Vĩnh biệt ông Bách Khoa Lê Ngộ Châu

Vietsciences- Dũ Lan Lê Anh Dũng   06/11/2006
 

Những bài cùng tác giả

Nhà báo Lê Ngộ Châu sinh ngày 30-12-1922, tại làng Phú Tải, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông từng làm hiệu trưởng một trường trung học ở Hà Nội (1951) trước khi sáng lập và làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Bách Khoa. Tòa soạn đặt tại nhà riêng của bà Châu (Nghiêm Ngọc Huân), số 160 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, quận 3).

Qua 426 số báo, Bách Khoa là nơi thường xuyên góp mặt những cây bút đứng đắn, tên tuổi như: Á Nam Trần Tuấn Khải (1895-1983); Bình Nguyên Lộc (1914-1988); Bùi Giáng (1926-1998); Đông Hồ (1906-1969); Giản Chi (1904-…); Hoàng Xuân Hãn (1908-1996); họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993); Nguyễn Văn Hầu (1926-1995); Nguyễn Văn Xuân (1921-…); Phạm Ngọc Thảo (1922-1965); Quách Tấn (1910-1992); Trần Văn Khê (1920-…); Võ Hồng (1921-…); Vương Hồng Sển (1902-1996), v.v…

Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) đánh giá: “Trong lịch sử báo chí của nước nhà, tờ Bách Khoa có một địa vị đặc biệt. Không nhận trợ cấp của chính quyền, không ủng hộ chính quyền mà sống được 18 năm từ 1957 đến năm 1975 bằng tờ Nam Phong, có uy tín tập hợp được nhiều cây bút giá trị như tờ Nam Phong, trước sau các cộng tác viên được khoảng 100 người.” (Hồi ký, tr. 415) “… nhiều học giả miền Bắc nhận (BK) là một tờ báo nghiêm chỉnh, có lập trường đứng đắn, lý luận vững, ngôn ngữ đàng hoàng, họ thích đọc BK để hiểu các vấn đề miền Nam…” (tr. 417).

Nói tới báo chí tiếng Việt ở Mỹ, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) hỏi: “Có tờ nào giữ được trình độ cao như BK xưa ở SG chăng?” (báo Văn học số 132, Mỹ, 1996).

Nhà văn Vũ Hạnh (còn dùng bút danh Cô Phương Thảo, sinh 1926) trong bản thảo “Một chặng đường bút mực”) đã viết: “Từ 1957 đến 1975, cộng tác với tờ báo này tôi đã lần lượt vào tù cả thảy bốn lần. Ở tòa soạn, thỉnh thoảng tôi gặp ông Phạm Ngọc Thảo thường viết về các đề tài quân sự, và trong lần tôi bị bắt đầu tiên, tại Sài Gòn, ông Lê Ngộ Châu đã nhờ ông Thảo, bấy giờ là tỉnh trưởng Bến Tre, can thiệp với thiếu tướng Nguyễn Văn Là, tổng giám đốc cảnh sát SG, để tôi sớm được tự do.”

Tại nhà riêng, 11 giờ sáng Chủ Nhật 24-9-2006, nhà báo Lê Ngộ Châu đã nhẹ nhàng ra đi. Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ Thành phố (đường Lê Quý Đôn, quận 3). Lúc 5 giờ sáng 26-9, ông được đưa về yên nghỉ trong đất riêng chùa Phổ Chiếu (Gò Vấp). Trong sổ tang, có hai câu thắm thiết của dịch giả Nguyễn Minh Hoàng (sinh 1933):

Duyên nợ Bách Khoa, anh vội ra đi, mây chiều gió sớm,

Cuộc đời dâu biển, tôi còn ở lại, ra ngẩn vào ngơ.

Đã đăng SGGP thứ Bảy, số 809, ngày 30-9-2006.

Bà Lê Ngộ Châu, các ông Lê Phương Chi, Trần Văn Chánh, Dũ Lan

(Nhà tang lễ Thành phố, tối Chủ Nhật 24-9-2006).

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Dũ Lan Lê Anh Dũng