Vô cùng thương tiếc GS Bùi Trọng Liễu

Vietsciences-Nguyễn Lân Dũng               13/03/2010

 

Những bài cùng tác giả

         Tôi đến thăm ông tại Paris khi ông đã rất yếu. Ông đi chậm rãi từng bước và ân cần mời tôi ngồi đàm đạo việc học tại nước nhà. Sức tàn nhưng ý chí vẫn rất minh mẫn và đặc biệt là hầu như lúc này ông chỉ ước vọng là góp phần chấn hưng giáo dục nước nhà. Ông cần mẫn viết những cuốn sách gửi về in trong nước chuyên bàn về chuyện học vấn và giảng dạy. Mỗi lần có sách mới ông đều nói người nhà mang đến cho tôi và yêu cầu tôi gửi đến tận tay những người quan tâm đến giáo dục. Ông hoàn toàn không nghĩ gì đến tiền nhuận bút vì ông chỉ mong sao nhiều người cùng suy nghĩ đến các kiến nghị sâu sắc và thiết thực của ông. Không ngờ điều ông mong trở lại thăm Việt Nam một lần nữa đã không trở thành hiện thực . Ông đã đột ngột đi về cõi vĩnh hằng vào ngày 5 tháng 3 vừa qua tại Bệnh viện Antony (ngoại ô Paris), hưởng thọ 76 tuổi.

         GS. Bùi Trọng Liễu sinh năm 1934, đi du học tại Pháp từ năm 1950. Năm 1962 . Ông bảo vệ luận án tiến sĩ về toán xác suất "Ước tính cho các quá trình Markov"), năm 1962 tại Paris và sau đó tham gia giảng dạy tại Đại học Paris từ 1959 đến 1963. và tại Đại học Lille từ 1963 đến 1969 . Ông làm nghiên cứu viên tại Direction des Etudes et Recherches de l'EDF (1959-1963) và là giáo sư Đại học từ 1963 đến 2003. Trong nhiều năm Ông tham gia Ban Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp và là Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tại Pháp. Ông thường xuyên viết bài cho báo Đoàn kết của Việt kiều và tham gia sáng lập báo Diễn Đàn (1991). Bài viết cuối cùng của ông là bài Tự nguyện, công bố ngày 24-2-2010, khi ông đã vào bệnh viện.

Những cuốn sách của ông đã xuất bản tại nước ta là : Tự sự của người xa quê hương (tên cũ là Chuyện gia đình và ngoài đời), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 2004 ; Chung quanh việc Học, NXB Thanh niên 2004 ; Học gần, Học xa, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 2005 ;  Học Một Sàng Khôn, NXB Tri thức Hà Nội 2007. Những tác phẩm này được tập hợp lại trong tác phẩm Hướng về quê cũ lúc chiều tà được công bố trên trang mạng http://www.buitronglieu.net.

Đọc những tác phẩm của ông thấy tất cả tấm lòng luôn hướng về đất nước và tha thiết muốn góp phần đổi mới sự nghiệp giáo dục phổ thông và giáo dục đại học trong nước. Hãy đọc lại một số lời tâm sự của ông : 

"Theo tôi, nói tóm tắt, một nền Giáo dục đào tạo "lành mạnh" là : một nền Giáo dục đào tạo có sứ mạng rõ rệt, mang mục tiêu khả thi, trung thực, mang tính khoa học, phân minh, bảo đảm được hiệu quả ích lợi cho đất nước, bảo đảm được sự công bằng cho mọi thành viên trong xã hội",

"sứ mạng của đại học là mở rộng biên thùy của sự hiểu biết, mang sự hiểu biết (đã, đang và sẽ có được) vào cuộc sống ; do đó từ nghiên cứu cơ bản, tìm cách chuyển sang nghiên cứu áp dụng, rồi sau đó tìm cách đưa vào sử dụng đại trà (thí dụ như khâu công nghệ của một số ngành, có liên kết với các doanh nghiệp), song song với sự chuyển giao hiểu biết. Từ sứ mạng đó, mới định ra mục tiêu, qui chế, mới phân biệt phần kiến thức cơ bản và phần đào tạo nghề nghiệp, mới đưa những phương tiện tài chính và vật chất vào để thực hiện, mới tính toán sao cho cân đối ngành nghề hợp với nhu cầu, mới phân chia vai trò của công lập và tư lập",

