Giáo sư Bùi Trọng Liễu – Ra đi khi lòng còn tha thiết

Vietsciences-Hoàng Tụy               13/03/2010

 

Những bài cùng tác giả

 
 

Chỉ mới cách đây vài tuần chúng tôi còn trao đổi với nhau qua email những suy tư lo lắng xung quanh các vấn đề giáo dục và khoa học của nước nhà, thế mà nay anh đã vĩnh biệt chúng ta.

Thật ra, sức khỏe anh đã suy sụp từ mấy năm nay. Lần cuối cùng tôi có dịp gặp và thăm anh ở Paris cách đây hai năm, thấy anh vừa nói chuyện vừa thở hổn hển và ho hen không dứt tôi cũng đã rất ái ngại và lo lắng.

Nhưng rồi lại thấy anh vẫn tiếp tục viết, phát biểu ý kiến hăng hái, chân tình về những vấn đề hệ trọng của đất nước, đặc biệt về giáo dục và khoa học - lĩnh vực hoạt động đã gắn bó chúng tôi thân thiết từ ba bốn chục năm nay do mối quan tâm chung và sự đồng cảm, tâm đắc sâu sắc trên những nhận thức cơ bản - tôi cũng đã nhiều lúc hy vọng anh sẽ vượt qua được khó khăn hiểm nghèo.

Mới đầu tháng 2 vừa qua anh còn góp ý kiến về bài viết mới của tôi trên báo Tia Sáng Tết Canh Dần, thắc mắc về mấy chữ "những tiến bộ nhất định" của tôi khi nói về giáo dục có thể gây hiểu lầm vì theo anh bốn năm qua chẳng có tiến bộ gì đáng kể, chỉ có thụt lùi.

Một bạn đồng nghiệp ở Nhật cũng cho biết anh đã rất quan tâm và đã bỏ thì giờ góp nhiều ý kiến cụ thể cho những bài viết của anh ấy chung quanh chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Nếu nhớ lại mấy quyến sách của anh "Chung quanh việc học" (Nxb Thanh Niên, 2004), "Tự sự của người xa quê hương" và "Học gần học xa" (Nxb ĐH Quốc gia HN, 2004 và 2005), cùng với hàng trăm bài viết về cải cách giáo dục, đào tạo tiến sĩ, sử dụng nhân tài, xây dựng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, về xã hội hóa giáo dục, về trường công trường tư và trách nhiệm của Nhà nước, về quản lý chất lượng giáo dục, ... anh đã gửi đăng rải rác trên các báo trong nước và ngoài nước, mới thấy hết nghị lực lớn lao ở một người đã dự cảm rõ mình chỉ còn lại không bao nhiêu ngày trước khi từ giã cõi đời mà vẫn gắng gượng cất lên tiếng nói tha thiết với quê hương, xứ sở.

Điều đáng nói là anh đã làm mọi việc ấy trong tâm trạng biết rằng công sức của mình rốt cuộc có thể chỉ là công dã tràng (chữ của chính anh trong một thư gửi tôi cách đây ít lâu).  Biết thế mà vẫn làm, không nao núng, không nản chí. Vì trách nhiệm, nhưng cao hơn, vì niềm tin ở tương lai của dân tộc - một đân tộc mà nói như cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, một khi đã quyết thì dẫu khó khăn bao nhiêu cũng sẽ làm được.

Năm 1981, GS. Bùi Trọng Liễu làm trưởng đoàn của đoàn trí thức Việt kiều tại Pháp về nước theo lời mời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và GS. Bùi Trọng Liễu (trái) tại nhà khách Chính phủ, Hà Nội 1981. (Ảnh: Buitronglieu.net)

Cách đây mươi hôm, khi được chị Colette, vợ anh, báo tin anh bị đột quỵ nặng phải nằm bệnh viện lâu, tôi vẫn còn đôi chút hy vọng anh có thể qua khỏi. Thế mà rồi chỉ ba hôm sau, ngày 5 tháng 3, anh đã ra đi vĩnh viễn. Không ngờ mọi việc diễn ra nhanh như vậy.

Anh ra đi lặng lẽ, an giấc ngàn thu trên đất Pháp, ở vùng Antony nơi anh đã sống, làm việc và cả đời mơ ước vì tương lai của đất nước. Anh ra đi trong niềm tiếc thương của bao người, đó chính là sự an ủi lớn cho chúng tôi, những người còn ở lại để tiếp tục phấn đấu cho ước mơ của tất cả chúng ta.

Ước mơ về một nền giáo dục, khoa học Việt Nam tân tiến làm chỗ dựa vững chắc cho nền độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc, một ước mơ tuy hiện còn xa vời vì nhiều lực cản giả tạo, nhưng chắc chắn không phải là viển vông và chắc chắn sẽ thực hiện  đuợc.

Anh Liễu sinh năm 1934, trở thành giáo sư thực thụ đại học Paris lúc 35 tuổi, thời ấy được coi là rất trẻ, nhất là ở một nước có truyền thống giáo dục lâu đời như Pháp.

Thành đạt cao, với một địa vị xã hội được vị nể ở chốn phồn hoa đô hội, trong khi đất nước còn nghèo đói, lại đang bị chia cắt và chiến tranh giày xéo, dễ có nhiều cớ để lãng quên quê hương. Nhưng anh Liễu không thế.

Anh đã tích cực tham gia mọi hoạt động ủng hộ đất nước trong từng thời kỳ, ngay vào những lúc gian khổ khó khăn nhất. Đất nước còn có những người con như anh thì dân tộc này vẫn còn nhiều hy vọng.



http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/tuanvietnam.net/Giao-su-Bui-Trong-Lieu--Ra-di-khi-long-con-tha-thiet/3974864.epi

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    L