nam với các sản phẩm nông nghiệp vô cùng
phong phú và đa dạng, thực hiện việc này không hề khó…” Qua ánh mắt ông,
chúng tôi tin, nhất định, ông và các cộng sự của mình sẽ làm được điều
đó.
Tóm tắt tiểu sử và các hoạt động khoa học của GS,TS Nguyễn Văn Chuyển
Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Chuyển sinh năm 1944 tại Việt Nam.
*Nhận học bổng du học Nhật Bản năm 1963.
*Tốt nghiệp Đại học năm 1968, Cao học năm 1970.
*Tiến sĩ chuyên ngành Thực phẩm & Dinh dưỡng năm 1973 Đại học Tổng hợp
Tokyo.
*Hiện là Giáo sư Khoa Thực Phẩm và Dinh dưỡng trường Đại học Phụ nữ Nhật
Bản
* Được Bộ Y Tế Việt Nam trao tặng kỷ niệm chương: “ Vì sức khỏe nhân
dân” năm 2005
*Quà trình hoạt động khoa học:
1993-1996: Trưởng phân khoa Thực phẩm & Dinh dưỡng, Đại học Phụ nữ Nhật
Bản.
1996-2000: Trưởng khoa Thực phẩm & Dinh dưỡng, Đại học Phụ nữ Nhật Bản.
1998-2000: Chủ biên tạp chí: Nippon Nogeikagaku Kaishi".
1998-2000: Chủ biên tạp chí: Bios.Biotech. Biochem.
2002: Chủ biên tạp chí :"Nippon Eiyo Shokuryo Gakkaishi".
Người Viễn Xứ
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
|