"Thế nào là một nền Giáo dục đào tạo mang tính khả thi ? Đó là một nền Giáo dục đào tạo mà mục tiêu phù hợp với khả năng thực hiện... tập trung vào những lĩnh vực không cần đầu tư tốn kém lắm và chỉ cần những công nghệ trong tầm tay của ta, với một đội ngũ chuyên gia có đủ hiểu biết".

"Cần đạt tỉ số "bao nhiêu sinh viên/ 1 vạn dân" ? Cứ mở vung vãi nhiều "đại học", tuyển sinh cho nhiều dù có phải giảm điểm sàn, thì cũng đạt được. Cần đạt tỉ số "bao nhiêu sinh viên/1 nhà giáo" ? Cứ tuyển bừa nhà giáo có trình độ hay không, thì cũng đạt được. Cần "bao nhiêu tiến sĩ, thạc sĩ" cho những năm tới ? Nếu coi bằng cấp chỉ là những mảnh giấy có đóng dấu, thì giấy tờ và con dấu rất dễ tạo. Nhưng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, không đơn giản như vậy". 

"Tư nhân mở trường phải tính toán để tồn tại, cho nên trường tư có thể chọn những ngành đầu tư ít mà chóng có hiệu quả ; còn Nhà nước, nơi "cầm trịch", có bổn phận phải (ít hay nhiều) đảm nhiệm mọi ngành, đặc biệt là các ngành cần đầu tư lớn, dài hạn, hoặc mang tính chất chiến lược", 

"Thiết tưởng những nhà quản lý chỉ nên có những qui định về cơ cấu – thí dụ như có hay không có "Hội đồng nhà nước công nhận tư cách ứng viên GS". "Hội đồng khoa học tuyển chọn GS của từng đại học" – còn về nội dung đánh giá thì cứ để cho các nhà khoa học thành viên các hội đồng đó quyết định với nhau, như ở các nước đã phát triển vẫn làm»,

 "Trong một nền Giáo dục đào tạo mang tính khoa học, tất nhiên cũng không có chỗ cho sự nhập nhằng, lẫn lộn về khái niệm về "chức vụ" và "hàm-chức danh" cho nhà giáo",

"Cũng mang tính khoa học, khi không lẫn lộn người "giỏi", với người "có trình độ" : một cô ý tá "giỏi", thủ khoa khi tốt nghiệp y tá, cũng không thể thay thế một cô bác sỹ giải phẫu tốt nghiệp đội bảng",

 "Một nền Giáo dục đào tạo lành mạnh cũng là một nền Giáo dục đào tạo biết rút kinh nghiệm từ nơi khác mà không bắt chước một cách rập khuôn",

"Giáo dục, kể cả giáo dục đại học là một trong những công cụ bảo đảm cho sự bình đẳng và sự công bằng cho mọi công dân trong một xã hội, theo nghĩa những người công dân nào có khả năng về trí tuệ cũng có thể được quyền học hỏi, không bị ngăn cản vì gia cảnh. Nhất là sự tự do học hỏi còn kéo theo sự bình đẳng trong việc chọn nghề, việc tiến thân, vv... của từng cá nhân trong xã hội", 

"Trên mặt vật chất, giáo dục đào tạo (đặc biệt là với giáo dục đào tạo đại học) đòi hỏi những đầu tư lớn và dài hạn, mà kết quả gặt hái được phải tính hằng chục năm, cho nên chỉ Nhà nước mới có thể đảm nhận, dù cho có sự tham gia hỗ trợ của các thành phần khác của xã hội. Đó là cái lò nung đúc trí tuệ của dân tộc, chỉ có Nhà nước mới đảm nhiệm được sự liên tục và thừa kế, điều mà cá nhân hay một tập thể, dù đầy thiện chí cũng không thể gánh vác được".

"nếu Nhà nước giàu, thì mở nhiều đại học công tuyển nhiều sinh viên, nếu còn nghèo thì mở ít đại học công tuyển ít sinh viên, nhưng dứt khoát là phải bảo đảm được chất lượng cao, không phải chỉ vì sự tồn tại của nền giáo dục đại học, mà còn vì sự tồn tại của nền độc lập tự chủ. Cũng trong hướng lý luận đó, các nhà giáo cơ hữu của đại học công cần được tuyển chọn theo một qui định mang tính đồng nhất cho cả nước để bảo đảm chất lượng chung; và họ cần được hưởng biên chế ổn định, với mức lương tương xứng, để có thể toàn tâm toàn ý hành nghề", 

"Theo tôi, việc thu học phí của trường công cao bằng hay cao hơn học phí của truờng tư, thậm chí còn có lãi, là một sự kỳ dị, bất bình thường. Đối với bất cứ nước nào, có những lĩnh vực không thể hoàn toàn tư hóa được, không thể "cổ phần hóa" được, thí dụ như lĩnh vực quốc phòng. Những ngành chủ chốt của giáo dục cũng vậy, không thể nhân danh thị trường, coi giáo dục như một thứ hàng hóa "thuận mua vừa bán",

"Tôi không đồng ý với quan niệm "thị trường hóa" giáo dục, đúng hơn là "thương mại hóa" giáo dục, thuận mua vừa bán, với những loại trường "vị lợi", có cổ đông kiếm lời qua những chiêu bài mị người học. Một trong ý tưởng "nguy hiểm" nhất là cổ phần hóa đại học công, vì dù muốn giải thích bằng cách nào đi nữa, cũng vẫn là con đường tiến tới lấy tài sản công biến thành tài sản tư; trên toàn thế giới này cốt lõi của công ti cổ phần là hoạt động như vậy. "Trí tuệ" phần nào là "linh hồn" của một dân tộc, nếu bán cả linh hồn thì còn gì?",

"Riêng đối với đại học tư, do phải tự quản về mặt tài chính, họ cũng phải được quyền tự chủ trong việc quản lý của mình, miễn là việc tự chủ này tôn trọng đúng theo qui chế ban hành sẵn, và Bộ GDĐT chỉ thay mặt Nhà nước để kiểm tra (nếu cần, có thể thu hồi giấy phép mở trường,....) trong khung các qui chế đó, nhưng không can thiệp vào sự điều hành của họ",

"Trong nền kinh tế nào cũng vậy, "cầu" có chính đáng thì mới phải có "cung". Nếu "cầu" là nhu cầu của xã hội, bao gồm mọi lĩnh vực, để đất nước tồn tại và tiến triển trong một khung cảnh toàn cầu hóa mà sự cạnh tranh luôn luôn hiện diện, (thí dụ như cần bao nhiêu kỹ sư, bao nhiêu chuyên viên trong ngành này ngành nọ, CNTT, canh nông, thủy sản, giao thông, v.v. để doanh nghiệp phát triển, cần bao nhiêu giáo viên,....) thì đây là "cầu chính đáng", cần đáp ứng. Còn "cầu" theo nghĩa là quan hay dân hiện đang đòi hỏi "có bằng cấp" ở mức này mức nọ để có địa vị trong xã hội,... thì "cầu" này là loại "cầu rởm"",

"người đi học phải có đủ trình độ thì mới học được lên cấp cao hơn. Nếu không đủ trình độ thì không thể đòi học cao hơn. Nếu đáp ứng loại "cầu" này, thì sinh loạn. Hơn thế nữa, hiện tượng "thừa thày thiếu thợ" sẽ ngày càng trầm trọng, và không giải quyết nổi vấn đề học nghề, mà xã hội đang cần", 

"Đã là công lập thì cho đến mức phổ cập không thể bắt đóng học phí, nhất là học phí cao. Ngân quĩ giáo dục của Nhà nước là tiền của dân mà ra, do người dân đóng thuế, và do tài sản chung của cả nước mà có",

""Cuỡng bức đi học" mà lại bắt người đi học phải đóng học phí thì hoàn toàn phi lý, tôi chưa thấy nước nào làm như vậy. Tôi nghĩ rằng giáo dục nên "liệu cơm mà gắp mắm", nếu kinh tế chưa cho phép thì đặt mức phổ cập và tuổi cưỡng bức ở mức "chịu được".

"Tôi nghĩ không có lý do gì cấm cản việc có những trường tư thục, mà những trẻ em nhà giàu có thể theo học tùy ý, trường tư đóng học phí cũng chuyện tự nhiên. Tùy gia đình họ chịu đựng, không thể đánh đồng hai hệ công và tư",

"Trong một tinh thần muốn phát triển đất nước, việc gửi du học sinh và nghiên cứu sinh ra nước ngoài học hỏi và nghiên cứu là một việc chính đáng và cần thiết. Nhưng với việc dùng của cải chung của đất nước và dùng viện trợ nhận được từ các nước ngoài để thực hiện việc gửi người ra nuớc ngoài này, nếu không có một chính sách phù hợp để đón nhận và khuyến khích sự trở về của những du học sinh, du nghiên cứu sinh đã thành tài, thì khác nào như chính mình lại tổ chức “chảy máu chất xám” của chính dân tộc mình. Đó là những điều tôi đã phát biểu trong bài”,

"Trong một nền giáo dục đào tạo nghiêm túc, bằng cấp, học vị đặt ra là để đánh giá sự hiểu biết thực sự ; chức danh đặt ra là để đáp ứng với nhiệm vụ phải thực hiện. Đó không phải là thứ hàng mã chế ra để phô trương, ngộ nhận tiếm xưng hay để ban thưởng . Lại càng không nên lẫn lộn chức và hàm. Nếu muốn ban thưởng đã có cách khác, thí dụ như tổ tiên ta thuở trước đã biết giải quyết qua việc “bán hàm”, đó là một tấm gương mà hiện nay nên suy ngẫm", "Một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện nay là vấn đề nhà giáo đại học, bởi vì có thày đủ trình độ hiểu biết thì mới có trò có trình độ hiểu biết, có thày dạy đúng thì mới có trò hiểu đúng, có nhà giáo đại học giỏi thì mới có nhà giáo trung học tiểu học giỏi. Do đó, trong nhiều năm, tôi đã đề nghị một hình thức tuyển nhà giáo đại học sao cho phù hợp, công bằng và có hiệu quả nhất cho nền giáo dục đại học nước ta, Nhưng rồi sự cải cách từ hình thức “phong hàm” giáo sư chuyển sang hình thức công nhận “chức danh” cũng chẳng khác nhau mấy tí về nội dung và về cách tiến hành. Thêm vào đó, là vấn đề nhà giáo cho các trường đại học dân lập hiện nay hoàn toàn chưa vào nề nếp. Trong tình hình đã trót như ngày nay, chi bằng nhà nước nên cho phép mỗi cơ sở dân lập đó tự tuyển và trao danh hiệu giáo sư theo cấp bậc của chính họ qui định, như kiểu các truờng đại học Mỹ và Canađa, vv. Như vậy còn hợp lý hơn là tình trạng đầu Ngô mình Sở hiện nay, với những chức danh giáo sư do nhà nước phong, mà các đại học dân lập vay mượn dùng ké, qua những cán bộ giảng dạy kiêm nhiệm công và tư".

.        Đọc lại những lời tâm huyết của ông tôi coi đó như là những Di chúc  của một người yêu nước và suốt đời lo lắng cho sự nghiệp "trồng người" ở nước nhà. Tôi rất mong các nhà quản lý giáo dục, các nhà giáo và cả các em sinh viên hãy đọc và suy ngẫm về những tâm sự này của một nhà giáo mẫu mực mà nay rất tiếc đã sớm từ giã chúng ta.

         Xin kính cẩn nghiêng mình trước hương hồn của GS. Bùi Trọng Liễu. 

 

 

GS Bùi Trọng Liễu tặng sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp (năm 1981)

 

Tác phẩm cuối cùng của GS Bùi Trọng Liễu

 

GS Bùi trọng Liễu và 2 con trai (đều là GS đại học, 2003)

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Lân Dũng